17/12/2011: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il qua đời

Nguồn: Kim Jong Il, leader of North Korea, dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, Kim Jong Il, nhà độc tài ẩn dật của Triều Tiên, đã qua đời vì một cơn đau tim khi đang đi trên một chuyến tàu ở nước mình. Kim, người đảm đương vai trò lãnh đạo kể từ sau cái chết của cha mình năm 1994, đã cai trị quốc gia cộng sản này bằng nắm đấm sắt, và chế độ đàn áp, cô lập của ông đã nhiều lần bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Rất ít người biết về giai đoạn đầu đời của Kim, nhưng người ta tin rằng ông sinh năm 1941 tại một căn cứ quân sự của Liên Xô gần Khabarovsk, Nga, nơi cha ông đóng quân. Tuy nhiên, khi ông lên nắm quyền, bộ máy tuyên truyền của chính phủ, cái nôi sản sinh nhiều huyền thoại về lãnh đạo, đã tuyên bố rằng Kim sinh ngày 16 tháng 2 năm 1942, trên đỉnh núi thiêng Paektu của Triều Tiên, khi một ngôi sao mới mọc lên và cầu vồng kép xuất hiện trên bầu trời.

(Ngoài ra còn nhiều tuyên bố đáng nghi khác được báo chí Triều Tiên đăng tải về “Lãnh tụ Kính yêu” hay “Lãnh đạo Tối cao” như việc ông đánh trúng 11 lần hole-in-one chỉ với một vòng golf, sáng tác vô số vở opera, phát minh ra điện thoại di động vô hình và có thể kiểm soát thời tiết.)

Năm 1948, cha ông, Kim Il Sung (tức Kim Nhật Thành, 1912-1994), trở thành người đứng đầu nhà nước cộng sản mới thành lập ở Bắc Triều Tiên (tên chính thức là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên). Cậu con trai sau đó tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành năm 1964, và tiếp tục phát triển sự nghiệp trong Đảng Lao động Triều Tiên, đảng chính trị cầm quyền, đồng thời cũng nổi danh là một tay chơi mê đồ ăn ngon và rượu hảo hạng. Ngoài ra, Kim còn được biết đến là người hâm mộ điện ảnh, với bộ sưu tập phim nước ngoài khổng lồ; năm 1978, ông còn ra lệnh bắt cóc một nữ diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc và chồng của cô này, vốn là đạo diễn, để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Triều Tiên.

Ngay khi Kim Jong Il lên kế vị cha mình, Triều Tiên đã trải qua một loạt nạn đói nghiêm trọng, giết chết khoảng 2 triệu người vào cuối thập niên 1990. Trong khi dân thường phải chịu đựng những khó khăn về kinh tế, Lãnh tụ lại chỉ đạo sử dụng một phần đáng kể ngân sách quốc gia để duy trì một quân đội lớn và phát triển vũ khí hạt nhân (được Triều Tiên thử nghiệm năm 2006 và 2009). Ngoài ra, dưới chế độ toàn trị của Kim, phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm soát, dân thường chỉ có quyền tự do cá nhân tối thiểu và tuyệt đối không thể rời khỏi đất nước (chỉ một số ít người nước ngoài được phép nhập cảnh dưới sự theo dõi chặt chẽ). Những người chống lại chính phủ đã bị giam trong các trại tù khắc nghiệt. Giống như cha mình (hiện được người dân Triều Tiên gọi là “Chủ tịch vĩnh cửu”), một kiểu sùng bái cá nhân lãnh tụ đã được xây dựng dựa xung quanh Kim. Ông và cha mình được miêu tả là các vị thần và hình ảnh của họ xuất hiện trên tất cả các tòa nhà công cộng.

Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ, cùng với phần lớn phương Tây, đã trở nên căng thẳng do chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Kim. Năm 2002, Tổng thống George Bush đã đưa Triều Tiên vào danh sách “trục ác quỷ,” cùng với Iran và Iraq. Tuy nhiên, năm 2008, chính quyền Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố sau khi họ đồng ý cho phép thực hiện một số cuộc kiểm tra các địa điểm hạt nhân của nước này.

Sau khi Kim qua đời vào ngày 17/12/2011, xác ướp của ông đã được bảo quản vĩnh viễn trong Cung Thái dương Kumsusan ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Thi hài của Kim Nhật Thành cũng được bảo quản ở đó kể từ khi ông qua đời.) Vị trí lãnh đạo Triều Tiên mà ông để lại đã được kế vị bởi người con út trong số ba người con trai của ông, Kim Jong Un, khi đó ở độ tuổi 20 và hầu như không được thế giới biết đến.