Kết cục nào cho khủng hoảng Hồng Kông?

Nguồn:Tiananmen veterans view Hong Kong’s crisis with fatalism”, The Economist, 10/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Han Dongfang đã học được bài học cay đắng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sẵn sàng gây đổ máu để thực thi ý chí của mình. Là một nhà hoạt động trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989, ông đã có mặt ở quảng trường Thiên An Môn tràn ngập tin đồn vào đầu tháng 6 và trấn an những người biểu tình đang sợ hãi rằng, với tư cách là một cựu quân nhân rồi trở thành thợ điện đường sắt, ông chắc chắn rằng Quân Giải phóng Nhân dân sẽ không bao giờ bắn vào đồng bào Trung Quốc. Vẫn bị ám ảnh bởi sai lầm đó, ông đã lên tiếng báo động vào tháng 9 năm 2014 khi chứng kiến ​​các nhà hoạt động dân chủ trong phong trào Chiếm Trung tâm đang chặn các đường phố ở Hồng Kông, nơi ông sống lưu vong. Nhanh chóng đến nơi diễn ra các cuộc biểu tình, ông Han ngồi bên cạnh những người trẻ tuổi và thúc giục họ hành động lý trí. Đừng chặn đường nữa, ông khuyên, các bạn đang cho cảnh sát, hoặc tệ hơn, binh lính Trung Quốc đang ẩn mình vô hình trong doanh trại Hồng Kông, một cái cớ để tấn công.

Bước sang năm 2019, và một thế hệ các nhà hoạt động cấp tiến mới đã thách thức các lãnh đạo Trung Quốc đưa quân vào đường phố Hồng Kông và phơi bày bản chất thật sự của Trung Quốc bằng cách gây đổ máu. Cho dù họ đang giẫm đạp lên quốc kỳ Trung Quốc, phá hoại các trạm tàu ​​điện ngầm, tấn công cảnh sát hoặc đánh nhau với những phần tử côn đồ trung thành với đảng, những người biểu tình cứng rắn đã mang một nguồn năng lượng đầy giận dữ, cuồng nộ tới cho một phong trào từng được chú ý vì sự chừng mực của nó. Các cuộc tuần hành lớn đầu tiên hồi tháng 6 thuộc về một giai đoạn “ngây thơ” hơn, khi người Hồng Kông tuần hành hòa bình lên tới hàng trăm ngàn người để phản đối một đạo luật sẽ khiến họ bị rủi ro trước hệ thống tư pháp đại lục. Một số người hát những bài thánh ca hoặc gom các chai nước để tái chế.

Giờ đây, rủi ro kích động các lãnh đạo ở Bắc Kinh đang lớn hơn bao giờ hết. Các sĩ quan cảnh sát Hồng Kông – đã kiệt sức và chán nản sau 17 tuần bảo vệ thẩm quyền của các lãnh đạo chính trị đang bị phỉ nhổ của Hồng Kông – sẵn sàng dùng đến dùi cui, hơi cay và bắt giữ bất cứ ai mà họ coi là mối đe dọa, trong khi liên tục nhắm mắt làm ngơ trước những phần tử côn đồ thân Bắc Kinh. Doanh trại quân đồn trú tại Hồng Kông đã được tăng cường với hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát bán quân sự từ đại lục, sẵn sàng nhận lệnh từ những lãnh đạo cứng rắn ở Bắc Kinh.

Ông Han có nhiều thứ để mất. Các quyền tự do kiểu phương Tây của Hồng Kông không chỉ mang đến cho ông một nơi trú ẩn. Chúng còn cho phép ông có thể điều hành Bản tin Lao động Trung Quốc, một tổ chức vận động cho quyền của người lao động ở đại lục. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, ông đang suy nghĩ lại về lời khuyên của mình dành cho những người biểu tình trong phong trào Chiếm Trung tâm rằng họ nên chừng mực. “Lúc đó, tôi cảm thấy kinh nghiệm của mình ở Quảng trường Thiên An Môn là có ý nghĩa”, ông Han nói. Nhưng bây giờ ông nghĩ rằng những lời cảnh báo của ông thật vớ vẩn và là một kiểu suy nghĩ kiêu ngạo. Ông nói rằng những người trẻ tuổi bây giờ hiểu biết về Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều hơn so với ông 30 năm trước. Khi những người trẻ tuổi tuyên bố họ tự hào là người Hồng Kông và không cảm thấy có gì gắn bó với Trung Quốc, họ đang sử dụng các quyền tự do chính trị và dân sự của thành phố để định hình bản thân và từ chối bản sắc Trung Quốc, ông nói. Các bước ngoặt trong lịch sử không phải lúc nào cũng hữu lý, tốt hay xấu, ông nói thêm. Đơn giản là chúng đã diễn ra như vậy.

Quan điểm định mệnh luận đó của ông Han nói lên nhiều điều và phản ánh sự thay đổi trong công luận Hồng Kông. Mặc dù các hành động bạo lực gần đây của người biểu tình đã làm thất vọng nhiều người, nhưng các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy người Hồng Kông vẫn giận dữ với cảnh sát và chính quyền, những người có trách nhiệm giữ vững trật tự và luật pháp một cách không thiên vị. Trong khi đó, ngay cả những người phản đối các hành động cực đoan của người biểu tình cũng thừa nhận rằng sự tiết chế cũng không mang lại kết quả tích cực. Khi được hỏi cuộc đối đầu này có thể kết thúc như thế nào, ông Han nói rằng, mặc dù nghe có vẻ tàn nhẫn với một số người, nhưng “việc nó kết thúc như thế nào không còn quan trọng nữa. Vấn đề là nó đã bắt đầu.” Hoặc là Trung Quốc đưa ra những cải cách dân chủ thực sự cho Hồng Kông, hoặc có thể sử dụng vũ lực và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng sẽ làm rung chuyển Trung Quốc và khu vực ngoại vi.

Mục sư Chu Yiu-ming đang ở độ tuổi 40 khi ông chứng kiến ​​cuộc đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn. Năm năm trước, ông Chu, một mục sư Báp-tít từ Chai Wan ở phía đông Hồng Kông, đã thuyết giảng về bất bạo động và dẫn lời Martin Luther King khi ông đồng sáng lập phong trào Chiếm Trung tâm. Bị kết án tội vi phạm trật tự công cộng, ông Chu, 75 tuổi, chỉ thoát khỏi cảnh tù tội với lý do tuổi tác và có đóng góp cho cộng đồng. Trong một bài phỏng vấn tại nhà thờ của mình, ông nói về những đêm mất ngủ vì lo lắng cho những thanh niên trên đường phố ngày nay, những người bị bắt vì tội bạo loạn, điều có thể khiến họ phải ngồi tù mười năm. Tuy nhiên, ông nói rằng ngay cả những “chiến binh tiền tuyến”, biệt danh của những người biểu tình cực đoan, cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành phần trong xã hội. “Khi mọi người đối mặt với một tình huống sống còn, việc nghĩ đến tự vệ là điều tự nhiên”, ông nói. Đôi khi cần phải hy sinh để bảo vệ các quyền tự do, ông nói thêm, nhắc lại sự ủng hộ của Giáo hội trong quá khứ dành cho các cuộc nổi dậy chống các chế độ độc tài ở Philippines, Đông Đức và Ba Lan. Người Hồng Kông không cố gắng lật đổ Đảng, ông tin như vậy. Họ chỉ muốn “một quốc gia, hai chế độ” có nghĩa là chính phủ Hồng Kông phải chịu trách nhiệm giải trình trước người dân. Khi được hỏi liệu ông có sợ diễn ra một vụ Thiên An Môn khác không, vị linh mục trích dẫn một thông điệp từ một người quen biết rõ kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Hồng Kông: “Không đổ máu, không thỏa hiệp”.

Nếu chính xác, thông điệp đó cho thấy Đảng CSTQ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Đáng tiếc cho các lãnh đạo Trung Quốc, tình hình có thể là quá bất ổn cho triển vọng đó. Cấp độ bạo lực của cảnh sát và đàn áp chính trị hiện nay đang khiến nhiều người Hồng Kông căm phẫn, nhưng chưa đủ tàn bạo để răn đe người biểu tình. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng phải nhanh chóng được cải thiện nhờ những nhượng bộ táo bạo của chính phủ, hoặc sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Hồng Kông sẽ không bao giờ trở lại như cũ

Wang Dan, một nhà lãnh đạo sinh viên tại Thiên An Môn, biết kết quả mà ông dự kiến. Đến Washington nơi ông hiện đang sống, ông tự coi mình là một người cực kỳ bi quan. Người Hồng Kông đang đòi hỏi dân chủ, một yêu cầu mà các nhà lãnh đạo đảng sẽ bác bỏ, ông Wang lưu ý. “Cả hai bên đều không có không gian để nhượng bộ. Tôi không thấy giải pháp khả thi ở đâu”. Bên ngoài hàng ngũ những người biểu tình cực đoan nhất, phần lớn thanh niên biểu tình tin rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ dùng quân đội đàn áp họ, vì tổn hại đối với danh tiếng của Trung Quốc là quá lớn. Nhưng những người từng tham gia biểu tình năm 1989 biết rõ hơn. Đó là lý do tại sao sự ủng hộ của họ dành cho thanh niên Hồng Kông nghe có vẻ giống như một sự tôn vinh lòng dũng cảm hơn là một dự đoán họ sẽ thành công. Những cựu binh năm ấy đã từng chứng kiến lịch sử được tạo ra trước đây, và đó là một lịch sử tàn nhẫn.