Nguồn: Nina Khrushcheva, “Putin Means Money”, Project Syndicate, 22/11/2019.
Biên dịch: Trần Hùng
Trong cuốn sách Putin’s Kleptocracy (Chế độ đạo tặc của Putin), tác giả quá cố Karen Dawisha đã lập luận rằng chìa khóa để hiểu nước Nga của Vladimir Putin là tiền. Dù Putin đang tìm cách thuyết phục công chúng với những câu chuyện về khôi phục ảnh hưởng toàn cầu của Nga, bà giải thích rằng Putin và một đội ngũ tay chân thân tín đang tích lũy một lượng lớn tài sản cá nhân. Theo quan điểm của bà, không chỉ là một lãnh đạo độc đoán theo chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa phục thù quốc gia, Putin còn là một kẻ tham tiền.
Vào thời điểm đó, tôi không đồng ý: mặc dù tiền chắc chắn là yếu tố rất quan trọng để hiểu được chế độ của Putin, nhưng tham vọng giành ảnh hưởng toàn cầu là không thể bị bác bỏ. Nhưng trong bối cảnh lực lượng an ninh đột kích vào Viện Vật lý Lebedev (FIAN) ở Moskva vào tháng trước, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình.
Trong nhiều thập niên qua, FIAN đã đi tiên phong thúc đẩy các tiến bộ khoa học và công nghệ ở Nga. Do đó, dường như viện rất phù hợp để đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện các ưu tiên chiến lược mà chính Putin đã xác định vào tháng 5 năm 2018: khoa học, đổi mới công nghệ và sản xuất theo định hướng xuất khẩu.
Nhưng vào tháng trước, lực lượng an ninh Nga đã xông vào viện để tìm kiếm, bắt giam và thẩm vấn giám đốc của viện, Nikolai N. Kolachevsky, về một kế hoạch được cho là của công ty Trioptics, vốn đang thuê văn phòng tại tòa nhà của FIAN, để xuất khẩu một loại cửa sổ quang học (optical window) đặc biệt đến Đức. Bởi vì loại cửa sổ này có các ứng dụng trong không gian hoặc hoạt động quân sự, chính quyền tuyên bố rằng xuất khẩu sản phẩm này có thể làm suy yếu an ninh quốc gia.
Tại sao bộ máy an ninh Nga lại có những hành động mâu thuẫn với các mục tiêu chính sách đã nêu của Kremlin? Một số ý kiến cho rằng họ đơn giản là đã thoát khỏi sự kiểm soát của Putin. Trong 20 năm qua, Putin đã cài cắm các đồng nghiệp và bạn bè cũ thời KGB vào các vị trí quyền lực trong bộ máy quân sự và an ninh Nga. Những người được gọi là siloviki, hay những chính trị gia có gốc gác an ninh và quân đội, có thể đã tích lũy được nhiều quyền lực đến mức họ có thể làm những gì họ muốn, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm suy yếu những nỗ lực của Putin để giúp Nga tiến bộ.
Điều này là một khả năng, nhưng khó có thể xảy ra. Một lời giải thích hợp lý hơn là chính Putin đang bị mâu thuẫn. Trong khi muốn ca ngợi những thành tựu của Nga về khoa học và đổi mới, ông ta cũng muốn làm giàu cho bản thân mình nhiều nhất có thể. Và, như Dawisha quan sát, nếu ông ta phải lựa chọn, tiền sẽ là ưu tiên lớn hơn.
Trong trường hợp của FIAN, lợi ích tài chính của Putin dường như có liên quan tới con gái của ông, Katerina Tikhonova, người đang điều hành Innopraktika, một viện nghiên cứu khoa học nhận ngân sách từ nhà nước. Innopraktika là một cơ quan liên kết của Đại học Quốc gia Moskva, nơi hiệu trưởng Viktor Sadovnichiy có một lịch sử lâu dài phục vụ lợi ích cho những người nắm quyền lực.
Công việc của Viện dường như tập trung vào các thiết bị đọc hoạt động của não. Nhưng Viện cũng đang giám sát nhiều dự án xây dựng đang được tiến hành trên một khu đất rộng nằm cạnh trụ sở của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB, trước là KGB), và Cơ quan An ninh Bảo vệ Liên bang.
Nếu chúng ta lần theo dấu vết dòng tiền dành cho khoa học, chúng ta sẽ được dẫn đến Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) danh tiếng, nơi tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào tuần trước. Sau cuộc bỏ phiếu tổ chức 2013, trong đó các ứng cử viên được Kremlin hậu thuẫn làm viện sĩ không có kết quả tốt, chính phủ đã công bố những cải cách lớn, bao gồm một lệnh dừng ba năm đối với các cuộc bỏ phiếu ở RAN.
Sau đó, chính phủ quyết định rằng, để đảm bảo sự công bằng, chính phủ sẽ cần phê duyệt tất cả các ứng cử viên, mặc dù thực tế họ là các học giả. Chính phủ sau đó đã cố gắng đưa Mikhail Kovalchuk – nhà vật lý và là em trai của tỉ phú, “nhà kinh tài” của Putin, Yuri Yurialalukuk – làm chủ tịch của RAN vào năm 2017.
Nhưng, bất chấp mọi mưu mô, nhà vật lý nổi tiếng hơn nhiều là Alexander Sergeev đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. Mặc dù Sergeev đã chỉ trích các nỗ lực cải cách RAN theo chỉ đạo của chính phủ, cũng như sự kiểm soát nói chung đối với nghiên cứu khoa học – một lý do chính khiến các tài năng trẻ rời bỏ nước Nga – nhưng danh tiếng quốc tế của ông quá lớn đến mức Putin không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp thuận tư cách ứng viên của ông.
Điện Kremlin đã không làm điều tương tự đối với đồng nghiệp của Sergeev, Alexei Khokhlov. Tuy nhiên, trong một đòn đau khác đối với chính phủ, Khokhlov sau đó cũng trở thành phó chủ tịch của RAN.
Năm nay, các thành viên của RAN đã tiếp tục đẩy lùi chương trình nghị sự do Kremlin hậu thuẫn. Hai tháng trước cuộc bỏ phiếu, ủy ban chống gian lận khoa học của RAN đã nêu tên 56 ứng viên đăng ký làm viện sĩ là người đạo văn hoặc ngụy khoa học. Chính phủ ra quyết định cho rằng điều này không đủ để loại họ khỏi danh sách. (Lập trường này không có gì đáng ngạc nhiên bởi luận án tiến sĩ của chính Putin cũng bị cáo buộc sao chép từ một cuốn sách giáo khoa về quản lý năm 1978.) Cuối cùng, chỉ có sáu người bị loại.
Sự phản kháng của RAN là điều không thể chấp nhận được đối với Kremlin, tương tự là vị trí cao của Khokhlov, người từng giữ chức phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia Moskva cho đến năm ngoái và có khả năng sẽ kế nhiệm Sadovnichiy. Nếu Khokhlov đảm nhận vị trí đó, Đại học này có thể sẽ trở nên ít cởi mở hơn với các dự án xây dựng liên quan đến FSB, ít ủng hộ hơn đối với Viện của con gái đầu của Putin, và ít sẵn sàng trao bằng giả cho thân hữu của Điện Kremlin. Theo Sergeev, cuộc đột kích FIAN, vốn càng làm mất uy tín của các nhà khoa học Nga – do đó có thể đã được dàn dựng để phá hoại ông.
Khi thảo luận về cuộc đột kích, một người bạn làm nhà báo ở Moskva nói nửa đùa nửa thật, “Ở nước Nga của Putin, vật lý thuộc về các điệp viên, lịch sử được viết bởi các cơ quan an ninh, và địa lý được định hình bởi các binh sĩ”. Và thực sự Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại, là chủ tịch Hội lịch sử Nga, và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu là lãnh đạo Hiệp hội Địa lý Nga.
Giới khoa học vẫn đang tiến hành cuộc chiến. Nhưng, nếu xét sự khao khát tài chính vô cùng của Putin và các thân hữu của ông, các nhà khoa học chân chính của Nga khó có thể làm được gì nhiều – một thông điệp mà cuộc đột kích vào FIAN đã truyền tải một cách rõ ràng. Như một học giả đã nghỉ hưu nói với tôi, “Dù bạn có nói gì về Liên Xô đi nữa, thì thời ấy kiến thức vẫn quan trọng. Nước Nga ngày nay, dù tuyên bố là một “cường quốc”, nhưng lại giống như một cựu thuộc địa nhỏ, nơi mọi vị tướng nắm quyền đều muốn tự gọi mình là tiến sĩ, chỉ để tích cóp thêm gia tài cho riêng mình”.
Nina L. Khrushcheva là giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học The New School, New York, và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Thế giới.