Tác giả: Baabar | Biên dịch: Hoàng Tuấn Thịnh
Triều Tiên là nước thứ hai thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ, vào ngày 15/10/1948. Năm 1946, Liên Xô và Trung Quốc công nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, nhưng Chính phủ Quốc dân đảng ở Trung Quốc không thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ, đến năm 1950 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới mở Đại sứ quán của mình tại Ulan Bato. Do đó, Triều Tiên là quốc gia thứ hai trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ.
Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953), Mông Cổ là quốc gia cộng sản luôn đứng về phía Triều Tiên, đã giúp rất nhiều vật chất cũng như tinh thần. Ngoài việc cung cấp thịt cho Triều Tiên, Mông Cổ còn cung cấp ngựa chiến cho quốc gia này cũng như nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ em Triều Tiên bị mồ côi trong chiến tranh.
Mông Cổ nhiều lần đệ đơn gia nhập Liên Hiệp Quốc nhưng luôn bị phía Đài Loan ngăn cản. Những người Đài Loan viện cớ Mông Cổ đã đưa binh lính của mình tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên, chống lại liên quân của Liên Hiệp Quốc. Trên thực tế, đây là sự vu khống có mục đích của Đài Loan, sự việc này có thể bị nhầm lẫn bởi những binh lính Nội Mông, Trung Quốc bị động viên tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trước năm 1990, quan hệ Mông Cổ – Triều Tiên luôn diễn ra bình thường, đôi khi còn rất mật thiết. Trong khuôn khổ quan hệ giữa hai nhà nước và các đảng cộng sản cầm quyền, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã hai lần sang thăm Mông Cổ, lần cuối cùng diễn ra trong năm 1988. Chuyến thăm Triều Tiên năm 1987 của Chủ tịch Mông Cổ Jambyn Batmönkh được dư luận thế giới rất quan tâm; bởi vì trước chuyến thăm, cả thế giới nhận được tin đồn là Chủ tịch Kim Nhật Thành đã bị ám sát.
Kim ngạch thương mại giữa Mông Cổ và Triều Tiên tuy không lớn, nhưng không bị gián đoạn. Trong nhiều năm, trao đổi sinh viên giữa hai nước tuy số lượng ít, nhưng vẫn tiến hành thường xuyên. Trao đổi văn hóa, nghệ thuật song phương cũng được thực hiện thường xuyên. Khách du lịch thường đi theo con đường của Tổng Liên đoàn lao động của hai nước. Nhân chuyến thăm Mông Cổ năm 1988 của Chủ tịch Kim Nhật Thành, phía Mông Cổ đã đề nghị Triều Tiên cùng hợp tác khai thác mỏ than cốc Tavantolgoi của Mông Cổ (một trong 10 mỏ than cốc lớn nhất thế giới) và cả hai bên đã thỏa thuận được vấn đề này.
Đầu năm 1990, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (nay là Đảng Nhân dân Mông Cổ) quyết định không những công nhận Hàn Quốc mà còn thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Sau Hungary, Mông Cổ là một trong những quốc gia cộng sản bất ngờ quyết định như vậy. Tiếp đến, Ba Lan cũng quyết định tương tự. Triều Tiên đã tổ chức tuyên truyền khắp cả nước, coi Hungary và Ba Lan là những kẻ phản bội, nhưng Mông Cổ không bị bêu riếu như vậy. Tuy nhiên, Đại sứ Mông Cổ tại Bình Nhưỡng đã bị Bộ Ngoại giao Triều Tiên gọi lên phê phán, song thông tin này không được công khai ra ngoài. Mông Cổ và Triều Tiên là hai dân tộc có quan hệ hữu nghị lâu đời và rất hiểu biết lẫn nhau nên vẫn thân thiện với nhau. Vì thế, nếu coi người Mông Cổ là phản bội thì rất bất lợi cho quan hệ song phương.
Từ năm 1990, mối quan hệ tích cực Mông Cổ – Triều Tiên hầu như bị giẫm chân tại chỗ. Điều này có thể do Mông Cổ có mối quan hệ năng động, rộng mở với Hàn Quốc. Hộ chiếu của công dân Mông Cổ có dấu nhập cảnh vào Hàn Quốc đều bị cấm nhập cảnh vào Triều Tiên, và phía Hàn Quốc cũng áp dụng biện pháp tương tự. Năm 1990, khoản nợ thương mại của hai nước khoảng 600 nghìn rúp chuyển đổi vẫn còn đó. Đại sứ quán của hai nước tại Ulan Bato và Bình Nhưỡng vẫn hoạt động bình thường nhưng thụ động. Báo chí Mông Cổ được quyền tự do ngôn luận, không ít lần phê phán Triều Tiên, thậm chí còn bỡn cợt, châm biếm quốc gia này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại sứ quán Triều Tiên tại Mông Cổ luôn theo dõi và phản đối kịch liệt. Sau khi Kim Jong Il nắm quyền, quyển sách viết về mẹ ông đã được dịch sang tiếng Mông Cổ và phát hành tại đây. Theo sáng kiến và bằng tài trợ của Triều Tiên, tại Ulan Bato đã xây dựng trường Đại học Triết học phương Đông và mở lớp học về học thuyết Chủ thể của Triều Tiên.
Năm 1990, nguyên Thủ tướng Mông Cổ Gungaadorj được cử làm Đại sứ tại CHDCND Triều Tiên; cử chỉ này được coi là sự thể hiện mối quan tâm của Mông Cổ muốn tiếp tục giữ quan hệ ở mức độ cao với Triều Tiên.
Năm 1996, lần đầu tiên lực lượng dân chủ nắm quyền ở Mông Cổ. Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Mông Cổ – Triều Tiên được thành lập. Năm 1997, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị cùng với Trợ lý của mình đã sang thăm Triều Tiên theo lời mời của Đại sứ Mông Cổ tại Triều Tiên. Trước đó, ông ta sang thăm Nhật Bản, đề nghị nước này viện trợ gạo Thái Lan đang tràn ngập trên thị trường cho Triều Tiên. Có 4 quan chức Nhật Bản hứa viện trợ 4 tấn gạo; đáp lại Nhật Bản mong muốn Triều Tiên phải giải quyết vấn đề 1.800 phụ nữ Nhật Bản lấy chồng Triều Tiên trước khi xảy ra chiến tranh được về thăm quê hương. Sau khi người Nhật Bản tham khảo vấn đề này với người Mỹ, họ muốn trao quyền cho các phóng viên của Assosiated Press lần đầu tiên làm phóng sự ở Triều Tiên để khẳng định quốc gia này đang thực sự đối mặt với nạn đói khủng khiếp. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tiếp đón đoàn đại biểu rất thân tình và chấp nhận cả hai điều kiện đã nêu trên. Nhưng chỉ có 1% trong số 1.800 bà vợ tức là 18 người của nhóm đầu tiên được về thăm Nhật Bản. Các phóng viên của Assosiated Press lần đầu được vào Triều Tiên ghi hình ảnh cho cả thế giới biết về nạn đói đang hoành hành ở Triều Tiên, nhất là đối với trẻ em nước này. Nhưng tại Nhật Bản, Chính phủ mới lên thay đã từ chối cung cấp gạo như đã hứa, nói rằng nếu Triều Tiên trao trả các công dân Nhật Bản bị bắt cóc thì có thể sẽ viện trợ gạo.
Lúc đó, một công dân Ai Cập ra ứng cử chức Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đại diện của Hàn Quốc cũng ra tranh cử chức vụ này. Chính phủ Mông Cổ đã thảo luận với những người Triều Tiên về vấn đề này và họ đã quyết định ủng hộ ứng cử viên người Hàn Quốc.
Năm 1998, đã xảy ra hiện tượng hiếm thấy, có tới 21 đại biểu Quốc hội, tức gần 1/3 số đại biểu Quốc hội (Quốc hội Mông Cổ có 76 ghế) và Ngoại trưởng Mông Cổ đã sang thăm Triều Tiên. Cũng từ thời điểm đó, Chính phủ Mông Cổ bắt đầu viện trợ thực phẩm cho Triều Tiên. Năm 1999, máy bay của Hàng không dân dụng Mông Cổ chở 10 tấn thịt và đồ hộp bay thẳng sang Bình Nhưỡng để tặng cho nhân dân Triều Tiên; đồng thời ký Hiệp định hàng không bay thẳng giữa thủ đô hai nước. Cũng trong năm đó, Mông Cổ còn tặng cho Triều Tiên 20 tấn cồn nguyên chất. Hàng năm, Mông Cổ đều đặn cung cấp trên 10 tấn thịt gia súc cho Triều Tiên.
Năm 2000, Triều Tiên tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Ulan Bato do liên quan đến chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung (vì Mông Cổ tuyên bố ủng hộ chính sách Ánh dương của ông Kim Dae Jung – ND). Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Mông Cổ ngay lập tức đã bay sang Bình Nhưỡng thuyết phục Triều Tiên mở lại Đại sứ quán của mình tại Ulan Bato. Phía Mông Cổ hứa cấp trụ sở mới, cung ứng các tiện nghi, trang thiết bị bằng kinh phí của Mông Cổ, cũng như cấp miễn phí xăng dầu cho các xe ô tô của Đại sứ quán Triều Tiên tại Mông Cổ, các lao động Triều Tiên sang làm việc ở Mông Cổ được miễn thuế sử dụng lao động đối với người nước ngoài. Vì vậy, năm 2000, Quốc hội Mông Cổ đã thông qua nghị quyết miễn thuế sử dụng lao động người nước ngoài đến từ Triều Tiên. Đây là nghị quyết duy nhất về miễn thuế sử dụng lao động người nước ngoài tại Mông Cổ và cho tới nay vẫn còn hiệu lực. Hiệp định này được ký khi Thủ tướng Mông Cổ Amarjargal thăm Triều Tiên. Sau khi thăm Triều Tiên, Thủ tướng Amarjargal đã bay thẳng sang thăm Hàn Quốc.
Từ thời điểm đó, có tới ba Tổng thống, ba Thủ tướng và ba Ngoại trưởng Mông Cổ đã sang thăm Triều Tiên, trong khi đó phía Triều Tiên chỉ có Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên là cấp cao nhất và có một số Bộ trưởng Triều Tiên sang thăm Mông Cổ. Ở Mông Cổ, Chính phủ thường xuyên bị thay thế, nhưng bất cứ ai lên nắm quyền đều mong muốn góp phần mình vào việc thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, mỗi khi sang thăm Triều Tiên, lãnh đạo cấp cao của Mông Cổ đều mong muốn gặp trực tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và Kim Jong Un nhưng bất thành. Đã có lúc lãnh đạo Mông Cổ lấy cớ mang 700 nghìn USD tiền mặt để thanh toán nợ cho Triều Tiên để gặp lãnh đạo cao nhất nhưng không được Triều Tiên đáp ứng.
Chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj được coi là thành công nhất. Theo sáng kiến của Tổng thống Elbegdorj, tại thủ đô Ulan Bato đã diễn ra hai cuộc gặp bí mật giữa các quan chức Triều Tiên và Nhật Bản. Con em của những người phụ nữ Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc đã được gặp ông bà của mình tại thủ đô Ulan Bato. Tổng thống Elbegdorj khi thăm Triều Tiên đã có bài thuyết trình về nền dân chủ ở Mông Cổ.
Trong 20 năm qua, Triều Tiên đã nhiều lần cử đoàn sang tham dự các hội nghị quốc tế và khu vực được tổ chức tại Mông Cổ. Ngoài Mông Cổ, hầu như người Triều Tiên rất thờ ơ, thậm chí không tham gia các cuộc gặp trong khu vực. Chủ tịch thành phố Bình Nhưỡng đã tham dự cuộc gặp các thị trưởng luôn có tuyết rơi ở Đông Bắc Á theo sáng kiến của Thị trưởng Ulan Bato.
Quan hệ thương mại hai nước vẫn luôn nhỏ bé. Phía Mông Cổ không thể mua được bất kỳ thứ gì từ Triều Tiên. Về lĩnh vực đầu tư, luật pháp của Triều Tiên luôn gây nghi ngờ, không đáng tin cậy, khiến các doanh nghiệp Mông Cổ luôn cảnh giác. Những người Mông Cổ mở cửa hàng ở Bình Nhưỡng không đủ bản lĩnh tiếp tục đầu tư để thu lợi nhuận bằng đồng nội tệ của Triều Tiên. Phía Triều Tiên nhiều lần đề nghị cho thuê hoặc mua nơi neo đậu tại cảng biển Rajinsambon của mình, nhưng do môi trường đầu tư và pháp lý của Triều Tiên không rõ ràng nên các nhà đầu tư tư nhân Mông Cổ không mặn mà, tuy thảo luận rất nhiều vấn đề này. Ngược lại, từ phía Triều Tiên, họ luôn làm ăn có lãi, vì họ tổ chức kinh doanh nhỏ, mở phòng khám bệnh và các nhà hàng ở thủ đô Ulan Bato.
Có một điều mà phía Mông Cổ thường quan tâm là lực lượng lao động đến từ Triều Tiên. Theo hợp đồng ký kết giữa hai nước, hai bên đạt được thỏa thuận Mông Cổ nhận 10 nghìn người lao động Triều Tiên, nhưng trên thực tế, con số này chưa tới 5 nghìn người. Nguyên nhân chính là lực lượng lao động tại thị trường lao động Mông Cổ đã bị bỏ lỏng. Chủ sử dụng lao động Mông Cổ chủ yếu chỉ tiếp nhận công nhân xây dựng các công trình và làm cầu đường. Trong khi đó, do móc ngoặc cửa sau, những người không có chuyên môn, như giáo viên hay sỹ quan quân đội lại được cử sang Mông Cổ. Không ít trường hợp, công nhân Triều Tiên bị bệnh mãn tính, như bệnh lao được đưa sang làm việc ở Mông Cổ không được bao lâu đã chết vì bệnh tật. Nếu lao động Triều Tiên có tay nghề tốt và phù hợp và có kỷ luật thì sẽ được giới chủ Mông Cổ hoan nghênh.
Sự hợp tác giữa Mông Cổ và Triều Tiên ở cấp nhà nước và cá nhân đều bị phía Mỹ và Hàn Quốc nhiều lần phản đối. Do Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ thay đổi nên thái độ của họ đối với Triều Tiên cũng thay đổi theo, đôi khi Mỹ và Hàn Quốc tán thành quan hệ Mông Cổ – Triều Tiên, đôi khi họ lại không tán thành, thậm chí còn phản đối. Ví dụ, Triều Tiên đã tổ chức Lễ hội “Arirang” nhân dịp Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội bóng đá thế giới năm 2002. Lúc đó, Triều Tiên đã đề nghị Hàn Quốc tham gia Lễ hội “Arirang”, đưa du khách nước ngoài đến tham dự Lễ hội qua đường Ulan Bato. Đề nghị này của Triều Tiên đã được nhà cầm quyền Hàn Quốc nhiệt tình tán thành, nhưng đến khi diễn ra Lễ hội thì lại bất ngờ từ chối.
Có thông tin nói rằng, có khoảng 300 nghìn người Triều Tiên đang sinh sống ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Từ giữa những năm 1990, có rất nhiều người tỵ nạn Triều Tiên từ Trung Quốc chạy trốn sang Mông Cổ. Rất nhiều người tị nạn Triều Tiên bị thiệt mạng ở sa mạc Gô-bi, Mông Cổ hoang vắng, không người. Vì vậy, Chính phủ Mông Cổ đã có biện pháp bảo vệ những người tỵ nạn này. Theo nguyện vọng của những người tỵ nạn, họ được đưa tới Hàn Quốc hoặc Mỹ. Chỉ trong năm 2008, có tới 20 nghìn người tỵ nạn Triều Tiên chạy đến Hàn Quốc, trong đó có khoảng 7 – 8 nghìn người đi qua lãnh thổ Mông Cổ. Từ Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt biên giới, nên số lượng người tỵ nạn Triều Tiên chạy sang Mông Cổ đã giảm mạnh.
Triều Tiên không ít lần sử dụng mối quan hệ tốt với Mông Cổ để làm những điều sai trái. Năm 2000, công dân Triều Tiên mang sang Mông Cổ 100 nghìn USD giả để tiêu thụ nhưng đã bị bắt; kể cả việc họ đặt thiết bị kiểm soát phóng tên lửa của Triều Tiên tại thủ đô Ulan Bato. Thậm chí, một số sỹ quan quân đội Mông Cổ còn bị công dân Triều Tiên mua chuộc, đã bán các động cơ máy bay chiến đấu của Mông Cổ cho Triều Tiên để họ bí mật chuyển về nước. Triều Tiên cũng đưa nhiều người lao động vào Mông Cổ, vi phạm nghiêm trọng luật lao động của nước này.
Hiện Mông Cổ không có lợi ích nào về thương mại và kinh tế trong quan hệ với Triều Tiên. Mông Cổ có hai láng giềng khổng lồ là Nga và Trung Quốc. Trước năm 1990, Mông Cổ chỉ quan hệ duy nhất với Liên Xô về kinh tế, vì là quốc gia không có đường ra biển. Năm 1990, Mông Cổ chuyển sang thể chế dân chủ và kinh tế thị trường. Trong chính sách đối ngoại của mình, Mông Cổ đã có sự thay đổi cơ bản, ngoài quan hệ tốt với hai nước láng giềng (Nga và Trung Quốc), Mông Cổ đã thực hiện chính sách “láng giềng thứ ba” trong hoạt động đối ngoại của mình để tìm sự ủng hộ về chính trị, kinh tế từ các nước lớn trên thế giới. Mông Cổ quan hệ tốt với tất cả các nước, nghĩa là không thù địch với bất kỳ quốc gia nào, giữ vững trung lập về ý thức hệ và lĩnh vực quân sự. Về địa lý, Mông Cổ nằm ở khu vực Trung Á, nhưng về hội nhập quốc tế và khu vực hóa kinh tế thì Mông Cổ lại quan tâm nhiều hơn tới khu vực Đông Bắc Á. Vì vậy Mông Cổ luôn nỗ lực hội nhập quốc tế trong khu vực, bằng mọi cách tham gia tích cực lĩnh vực kinh tế, thương mại khu vực; và không thể gián đoạn mối quan hệ của mình với nước Triều Tiên vốn có quan hệ hữu nghị trong nhiều năm./.
Hoàng Tuấn Thịnh dịch từ bản gốc tiếng Mông Cổ: “Монгол-Хойд Солонгосын харилцаа сүүлийн гучин жилд”, Baabar.mn.
Ông Baabar tên thật là Bat – Erdene Batbayar, sinh năm 1954, là dịch giả, chính trị gia, nhà bình luận hàng đầu của Mông Cổ trong thế kỷ 20. Ông biết tiếng Nga, Ba Lan và Anh. Từng du học ở Ba Lan (1973 – 1980), Nga (1987 – 1989) và Anh (1990). Là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm khoa học, sản xuất Ký sinh trùng (1981 – 1991), Chủ tịch Đảng Dân chủ – Xã hội (1991 – 1994), Nhà bình luận tự do (1994 – 1996), Đại biểu Quốc hội (1996 – 2000), Bộ trưởng Tài chính (1998 – 1999), Trợ lý Thủ tướng (2004 – 2005), Giám đốc Nhà xuất bản “Nepko” từ năm 2006.
Trong những năm 1980, ông B. Batbayar lấy bí danh “Baabar” viết các bài viết mang tính phản bác lại lịch sử, tình hình chính trị – xã hội, dịch một số quyển sách được thanh niên Mông Cổ lúc đó bí mật truyền tay nhau đọc. Ông phê phán quan hệ Mông Cổ – Nga – Trung Quốc và chế độ cộng sản trong bài viết “Đừng quên. Nếu quên sẽ bị diệt”.
Từ những năm 1990, ông Baabar bắt đầu viết các bài bình luận về tình hình trong và ngoài nước. Giai đoạn 1996 – 2004, ông viết tác phẩm “Mông Cổ của thể kỷ XX: du mục, định cư”. Tác phẩm này của ông được nhận giải thưởng Nhà nước trong năm 2009. Ông là người đứng đầu câu lạc bộ “Baabar.mn” và “BaabarTV”, tập hợp các nhà bình luận nổi tiếng của Mông Cổ.