10/12/1901: Giải Nobel đầu tiên được trao

Nguồn: First Nobel Prizes awarded, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1901, Giải thưởng Nobel đầu tiên đã được trao ở Stockholm, Thụy Điển, trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình. Buổi lễ diễn ra vào ngày kỷ niệm năm năm ngày mất của Alfred Nobel, nhà khoa học người Thụy Điển đã phát minh ra thuốc nổ (dynamite) và các chất nổ công phá khác. Trong di chúc, Nobel đã quyết định rằng phần lớn tài sản khổng lồ của ông sẽ được gửi vào một quỹ mà tiền lãi từ đó “sẽ được phân chia hàng năm dưới dạng giải thưởng cho những người, trong năm trước đó, đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại.”

Mặc dù Nobel không đưa ra lý do công khai nào cho việc tạo ra các giải thưởng này, nhưng người ta tin rằng ông đã làm điều đó vì lý do đạo đức, hối tiếc khi chứng kiến các phát minh của mình bị sử dụng theo cách ngày càng gây chết người trong chiến tranh.

Alfred Bernhard Nobel sinh tại Stockholm vào năm 1833 và bốn năm sau, gia đình ông chuyển đến Nga. Cha ông đã điều hành thành công một nhà máy ở St. Petersburg, chuyên chế tạo mìn nổ và các thiết bị quân sự khác. Được đào tạo ở Nga, Pháp và Mỹ, Alfred Nobel đã sớm trở thành một nhà hóa học tài năng. Khi việc kinh doanh của cha ông sa sút sau khi Chiến tranh Crimea kết thúc, Nobel trở về Thụy Điển và thành lập một phòng thí nghiệm để thử nghiệm chất nổ. Năm 1863, ông đã phát minh ra cách kiểm soát sự phát nổ của nitroglycerin, một chất lỏng dễ bay hơi mới được phát hiện nhưng đã bị xem là quá nguy hiểm khi sử dụng. Hai năm sau, Nobel đã phát minh ra ngòi nổ (blasting cap), một kíp nổ cải tiến đã khởi đầu cho việc sử dụng chất nổ công phá hiện đại. Trước đó, chất nổ đáng tin cậy nhất là bột đen, một dạng thuốc súng.

Tuy nhiên, nitroglycerin vẫn rất nguy hiểm, và vào năm 1864, nhà máy nitroglycerin của Nobel đã nổ tung, giết chết em trai ông và một số người khác. Cố gắng tìm kiếm một chất nổ an toàn hơn, vào năm 1867, Nobel phát hiện rằng sự kết hợp giữa nitroglycerin và một chất xốp gọi là kieselguhr sẽ tạo ra một hỗn hợp nổ an toàn hơn để xử lý và sử dụng. Nobel đã đặt tên cho phát minh của mình là dynamite (thuốc nổ), bắt nguồn từ chữ dynamis trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là sức mạnh. Đăng ký thành công bằng sáng chế cho thuốc nổ, Nobel đã thu về một tài sản khổng lồ khi nhân loại đưa phát minh của ông vào sử dụng trong xây dựng và chiến tranh.

Năm 1875, Nobel tiếp tục tạo ra một dạng thuốc nổ mạnh hơn, keo nổ blasting gelatin, và năm 1887 thì giới thiệu ballistite, một loại bột nitroglycerin không khói. Trong khoảng thời gian đó, một trong những người anh em của Nobel đã qua đời ở Pháp và các tờ báo Pháp đã cho in các cáo phó trong đó họ nhầm ông với Alfred. Một tựa báo viết rằng “Thương gia của cái chết nay đã chết.” Thực tế, Alfred Nobel luôn có khuynh hướng hòa bình và trong những năm sau này, ông đã tiếc nuối về tác động từ những phát minh của mình đối với thế giới.

Sau khi ông qua đời tại San Remo, Ý, vào ngày 10/12/1896, phần lớn tài sản của ông đã hướng tới việc tạo ra các giải thưởng được trao hàng năm trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình. Phần di chúc của ông lập ra giải thưởng Nobel Hòa bình viết rằng “[một giải thưởng sẽ được trao] cho người đã làm việc tốt nhất có thể để vun đắp tình huynh đệ giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực, và cho việc tổ chức và thúc đẩy các hội nghị hòa bình”. Đúng năm năm sau khi ông qua đời, giải thưởng Nobel đầu tiên đã được trao.

Ngày nay, Nobel được coi là giải thưởng uy tín nhất trên thế giới trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Những người chiến thắng đáng chú ý bao gồm Marie Curie, Theodore Roosevelt, Albert Einstein, George Bernard Shaw, Winston Churchill, Ernest Hemingway, Martin Luther King, Jr., Dalai Lama, Mikhail Gorbachev và Nelson Mandela. Nhiều nhà lãnh đạo và tổ chức đôi khi được trao giải Nobel Hòa bình và nhiều nhà nghiên cứu thường chia sẻ các giải thưởng khoa học cho những khám phá chung của họ. Năm 1968, một giải thưởng tưởng niệm Nobel về khoa học kinh tế được thành lập bởi ngân hàng quốc gia Thụy Điển, Sveriges Riksbank, và lần đầu tiên được trao vào năm 1969.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định các giải thưởng về vật lý, hóa học và khoa học kinh tế; Viện Phẫu thuật Hoàng gia Thụy Điển Caroline Medico quyết định giải thưởng về y sinh; Viện Hàn lâm Thụy Điển (Swedish Academy) lựa chọn người thắng trong lĩnh vực văn học; và một ủy ban được bầu bởi quốc hội Na Uy sẽ trao giải Nobel Hòa bình. Giải Nobel vẫn được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày giỗ Nobel. Trong năm 2006, mỗi giải thưởng Nobel tương đương với khoản tiền mặt trị giá gần 1,4 triệu USD và người chiến thắng còn nhận được huy chương vàng như truyền thống lâu nay.