04/02/2004: Facebook ra mắt

Nguồn: Facebook launches, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 2004, một sinh viên năm hai của Đại học Harvard là Mark Zuckerberg đã cho ra mắt The Facebook – mạng xã hội được xây dựng nhằm kết nối các sinh viên Harvard với nhau. Ngày hôm sau, hơn một nghìn người đã đăng ký tài khoản, song đó mới chỉ là sự bắt đầu. Được gọi bằng tên ‘Facebook’ ngày nay, trang web đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty truyền thông xã hội quan trọng nhất trong lịch sử. Facebook hiện là một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới với hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng.

Dù nguồn gốc của Facebook đã được nghiên cứu khá kỹ (bao gồm cả bộ phim gây tiếng vang The Social Network), song ý tưởng này bắt nguồn chính xác từ đâu hiện vẫn chưa rõ. Chỉ có một điều rất rõ là Zuckerberg sở hữu hai tài năng thiên bẩm đã giúp anh được chú ý ở Harvard – lập trình và gây tranh luận. Năm 2003, Mark trở thành nhân vật nổi tiếng của trường khi tạo ra FaceMash, một trang web cho phép sinh viên bình chọn người hấp dẫn hơn trong số hai phụ nữ Harvard được chọn ngẫu nhiên. Điều này đã nhanh chóng đụng chạm tới chính quyền và các nhóm nữ quyền. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, FaceMash đã trở nên cực kỳ phổ biến khiến Zuckerberg bắt đầu cân nhắc đến giá trị của việc tạo ra một mạng xã hội toàn trường.

Trong suốt năm thứ hai đại học, Zuckerberg dành thời gian để xây dựng Facebook. Vào ngày ra mắt, Mark và các bạn cùng phòng đã chăm chú theo dõi khoảng 1.200 – 1.500 bạn học của họ đăng ký trên trang web trong vòng 24 tiếng đầu tiên. Từ đây, Facebook đã nhanh chóng mở rộng sang các trường ở Boston và những trường còn lại thuộc khối Ivy League vào mùa xuân năm đó. Cuối năm 2004, Facebook có 1 triệu người dùng và được nhà đầu tư Peter Thiel rót vốn 500.000 đô la. Zuckerberg sau đó đã rời Harvard để điều hành Facebook tại trụ sở mới tại California.

Từ đó, Facebook mở rộng ra toàn thế giới, trở thành một công ty có giá trị khổng lồ và là một trong các tập đoàn quan trọng nhất đầu thế kỷ 21. Là mạng xã hội được ưa thích của một thế hệ người dùng internet, nó được đón nhận bởi cả những người dùng lớn tuổi khi trở nên phổ biến. Facebook nằm trong các động lực chính mở ra một thời kỳ có tính tương tác cao của internet với nội dung do người dùng tạo ra, đôi khi được xem như “Web 2.0”. 

Tuy nhiên, Facebook vẫn còn gây tranh cãi. Bên cạnh các cáo buộc rằng Facebook cho phép các tin giả và tài khoản giả hoạt động, công ty này cũng bị chỉ trích vì bán thông tin của người dùng và thất bại trong việc bảo vệ chúng đúng cách. Dù vậy, Facebook vẫn tiếp tục thống trị thị trường truyền thông xã hội, tạo ra doanh thu cao chưa từng có từ quảng cáo và nắm giữ hơn một nửa thị phần.