Bốn con hổ châu Á: Lợi và hại của mô hình dựa vào xuất khẩu

Nguồn: It has become harder for the Asian tigers to prosper through exports”, The Economist, 05/12/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Bonnie Tu phá lên cười. Bà vừa phát hiện ra chiếc mũ đỏ có khẩu hiệu “Make America Great Again” mà một đồng nghiệp để lại trên bàn để chọc bà. Chủ tịch của Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, không phải là người hâm mộ Donald Trump. Thuế quan của Trump đã làm rối tung chuỗi cung ứng của bà và khiến chi phí tăng lên. “Đó là thuế đánh vào việc đạp xe, hoạt động có ích cho sức khỏe nhất trên thế giới”, người phụ nữ 70 tuổi, bản thân là một người rất thích đạp xe đạp, nói. Đáp lại, Giant đã giảm quy mô sản xuất ở Trung Quốc và tăng công suất ở Đài Loan. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, bà nói.

Giant không phải trường hợp đơn lẻ. Hàng chục công ty Đài Loan gần đây đã quay về, bao gồm Compal, một nhà sản xuất máy tính; Delta Electronics, một nhà cung cấp linh kiện điện; và Long Chen, một công ty sản xuất giấy. Năm 2018, chính phủ đã khai trương văn phòng “Invest Taiwan” (Đầu tư vào Đài Loan), hứa hẹn cung cấp các khoản vay chi phí thấp giúp các công ty trang trải chi phí di dời sản xuất. Văn phòng đã nhận được hồ sơ đăng ký từ hơn 150 công ty.

Tất cả điều này có thể làm người ta tưởng Đài Loan đã được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Singapore và Hàn Quốc cũng đã giành được thêm thị phần tại Mỹ từ  tay Trung Quốc. Nhưng sẽ là một sai lầm khi kết luận rằng cuộc chiến thương mại là có lợi cho những con hổ. Nhìn chung, nó gây tác hại thì đúng hơn. Cuộc chiến đang phá vỡ ba điều mà các nền kinh tế này phụ thuộc mật thiết: một hệ thống thương mại toàn cầu mở, mạng lưới sản xuất ở châu Á, và thị trường lớn nhất của họ, Trung Quốc. Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã xem xét tăng trưởng của 13 nền kinh tế châu Á so với tiềm năng của họ trong năm nay; và các con hổ châu Á chiếm bốn trong số năm vị trí dưới cùng.

Việc xung đột thương mại làm họ lo lắng là điều tự nhiên. Rốt cuộc, xuất khẩu chính là trung tâm của sự thành công của họ sau Thế chiến II. Hàn Quốc bắt đầu với tôn, ván ép và dệt may. Các nhà xuất khẩu của họ được hưởng lợi từ tín dụng rẻ, miễn thuế nhập khẩu và việc phá giá đồng won vào năm 1964 (trớ trêu thay, điều này là do Mỹ khuyến khích). Từ tháng 2/1965 cho đến khi bị ám sát năm 1979, Tổng thống Park Chung-hee đã tham dự gần như mọi cuộc họp hàng tháng của ủy ban xúc tiến xuất khẩu nước này, xem xét mẫu sản phẩm và tập hợp các doanh nhân trong các bữa ăn trưa. Ông đã khóc khi xuất khẩu của Hàn Quốc vượt mức 100 triệu đô la vào năm 1964, công bố một ngày lễ quốc gia được gọi là “ngày xuất khẩu” (sau đổi tên thành Ngày Thương mại).

Đài Loan cũng bắt đầu với tín dụng rẻ và giảm thuế cho các nhà xuất khẩu. Các doanh nhân sớm trỗi dậy. Bà Tu nhớ người chú của mình, King Liu, người sáng lập Giant, nói với sự ngạc nhiên vào năm 1972 rằng “Người Mỹ đang mang tiền đến đây để mua xe đạp”. Ông sớm nhận thấy rằng các nhà cung cấp địa phương của Đài Loan không đáng tin cậy: lốp cao su thường bị rơi ra khỏi vành. Vì vậy, ông Liu đã đi vòng quanh đảo để thuyết phục các nhà sản xuất khác rằng tất cả sẽ được hưởng lợi nếu họ cùng tuân thủ các kích thước sản phẩm giống nhau.

Singapore và Hồng Kông thường được coi là trung  tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhưng họ cũng đã từng là một ví dụ điển hình của sản xuất thâm dụng lao động. Có một thời gian, vào những năm 1970, Hồng Kông là nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Khi Singapore giành được độc lập năm 1965, nơi này đã quảng bá hình ảnh một trung tâm sản xuất. Sự hợp tác với Hồng Kông đã có ngay từ đầu: một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên của Singapore là GE, công ty đã thành lập một nhà máy sản xuất radio kèm đồng hồ ở Singapore do lo ngại rằng bạo lực trong Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc có thể lan sang Hồng Kông.

Ngay cả khi những con hổ đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, xuất khẩu vẫn là một phần trong DNA của họ. Các công ty trở nên tinh vi hơn theo thời gian, được thúc đẩy bởi các chính phủ (vốn thường có nhiều nhà công nghiệp đầy tham vọng). Tại Hàn Quốc, sau một thập niên thành công trong ngành công nghiệp nhẹ, các quan chức đã thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng hơn, như đóng tàu và hóa chất. Đài Loan đã tạo ra các công viên khoa học dành cho các ngành công nghiệp tiên tiến từ quang điện tử đến chất bán dẫn. Singapore thành lập một Ủy ban Máy tính Quốc gia vào năm 1981 để đào tạo công nhân công nghệ cao.

Phần lớn thế giới đã mất ưu thế trước Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của các con hổ châu Á đã ổn định ở mức 10% (xem biểu đồ). Còn Nhật Bản, hình mẫu kinh tế trước đây của họ, đã chứng kiến ​​tỷ lệ của mình giảm xuống dưới 4%, bằng một nửa so với năm 2000.

Giống như các nền kinh tế giàu có khác, họ đã chuyển phần lớn sản xuất cơ bản sang Trung Quốc. Mang tính biểu tượng nhất là Foxconn, một công ty điện tử của Đài Loan hiện được biết đến như là nhà lắp ráp chính của iPhone. Công ty đã mở nhà máy đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1988; 30 năm sau, công ty tuyển dụng khoảng 1 triệu lao động ở đó. Nhưng khi họ chuyển các công việc cấp thấp sang Trung Quốc, các con hổ cũng leo lên trên bậc thang chuỗi cung ứng. Hàn Quốc là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Đài Loan có công suất lớn nhất về chế tạo chất bán dẫn. Do đó, mỗi bên đều chiếm hơn 12% nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc đối với các sản phẩm điện tử và máy tính, gấp đôi so với bất kỳ đối tác thương mại nào khác. Nói một cách đơn giản, họ làm ra những thứ mà Trung Quốc không thể làm.

Họ cũng đã hưởng lợi từ thành công của Trung Quốc. Khi các công ty tập hợp lại với nhau ở Trung Quốc, châu Á nói chung đã trở thành một khu vực sản xuất mạnh hơn. Tỉ trọng của châu Á trong mua bán linh kiện toàn cầu tăng từ 19% năm 2000 lên 30% năm 2016. Trung Quốc đại lục là nơi có bốn trong số bảy cảng container bận rộn nhất thế giới; những cảng khác là ở Singapore, Busan và Hồng Kông.

Cả Singapore và Hồng Kông đều tăng cường vai trò là trung tâm quản lý của “Nhà máy Châu Á”. Hơn 4.000 công ty đã chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở khu vực, thường để giám sát hoạt động ở Đông Nam Á. Hồng Kông có ít hơn, với khoảng 1.500 trụ sở, nhưng nó đã thành công hơn nhiều so với Singapore trong việc thu hút các công ty Trung Quốc vào sàn giao dịch chứng khoán của mình. Thị trường chứng khoán của Hồng Kông trị giá hơn 4 nghìn tỉ đô la; của Singapore chỉ gần 700 tỉ.

Tất cả các kết nối này, dù hữu ích đến đâu, cũng  tạo ra sự dễ bị tổn thương. Cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ là nhằm gây đau đớn cho Trung Quốc. Nhưng các con hổ, theo nhiều cách, cũng dễ bị thiệt hại vì họ nhỏ hơn và mở hơn. Ở Trung Quốc, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% GDP. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ là 45%; ở Đài Loan là 65%; còn ở Singapore và Hồng Kông là gần 200%.

Khi xé nát chuỗi cung ứng, chiến thuật của ông Trump đã gây nguy hiểm đặc biệt cho mô hình sản xuất toàn cầu của các con hổ. Họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đầu vào từ các quốc gia khác. Họ cũng phục vụ một loạt các khách hàng, kể cả một số người mà Mỹ không tin tưởng. Các nhà máy Đài Loan sản xuất chip cho các công ty hàng đầu của Mỹ cũng như cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mà người Mỹ cáo buộc là có hoạt động gián điệp. “Chúng tôi là công xưởng của tất cả mọi người. Chúng tôi không loại trừ một ai”, một quan chức tại TSMC nói.

Đối mặt với tất cả sự bất định này, các con hổ có một vài lựa chọn. Một là đa dạng hóa khách hàng và sản phẩm của họ. Đài Loan từ lâu đã thúc đẩy các công ty của mình khám phá các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc. Chính phủ Hàn Quốc rất muốn thúc đẩy nhiều sản phẩm đa dạng hơn. Trong “Ngày Thương mại” gần đây nhất, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc đã hoan nghênh các ngành công nghiệp mới như xe điện và robot.

Một phản ứng khác là cố gắng hoàn thiện trật tự thương mại toàn cầu. Trước năm 2000, các con hổ chỉ tham gia vào năm hiệp định thương mại khu vực; đến giờ họ đã tham gia thêm 49 hiệp định nữa. Singapore là người giúp khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (một thỏa thuận thương mại từng nhắm vào Mỹ, Nhật Bản và mười quốc gia khác ở Thái Bình Dương) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, vốn bao gồm cả Trung Quốc. Singapore cũng là một trong những quốc gia đang cố gắng môi giới một thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Mỹ để giúp cho Tổ chức Thương mại Thế giới tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Nhưng các con hổ có rất ít khả năng để tránh được một cuộc đụng độ toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ. Hồng Kông có rủi ro cao nhất. Sự đặc biệt của nó được công nhận trong luật pháp Mỹ, vốn coi Hồng Kông như một lãnh thổ hải quan riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Hồng Kông không bị ảnh hưởng bởi thuế quan áp vào Trung Quốc. Nhưng một số công ty dường như đang khai thác điều này, chuyển hàng hóa đi vòng qua trung gian ở Hồng Kông để giảm mức thuế mà họ phải đối mặt. Mỹ có thể thắt chặt giám sát đối với hàng hóa xuất đi từ thành phố này.

Các vấn đề ở châu Á cũng có thể xuất phát từ chính nơi đây. Một cuộc tranh chấp chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, có nguồn gốc từ sự chiếm đóng của Nhật Bản đối với Hàn Quốc trong nửa đầu thế kỷ 20, đã biến thành một cuộc xung đột thương mại thế kỷ 21. Nhật Bản đã hạn chế việc bán cho Hàn Quốc các vật liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Sự phân chia lao động toàn cầu được tiến hành chặt chẽ đến mức các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc rất khó tìm được nguồn hàng thay thế khả dĩ.

Hậu quả cuối cùng của sự hỗn loạn này là các công ty ngày càng khó biết được nên hoạt động ở đâu và giao dịch với ai. Bà Tu từ Giant kết luận là các công ty cần nắm vững những gì mà họ có thể kiểm soát. “Chúng tôi phải tập trung vào năng suất và tự động hóa”, bà nói. Nhiệm vụ tăng năng suất là nhiệm vụ chung của tất cả các con hổ. Tự động hóa là một cách để đạt được điều đó. Nhưng các nước khác cũng làm như vậy.

(Còn tiếp 5 phần)