Nguồn: St. Paul’s Cathedral bombed, History.com
Biên dịch: Lê Hồng Loan
Vào ngày này năm 1940, trong trận chiến ở Anh, Không quân Đức (Luftwaffe) đã phát động một cuộc không kích ban đêm vào London. Mái vòm của Nhà thờ St. Paul đã bị một quả bom của Đức Quốc xã xuyên thủng và biến thánh đường thành đống đổ nát. Đó là một trong số ít những lần mà nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 17 này bị thiệt hại đáng kể trong suốt các cuộc ném bom gần như không ngừng nghỉ của Đức vào London mùa thu năm 1940.
Theo truyền thuyết, một ngôi đền La Mã thờ nữ thần Diana đã từng được xây dựng trên đồi Ludgate tại chính địa điểm của Nhà thờ St. Paul. Vào năm 604 SCN, Vua Aethelberht I đã đặt tên thánh đường Thiên Chúa giáo đầu tiên ở đó theo tên Thánh Paul. Nhà thờ đó đã bị đốt cháy, và công trình thay thế của nó đã bị người Viking phá hủy vào năm 962.
Một nhà thờ thứ ba đã bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1087 và được thay thế bởi một công trình kiến trúc Norman vĩ đại được hoàn thành vào thế kỷ thứ 13. Đến thế kỷ 16, nhà thờ thứ tư rơi vào tình trạng đổ nát và bị hư hại do hỏa hoạn, cũng như vì tác động của các cuộc nội chiến ở Anh vào thế kỷ 17. Vào những năm 1660, kiến trúc sư người Anh Sir Christopher Wren đã được thuê để sửa chữa nhà thờ, nhưng trận Đại hỏa hoạn ở London đã phá hủy Nhà thờ St. Paul cũ vào năm 1666.
Sau vụ hỏa hoạn, Wren đã thiết kế một Nhà thờ chính tòa St. Paul mới, với hàng chục nhà thờ mới nhỏ hơn nằm xung quanh nó như các vệ tinh. Nhà thờ lớn này là kiệt tác của Wren, với thiết kế kiểu baroque và mái vòm trang nghiêm, nổi bật. Wren tự đặt khối đá móng vào năm 1675 và năm 1710 đặt viên đá cuối cùng vào công trình. Khi vị kiến trúc sư qua đời vào năm 1723, ông được chôn cất với nghi lễ long trọng tại nhà thờ St. Paul. Một dòng chữ gần bia mộ của ông ghi bằng tiếng Latin “Lector, si monumentum requiris, circumspice”, có nghĩa là “Nếu quý vị tìm kiếm một tượng đài, hãy nhìn xung quanh”. Nhiều công dân Anh nổi tiếng khác sau đó đã được chôn cùng ông trong các hầm mộ của nhà thờ St. Paul, bao gồm các anh hùng quân đội Lord Nelson và Công tước xứ Wellington.
Nhà thờ St. Paul trở thành nguồn cảm hứng cho người dân Anh trong Thế chiến II. Trong Trận chiến nước Anh, Không quân Đức đã cố gắng đánh bom khiến nước Anh phải khuất phục bằng cách nã bom xuống London và các thành phố lớn khác, nhưng Nhà thờ St. Paul đã thoát khỏi thiệt hại từ trận đánh bom lớn đó một cách kỳ diệu, ngay cả khi các tòa nhà lịch sử gần đó bị biến thành đống đổ nát.
Những hình ảnh của Nhà thờ St. Paul ngập trong khói lửa đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần bất khuất của nước Anh. Các lữ đoàn phòng thủ dân sự, bao gồm cả Đội phòng cháy St. Paul, đã bảo vệ công trình khỏi hỏa hoạn, và có lúc một quả bom chưa nổ đã được liều mạng gỡ khỏi nóc nhà thờ. Bất chấp những thiệt hại gây ra vào đêm 09/10/1940, nhà thờ vẫn tồn tại qua cuộc oanh kích nước Anh mà hầu như không bị hư hại. Năm 1944, tiếng chuông từ Nhà thờ St. Paul vang lên để chào mừng ngày giải phóng Paris, và vào năm 1945, sự kiện đánh dấu cuộc chiến kết thúc ở châu Âu đã có 35.000 người tham dự.