Nguồn: “Asian-tiger governments are steering their economies with a lighter touch”, The Economist, 05/12/2019
Biên dịch: Phan Nguyên
Trong một chiến dịch bắt đầu từ Singapore, mọi thứ thật khắc nghiệt và đẫm máu. Tháng trước, Jack và 49 người khác đã lên một máy bay vận tải và nhảy dù xuống một hòn đảo. Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: giết hoặc bị giết. Jack nhặt lựu đạn và tìm đường đến một nhà máy bỏ hoang. Anh ta cúi thấp mình để giữ an toàn, nghĩ rằng đã không bị phát hiện. Nhưng anh ta đã nhầm. Sau một loạt đạn là sự im lặng bao trùm. Jack đã một lần nữa không thể vượt qua level đầu tiên.
Chào mừng các bạn đến với Free Fire, một trong những trò chơi chiến đấu được download nhiều nhất dành cho điện thoại trong năm nay. Nhà phát triển của nó là Sea Group, một công ty internet được thành lập tại Singapore một thập niên trước, hiện trị giá 17 tỷ đô la. Bên cạnh trò chơi đình đám của mình, tập đoàn cũng có một ứng dụng thương mại điện tử, Shoppee, phổ biến hơn nhiều so với Amazon ở Đông Nam Á. Thành công của công ty phản ánh một sự thay đổi quan trọng trong nền kinh tế của các con hổ.
Trong những năm bùng nổ, nhiều công ty lớn nhất của các con hổ lớn lên là nhờ chính sách của chính phủ. Các chaebol Hàn Quốc đã được trao tín dụng rẻ và miễn giảm thuế. Các công ty dẫn đầu ngành bán dẫn Đài Loan là những thực thể tách ra từ các tổ chức nghiên cứu của nhà nước. Các ông trùm Hồng Kông đã nuôi dưỡng quan hệ chặt chẽ với các quan chức và được hưởng lợi từ các chính sách đất đai của họ. Các công ty lớn nhất Singapore sâu xa cũng thuộc sở hữu của nhà nước.
Sea đại diện cho một cái gì đó khác biệt. Thành công của nó có ít mối liên hệ trực tiếp đến chính sách của chính phủ. Các nhà kỹ trị của Singapore, tác giả của nhiều bản kế hoạch phát triển kinh tế chi tiết, có lẽ không bao giờ mơ về một trò chơi chiến đấu nhiều người chơi bao gồm các nhân vật như một nữ hoàng sắc đẹp trở thành trùm buôn bán vũ khí. Ông Lý Quang Diệu hẳn sẽ không thích. Nhưng các quan chức ngày nay lại cảm thấy biết ơn về điều đó.
Chính sách công nghiệp là một nhân tố lớn góp phần giúp các con hổ cất cánh. Ngay cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thông thường là một bên hay hoài nghi, đã xuất bản một bài báo dài trong năm nay nói về sự thành công của các mô hình do chính phủ lãnh đạo của họ. Nhưng những gì hiệu quả cho một quốc gia đang phát triển không nhất thiết cũng hiệu quả với một quốc gia giàu có. Vào những năm 1970, các con hổ có thể theo chân các quốc gia khác. Việc Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp được sao chép tự do từ Nhật Bản. Họ cũng có thể mua các công nghệ tiên tiến, như Đài Loan đã làm trong lĩnh vực bán dẫn. Và họ có thể giành giật các nhà nghiên cứu.
Tiến bộ công nghệ không tự đến
Nhưng bây giờ thử thách rất khác. Khi các quan chức và doanh nhân nhìn về phía trước, họ chỉ thấy một màn sương khói mù mịt của tương lai. Nghe có vẻ hợp lý nếu phát triển các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử. Nhưng bằng cách nào? Không có công nghệ để sao chép vì chúng chưa được tạo ra. Những đổi mới thực thụ rất khó được xác định từ trước. Vì vậy, nhiệm vụ ở đây là tập trung vào việc tạo điều kiện thích hợp cho các công ty tiến lên phía trước và nắm bắt những bước đột phá khi chúng xuất hiện.
Kế hoạch của các con hổ ngày nay đôi khi nghe có vẻ giống như các chính sách công nghiệp lỗi thời. Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan có “Kế hoạch các ngành công nghiệp sáng tạo 5+2”, để mắt đến các lĩnh vực như năng lượng xanh và máy móc thông minh. Singapore có 23 Bản đồ Chuyển đổi Công nghiệp, bao gồm mọi ngành, từ sản xuất thực phẩm đến hàng không vũ trụ. Hàn Quốc đặt mục tiêu đầu tư 30 nghìn tỉ won (hơn 25 tỷ đô la) trong năm năm vào tám ngành công nghiệp mới nổi, từ trí tuệ nhân tạo đến phương tiện tự hành.
Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt so với các kế hoạch quá khứ trở nên rõ ràng. Đây không phải là kết quả của sự thực thi từ trên xuống về mặt lập kế hoạch mà xuất phát từ các cuộc thảo luận với các công ty và chuyên gia. Và vấn đề không phải là đề xuất trợ cấp cho lĩnh vực này hay lĩnh vực kia mà là tìm ra những mảng ghép hỗ trợ cần thiết. “Quy trình xây dựng kế hoạch cũng quan trọng không kém gì sản phẩm cuối cùng”, Gabriel Lim, thư ký thường trực Bộ Công thương Singapore, nói.
Một số yếu tố là rõ ràng: cơ sở hạ tầng tốt, từ các bến cảng đến internet; cởi mở với thương mại; lực lượng lao động có trình độ học vấn cao; và chi tiêu nhiều cho nghiên cứu và phát triển (xem biểu đồ). Nhưng các con hổ cũng có những cách sáng tạo để thúc đẩy đổi mới.
Đài Loan có một trong những khuôn khổ mạnh mẽ nhất thế giới để khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), loại công ty có nhiều ý tưởng nhưng ít tài nguyên. Họ kết hợp một hệ thống chia sẻ thông tin tập trung hóa về hiệu quả của các công ty với các lựa chọn về đảm bảo tín dụng, giúp các ngân hàng tự tin hơn khi cho vay. “Khi tôi giải thích hệ thống của chúng tôi với các chủ ngân hàng ở các quốc gia khác, bạn có thể thấy họ chảy nước miếng”, Lee Chang-Ken, chủ tịch Cathay Financial Holdings, tập đoàn tài chính lớn nhất Đài Loan, nói. Các khoản cho vay dành cho SME hiện chiếm 64% số khoản vay của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp tư nhân ở Đài Loan, tăng từ mức 41% hồi năm 2005. Singapore đã tạo ra một nhà máy trình diễn lớn cho phép các SME tiếp cận với thiết bị robot và máy in 3D tối tân. Các cơ sở tương tự cũng tồn tại ở Hồng Kông. Nếu một doanh nhân có một ý tưởng tuyệt vời, họ không còn cần phải có một số vốn khổng lồ để đưa nó vào cuộc sống.
Tuy nhiên, các quan chức của các con hổ cũng biết giới hạn của họ. Những quyết định lớn ngày nay được đưa ra trong các phòng họp của công ty: món cược của Samsung vào điện thoại màn hình gập; khoản đầu tư khổng lồ của TSMC nhằm nâng cao công suất tại Đài Loan; sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp như Sea ở Singapore; hay việc Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông muốn duy trì vị thế thị trường tài chính hàng đầu châu Á (ngay cả khi nỗ lực của họ nhằm mua lại Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn đã thất bại). Các quản chức quản lý kinh tế bây giờ điều hành từ phía sau hậu trường.
Các con hổ cũng đã bắt đầu tập trung vào các bộ phận của nền kinh tế vẫn còn cách xa biên giới công nghệ. Mặc dù có thế mạnh về chế tạo, năng suất của ngành dịch vụ của họ vẫn chỉ mới bằng một nửa so với Mỹ, theo một số ước tính. Một phần lý do là sự hạn chế của quy mô thị trường: một chuỗi bán lẻ ở một quốc gia có 6 triệu dân bị hạn chế hơn nhiều so với một thị trường 1,3 tỷ người chẳng hạn. Nhưng một phần hạn chế này là do họ tự gây ra. Hàn Quốc áp đặt các rào cản pháp lý cao đối với các ngành công nghiệp dịch vụ của mình, cao hơn bất kỳ thành viên OECD nào khác ngoại trừ Bỉ.
Singapore là con hổ mạnh dạn nhất trong việc cố gắng đưa khu vực dịch vụ của mình lên cao, từ các nhà hàng đến các công ty xây dựng. Nước này đã tinh chỉnh các biện pháp đo lường năng suất (ví dụ, diện tích sàn được xây dựng bởi một công nhân mỗi ngày). Họ xác định các công ty triển vọng và cung cấp trợ giúp: phát triển các kế hoạch kinh doanh mới, ví dụ như hướng dẫn họ mở rộng ra nước ngoài. Edward Robinson, kinh tế trưởng của Cơ quan Tiền tệ Singapore, tin rằng các nước giàu châu Á có lợi thế trong việc hiện đại hóa lĩnh vực dịch vụ của mình. Do có rất nhiều người được đào tạo để làm các công việc công nghệ cao, họ có điều kiện để triển khai các công cụ kỹ thuật số nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Không theo kịp
Ở Hwaseong, cách Seoul 35km về phía nam, một khu làng mới xây có tốc độ mạng 5G làm bất cứ thành phố nào cũng phải ghen tị. Du khách cũng sẽ tìm thấy những tiện nghi thiết yếu khác, như trường học, tiệm rửa xe và nhà hàng phục vụ món chân gà. Nghe hấp dẫn là vậy nhưng thực ra các tòa nhà đều là giả. Thị trấn mô hình, được xây dựng bởi Viện Nghiên cứu và Thử nghiệm ô tô Hàn Quốc, được sử dụng để kiểm tra các phương tiện tự lái, giống như chiếc xe Kia đã hoàn thành một hành trình quanh làng vào một buổi chiều gần đây. Đạt tốc độ gần 70 km/h, chiếc xe đã đối phó được với những tia sáng mặt trời chói lòa và vạch kẻ đường phản quang có thể gây nhầm lẫn cho thị giác máy tính. Kỹ thuật viên ngồi ghế lái khoanh hai tay trên ngực khi vô lăng tự xoay.
Hàn Quốc có những cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới cho các phương tiện tự lái, bao gồm các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất ô tô đẳng cấp thế giới, cũng như mạng lưới 5G đang phát triển. Chính phủ luôn hỗ trợ, cho phép vận hành thử trên những cung đường thật đối với các phương tiện đã hoàn thành thử nghiệm tại các địa điểm thử. Vậy tại sao theo công ty tư vấn KPMG, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho xe tự hành?
Một lý do là sự ngờ vực của nước này đối với các công nghệ liên quan khác, chẳng hạn như các ứng dụng chia sẻ xe. Một dịch vụ phổ biến, Kakao Mobility, đã bị phản đối mạnh mẽ bởi các tài xế taxi truyền thống tại các cuộc biểu tình ở Seoul. Để phản đối sự xuất hiện của các ứng dụng như vậy, bốn tài xế lớn tuổi đã tự thiêu.
Sự đổi mới, mặc dù được tôn vinh bởi các doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, không giúp nền kinh tế tăng năng suất cho đến khi nó được áp dụng rộng rãi. Như Paul David của Đại học Stanford từ lâu đã chỉ ra, phải đến những năm 1920, bốn thập niên sau khi nhà máy điện đầu tiên của Thomas Edison ra đời, các nhà sản xuất mới nắm bắt được một “ứng dụng sát thủ” của điện, qua đó thiết kế các nhà máy phù hợp có các dây chuyền lắp ráp dựa vào mô tơ điện.
Sự cảnh giác của Hàn Quốc đối với các ứng dụng chia sẻ xe làm nổi bật một cơ sở hạ tầng mà các con hổ thiếu nhất: hệ thống an sinh xã hội hoạt động tốt. Chìa khóa để tiến bộ trong một công nghệ mới, như xe tự hành chẳng hạn, có thể không phải là một mạng 5G tốt hơn mà là một hệ thống lương hưu tốt hơn. Nếu không có một tấm đệm dành cho những người bị bỏ lại phía sau bởi tiến bộ công nghệ, việc hỗ trợ cho bản thân các tiến bộ công nghệ đó sẽ khó khăn hơn ngay từ đầu.
Những con hổ luôn giỏi huy động các nguồn lực một cách nhanh chóng. Họ cũng đang trở nên giỏi hơn trong việc phân bổ chúng một cách sáng tạo. Nhưng như những dấu hiệu gần đây của sự bất mãn xã hội cho thấy, một số con hổ trong số đó hiện đang vật lộn để có thể thu hút được sự ủng hộ của công chúng một cách hiệu quả. ■
(Còn tiếp 4 phần)