Nùng Trí Cao đánh Tống (P2)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Đạo quân của Trí Cao tiến rất nhanh, tuy có người báo trước nhưng viên quan giữ thành Quảng Châu vẫn không tin đó là sự thực. Đến lúc giặc đến gần chân thành, mới cho dân vào lánh nạn, nên xảy ra cảnh dẫm đạp nhau tại cổng thành có nhiều người chết:

“Trường Biên, quyển 172, ngày Bính Dần [21/6/1052], Nùng Trí Cao bắt đầu vây Quảng Châu. Trước đó 2 ngày, có người đến cáo cấp, Tri châu Trọng Giản cho là dối, bắt bỏ tù; rồi hạ lệnh:

Ai nói sàm giặc đến sẽ bị chém.’

Ví lý do đó nên dân không được chuẩn bị. Lúc giặc đến, mới ra lệnh vào thành; dân tranh nhau, dùng tiền của hối lộ để được vào cửa nhanh, đạp chết rất nhiều; số còn lại theo giặc, khiến thế giặc trở nên mạnh hơn.”[1]

Tuy lỗi lầm như vậy, nhưng triều đình ở xa chỉ biết thành vẫn giữ vững, cho là công của viên chỉ huy Trọng Giản, nên phong cho y chức Tri Kinh Nam. Riêng phía ngoài thành, quân triều đình bị Trí Cao đánh thua tại khu bến cảng dành cho người nước ngoài buôn bán gọi là đình Thị Bạc:

Trường Biên, quyển 172, ngày Giáp Thân tháng 6 [9/7/1052], đổi Tri Quảng Châu Binh bộ lang trung thiên chương các đãi chế Trọng Giản làm Tri Kinh Nam. Triều đình cho rằng Giản có khả năng giữ thành nên mới có lệnh này; không biết rằng dân Quảng Châu oán Giản rất nhiều.

Cũng ngày này, Đô tuần kiểm Quảng Châu và Đoan Châu, Cao Sĩ Nghiêu đánh Nùng Trí Cao tại đình Thị Bạc [Quảng Châu], bị thua.”[2]

Thực ra thành Quảng Châu không bị hãm là do công của viên cựu chỉ huy Ngụy Quyền; viên này biết lo xa nên đào giếng sẵn trong thành cung cấp đủ nước; lại cho đặt nõ cứng trên thành, nõ này bắn rất trúng và mạnh khiến quân Trí Cao tuy che người bằng thuẫn, nhưng cũng có nhiều thương vong:

Trường Biên, quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], trước đây Ngụy Quyền xây thành Quảng Châu, đào giếng chứa nước, chế tạo nõ lớn để phòng thủ. Đến lúc Nùng Trí Cao đánh thành rất gấp, lại ngăn nước không cho chảy vào; nhưng thành chắc, nước giếng dùng không hết; nõ bắn thì trúng; trúng nên giao động, thế giặc nao núng…”[3]

Khi triều đình hiểu được sự việc, bèn dùng lại Ngụy Quyền, giao chức Tri Quảng Châu:

Trường Biên , quyển 172, ngày Bính Tuất tháng 6 [11/7/1052], dùng Tri Việt Châu [tỉnh Quảng Tây] Cấp sự trung Ngụy Quyền làm Thị lang bộ Công Tập hiền viện học sĩ Tri Quảng Châu. Trước đó mệnh Lang trung bộ Công Vương Quì làm Thái thường thiếu khanh Trực chiêu văn quán thay Trọng Giản Tri Quảng Châu. Nhưng quan can gián tâu rằng vùng Lãnh ngoại [chỉ Quảng Đông, Quảng Tây] mới dùng binh, Quì không có tài phủ ngự, nên bãi chức; rồi chọn Quyền. Vì từ khi Nùng Trí Cao làm phản, chỗ nào giặc đi qua đều phá, chỉ riêng thành Quảng Châu không đánh được. Triều đình xét lúc Quyền coi thành Quảng Châu, xây dựng phòng thủ thành công, nên tăng tước trật, cấp thêm 5.000 cấm binh, lại cho tiện nghi thi hành sự việc.”[4]

Quân triều đình từ châu lân cận đến giải cứu thành Quảng châu cũng bị thảm bại dưới chân thành, cấp chỉ huy đều tử trận:

Trường Biên quyển 172, ngày Canh Dần [15/7/1052], Đô đại đề cử Quảng Châu, Huệ Châu[5] mang quân đánh giặc. Tây kinh tả tàng khố phó sứ Vũ Nhật Huyên, Tuần kiểm Huệ Châu Tả thị cấm Ngụy Thừa Hiến giao chiến với quân Nùng Trí Cao tại dưới thành Quảng Châu, bị tử trận.”[6]

Nhắm đối phó với tình hình chiến sự, triều đình lập bộ chỉ huy cấp cao, Dư Tĩnh phụ trách lộ Quảng Tây, Dương Điền phụ trách Quảng Đông; sau đó thấy rằng quân Trí Cao cướp phá cả 2 tỉnh, cần thống nhất chỉ huy mới đối phó nổi, nên giao cho Dư Tĩnh tiết chế cả 2 lộ:

Trường Biên quyển 173, ngày Bính Ngọ tháng 7 [31/7/1052], mệnh Tri Quế Châu Dư Tĩnh chế ngự giặc tại Quảng Nam Đông Tây Lộ. Lúc bấy giờ Gián quan Giả Ảm tâu:

Tĩnh và Dương Điền đều được ban tiện nghi hành sự, nếu 2 người ra lệnh không giống nhau, thì kẻ dưới không biết theo ai. Lại nếu Tĩnh chuyên trách Tây lộ, mà giặc hướng về phía đông; chỗ đó Tĩnh không thống trị, thì không có cách gì sai phái quần chúng; như vậy nên cho Tĩnh kinh chế cả 2 lộ.’

Riêng Tĩnh cũng tâu rằng:

Giặc tại phía đông, mà Thần chỉ có quyền lực tại phía tây, không hợp với chí thần mong ước.’

Thiên tử chấp nhận lời xin, nên mới có lệnh này.”[7]

Bấy giờ triều đình nhà Tống cố gắng tỏ ra bớt thụ động, giao cho Tri châu 2 châu lớn Quảng Châu, Quế Châu kiêm chức Kinh lược An phủ sứ, trực tiếp đôn đốc :

Trường Biên quyển 172, ngày Kỷ Sửu [14/7/1052], chiếu Tri Quảng Châu, Quế Châu từ nay đều kiêm chức Kinh lược an phủ sứ.[8]

Triều đình bắt đầu ra lệnh hoãn thu thuế tại những nơi bị quân Trí Cao đánh phá:

Trường Biên quyển 172, ngày Bính Thân tháng 6 [21/7/1052], chiếu ban Quảng Nam Đông Lộ [Quảng Đông], Tây Lộ [Quảng Tây], những vùng bị giặc dày xéo, chưa cho thu thuế mùa hè này.”[9]

Cho tăng cường hệ thống ngựa trạm giúp cho việc truyền tin và giao thông từ kinh sư đến Lưỡng Quảng mau chóng dễ dàng hơn; điền bổ các quan hữu dụng đến các châu quận từng bị chiếm đóng:

Trường Biên quyển 173, ngày Nhâm Tý [6/8/1052], chiếu ban viên Thẩm Quan rằng các châu Liên [Quảng Nam Đông Lộ], Hạ [Quảng Nam Tây Lộ], Đoan [Quảng Nam Đông Lộ], Bạch [Quảng Nam Tây Lộ] mới đây bị giặc dày xéo, cần chọn quan đứng đầu coi sóc dân.

Lại ban chiếu từ Quảng Châu đến kinh sư tăng đặt các phố trạm cho ngựa chuyển thư; vẫn ra lệnh 1 viên Đề cử nội thần phụ trách.”[10]

Thi hành chính sách bao vây kinh tế, trừng trị nặng kẻ giao dịch buôn bán lương thực với kẻ địch:

Trường Biên, quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], Khu mật viện tâu rằng bọn man tặc và đồ đảng khoảng 2 vạn tên, 1 ngày ăn hết 500 thạch gạo,[11] nếu không có chỗ dựa về lương thực, chúng không thể ở lâu; cần phải cấm đoán giao dịch lương thực nghiêm, coi như ngoài vòng pháp luật. Ngày Tân Dậu [15/8/1052], chiếu ban bắt thủ phạm xử chém, tòng phạm đày đi lao thành[12] tại Lãnh Bắc;[13] xe, thuyền đều tịch thu sung công.”[14]

Triều đình treo giải thưởng lớn bằng chức quan tiền bạc cho kẻ bắt được Trí Cao, A Nùng mẹ Trí Cao, cùng viên Tiến sĩ tại Quảng Châu làm mưu sĩ Trí Cao:

Trường Biên, quyển 173, ngày Mậu Tý tháng 8 [11/9/1052], chiếu ban cho vùng Quảng Nam [Quảng Đông, Quảng Tây], ai bắt được Nùng Trí Cao được ban chức Chánh thứ sử, thưởng 3.000 quan tiền, 2.000 tấm quyên; bắt mẹ Trí Cao được ban Phó sứ các ty, thưởng tiền 3.000 quan, 2.000 tấm quyên; bắt Hoàng Vi được ban Đông đầu cung phụng quan, 1.000 quan tiền.[15]

Nhờ thành xây chắc, tường hào phòng thủ kiến cố, lương thực nước uống đầy đủ; trên thành đặt nõ cứng có chỗ trú ẩn an toàn gây tỗn thất nhiều cho kẻ địch, nên sau nhiều đợt tấn công thất lợi, quân Trí Cao tỏ ra nao núng. Bên ngoài, viên Tri Anh châu Tô Giam tại châu lân cận, mang quân đến cứu, giết cha viên Tiến sĩ Hoàng Sư Mật làm quân sư cho Trí Cao, cùng tìm cách lôi kéo dân chúng từ bỏ hàng ngũ địch. Lại có viên Huyện lệnh Phiên Ngung Tiêu Chú mang quân ra khỏi thành, dùng kế hỏa công thiêu hủy thuyền địch. Do vậy quân Trí Cao vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày16/8/1052 lại tìm cách quay về Ung châu:

Trường Biên quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052], trước đây Ngụy Quyền xây thành Quảng Châu, đào giếng chứa nước, chế tạo nõ lớn để phòng thủ. Đến lúc Nùng Trí Cao đánh thành rất gấp, lại ngăn nước không cho chảy vào; nhưng thành chắc, nước giếng dùng không hết; nõ bắn thì trúng; trúng nên giao động, thế giặc nao núng. Viên Tri Anh Châu Tấn Giang [Anh Đức thị, tỉnh Quảng Đông], Tô Giam, bắt đầu nghe tin Quảng Châu bị vây, bảo mọi người rằng:

Quảng Châu và châu ta gần nhau, nay thành nguy trong sớm tối, mà điềm nhiên không đến cứu là phi nghĩa.’

Bèn chiêu mộ trai tráng hàng vạn người, giao ấn của châu cho Đề điểm hình ngục Bao Kha, trong đêm đi cứu nạn, dừng binh cách Quảng Châu 20 dặm. Hoàng Sư Mật là người Quảng Châu, theo giặc làm minh chủ; Giam bèn bắt trói cha Mật, chém để làm răn; giặc nghe tin sợ táng đởm. Lúc bấy giờ quân vô loại tụ tập cướp phá, Giam bắt được hơn 60 tên, đem chém; chiêu dụ những kẻ bị ăn hiếp trở về với nghề cũ, gồm hơn 6.700 người.

Thành bị vây đã lâu ngày, mấy lần đánh không thắng; giặc bèn tụ tập vài trăm chiếc thuyền đánh gấp phía nam. Có viên huyện lệnh Phiên Ngung tên là Tiêu Chú, người đất Tân Dụ [Nam Xương thị, tỉnh Giang Tây], từ trong vòng vây vượt ra ngoài, chiêu mộ dân cường tráng ven biển hơn 2.000 người, dùng hải thuyền đánh miền thượng lưu. Khi chưa ra quân, thì trong đêm gió nỗi lên, bèn dùng hỏa công đốt thuyền giặc, đại phá khiến thây giặc chất như núi. Lập tức mở cửa huyện, viện binh từ các lộ vào, cùng dân mang rượu, bò, lương thực tiếp tục vào thành; khí thế trong thành phấn khởi, mỗi lần đánh tất thắng, Lại có Chuyển vận sứ Vương Can, mộ dân binh từ bên ngoài vào thành, càng tăng thêm việc phòng bị.

Giặc vây 57 ngày, rồi biết rằng không lấy được thành, đến ngày Nhâm Tuất [16/8/1052] bèn bỏ đi.”[16]

 Quân Nùng Trí Cao theo đường thủy trở về Ung Châu, tại con sông nhỏ Biên Độ Võng nối liên hai sông Bắc Giang, và Tây Giang bị quân Tô Giam dùng chướng ngại vật chặn sông nên không thể theo đường cũ ngược dòng Tây Giang trở về Ung Châu được; khiến Trí Cao phải điều quân ngược dòng Bắc Giang rồi đi vòng sang phía tây. Tại Biên Độ Võng quân triều đình do Hội Trung chỉ huy giao chiến, Hội Trung tử trận:

“Trường Biên quyển 173, ngày Đinh Tỵ tháng 7 [11/8/1052].Trước đó, Giam cùng Đô giám Hồng Châu [Giang Tây] Thái Bảo Cung dùng 8.000 quân đóng tại Biên Độ Võng, chặn đường về của giặc. Hội Trung từ kinh sư tới, tiến đánh; lúc lâm chiến bảo thuộc hạ rằng:

Ta 10 năm về trước chỉ là một chẳng trai tráng kiện, nhờ chiến công mà lên đến chức Đoàn luyện sứ, các người hãy gắng lên.’

Rồi trên lưng ngựa tiên phong, gặp lúc giặc chạy đến, Trung dùng tay bắt 2 chỉ huy giặc; chẳng may ngựa sa vào bùn, không cất bước được, bị giáo đâm chết.”[17]

Sáng kiến của viên Tri Anh châu Tô Giam cho lập chướng ngại vật tại Biên Độ Võng để chặn đường về, khiến kẻ địch phải dùng thủy trình theo sông nhỏ đường vòng, gây khó khăn lớn, lại bị tổn thất nhân mạng và nhiều tài sản cướp được; Vua Tống bèn phong cho Giam chức Cung bị khố phó sứ:

Trường Biên quyển 173.Ngày Tân Mão tháng 8 [14/9/1052]Tri Anh châu Bí thư thừa Tô Giam được ban chức Cung bị khố phó sứ. Trước đó giặc đến vùng Quảng Châu, không kịp thi hành thanh dã,[18] khiến giặc mặc sức cướp phá. Sau này Giam biết giặc sắp đến, chia quân ngăn tại Biên Độ Võng, chặn đường trở về của giặc bằng cách đặt bè gỗ, đá lớn đến 40 dặm.[19] Giặc đến quả nhiên không tiến được, phải đi vòng mấy chục dặm rồi vào sông Sa Đầu Độ từ huyện Thanh Viễn qua phía tây đến Liên Châu, Hạ Châu để rồi trở về lối cũ. Số tổn thương rất nhiều, Giam lấy được hầu hết đồ vật giặc để lại.”[20]

Riêng viên Huyện lệnh Tiêu Chú, dùng hỏa công đốt thuyền địch tại Quảng Châu cũng được thăng chức Lễ tân phó sứ:

Trường Biên quyển 173.Ngày Đinh Hợi [10/9/1052], dùng Tiêu Chú làm Lễ tân phó sứ, vẫn trao quyền điều động tại huyện Phiên Ngung.”[21]

Đạo quân của Nùng Trí Cao trên đường trở về Ung Châu tuy bị ngăn chặn tại Biên Độ Võng phải đi vòng, nhưng không tỏ ra thụ động. Tuy vô học nhưng y đã làm đúng theo binh thư, chuyển từ thụ động rút lui dễ bị đánh sau lưng, quay sang thế tấn công mạnh, tiêu diệt nhiều tướng lãnh quân lính đối phương, rồi trở về Ung Châu một cách an toàn; chi tiết chiến sự xãy ra xin trình bày tại chương sau.

————————-

[1] 丙寅,儂智高圍廣州。前二日,有告急者,知州仲簡以為妄,囚之,下令曰:「有言賊至者斬!」以故民不為備。及賊至,始令民入城,民爭以金貝遺閽者,求先入,踐死者甚眾,餘皆附賊,賊勢益張。

[2] 甲申,徙知廣州、兵部郎中、天章閣待制仲簡知荊南。朝廷但以簡能守城,故有是命,不知廣人怨之深也。是日,廣、端都巡檢高士堯擊儂智高於市舶亭,為賊所敗。

[3] 初,魏瓘築廣州城,鑿井畜水,作大弩為守備。及儂智高攻城甚急,且斷流水【一】,而城堅,井飲不竭,弩發輒中,中輒洞潰,賊勢稍屈。

[4] 丙戌,知越州、給事中魏瓘為工部侍郎、集賢院學士、知廣州。

初,命工部郎中王逵為太常少卿、直昭文館,代仲簡。而言者以今嶺外方用兵,逵非撫禦才,罷之,遂改命瓘。自儂智高反,所過輒破,獨廣州城守不下。朝廷追論瓘有築城功,既加爵秩,又給禁卒五千使往,且聽以便宜從事。

[5] Huệ Châu: thuộc tỉnh Quảng Đông, giáp phía đông Quảng Châu.

[6] 庚寅,廣惠等州都大提舉捉賊、西京左藏庫副使武日宣,惠州巡檢、左侍禁魏承憲擊儂智高於廣州城下,死之。

[7] 丙午,命知桂州余靖經制廣南東、西路盜賊。時諫官賈黯言:「靖及楊畋皆許便宜從事,若兩人指蹤不一,則下將無所適從。又靖專制西路,若賊東嚮,則非靖所統,無以使眾。不若併付靖經制兩路。」而靖亦自言賊在東而使臣西,非臣志也。上從其言,故有是命。

[8] 己丑,詔知廣州、桂州自今並帶經略安撫使。

[9] 詔廣南東、西路經蠻賊蹂踐處,夏稅未得起催。

[10] 壬子,詔審官院,廣西連、賀、端、白等州,近為蠻賊所踐,宜擇長吏存撫其民。

[11] Thạch tương đương 120 cân, mỗi cân 16 lượng.

[12] Lao thành: thời Tống đặt nơi đày phạm nhân gọi là lao thành.

[13] Lãnh Bắc: phía bắc Ngũ Lãnh; tức phía bắc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.

[14] 樞密院言,蠻賊徒黨無慮二萬人,日食米五百石,非有資其糧食者,則勢不可留,須法外禁之。辛酉,詔犯者其首處斬,從者配嶺北牢城,舟車沒官。

[15] 詔廣南有捕獲儂智高者,授正刺史,賞錢三千緡、絹二千匹;獲智高母,授諸司副使、錢三千緡、絹二千匹;獲黃師宓、黃瑋授東頭供奉官、錢一千緡。

[16] 初,魏瓘築廣州城,鑿井畜水,作大弩為守備。及儂智高攻城甚急,且斷流水【一】,而城堅,井飲不竭,弩發輒中,中輒洞潰,賊勢稍屈。知英州晉江蘇緘,始聞廣州被圍,謂其眾曰:「廣與吾州密邇,今城危在旦暮而恬不往救,非義也。」乃蒐募壯勇合數千人,委州印於提點刑獄鮑軻,夜行赴難,去廣二十里駐兵。黃師宓者,廣人也,陷賊中,為謀主,緘使縛其父,斬以徇,賊聞之喪氣。時羣不逞皆旁緣為盜,緘捕得六十餘人,斬之,招懷其驅脅詿誤使復故業者,凡六千八百餘人。

城被圍日久,戰數不勝。賊方舟數百,急攻南城,番禺縣令蕭注者,新喻人也,先自圍中出,募得海上強壯二千餘人,以海船集上流,未發,會颶風夜起,縱火焚賊船,煙燄屬天,大破之,積尸甲如山。即日發縣門,諸路援兵及民戶牛酒芻糧相繼入城,城中人乃有生意,每戰必勝。而轉運使王罕,亦自外募民兵,遂入城,益修守備。賊知不可拔,圍五十七日,壬戌解去

[17] 先是,緘與洪州都監蔡保恭,以兵八千人據邊渡蛧,扼賊歸路,會忠自京師至,奪而將之。臨戰,謂其下曰:「我十年前一健兒,以戰功為團練使,汝曹勉之。」於是不介馬而前。先鋒遇賊奔,忠手拉賊帥二人,馬陷濘,不能奮,遂中標槍死。

[18] Thanh dã: thực hiện vườn không, nhà trống; khiến không còn gì để giặc cướp phá.

[19] Quân Nùng Trí Cao lúc trở về theo đường cũ ngược sông Tây Giang, nhưng bị lực lượng của Tô Giam cản nên phải dùng sông Bắc Giang ngược lên huyện Thanh Viễn, rồi theo dòng sông nhỏ đánh Liên châu, Hạ châu.

[20] 知英州、祕書丞蘇緘為供備庫副使.

初,廣州以賊遽至,不及清野,故賊得肆略。後緘知賊將走,分兵邊蛧,扼其歸路,布槎木、巨石幾四十里。賊至,果不能前,遂繚繞數舍,入沙頭渡江,由清遠縣道連、賀州西歸,摧傷者極多,緘盡得賊所略去物。

[21] 丁亥,以蕭注為禮賓副使,仍權發遣番禺縣事。