19/08/1919: Wilson vận động Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước Versailles

Nguồn: President Wilson appears before the Senate Foreign Relations Committee, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan

Vào ngày này năm 1919, trong một động thái khác với thông lệ, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã xuất hiện trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để tranh luận nhằm ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp ước Versailles, hòa ước chấm dứt Thế chiến I.

Trước đó, vào ngày 08 tháng 07, Wilson đã trở về từ Paris, Pháp, nơi các điều khoản của hiệp ước đã được thảo luận trong sáu tháng đầy căng thẳng. Hai ngày sau, ông đến trước Thượng viện Hoa Kỳ để trình bày Hiệp ước Versailles, bao gồm cả hiệp ước về Hội Quốc Liên (League of Nations), tổ chức gìn giữ hòa bình quốc tế mà Wilson đã hình dung trong bài phát biểu nổi tiếng “Mười Bốn Điểm” (Four Fourteen Points) của ông năm 1918 và đã đấu tranh rất kiên quyết ủng hộ nó ở Paris. “Liệu các ngài có dám từ chối nó?”, ông hỏi các thượng nghị sĩ, “và làm tan nát trái tim của cả thế giới không?”

Về phần mình, 96 thành viên của Thượng viện đã bị chia rẽ. Mối quan tâm chính của họ với hiệp ước liên quan đến Hội Quốc Liên. Một điều khoản quan trọng trong hiệp ước của liên minh này, vốn sẽ tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong vài tuần tiếp theo, yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên “phải tôn trọng và chống lại sự xâm lược từ bên ngoài đối với tính toàn vẹn lãnh thổ và sự độc lập chính trị hiện có của tất cả các Thành viên Liên minh.” Nguyên tắc an ninh tập thể này được nhiều người cho là cản trở sự độc lập được ca tụng của nước Mỹ. Ít nhất sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, được mệnh danh là “Những người không nhân nhượng”, đã kiên quyết phản đối Hiệp ước, trong khi chín người khác là “Những người bảo lưu ôn hòa”, và quan ngại lớn nhất của họ đối với hiệp ước, và đặc biệt là Hội Quốc Liên, là chủ quyền của Hoa Kỳ phải được bảo vệ. Khoảng 36 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không ra được quyết định. Trong khi đó dù hầu hết các nghị sĩ Dân chủ công khai ủng hộ Wilson, nhưng nhiều người đã kín đáo suy nghĩ theo xu hướng của những người bảo lưu ôn hòa.

Tình hình diễn ra như vậy vào ngày 31 tháng 07, khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đứng đầu là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Henry Cabot Lodge (và là kẻ thù chính trị của Wilson), bắt đầu sáu tuần điều trần về Hiệp ước Versailles. Đảng Cộng hòa của Lodge chỉ hơn phe Dân chủ hai người tại Thượng viện, và Wilson có thể đã giành được sự ủng hộ của những người ôn hòa trong số họ – những người bảo lưu ôn hòa và những người chưa quyết định – từ đó xây dựng một liên minh ủng hộ việc phê chuẩn hiệp ước bằng cách chấp nhận một số bảo lưu. Tuy nhiên, Wilson hoàn toàn không sẵn lòng chấp nhận bất kỳ sự thay đổi hoặc thỏa hiệp nào đối với hiệp ước hoặc đối với Hội Quốc Liên. Sức khỏe thể chất và tinh thần của ông xấu đi trong mùa hè năm đó,  nhưng Wilson đã phá vỡ truyền thống để xuất hiện trực tiếp trước ủy ban vào ngày 19 tháng 08, thể hiện rõ ràng rằng ông tiếp tục giữ vững lập trường trên tất cả các điểm.

Bốn ngày sau, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã bỏ phiếu về sửa đổi đầu tiên trong hiệp ước – việc hủy bỏ quyết định trao cho Nhật Bản Bán đảo Sơn Đông và trả lại nó cho Trung Quốc kiểm soát. Tức giận, Wilson quyết định đi vận động trực tiếp người dân Mỹ. Vào ngày 02 tháng 09 năm 1919, ông bắt đầu một chuyến vận động trên khắp đất nước, đôi khi thực hiện tới ba bài phát biểu trong một ngày. Sự căng thẳng của chuyến đi đã phá hủy sức khỏe của ông. Mệt mỏi vì kiệt sức, ông trở về Washington vào cuối tháng 9 và phần còn lại của chuyến đi đã bị hủy bỏ. Vào ngày 02 tháng 10, trở lại Nhà Trắng, Wilson bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng khiến ông bị liệt một phần; ông sẽ không bao giờ thực hiện được vai trò tổng thống một cách hiệu quả nữa.

Tuy nhiên, ông tiếp tục tác động đến các tiến trình hiệp ước từ giường bệnh. Hiệp ước đã được đưa ra trước Thượng viện trong suốt tháng 10 và một phần của tháng 11, với tổng số 12 sửa đổi đã bị chặn bởi các đảng viên Dân chủ và đảng viên Cộng hòa ôn hòa. Lodge đã huy động được sự ủng hộ của phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa, và phiếu bầu của họ đủ để trói buộc một số bảo lưu trước khi tiến hành một cuộc bỏ phiếu để phê chuẩn hiệp ước – bảo lưu quan trọng nhất được gắn với Điều X, nói rằng Hoa Kỳ sẽ không hành động để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ thành viên Hội Quốc Liên nào trừ khi được Quốc hội phê chuẩn.

Wilson dù trên giường bệnh vẫn duy trì quyết tâm; khi được thông báo về vấn đề bảo lưu, ông nói “Điều đó đã cắt bỏ đi trái tim của hiệp ước.” Sau khi Wilson bày tỏ sự phản đối kịch liệt về việc phê chuẩn các điều khoản này, Thượng viện đã bỏ phiếu về bản đề xuất của Lodge. Nó đã bị đánh bại bởi đa số đảng viên Dân chủ trung thành với Wilson cùng những đảng viên Cộng hòa “Không nhân nhượng”, những người chống lại việc phê chuẩn dưới mọi hình thức. Một nỗ lực cuối cùng của những người ôn hòa để tìm ra sự thỏa hiệp đã tiến gần đến thành công – bất chấp những nỗ lực của Wilson để ngăn chặn nó – và khi Thượng viện bỏ phiếu vào ngày 19 tháng 03 năm 1920 về một nghị quyết phê chuẩn mới, 23 đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ, và nghị quyết được thông qua. Tuy nhiên, nó đã không giành được đa số 2/3 cần thiết, và Thượng viện đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước Versailles.

Mặc dù Wilson, người vừa được trao giải Nobel Hòa bình, nuối tiếc vì hiệp ước không được phê chuẩn, nhưng ông không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp. Mặc dù Hoa Kỳ sau đó đã ký các hiệp ước riêng lẻ với Đức và Áo-Hung, nhưng họ không bao giờ tham gia Hội Quốc Liên, một điều gần như chắc chắn đã góp phần vào sự không hiệu quả của tổ chức này trong những thập niên tiếp theo, cho đến khi Thế Chiến II bùng nổ.