Tại sao khối Ả Rập ngày càng chia rẽ?

Nguồn: Jasmine M. El-Gamal, “Is Arab Unity Dead?”, Project Syndicate, 12/09/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Trong lịch sử, nhiệm vụ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương ở Trung Đông thuộc về hai tổ chức: Liên đoàn Ả Rập, một liên minh hợp tác rộng rãi về các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa, và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh tế. Bất chấp sự khác biệt về lịch sử, trọng tâm và thành phần tham gia, cả hai cơ quan này đều có ý định trở thành phương tiện đảm bảo sự thống nhất của khối Ả Rập trong các vấn đề quan trọng – như chống lại Israel – và tránh xung đột giữa các quốc gia thành viên.

Trong nhiều thập niên, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã giúp tập hợp các quốc gia Ả Rập xung quanh một mục tiêu chung là ủng hộ tư cách nhà nước của Palestine. Nhưng kể từ cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011, ba vấn đề gây chia rẽ hơn đã xuất hiện: nhận thức về mối đe dọa từ Iran, sự lây lan của khủng bố khu vực, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị.

Những diễn tiến này đã phá vỡ các liên minh truyền thống và tạo ra nhiều mô hình hợp tác đa phương linh hoạt hơn trong khu vực. Và chính sách hiện tại của phương Tây đối với Trung Đông – đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ – có khả năng củng cố xu hướng này.

Đầu tiên, các chính phủ Ả Rập Sunni coi ảnh hưởng và các hoạt động tại khu vực của Iran là mối đe dọa cơ bản đối với lợi ích của họ. Sự cạnh tranh ngày càng mang tính thù địch giữa một bên là Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với một bên là Iran đã làm lu mờ sự đối đầu chung truyền thống của các nước này với Israel. Thật vậy, một số chính phủ Ả Rập đang hợp tác chặt chẽ một cách chưa từng có với Israel để giải quyết mối đe dọa Iran. Sự hợp tác này, phần lớn diễn ra ở hậu trường, đã trở nên công khai vào tháng 2 năm 2019 tại một hội nghị “chống Iran” do Mỹ dẫn dắt tại Warsaw, điều được Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu ca ngợi là một bước đột phá trong quan hệ Ả Rập – Israel. Những mối quan hệ này có thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi Ả Rập Saudi và Iran tiếp tục cạnh tranh chiến lược và đối đầu thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.

Thứ hai, mối đe dọa khủng bố thánh chiến trên khắp Trung Đông đã trở nên trầm trọng hơn bởi các cuộc xung đột bạo lực ở Syria và Libya, và đã trở thành hiện thực qua nhiều cuộc tấn công ở Ai Cập, Tunisia, Jordan và các quốc gia khác, gây căng thẳng cho Liên đoàn Ả Rập và khiến các quốc gia thành viên quay sang chống lại nhau. Ví dụ, sau khi lãnh đạo lúc bấy giờ của Libya là Muammar el-Qaddafi dùng vũ lực đàn áp một cuộc nổi dậy ở nước ông hồi đầu năm 2011, Liên đoàn đã đình chỉ tư cách thành viên của Libya và tích cực ủng hộ NATO hạ bệ Qaddafi, cũng như cung cấp hỗ trợ cho phiến quân Libya vào cuối năm đó.

Ngay sau đó, các thành viên Liên đoàn Ả Rập đã tố cáo Tổng thống Syria Bashar al-Assad hậu thuẫn khủng bố trong khu vực, đồng thời trục xuất Syria ra khỏi tổ chức này. Ngày nay, Liên đoàn bị chia rẽ quanh vấn đề tư cách thành viên của Syria. Một số quốc gia Ả Rập Sunni phản đối mạnh mẽ, cho rằng Assad đã cho phép Iran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và hậu thuẫn cho các nhóm dân quân người Shia, như Hezbollah ở Lebanon, qua đó đe dọa trực tiếp đến chế độ của họ. Tuy nhiên, chính phủ Iraq và Tunisia đã công khai kêu gọi cho phép Syria được tái gia nhập Liên đoàn.

Cuối cùng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị sau Mùa xuân Ả Rập – bao gồm cả việc những người theo chủ nghĩa Hồi giáo thắng cử ở các quốc gia như Ai Cập và Tunisia – đã làm gia tăng sự chia rẽ khu vực. Sợ hãi trước sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo, chính quyền ở Ai Cập, Ả Rập Saudi và UAE đã phát động một nỗ lực liên tục và có phối hợp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng đang gia tăng của các nhóm như Huynh đệ Hồi giáo trong khu vực. Ví dụ ấn tượng nhất cho điều này là việc quân đội Ai Cập vào năm 2013 đã buộc phải lật đổ Mohamed Morsi, một thành viên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo và là tổng thống dân cử đầu tiên của nước này. Các quốc gia Ả Rập bị chia rẽ vì việc lật đổ Morsi, với một bên là Ả Rập Saudi và UAE ủng hộ, còn bên kia là Qatar kiên quyết phản đối.

Ba vấn đề này không chỉ làm rạn nứt Liên đoàn Ả Rập mà còn chia rẽ cả GCC vốn thường tập trung vào vấn đề kinh tế. Đáng chú ý nhất là việc Ả Rập Saudi, Bahrain, UAE và Ai Cập, một quốc gia không phải thành viên của GCC, đã tiến hành một cuộc phong tỏa chính trị và kinh tế chống lại Qatar kể từ năm 2017, tuyên bố rằng nước này ủng hộ khủng bố khu vực và cho phép thủ đô Doha của họ hoạt động như một nơi trú ẩn an toàn cho những người theo chủ nghĩa Hồi giáo lưu vong. Mối quan hệ chặt chẽ của Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa đa phương truyền thống ở Trung Đông trùng hợp với một sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump. Người tiền nhiệm của ông, Barack Obama, rất ủng hộ chủ nghĩa đa phương và xây dựng liên minh, qua đó tạo điều kiện cho thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và sự can thiệp quân sự do NATO lãnh đạo trước đó vào Libya. Ngược lại, Trump tự hào tuyên bố thái độ khinh thường của ông đối với các thể chế đa phương và thích làm việc với các đối tác (cũng như đối thủ) cùng chí hướng trên cơ sở song phương. Hơn nữa, sự phản đối kiên quyết của ông đối với Iran đã khiến ông đưa Mỹ hợp tác chặt chẽ với khối các nước chống Iran trong khu vực.

Cách tiếp cận của chính quyền Trump khiến nhiều khả năng các chính phủ Ả Rập sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh khu vực cụ thể về các vấn đề chủ chốt thay vì cố gắng đạt được sự đồng thuận rộng rãi hơn trong nội bộ Liên đoàn Ả Rập và GCC. Vì vậy triển vọng cho sự thống nhất của khối Ả Rập, vốn đã rất mong manh, sẽ còn càng mờ nhạt hơn nữa.

Jasmine M. El-Gamal là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Rafik Hariri về Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương.