Nguồn: Ana Palacio, “Russia Is a Strategist, Not a Spoiler”, Project Syndicate, 04/10/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 01/10/2019, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố chính phủ của ông ủng hộ một thỏa thuận mở đường cho các cuộc bầu cử ở các tỉnh phía đông Luhansk và Donetsk – trong đó phần lớn bị phe ly khai do Nga hậu thuẫn chiếm giữ vào năm 2014 – với mục tiêu cuối cùng là trao cho các tỉnh này quy chế tự quản đặc biệt. Đó là một diễn tiến quan trọng, không chỉ bởi nó báo hiệu việc Ukraine chấp thuận một quá trình có thể chấm dứt xung đột ở nước này, mà còn vì những tác động của nó đối với một trật tự thế giới đang hỗn loạn.
Từ cuộc tấn công táo bạo của Iran vào các cơ sở dầu mỏ lớn của Ả Rập Saudi cho đến việc tiến hành cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump, tháng trước cho thấy sự biến động đang chi phối trật tự quốc tế. Khi Ả Rập Saudi và Iran tranh giành quyền thống trị ở Trung Đông, và khi vị trí của Trung Quốc trong trật tự quốc tế tiếp tục biến đổi, ba đối thủ lớn khác – Châu Âu, Nga và Hoa Kỳ – cũng đang điều chỉnh vai trò toàn cầu của họ.
Hãy bắt đầu với Nga. Kể từ năm 2014, khi Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập Crimea bất hợp pháp, quan điểm thông thường là Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định hành động như một kẻ phá hoại trong các vấn đề quốc tế. Rốt cuộc, trong khi Nga đủ mạnh để gây rắc rối – và, như Nga hy vọng, sẽ có thể bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của mình – Moskva thiếu các nguồn lực để đảm nhận vai trò là một đối thủ nặng ký toàn cầu.
Theo quan điểm này, khi Nga can thiệp vào Syria để ủng hộ đồng minh đang bị bao vây của mình, Tổng thống Bashar al-Assad, nhiều người đã xem động thái này đơn giản chỉ là chủ nghĩa cơ hội: Putin đã lợi dụng sự hỗn loạn để cho thấy rằng ông vẫn có thể ngăn chặn các kế hoạch của phương Tây. Sự can dự ngày càng tăng của Nga ở Venezuela và Châu Phi cũng được xem xét theo cùng một cách như vậy.
Tuy nhiên, ngày nay, Nga là một nhà môi giới quyền lực toàn cầu thực sự. Ở Ukraine, việc Zelensky chấp nhận cái gọi là “công thức Steinmeier” cho thấy một bước tiến lớn trong việc bình thường hóa sự hiện diện của Nga ở nước này cũng như quan hệ của họ với châu Âu và Mỹ. Như vậy, đó là một chiến thắng quan trọng đối với Putin trong nỗ lực hồi sinh vị thế cường quốc toàn cầu của Nga.
Tương tự, tại Syria, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố vào tháng trước việc hoàn thiện một ủy ban gồm 150 thành viên – bao gồm các đại diện được chấp thuận trước từ chính phủ, xã hội dân sự và phe đối lập – để viết lại hiến pháp, một kế hoạch ban đầu được đề xuất tại một hội nghị hòa bình do Nga tổ chức vào năm 2018. Ngay cả khi Syria tiến tới ổn định, Điện Kremlin đã báo hiệu ý định duy trì sự hiện diện lâu dài của mình ở đó, đưa ra chỉ trong vài ngày sau thông báo của Liên Hợp Quốc kế hoạch mở rộng các căn cứ không quân và hải quân của Nga ở nước này.
Sự nổi bật trở lại của Nga một phần là đương nhiên bởi sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Sự tương phản được thể hiện rõ nét sau cuộc tấn công hồi tháng trước tại Ả Rập Saudi.
Về phía Hoa Kỳ, Trump đã ngay lập tức tweet những lời đe dọa hiếu chiến: Hoa Kỳ đã “khóa sẵn mục tiêu và tải đạn”, ông ta khoe, và chỉ chờ nghe tin từ Ả Rập Saudi để biết sẽ tiến hành (tấn công) theo những điều kiện nào. Nhưng, như thường lệ, Trump đã không làm như ông ta nói. Thay vào đó, ông ra lệnh áp đặt một vòng trừng phạt khác và triển khai một số lượng nhỏ binh sĩ và thiết bị quân sự bổ sung tới Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ngược lại, Putin đã cho thấy hình ảnh của Nga như một người bảo lãnh tiềm năng cho sự ổn định khu vực. Cẩn thận để không bị đổ lỗi – Iran tiếp tục phủ nhận sự liên quan của mình đối với các cuộc tấn công – Putin nói rõ rằng ông sẽ làm việc với tất cả các bên. Công ty nhà nước chuyên xuất khẩu vũ khí của Nga cũng tuyên bố sẽ gặp các nước ở Trung Đông để bán cho họ các hệ thống vũ khí chống máy bay không người lái – một nỗ lực rõ ràng để chiếm đoạt vai trò chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Đây là cách tiếp cận của một chiến lược gia, không phải là một kẻ phá hoại.
Mỹ đang đi theo hướng ngược lại. Mặc dù dần dần rời khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu – một quá trình đã bắt đầu từ thời chính quyền Barack Obama – phần lớn thế giới vẫn tiếp tục coi Mỹ là cường quốc muốn duy trì nguyên trạng. Nhưng đây là một giả định dựa trên thói quen hơn là một giả định hợp lý, nếu chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ đã không cho thấy thiên hướng muốn lãnh đạo.
Thật vậy, bằng cách rút khỏi các sáng kiến toàn cầu lớn như thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận khí hậu Paris, Mỹ dường như có rất ít động lực ngay cả để tham gia. Với tầm ảnh hưởng của mình – theo nhiều cách, Mỹ vẫn là một nhân tố không thể thiếu – thì sự rút lui này của Mỹ đôi khi giống với hành vi như một kẻ phá hoại. Khi cuộc điều tra luận tội Trump độc chiếm sự chú ý của người Mỹ, xu hướng này có thể sẽ tăng tốc.
Còn lại là châu Âu. Không phải là một chiến lược gia cũng không phải là kẻ phá hoại, Châu Âu về cơ bản là một người hỗ trợ hệ thống. Ví dụ, Pháp và Đức đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại thỏa thuận ngày 1 tháng 10 ở Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cố gắng môi giới một thỏa thuận về các cuộc đàm phán khung giữa Mỹ và Iran bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần đây, mặc dù không thành công.
Những nỗ lực như vậy nên tạo ra cảm giác lạc quan; Châu Âu vẫn có một vai trò, và họ đang cố gắng thể hiện vai trò đó. Nhưng, tại thời điểm diễn ra những chuyển động lực quyền lực toàn cầu, các lãnh đạo châu Âu phải hết sức thận trọng khi tiếp cận trách nhiệm này, cân nhắc tất cả các hậu quả tiềm tàng mà các thỏa thuận họ giúp hình thành có thể gây ra cho trật tự toàn cầu.
Là một nhân tố hỗ trợ toàn cầu quan trọng, Châu Âu cần biết chính xác những nỗ lực của mình phục vụ lợi ích cho ai. Rốt cuộc, như các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Ukraine cho thấy, thậm chí một thỏa thuận hứa hẹn sẽ chấm dứt nhiều năm chiến sự vẫn có thể chứa đựng nhiều rủi ro hơn vẻ bề ngoài của nó.
Ana Palacio, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, là một thành viên của Hội đồng Nhà nước Tây Ban Nha, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu về Hoa Kỳ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.