Báo cáo thường niên 2019 và Kêu gọi tài trợ năm 2020

Download toàn văn báo cáo (PDF) tại đây: Báo cáo thường niên 2019 (PDF)

II. Hoạt động năm 2019

Trong năm 2019, Dự án xuất bản tổng cộng 822 bài so với 690 bài năm 2018, đạt trung bình 2,25 bài mỗi ngày. Tổng số lượt đọc của trang cũng tăng 20%, lên 7,64 triệu lượt đọc trong cả năm.

Chất lượng của Dự án vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy, qua đó thu hút ngày càng nhiều bạn đọc. Nhiều bài bám sát các sự kiện thời sự trong và ngoài nước, thu hút được sự quan tâm lớn của độc giả.

Danh sách 20 bài xuất bản trong năm 2019 được đọc nhiều nhất

      1. Những ai sẽ vào ‘tứ trụ’ tại Đại hội Đảng 2021?
      2. Mỹ đã tiêu diệt Đại tướng Yamamoto như thế nào?
      3. Nayan Chanda: Nhìn lại việc Việt Nam lật đổ Khmer Đỏ
      4. Thân phận phụ nữ Việt Nam Cộng hòa thời chiến
      5. Không có tự do tư tưởng thì không thể có sáng tạo
      6. Hình ảnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong mắt lính Mỹ
      7. Khi người Thái nhìn về phía đông: Cuộc chiến Xiêm – Việt năm 1833
      8. Tại sao nên kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về chủ quyền Biển Đông?
      9. ‘Kẻ cắp gặp bà già’: Tại sao Trung Quốc đáng gặp phải Donald Trump?
      10. Nhận diện mục đích và chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
      11. Cái giá cho sự độc đoán của Tập Cận Bình
      12. Chiến tranh Việt-Trung 1979: Diễn biến và hậu quả
      13. Thế lưỡng nan của Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính
      14. Trung Quốc đang chuốc lấy thảm họa ở Hồng Kông
      15. Tại sao Liên Xô giúp đỡ Bắc Việt?
      16. Tình hình bi đát của nền kinh tế Trung Quốc
      17. Tại sao Việt Nam tránh sử dụng công nghệ 5G của Huawei?
      18. Jimmy Lai: Tỉ phú Hồng Kông duy nhất dám đối đầu Bắc Kinh
      19. Khủng hoảng tài chính Trung Quốc đã bắt đầu?
      20. Dự án Kênh đào Kra của Thái Lan: Lịch sử, hiện trạng và triển vọng

Đặc biệt, trong năm dự án đã đăng ký thuê bao tạp chí The Economist, một nguồn phân tích thời sự thế giới cập nhật, uy tín, đa dạng chủ đề, với văn phong mẫu mực.  Chính vì vậy, trong năm qua số bài dịch từ nguồn The Economist đã tăng lên đáng kể. Một số báo cáo đặc biệt dịch từ tạp chí như về Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung, Bốn con hổ châu Á… nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo độc giả.

Từ ngày 13/08/2019, Dự án cũng mở thêm chuyên mục Thế giới hôm nay, chuyên điểm các sự kiện diễn ra ngày hôm trước và nhận định sơ bộ về các sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong ngày. Chuyên mục, do CTV Đỗ Đặng Nhật Huy phụ trách, đã xuất bản được hơn 80 bài cho đến cuối năm 2019.

Trang Facebook của Dự án cũng thu hút ngày càng nhiều người theo dõi, với số followers tới cuối năm 2019 đạt hơn 46,700 người, so với 40,000 người vào cuối năm 2018.

Về nhân sự, dự án có một số thay đổi trong năm 2019. Trong khi CTV Hồng Loan tạm nghỉ, dự án chào đón hai CTV mới: Trần Mẫn Linh và Đỗ Đặng Nhật Huy. Cả hai bạn đều là sinh viên, đã thể hiện được năng lực và có tiềm năng đóng góp lâu dài cho Dự án.

Về kỹ thuật, trong năm qua trang web có một vài thời điểm bị gián đoạn do việc bảo trì, hoặc do số lượng bạn đọc tăng đột biến vào một số thời điểm. Để đảm bảo dịch vụ của trang web được ổn định, Dự án đã nâng cấp gói thuê server từ tháng 5/2019, với chi phí tăng gấp đôi (20 USD lên 40 USD/tháng).

III. Phương hướng hoạt động năm 2020

Trong năm 2020, Dự án dự kiến duy trì số lượng bài đăng tương đương năm 2019. Ngoài ra Dự án cũng sẽ nỗ lực tìm nguồn bài dịch để duy trì các chuyên mục cũ, đồng thời xem xét khả năng mở thêm các chuyên mục mới khi điều kiện cho phép

IV. Tài chính năm 2019

1. Thu

Trong năm 2019, Dự án có ngân sách hoạt động ban đầu là số tiền 48.437.049 VNĐ từ ngân sách năm 2018 chuyển sang.

Nguồn thu của Dự án trong năm chủ yếu đến từ đóng góp của các nhà tài trợ, gồm: 255 USD, 632,01 SGD, và 89.271.900 VNĐ. Đặc biệt, trong số này, Dự án nhận nhận được khoản tài trợ từ tập thể tác giả cuốn sách Thuật ngữ Quan hệ quốc tế trị giá 26.000.000 VNĐ.

Sau khi quy đổi các khoản ngoại tệ ra VNĐ theo tỉ giá ngày 31/12/2019, số tiền tài trợ Dự án nhận được trong năm 2019 tương đương 105.831.971 VNĐ.

Danh sách chi tiết các nhà tài trợ xin xem ở Phụ lục II. (Lưu ý: Các khoản tài trợ nhận được sau ngày 31/12/2019 sẽ được tính vào ngân sách năm 2020)

Như vậy trong năm 2019, Dự án có ngân sách hoạt động là 48.437.049 + 105.831.971 = 154.269.020 VNĐ.

2. Chi

Trong năm 2019, Dự án có ba khoản chi chính:

    1. Chi trả chi phí duy trì trang web: 454USD/năm (bao gồm tiền thuê server [400 USD] và duy trì 3 tên miền [54 USD]).
    2. Chi trả phí bản quyền: Project Syndicate: 300 USD/năm; The Economist 496 SGD/năm
    3. Tiền bồi dưỡng cộng tác viên:
    • Mức 1: 14 triệu đồng dành cho Biên tập viên nòng cốt, hoặc Cộng tác viên đóng góp nhiều bài viết giá trị, thu hút sự quan tâm và lượt đọc lớn từ độc giả, đã cộng tác thường xuyên trong suốt cả năm

Số lượng: 3

    • Mức 2: từ 4 đến 10 triệu đồng, dành cho Cộng tác viên thường xuyên, tùy thuộc vào thời gian đóng góp trong năm

Số lượng: 4

Tổng cộng trong năm 2019, Dự án đã chi tổng cộng số tiền bồi dưỡng 64 triệu đồng cho 7 Cộng tác viên nòng cốt (Xem Phụ lục III).

Như vậy, trong năm qua Dự án đã chi 754 USD, 496 SGD, và 64 triệu VNĐ. Sau khi quy đổi theo tỉ giá ngày 31/12/2019, số chi tổng cộng của Dự án trong năm 2019  tương đương 89.785.316 VNĐ.

Đến hết ngày 31/12/2019, số dư ngân sách của Dự án tương đương 64.483.704 VNĐ.

Bảng cân đối các khoản thu chi xin xem ở Phụ lục I.

3. Dự kiến thu chi năm 2020

Trong năm 2020, ngoài các khoản chi thường xuyên nhằm duy trì hạ tầng trang web và chi trả phí bản quyền, Dự án dự kiến sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho các Biên tập viên và Cộng tác viên nòng cốt với mức chi dự kiến tương đương hoặc cao hơn năm vừa qua. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ xem xét chi trả phí bồi dưỡng/ nhuận bút cho một số cộng tác viên có nhiều bài dịch/ bài viết tốt nếu điều kiện ngân sách cho phép.

Về lâu dài, đây sẽ là khoản chi lớn nhất của Dự án, nhưng cũng là điều mà Dự án mong muốn thực hiện để có thể duy trì được một đội ngũ Cộng tác viên và Biên tập viên nhiệt tình và có năng lực, đảm bảo sự phát triển bền vững của Dự án.

Vì vậy Dự án hi vọng có thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đóng góp của quý độc giả quan tâm để  Dự án có thể thực hiện được mục tiêu này. Thông tin về cách tài trợ cho Dự án xin xem ở bên dưới.

Thay mặt Dự án Nghiên cứu Quốc tế

Lê Hồng Hiệp


CÁCH TÀI TRỢ CHO DỰ ÁN

1.       Qua Paypal

Tài khoản: [email protected]

2.       Chuyển khoản ngân hàng:

Tên tài khoản: Lê Hồng Hiệp

Số tài khoản: 13510000242497

Ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Gia Định, TPHCM

Trong phần ghi chú giao dịch, Quý vị vui lòng ghi theo cú pháp: “NCQT Tên người gửi Email liên lạc” để chúng tôi có thể gửi email xác nhận, cảm ơn và gửi báo cáo tài chính thường niên.

Ví dụ: NCQT Nguyen Van A nguyenvana email.com

Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm và ủng hộ của Quý vị!