Thế giới hôm nay: 20/09/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quốc hội Áo đã bỏ phiếu phủ quyết thỏa thuận thương mại được đàm phán giữa Liên minh châu Âunhóm Mercosur của các nước Nam Mỹ. Các nghị sĩ lo ngại Brazil, một nước sẽ tham gia thỏa thuận này, không kiểm soát được các đám cháy trong rừng nhiệt đới Amazon. Pháp và Ireland cũng bày tỏ quan ngại. Hiệp định thương mại này mất 20 năm để đàm phán nhưng phải được tất cả các thành viên EU phê chuẩn.

Sau khi không đạt được thế đa số để lập chính phủ, Thủ tướng Binyamin Netanyahu của Israel đã mời đối thủ chính của mình thảo luận về thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Nhưng Benny Gantz, lãnh đạo của đảng Xanh và Trắng trung tả, dường như đã từ chối. Đảng của ông, đang dẫn đầu sau khi 98% số phiếu được kiểm, kêu gọi đảng Likud loại bỏ ông Netanyahu.

Justin Trudeau, thủ tướng Canada, đã xin lỗi sau khi tạp chí Time đăng tải bức ảnh ông trang điểm “mặt nâu” tại một bữa tiệc hóa trang năm 2001. Ông cũng thừa nhận đã đeo mặt đen trong một chương trình tài năng ở trường trung học. Trước thềm cuộc bầu cử liên bang ngày 21 tháng 10, các đối thủ chính trị của ông Trudeau đã lên tiếng buộc tội ông phân biệt chủng tộc.

Các lãnh đạo châu Âu cho ông Boris Johnson thêm 12 ngày để đưa ra một giải pháp thay thế cụ thể cho thỏa thuận Brexit hiện tại. Thủ tướng Anh nói một cách mơ hồ về các giải pháp “kỹ thuật”  nhằm ngăn chặn một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ailen sau Brexit, song đã làm các nhà đàm phán EU khó chịu vì thiếu chi tiết.

Một tòa phúc thẩm Tunisia phán quyết rằng ông Nabil Karoui, một trong hai ứng cử viên sẽ tham gia vòng bầu cử tổng thống bổ sung, phải tiếp tục ở tù. Karoui, ông trùm truyền thông giành 16% số phiếu bầu trong vòng một tuần trước, đang bị điều tra về tội rửa tiền và gian lận thuế. Ông nói các cáo buộc có động cơ chính trị. Song ông sẽ vẫn có thể tiếp tục cuộc đua.

Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo của đảng cánh tả La France Insoumise, đã ra hầu tòa đối mặt với cáo buộc đe dọa các quan chức đang điều tra ông. Các công tố viên đã tiến hành hai cuộc điều tra sơ bộ, một là cáo buộc về sai phạm liên quan đến tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Mélenchon, và một là lạm dụng ngân quỹ từ Nghị viện châu Âu. Ông nói các cuộc điều tra có động cơ chính trị.

Trong một ngày bận rộn của các ngân hàng trung ương, nhiều bên đã bắt đầu rục rịch điều chỉnh sau khi Fed cắt giảm lãi suất ở Mỹ hôm thứ Tư. Ngân hàng trung ương Indonesia cắt giảm lãi suất, trong khi Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ tiếp tục giữ mức cũ. Ngược lại, ngân hàng trung ương Na Uy lại tăng lãi suất một lần nữa, song cho biết đây có thể là lần tăng cuối cùng cho một khoảng thời gian tới.

TIÊU ĐIỂM

Thủ tướng Australia và New Zealand thăm Mỹ

Rất ít lãnh đạo Australia được Nhà Trắng rải thảm đỏ chào đón nồng nhiệt như Scott Morrison vào cuối tuần này. Tối nay, Tổng thống Donald Trump sẽ tổ chức một bữa tối “thân mật” với khoảng 100 khách mời mà nhân vật chính sẽ là thủ tướng Australia. Ông Morrison đã cố gắng có được sự ủng hộ từ chính quyền Trump. Nước ông phải dựa vào Mỹ để bảo vệ mình trước ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Không như hầu hết các đồng minh khác của Mỹ, Australia đã đồng ý gửi quân đội để giúp tuần tra Vịnh Ba Tư. Thêm nữa, Australia đang có thâm hụt thương mại với Mỹ, và ông Morrison, cũng như ông Trump, là một người bảo thủ xã hội khác hẳn phần còn lại. Đối lập lại là cuộc gặp mặt kém sặc sỡ hơn của ông Trump dự kiến vào thứ Hai tới với vị Thủ tướng tiến bộ của New Zealand, bà Jacinda Ardern. Bà cũng sẽ có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Morrison và ông Trump dự kiến sẽ bỏ qua sự kiện này.

Nhật tổ chức World Cup Rugby

Trận đấu khai mạc World Cup Rugby ở Nhật Bản hôm nay sẽ là trận đầu tiên trong lịch sử 32 năm của sự kiện được tổ chức bên ngoài các vùng đất truyền thống. Người nước ngoài, chủ yếu đến từ Anh, Australia và Ireland, đã mua một phần ba trong số 1,8 triệu vé của giải đấu, trong đó 20 đội quốc tế hàng đầu sẽ tranh tài trong bảy tuần. Ngay cả khi không có World Cup, khách du lịch vẫn đổ xô đến Nhật Bản. Nước này đã đi từ một trong những điểm đến du lịch ít nổi bật trở thành một trong các nền du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Hơn 31 triệu người đã đến Nhật vào năm ngoái, gấp ba lần con số của năm 2013. Dự kiến sẽ có khoảng 40 triệu người vào năm 2020, khi Tokyo đăng cai Thế vận hội. Một số thành phố tổ chức World Cup Rugby phàn nàn rằng họ đang bị tràn ngập bởi các gaijin (người nước ngoài) cư xử tồi tệ. Song lòng hiếu khách của người Nhật rồi sẽ thắng. Một số khu nghỉ dưỡng suối nước nóng thậm chí còn nới lỏng quy tắc của họ về hình xăm, điều mà ở Nhật đồng nghĩa với các yakuza (băng đảng xã hội đen).

Bốn tài sản cùng đáo hạn trên thị trường chứng khoán Mỹ

Halloween đã đến sớm cho các nhà giao dịch, nhưng thay vì đáng sợ nó sẽ ngọt ngào với họ. Hôm nay là ngày “bốn phù thủy” (“quadruple witching” day) khi hợp đồng tương lai chỉ số, quyền chọn chỉ số cổ phiếu, quyền chọn cổ phiếu và hợp đồng tương lai cùng đáo hạn. Việc đáo hạn của bốn loại tài sản này dẫn đến khối lượng giao dịch tăng lên, đồng nghĩa với nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà giao dịch. Sự kiện này xảy ra bốn lần một năm. Lần cuối cùng là ngày 21 tháng 6, khi khối lượng giao dịch cao hơn 27% so với mức trung bình năm 2019.

Mặc dù rất dễ dự đoán lượng giao dịch gia tăng, song xu hướng giá tài sản sẽ khó xác định hơn. Ngày phù thủy hôm nay chỉ diễn ra vài ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang phải can thiệp lần đầu tiên trong một thập niên sau khi thị trường tiền tệ đẩy lãi suất liên bang thực tế lên trên mục tiêu của Fed. Thị trường đã bình tĩnh kể từ đó nhờ hành động kịp thời của Fed. Nhưng trong bối cảnh ấy, ngày phù thủy hôm nay có thể đáng sợ hơn bao giờ hết.

Chính sách khí hậu của Đức

Đức sẽ không thể hoàn thành mục tiêu của năm 2020 về cắt giảm lượng khí thải carbon, và cũng không đạt được mức của năm 2030. Hôm nay chính phủ sẽ công bố các biện pháp được thiết kế để đưa đất nước trở lại đúng hướng. Trong bối cảnh có các khoản trợ cấp và quy định nhằm cắt giảm khí thải từ giao thông, sưởi ấm trong nhà và các hoạt động tương tự, một trở ngại có thể là một hình thức định giá carbon. Chính xác là hình thức nào sẽ còn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa hai liên minh chính.

Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo của Angela Merkel muốn giới thiệu một chương trình giao dịch carbon quốc gia cho các lĩnh vực không thuộc phạm vi EU, trong khi đảng Dân chủ Xã hội đang thúc đẩy thuế carbon. Chi phí được dự đoán ở mức €40 tỷ ($44 tỷ) trong bốn năm. Nhưng để tránh vi phạm “trần nợ” hiến định, thì chính phủ có thể đề xuất tài trợ cho một số dự án thông qua “trái phiếu khí hậu” giá cao phát hành cho các nhà đầu tư tư nhân. Cắt giảm khí thải là quan trọng; nhưng cân bằng thu chi cũng vậy.

Hội nghị thường niên Công đảng Anh và vấn đề Brexit

Công đảng đối lập của Anh sẽ bước vào vào cuộc phản đối Brexit hàng năm của họ tại hội nghị đảng, diễn ra ở Brighton vào thứ Bảy. Lần này, tranh cãi sẽ về lập trường chính trị của đảng nếu có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Công đảng ủng hộ một cuộc bỏ phiếu lần thứ hai giữa một tùy chọn Brexit “đáng tin cậy” và một tùy chọn ở lại EU. Nhưng Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng, đã bỏ ngỏ lựa chọn thật sự của cả đảng, chỉ cam kết là sẽ thực hiện bất kỳ tùy chọn nào được người dân quyết định.

Điều này đã gây khó chịu cho một số nhà hoạt động và nghị sĩ, những người cố gắng đưa đảng quay lại việc ủng hộ việc ở lại EU – điều mà cử tri của họ ủng hộ. Nhiều người lo ngại bởi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy họ đang bị đảng Dân chủ Tự do, một đảng ủng hộ EU rõ ràng hơn, vượt mặt. Nhưng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt: phần lớn các công đoàn thương mại, vốn có tiếng nói lớn trong chính sách của Công đảng, ủng hộ quan điểm của ông Corbyn.