Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Cuộc chiến Lý Tống chính thức mở màn vào tháng 10 năm 1075. Theo sử Trung Quốc, Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên, Tổng chỉ huy cuộc chiến là Lý Thượng Cát, có lẽ họ ghi lại theo âm Việt, nên chép sai tên Lý Thường Kiệt. Căn cứ vào tờ chiếu Vua Tống truy tặng quan chức Chỉ huy các châu, động, thuộc hai lộ Quảng Tây và Quảng Đông tử trận, thấy được tổng quát chiến lược của Lý Thường Kiệt: ông cho mở hai mặt trận từ hai phía tây và đông, rồi đánh kẹp vào thành Ung [Nam Ninh], khiến viên Tri Ung châu Tô Giam phải đơn độc chịu trận.
Về phía tây, chiến trận chính thức mở màn vào tháng 10/1075, tại động Cổ Vạn, vị trí ở vùng hạ lưu sông Tả Giang, cách thành Ung châu [Nam Ninh] khoảng 20 km. Về phía tây nam:
“Trường Biên[1] quyển 268. Năm Hy Ninh thứ 8 [1075]
Ngày Giáp Tuất tháng 9 [27/10/1075], giặc man hơn 700 người cướp động Cổ Vạn.”[2]
Vua Tống được tin thành mất, biết tình thế khẩn trương, ra lệnh cho Kinh lược sứ Lưu Di, bấy giờ bộ chỉ huy đầu não đóng tại Quế Lâm miền bắc Quảng Tây; cho phòng bị nghiêm nhặt, không được khinh suất tấn công:
“Trường Biên, quyển 269, ngày Bính Thìn tháng 10 [8/12/1075], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu man tặc đánh phá trại Cổ Vạn. Chiếu ban cho Lưu Di xử trí trọn vẹn, răn Tuần kiểm sai quan thủ bị nghiêm nhặt, không được khinh chiến.”[3]
Viên Tri Ung châu Tô Giam giữ thành Nam Ninh, báo cáo rõ rằng vào tháng 11 năm Hy Ninh thứ 6 [12/1075] chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, quân An Nam đã chiếm hai châu Khâm, Liêm tại bờ biển; riêng mặt trận phía tây chiếm trọn 4 trại Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Long, Cổ Vạn, vị trí tại lưu vực sông Tả Giang:
“Trường Biên, quyển 271, Ngày Đinh Dậu tháng chạp [18/1/1076]… Rồi người Giao quả đã cử đại binh, chúng bảo là 8 vạn; tháng 11 đến vùng bờ biển, chưa đến 1 tuần chiếm hai châu Khâm, Liêm; lại đánh phá 4 trại Thái Bình [Sùng Tả thị, hạ lưu Tả Giang], Vĩnh Bình [Bằng Tường thị], Thiên Lục [huyện Ninh Minh, Quảng Tây], và Cổ Vạn.”[4]
Không chỉ riêng lưu vực sông Tả Giang, quân An Nam cũng chiếm luôn Hữu Giang khiến viên Trại chủ Hoành Sơn Lâm Mậu Thăng tử trận; trại này vị trí bên dòng sông Hữu Giang, cách thành Ung châu [Nam Ninh] khoảng 20km về phía tây. Sau khi quân ta rút về nước, dân Tả Giang, Hữu Giang vẫn chưa chịu ngã theo chính quyền nhà Tống, nên Vua Thần Tông phải sai Phó tổng binh Triệu Tiết mang quân uy hiếp; trước khi đặt chân vào nội địa xâm lăng nước ta:
“Trường Biên, quyển 273, Tống Thần Tông ngày Tân Sửu tháng hai năm Hy Ninh thứ 9 [22/3/1076]. Nay khanh tuyển mộ lính địa phương 1,2 ngàn tên tinh nhuệ khỏe mạnh, chọn một viên tướng kiêu hùng, hiếp những dân đinh trong các động, rằng khi đại binh đến, theo ta thì được thưởng, không theo ta thì giết; nếu quả không theo thì giết 2, 3 họ làm gương. Binh uy đã lập, trước hết hiếp Hữu Giang [Quảng Tây], rồi hiếp Tả Giang [Quảng Tây]; sau khi bọn chúng
qui thuận, thì đánh sào huyệt Lưu Kỷ [tại Quảng Nguyên, Cao Bằng] không mấy khó khăn. Quách Quì tính keo kiệt, khanh nên bảo rằng triều đình không tiếc phí tổn; ngoài ra Quì quá nghiêm trang, không cảm thông với kẻ dưới, tướng tá không dám trình bày, khanh đến đó chuyện trò với họ, ngoài ra đừng khinh địch.”[5]
Cuộc tấn công thành công mau, lại ít tổn thất, bởi ngoài nổ lực quân sự, quân ta đi đến đâu đều trưng lên bản tuyên cáo gọi là “Lộ Bố”[6] nêu cao cuộc chiến chính nghĩa tự vệ, do phía Tống gây hấn trước. Lại chỉ trích việc nhà Tống dưới sự chỉ đạo của Tể tướng Vương An Thạch với danh nghĩa cải cách đặt ra các phép Thanh miêu,[7] Trợ dịch,[8] Bảo giáp;[9] kềm kẹp dân chúng. Vì lòng dân sẵn mối bất mãn các quan lại hà khắc, cưỡng bách thi hành cải cách, bắt dân đoàn ngũ hóa giống như trại lính; nên hưởng ứng lời chỉ trích trong bản Lộ Bố, quay sang ủng hộ quân ta:
“Trường Biên, quyển 271 ngày Quí Sửu [3/2/1076]: Lúc bấy giờ những thành ấp Giao Chỉ đánh phá đều trưng bản Lộ Bố yết thị tại các nơi giao lộ nói rằng:
‘Những dân phản chạy trốn vào Trung Quốc, bị quan lại dung chứa giấu diếm; ta đã sai Sứ đến Quế Lâm tố cáo nhưng không trả lời; lại sai Sứ vượt biển đến Quảng Châu trình bày, cũng không chịu phục đáp; bởi vậy ta mang quân truy bắt những kẻ phản loạn.’
Lại bảo rằng:
‘Quế quản điểm binh tập luyện tráng đinh trong động, tuyên bố rằng muốn thảo phạt ta.’
Rồi đả kích:
‘Trung Quốc dùng phép thanh miêu trợ dịch làm cùng khốn dân chúng, nên chúng ta mang quân đến cứu vớt.’
Vương An Thạch giận, nên đích thân thảo chiếu đánh dẹp.”[10]
Về mặt trận phía đông, quân ta sử dụng cả hai đường thủy, bộ. Vào ngày 30/10/ 1075 đánh châu Khâm, trước tiên xông vào hai đồn biên giới Để Trạo và Như Tích; giết viên Hữu ban điện trực Trương Thủ Trại chủ Để Trạo, tại động Như Tích giết viên Tam ban tá sứ Ngũ Hoàn.
Chu Khứ Phi [1134-1189], một vị quan thời Tống tòng sự tại Quảng Tây trong nhiều năm, tác giả sách Lĩnh Ngoại Đại Đáp; sách ông mô tả vị trí các địa danh châu Khâm, châu Liêm, Như Tích, Để Trạo như sau:
“Khâm, Liêm là phần đất tận cùng biên giới, cách lãnh thổ An Nam không xa. Vào thời trước thuyền An Nam thường ghé châu Liêm, một số bị chìm, nên đổi sang ghé châu Khâm; bấy giờ lệnh cho châu Liêm không quản lý khe động, do những giới chức quản lý khe động chuyển sang phòng bị An Nam. Phía tây châu Liêm là châu Khâm, phía tây Khâm là An Nam. Người Giao châu thường dùng thuyền nhỏ ghé đến, thuyền ra khỏi cảng nước này, chạy dọc theo bờ, từ ngoài bờ vào cảng châu Khâm chưa đến nửa dặm. Nếu thuyền chạy đến châu Liêm, phải vượt qua cảng Khâm, biển chia nhiều dòng, sóng gió hiểm ác; còn người Giao đến châu Khâm, từ lãnh thổ họ tại châu Vĩnh An [Mông Cái, Quảng Ninh], sáng khởi hành chỉ buổi chiều đến nơi. Cảng châu Khâm do trại Để Trạo gánh vác, gần cảng có bến Mộc Long điều hành, duyên hải có ty Tuần kiểm đón đưa và phòng bị hải đạo. Nếu quá cảnh bằng đường bộ, có 7 động dọc biên giới, trong đó có động Như Tích đặt đồn quân, để làm vững biên giới của ta.” Lĩnh Ngoại Đại Đáp quyển 1.[11]
Cùng chung số phận với mặt trận miền tây, chỉ trong 3 ngày quân ta chiếm trọn hai châu Khâm, Liêm; phía quân Tống chống cự coi như không đáng kể:
“Trường Biên, quyển 270, Ngày Mậu Dần tháng 11 [30/12/1075], Giao Chỉ chiếm Khâm Châu; sau đó 3 ngày chiếm Liêm Châu. Khâm Châu, ngày 20 tháng 12 [8/1/1076] tâu về triều đình; riêng Liêm Châu, ngày 22 tháng 12 [10/1/1076] tâu về.”[12]
Sau khi chiếm xong hai châu Khâm, Liêm, thủy quân tụ họp tại trấn Hồ Dương, để chuẩn bị đánh hai lộ Quảng Đông, Quảng Tây:
“Trường Biên, quyển 271, ngày Quí Tỵ tháng chạp năm Hy Ninh thứ 8 [14/1/1076], ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu:
“Giao Chỉ cho thủy quân đóng tại trấn Hồ Dương, mưu cướp phá hai lộ. Đã chiếm xong hai châu Khâm, Liêm.”[13]
Địa danh Hồ Dương chưa tra được đích xác, nhưng xét về địa lý hai châu, vùng biển Mao Vĩ tại cửa sông Khâm có thể ứng với chỗ này. Vùng biển này khép lại như hồ nước lớn; nam bắc, đông tây mỗi chiều trên 10 km, kín gió, rộng rãi cho thuyền hạm neo đậu hoặc qua lại; vị trí nằm trên tuyến giao thông bằng đường thủy, dưới thời Minh đô hộ, Tổng Binh Trương Phụ từng xin Vua Thành Tổ cho sử dụng. Tuyến đường này xuất phát từ thành Thăng Long đến huyện Hoành phía tây Nam Ninh; nếu đi theo đường bộ qua Lạng Sơn, Bằng Tường phải mất trên 400 km, nay chỉ sử dụng khoảng 150 km đường bộ, tiện việc chuyển vận số lượng lớn lương thực cho đại quân; lại có thể sử dụng tiếp sông Uất ngược dòng, hoặc xuôi dòng để tỏa ra khắp hai lộ Quảng Đông và Quảng Tây. Căn cứ vào văn bản Minh Thực Lục đính kèm, từ thành Thăng Long xuôi dòng sông Đuống dọc theo huyện Từ Sơn, qua Lục Đầu huyện Chí Linh, xuôi sông Bạch Đằng dọc theo biên giới tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng để ra biển. Rồi theo hướng đông bắc qua Vân Đồn, noi theo bờ biển Quảng Ninh, qua Phòng Thành, châu Khâm, đến vũng biển Mao Vĩ; từ đó ngược dòng Khâm Giang đến vùng thượng du huyện Linh Sơn, dùng đường bộ đến huyện Hoành tại phía tây thành Ung [Nam Ninh]:
“Ngày 19 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [14/6/1416]. Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ đến Thông Luân, Phí Đào theo ngã huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm. Đường cũ bắc Khâu Ôn gần Thất Dịch; nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.
Rồi cho lập hai trạm đường thủy tại Phòng Thành[14] và Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt, Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập hai trạm mã dịch tại Long Môn, An Viễn huyện Linh Sơn, lập hai sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc. Tại huyện Đồng Yên [đông bắc tỉnh Quảng Ninh], châu Tĩnh An, Giao Chỉ lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên [Tiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều [Quảng Ninh]; lập trạm dịch đường thủy cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh].Các trạm ngựa tại Thiên Nhai thuộc châu Khâm, Quảng Đông; Gia Lâm thuộc huyện Gia Lâm; sông Lô phủ Giao Châu. Các trạm ngựa tại Quảng Châu, Khâm Châu, Thiên Nhai đều lập thêm trạm đường thủy. Trạm đường thủy Châu Môn, Hoành Châu lệ thuộc vào phủ Nam Ninh, Quảng Tây. Cho thiết lập Thiên hộ sở thủ ngự tại Tân An, Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục v.13, tr. 1927; Thái Tông q. 176, tr. 3a)[15]
Lúc quân ta từ hai cánh, sẵn sàng dưới chân thành Ung, Lý Thường Kiệt giao cho Tôn Đản chỉ huy cuộc tấn công. Phía quân Tống Tô Giam quyết tử thủ, cho giết những kẻ mưu trốn ra khỏi thành để răn đe, khiến lực lượng trong thành phải ra sức chiến đấu, do đó chiến trận hết sức gay go. Quân ta dùng voi phối hợp với bộ binh tấn công. Lại xây dựng công cụ gọi là thang mây [vân thê]; loại thang có 3 chân, dựng lên cao, không phải dựa vào thành, dùng để quan sát và xạ kích; quân Tống dùng tên lửa bắn ra đốt thang mây, khiến chiến trận kéo dài, hai bên thiệt hại nặng:
“Trường Biên, quyển 271, Ngày Đinh Dậu tháng chạp [18/1/1076], Giao Chỉ vây thành Ung Châu [Nam Ninh]. Trước đó Thẩm Khởi giữ chức kinh lược Quảng Tây, nói láo rằng nhận chiếu chỉ thảo phạt Giao Chỉ, lại tự tiện dung nạp Nùng Thiện Mỹ tại châu Ân Tình;[16] cùng việc xây thành, trại, tại Ung Châu, Nghi Châu, giết người đến hàng ngàn; khiến người Giao Chỉ chấn nộ quấy nhiễu. Bởi vậy nên triều đình ban chiếu cho Lưu Di thay thế, mong chiêu tập lòng người; nhưng Di cũng làm trái ý triều đình trong việc công thủ, muốn làm khác để lập công; bắt đầu đặt quan tại các khe động, điểm danh tập thổ đinh theo bảo giáp, giao cho trận đồ, bắt hàng năm tập luyện. Lại bắt quan chỉ huy vận chuyển muối tập thủy chiến cho dân tại ven biển; lúc này việc buôn bán với người Giao tại các châu, huyện đều bị cấm chỉ. Ngày 3 tháng 3 năm Hy Ninh thứ 7 [1/4/1074] mệnh Di cân nhắc việc làm của Khởi; tháng 12 năm thứ 8 [1075] Di tuân chiếu chỉ; lúc này Giao Chỉ càng thêm biến lòng, tập hợp nhiều binh đinh, mưu vào cướp phá.
Tri Ung Châu Tô Giam biết được thực trạng, viết thư báo cho Di, xin bỏ thi hành 3 điều, giữ nguyên như cũ; chớ để người Giao mượn danh nghĩa mang quân đến. Di không nghe, lại gửi văn thư đàn hặc Giam không được bàn thêm và ra lệnh cấm không được nói về việc biên giới. Rồi người Giao quả đã cử đại binh, chúng bảo là 8 vạn; tháng 11đến vùng bờ biển, chưa đến 1 tuần chiếm hai châu Khâm, Liêm; đánh phá 4 trại Thái Bình, Vĩnh Bình, Thiên Long, Cổ Vạn. Giam nghe tin giặc sắp đến, duyệt quân trong quận, gồm sương binh, cấm binh, và quân lão nhược 2.800 tên; triệu tập các quan lại cùng trai trẻ trong quận, trao cho phương lược, chia nhau phòng thủ từng bộ phận. Người trong châu kinh sợ, trốn tránh nhiều vô kể; Giam bèn mang tiền công và tiền riêng trong nhà ra và bảo:
‘Ta có khí giới đầy đủ, lương thảo tụ tập cũng không thiếu; nay bọn giặc đến đánh cho được thành; chỉ có cách là giữ vòng thành cố thủ, để chờ ngoại viện, có thể đợi thắng. Nếu một người cất chân bỏ chạy, lòng quần chúng lay động, tức đại sự sụp đổ. Các người hãy nghe lời ta, sẽ được hậu thưởng; nếu không nghe mà bỏ đi, thì ta sẽ chém ngay.’
Viên Đại hiệu Trạch Tích muốn ngầm bỏ trốn, Giam sai người phục kích bên ngoài, bắt được chém đầu để làm răn. Do đó kẻ trên người dưới đều nghe lệnh; Giam lại mộ quân cảm tử, được vài trăm, dùng thuyền trên sông Ung [Uất Giang], đánh lại giặc, chém hơn 200 thủ cấp, giết hàng chục voi lớn, giặc vẫn tiếp tục vây thành. Giam ngày đêm úy lạo sĩ tốt, dùng thần nõ bắn vào giặc, giết voi không biết bao nhiêu mà kể. Giặc chế công cụ, nhắm 4 phía dòm vào thành, trên thành dùng tên lửa, đốt cháy thang; trước sau sát thương hơn 1 vạn 5 ngàn tên; trong thành lòng người càng thêm vững, tuy già trẻ đều lo giải cứu từng giờ phút, vòng vây nới ra.”[17]
Vua Tống nghe tin thành Ung vẫn cầm cự được, bèn đặc cách gửi những bản tuyên dương công trạng để trống, chưa đề tên người, cho Tô Giam dùng để khích lệ, cấp cho kẻ có công; nhưng việc này cũng vô dụng, vì thành bị bao vây chặt không chuyển vào được:
“Trường Biên, quyển 272. Ngày Kỷ Vị tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [9/2/1076], Ty chuyển vận Quảng Nam Tây Lộ tâu giặc Giao Chỉ đánh Ung Châu, quan dùng hiệu quả người để đánh giặc, giết khá nhiều. Chiếu sai Đông đầu cung phụng quan ban tờ Không danh tuyên và Kinh lược ty thư điền để thưởng cho những người lấy đầu giặc, cùng những công trạng khác, lại còn thêm ưu thưởng.”[18]
Bấy giờ cánh quân mặt trận miền đông của ta triển khai ngược lên miền bắc, qua sông Uất chiếm Tân châu [Quảng Tây], giết viên Đồng tuần kiểm Ung Tân Hứa Dự. Riêng viên Tri châu Thạch Hoàn bỏ thành chạy thoát thân; nên đến năm Hy Ninh thứ 10 [1077] bị truy tội cách chức:
“Trường Biên, quyển 280. Ngày Canh Thân tháng giêng năm Hy Ninh thứ 10 [4/2/1077], Tri Tân Châu Điện trung thừa Thạch Hoàn bị cưỡng bách đình chức, vì phạm lỗi bỏ thành khi Giao Chỉ sắp đến cướp; bèn tránh chết, ra khỏi thành.”[19]
Quân Tống tiếp viện do Đô giám Quảng Nam Tây Lộ Trương Thủ Tiết chỉ huy sợ sệt không dám tiến, sau khi bị thôi thúc mới miễn cưỡng từ Quí châu [Quảng Tây], rụt rè di chuyển theo hướng tây, định đến giữ ải Côn Lôn. Ải này vị trí tại vùng giáp giới Ung châu và Tân châu, khi đến nơi bị quân ta chặn, chưa kịp dàn trận thì bị đánh tan, khiến Trương Thủ Tiết tử trận:
“Trường Biên, quyển 272 Ngày Tân Dậu tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [11/2/1076], Đô giám Quảng Nam Tây Lộ Trương Thủ Tiết bị giặc Giao Chỉ đánh bại tại quan ải Côn Lôn. Trước đó Tô Giam sai Sứ đến Quế Châu cầu cứu, Lưu Di sai Thủ Tiết tiếp viện; Thủ Tiết nghe tin giặc đông gấp mười, chần chừ không đi ngay; lại đi vòng đường Quí Châu [huyện Quí, tỉnh Quảng Tây], trú quân tại trạm dịch Khang Hòa để xem thắng bại. Giam lại sai Sứ mang thư bọc sáp cứu cấp gửi Đề điểm hình ngục Tống Cầu. Cầu nhận thư kinh sợ khóc, thúc dục Thủ Tiết tiến binh. Thủ Tiết hoảng sợ không biết làm gì, bèn chuyển quân đến lãnh Hỏa Lai, rồi quay về giữ quan ải Côn Lôn. Cuối cùng gặp giặc, không kịp dàn trận, đạo quân sụp đổ, Thủ Tiết chết.”[20]
Tại thành Ung, cho dù cho Tô Giam tử thủ, nhưng quân ta quyết đánh bằng mọi cách. Tôn Đản cho đào địa đạo, lấy da súc vật bao quanh để chẹn bùn đất, lúc vào đến nơi thì bị chặn; quân ta liên tục dùng pháo bắn vào, có những hàng binh như Liêu Triệu Tú biết rõ vị trí quan trọng trong thành, giúp xác định mục tiêu bắn vào thành, sau này y mất tích, triều Tống bèn truy tội cả vợ con, bắt đày lên phương bắc:
“Trường Biên, quyển 281. Ngày Ất Tỵ tháng 4 năm Hy Ninh thứ 10 [20/5/1077], chiếu ban đem vợ và con trai Liêu Triệu Tú, thuộc quân Mã Hùng Lược Ung châu [Nam Ninh, Quảng Tây] đày tại quân doanh Hồ Bắc làm nô lệ; Triệu Tú thường giúp cho giặc xác định pháo bắn vào thành Ung châu.”[21]
Cuối cùng nhắm dứt điểm, quân ta dùng bao cát ném vào chân thành, cát chất đầy tạo thành những bực thang; rồi đồng loạt xông vào, sau 42 ngày chiến đấu cam go, thành bị hãm. Tại đây, người nghiên cứu cần lưu ý; qua sử liệu trong văn bản ngày 1/3/1078 đính kèm, ghi số lượng quân dân Tống tổn thất trong thành Ung như sau “Chúng giết quan, lính, thổ đinh, cư dân hơn 5 vạn người; cứ 100 người làm 1 đống; gồm hơn 580 đống”; đó là chưa kể đến số tù binh bị bắt đem đi, và số quân binh trốn thoát. Rồi đem so sánh số lượng này, với văn bản trong Trường Biên, quyển 271,đề ngày Đinh Dậu tháng chạp [18/1/1076] ở phần trên, ghi như sau: “Giam nghe tin giặc sắp đến, duyệt quân trong quận, gồm sương binh, cấm binh, và quân lão nhược 2.800 tên.” Thấy rõ ràng rằng quân số trong Ung đã được nói bớt đến hàng chục lần:
“Trường Biên, quyển 272 Hôm nay ngày 23 tháng giêng năm Hy Ninh thứ 9 [1/3/1076], Giao Chỉ chiếm thành Ung Châu, Tô Giam chết. Sau khi Trương Thủ Tiết bại, giặc bắt sống được mấy trăm người; giặc biết được quân phương bắc giỏi đánh thành, dùng lợi lớn dụ dỗ, sai chế thang mây, lúc đem ra dùng, bị quân Giam đốt phá. Lại dùng da súc vật che để làm công cụ vượt hào, chờ lúc vượt qua, Giam cho đốt lửa từ huyệt chặn ngang; giặc kế cùng, muốn rút quân đi. Nhưng thấy viện binh chưa tới, có thể dùng đất để tấn công, bèn sử dụng hàng vạn bao đất, chất vào chân thành như núi, khoảnh khắc cao đến mấy trượng. Giặc trèo trên bao đất xông vào, thành bị hãm. Giam lệnh quân lính bị thương cửi ngựa đánh, nhưng sức không địch nỗi. Giam nói:
‘Ta vì nghĩa không chết vào tay giặc.’
Bèn trở về công đường, đóng cửa, ra lệnh cả nhà 36 người chết trước, để thi thể vào lỗ trủng, rồi tự thiêu. Giặc đến, tìm Giam cùng di hài người trong gia đình, nhưng không tìm được. Chúng giết quan, lính, thổ đinh, cư dân hơn 5 vạn người; cứ 100 người làm 1 đống; gồm hơn 580 đống. Cộng với số bị giết tại hai châu Khâm, Liêm; đại ước hơn 10 vạn người; rồi hủy thành lấp xuống sông. Ung Châu bị vây 42 ngày, Giam đôn đốc tướng sĩ cố thủ, lương trử đã hết, lại gặp năm đại hạn, người đói khát, phải uống nước dơ bẩn, bị kiết lỵ, số người chết gối đầu nhau, nhưng không có ai phản. Giam giận Thẩm Khởi, Lưu Di gây nên giặc; Di lại ngồi một nơi, xem thành mất không cứu, muốn dâng sớ tâu lên, nhưng đường sá không thông; bèn ghi tội của Di yết bảng giữa chợ, mong đạt đến triều đình.
Trước kia, con Giam là Tử Nguyên, làm Ty hộ tham quân tại Quế Châu, đưa cả nhà đến Ung Châu thăm cha. Lúc sắp trở về thì nhận được tin giặc Giao Chỉ đến đánh; Giam cho rằng giữ thành mà để cho người nhà đi, bị chê là muốn tránh giặc, nhân tâm sẽ chia lìa; nên chỉ cho một mình Tử Nguyên rời Ung Châu, riêng vợ con ở lại, rồi đến lúc thành mất đều chết.
Lúc Giam đã chết, giặc Giao mưu đánh Quế Châu, quân tiên phong đi được vài đoạn, có kẻ thấy quân từ phía bắc đi xuống nam, hô rằng:
‘Tô Hoàng Thành mang quân báo oán Giao Chỉ.’
Giặc sợ, bèn mang quân về nước. Sau này người châu Ung Châu lập đền thờ cho Giam, hàng năm cầu cúng”.[22]
Ngoại trừ số quan lại nhà Tống chết tại thành Ung [Nam Ninh], qua chiếu chỉ truy tặng do Vua Tống ban cho các Tri châu, Tri huyện, Trại chủ tử trận; thấy được số châu, huyện, động bị đánh chiếm trong hai mặt trận phía đông và tây như sau:
“Trường Biên, quyển 273. Ngày Canh Dần tháng hai năm Hy Ninh thứ 9 [11/3/1076], truy tặng Trang trạch phó sứ Đô giám Quảng Nam Tây Lộ Trương Thủ Tiết chức Đoàn luyện sứ Thành châu; Cung bị khố phó sứ, Ung châu Tả Giang Đề cử binh mã tặc đạo Uông Nguyên Dụ chức Hoàng thành sứ; Đoàn luyện sứ Hải châu, Nội điện thừa chỉ Đô giám Hồ Nam Trương Biện chức Hoàng thành sứ; Trại chủ Hoành Sơn Lâm Mậu Thăng chức Hoàng thành sứ. Thứ sử châu Ân, Đông đầu cung phụng quan, quyền Ung Tân châu Đồng tuần kiểm Hứa Dự; trại Vĩnh Bình đồng quản hạt binh giáp Tô Tá đều giữ chức Tả tàng khố sứ. Tây đầu cung phụng quan Ung châu Giáp áp Nùng Nhật Tân; Đồng tuần kiểm Liễu Tượng Tân châu Vương Trấn; Giám thuế Nghi châu, quyền Giám áp trại Vĩnh Bình Quách Vĩnh Nguyên đều giữ chức Văn tư sứ. Tả ban điện trực, Giám Áp trại Thái Bình đồng quản hạt binh giáp Ngũ Cử giữ chức Tả tàng khố phó sứ; Hữu ban điện trực, Trại chủ Để Trạo Khâm châu Trương Thủ chức Văn tư phó sứ. Tam ban tá sứ Khâm châu Như Tích động tuần phòng Ngũ Hoàn; Tiền kinh lược ty chỉ huy Lưu Thăng đều giữ chức Điện thừa chế. Tam ban tá sai Đô kiềm hạt ty chỉ sử Khang Minh; Điện thị sài tề Kinh lược ty chỉ sử Phong Tự Nguyên đều giữ chức Nội điện sùng ban. Tất cả đều tại Quảng Tây, nguyên do cùng giặc Giao đánh trận chết.
Lại tặng Cung bị phó sứ, Quảng Tây Đô giám Vu Tân chức Diệu châu Quan sát sứ; Tây kinh tả tàng khố phó sứ Tri Liêm châu Lộ Khánh Tôn chức Hoàng thành sứ; Thư châu Đoàn luyện sứ, Nội điện thừa chế, Tri Khâm châu Trần Vĩnh Linh chức Hoàng thành sứ. Đức châu Thứ sử, Dung Bạch châu Đô tuần kiểm Phan Nhược Cốc làm Hoàng thành sứ; Ân châu Thứ sử, Đông đầu cung phụng quan, Liêm châu duyên hải tuần kiểm Lý Trọng Tuân chức Tả tàng khố sứ. Tây đầu cung phụng quan Liêm châu giám áp Chu Tông Thích; Quyền Khâm châu giám áp Văn Lương đều giữ chức Văn tư sứ. Tam ban phụng chức Khâm châu Giám áp Ngô Phúc; Kinh lược ty chỉ sử Lý An đều giữ chức Tây kinh tả tàng khố phó sứ. Tá chức Khâm châu duyên hải tuần kiểm Tưởng Cận; Quyền Liêm Bạch châu đồng tuần kiểm Thẩm Thông Cổ đều giữ chức Cung phụng khố phó sứ. Điện thị Khâm châu chỉ sử Tống Đạo Đinh Toại; Liêm châu chỉ sử Ngô Tông Lập đều giữ chức Nội điện sùng ban. Khâm châu thiêm thư quân sự phán quan, Đại lý tự thừa Lương Khắc Phụ chức Tư nông thiếu khanh; Quân sự suy quan Lý Nguyên giữ chức Tỷ bộ lang trung; Ty hộ tham quân Tiền Thế Kinh giữ chức Giá bộ viên ngoại lang; Ty lý tham quân Lưu Xương Tông, Tiền Uất Lâm châu Ty lý tham quân Tào Khả; Liêm châu Hợp Phố huyện Chủ bạ Lương Sở đều giữ chức Tỷ bộ viên ngoại lang. Khâm châu Giám thuế nhiếp châu Âu Dương Dần, Liêm châu ty hộ tham quân Thái Tiếp, Ty lý tham quân Trần Gián đều giữ chức Ngu bộ viên ngoại lang. Lý do ban chức đều bởi Giao tặc sát hại.”[23]
Riêng sử nước ta, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, chép sự kiện một cách tóm tắt:
“Ngày Ất Mão, năm Thái Ninh thứ 4 [1075]. Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu [với vua Tống] rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá. Quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta. Vua biết tin, sai Lý Thường Kiệt, Tông Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh. Quân thủy, quân bộ đều tiến. Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ung, Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của nhà Minh) phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri Ưng châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về. Vua Tống truy tặng Giám là Phụng quốc quân tiết độ sứ, thụy là Trung Dũng, cho một khu nhà lớn ở kinh thành, 10 khoảnh ruộng tốt cho thân tộc 7 người làm quan, cho con là Nguyên chức Cáp môn chi hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ.
—————–
[1] Trường Biên: viết tắt Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào.
[2] 是日,蠻賊七百餘人寇古萬峒。據十一月十一日奏。
[3] 廣南西路經略司言蠻賊寇古萬寨。詔劉彞詳審處置,戒巡檢使臣嚴守備,無輕出戰。九月十五日、十一月十一日。
[4] 於是交人果大舉,眾號八萬,十一月抵海岸,未旬日陷欽、廉二州,破邕之太平、永平、遷陸、古萬四寨.
[5] 今卿可選募精勁土人一二千,擇梟將領之,以脅峒丁,諭以大兵將至,從我者賞,不從者殺。若果不從,即誅三兩族。兵威既立,先脅右江,然後脅左江。此等既歸順,則攻劉紀巢穴不難也。郭逵性吝嗇,卿宜諭以朝廷不惜費,兼逵好作崖岸,不通下情,將佐莫敢言,卿至彼為言之,毋得輕敵。」
[6] Lộ bố: bản tuyên bố thường dùng trong khi đánh dẹp.
[7] Phép thanh miêu: cho nông dân vay lúc giáp hạt, đến mùa thu hoạch lấy 20-30/100 tiền lời; khiến mùa giáp hạt dân không đến nỗi chết đói, mà ngân quỹ nhà nước có thêm tiền.
[8] Phép mộ dịch: bắt kẻ người nhiều, người ít; mỗi người phải đóng một số tiền gọi là tiền miễn dịch, địa chủ khoa bảng cũng phải đóng; rồi quan dùng tiền mướn sai dịch. Trước đó nhà Tống không bắt khoa bảng, chức sắc, sư sãi đóng, nay áp dụng cho mọi người; những người bận làm ruộng đóng để an tâm sản xuất; thành phần cố nông đi làm mướn, vô nghề nghiệp được mướn làm sai dịch để kiếm sống qua ngày.
[9] Bảo giáp: chế độ bảo giáp thi hành thời Tống Thần Tông lấy hộ làm đơn vị, 10 hộ thành 1 giáp, đặt Giáp trưởng; 10 giáp thành 1 bảo, đặt Bảo trưởng; tổ chức nhắm giúp dân chúng tự vệ.
[10] 時交趾所破城邑,即為露布揭之衢路,言所部之民亡叛入中國者,官吏容受庇匿,我遣使訴於桂管,不報,又遣使泛海訴於廣州,亦不報,故我帥兵追捕亡叛者。又言桂管點閱峒丁,明言欲見討伐。又言中國作青苗、助役之法,窮困生民。我今出兵欲相拯濟。安石怒,故自草此詔。
[11] 欽、廉皆號極邊,去安南境不相遠。異時安南舟楫多至廉,後為溺舟,乃更來欽。令廉州不管溪峒,猶帶溪峒職事者,蓋為安南備爾。廉之西,欽也。欽之西,安南也。交人之來,率用小舟。旣出港,遵崖而行,不半里卽入欽港。正使至廉,必越欽港。亂流之際,風濤多惡。交人之至欽也,自其境永安州,朝發暮到。欽於港口置抵棹寨以誰何之,近境有木龍渡以節之,沿海巡檢一司,迎且送之,此其備諸海道者也。若乃陸境,則有七峒,於如昔峒置戍,以固吾圉。
[12] 戊寅,交趾陷欽州,後三日又陷廉州。欽州十二月二十日奏到,廉州十二月二十二日奏到。
[13] 廣南西路經略司言:「交趾以舟師駐湖陽鎮,謀以兩路入寇,欽、廉已陷矣。」十一月二十日陷欽州,十二月二十日奏方到。廉州當是十一月二十三日陷,十二月二十二日奏到。
[14] Phòng Thành: hiện nay thị trấn này thuộc tỉnh Quảng Tây, vị trí giáp tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.
[15] Minh Thực Lục, dịch giả Hồ Bạch Thảo, NXB Hà Nội: Hà Nội, 2010, văn bản 437.
[16] Châu Ân Tình: Theo Đồng Khánh Dư Địa Chí xã Ân Tình, thuộc tổng Lương Thượng, huyện Cảm Hóa tỉnh Thái Nguyên; huyện Cảm Hóa nay thuộc huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Cạn và huyện Ngân Sơn tỉnh Cao Bằng.
[17] 丁酉,交趾圍邕州。初,沈起經略廣西,妄言被旨謀討交趾,又擅撫納恩、靖州儂善美及於融、宜州疆置城寨,殺人以千數,交人震擾。詔以劉彞代起,冀使招輯之,而彞乃更妄意朝廷有攻取謀,欲以鉤奇立異為功,始遣官入溪峒,點集土丁為保伍,授以陣圖,使歲時肄習;繼命指使因督鹽運之海濱集舟師,寓教水戰,故時交人與州縣貿易,一切禁止之。七年三月三日命彞體量起,八年十二月彞聽旨。於是交趾益貳,大集兵丁,謀入寇。知邕州蘇緘伺知其實,以書抵彞,請罷所行三事如故,無使交人興師有名。彞不聽,反移文劾緘沮議,又責令不得輒言邊事。於是交人果大舉,眾號八萬,十一月抵海岸,未旬日陷欽、廉二州,破邕之太平、永平、遷陸、古萬四寨。緘聞賊且至,閱郡兵,得廂禁卒并老弱才二千八百人,召官吏與郡人之才勇者,授以方略,使以部分地自守。州民震驚,將竄逃者不可勝數。緘悉出官帑及私財示之曰:「吾兵械素具,蓄聚亦不乏。今賊眾已薄城下,惟有堅壁固守,以待外援,可以坐勝。若一人舉足,則羣心動搖,大事先去矣。汝輩幸聽吾言,冀蒙厚賞,或不聽而出,當先并其孥斬之。」大校翟積陰欲出奔,緘使人伏門外梟其首以徇。由是上下脅息聽命。緘復募死士,得數百人,拏舟邕江,與賊逆戰,斬首二百餘級,殺其巨象十數,賊遂圍城。緘日夜行勞士卒,以神臂弓仆賊、殪象不可勝計。賊為攻具,四面瞰城。城上發火箭,焚其梯衝。前後殺傷萬五千餘人,城中人心益固,雖老幼皆謂救至在刻漏,圍即解矣。墨本蘇緘傳以移文劾緘事皆屬之沈起,朱本改之,今從朱本,蓋墨本誤也。
[18] 己未,廣南西路轉運司言交賊攻邕州,效用人禦敵,殺傷賊頗眾。詔降東頭供奉官空名宣與經略司書填,以賞獲首級及別有功之人,餘優與支賜。
[19] 知賓州、殿中丞石亘【二】勒停。坐聞交趾將為寇,避亡出城也。
[20] 辛酉,廣南西路都監張守節為交賊所敗於崑崙關。先是,蘇緘遣使詣桂州請救【一】,劉彞遣守節往援,守節聞賊眾十倍,逗留不即行,復迂取貴州路,駐兵康和驛以觀勝負。緘又遣使持蠟書告急於提點刑獄宋球,球得書驚且泣,以便宜督守節進兵。守節惶遽不知所為,移屯火夾嶺,回保崑崙關,猝遇賊,不及陣,一軍皆覆,守節死之。
[21] 又詔邕州有馬雄略員僚趙秀妻、男,送湖北配本路軍營充奴婢。秀常為賊定砲打邕州城也。
[22] 是日,二十三日。交賊陷邕州,蘇緘死之。張守節敗,生獲於賊者數百人。賊知北軍善攻城,啗以厚利,使為雲梯,既成,為緘所焚。又為攻濠洞,蒙以生皮。緘俟其既度,縱火焚於穴中。賊計盡,稍欲引去,而知外援不至。會有能土攻者,教賊囊土數萬,向城山積,頃刻高數丈,賊眾登土囊以入,城遂陷。緘猶領傷卒馳騎苦戰,力不敵,緘曰:「吾義不死賊手。」乃還州廨,闔門,命其家三十六人皆先死,藏尸於坎,縱火自焚。賊至,求緘及其家遺骸,皆不能得。殺吏卒、土丁、居民五萬餘人,以百首為一積,凡五百八十餘積。并欽、廉州所殺,無慮十萬餘人,並毀其城以填江。邕州被圍凡四十二日,緘率厲將士固守,糧儲既竭,又歲旱,井泉皆涸,人饑渴,汲漚麻汗水以飲,多病下痢,死者相枕,而人無叛者。緘憤沈起、劉彞致寇,彞又坐視城覆不救,欲盡疏以聞,屬道梗不通,乃列起、彞罪牓於市,冀達朝廷。
初,緘子子元為桂州司戶參軍,挈家往省父,將還,適聞有交賊。緘以郡守家屬出城,見者必以為避賊,則人有去心,獨遣子元還桂州【一○】而留其妻孥,至是俱死。
緘既死,交賊復謀寇桂州,前鋒行數舍,或見大兵自北南行【一一】,呼曰:「蘇皇城領兵來報交趾之怨。」賊師懼,遂引歸。其後邕人為緘立祠,歲時禱之。司馬記聞云:正月二十一日賊破邕州,二十三日遂回本峒。按實錄乃二十三日破邕州,今從實錄。獨不記賊用何日回本峒,當考。案交趾陷邕州之日,宋史作戊辰,東都事略與此合.
[23] 贈莊宅副使、廣南西路都監張守節為成州團練使,供備庫副使、邕州左江提舉兵馬賊盜溫元裕為皇城使、海州團練使,內殿承旨、湖南都監張卞為皇城使,橫山寨主林茂昇為皇城使、恩州刺史,東頭供奉官權邕賓州同巡檢許譽、永平寨同管轄兵甲蘇佐並為左藏庫使,西頭供奉官邕州監押儂日新、柳象賓州同巡檢王鎮、宜州監稅權太平寨監押郭永元並為文思使,左班殿直、太平寨同管轄兵甲伍舉為左藏庫副使,右班殿直、欽州抵掉寨主張首為文思副使,三班差使欽州如昔峒巡防伍環、前經略司指揮劉昇並為內殿承制,三班借差都鈐轄司指使康明、殿侍柴齊、經略司指使封嗣元並為內殿崇班。皆以廣西與交賊戰死事故也。
又贈供備庫使、廣西都監于辛為耀州觀察使,西京左藏庫副使、經略司準備差使張渙為皇城使、懷州防禦使,供備庫副使、知廉州路慶孫為皇城使、舒州團練使,內殿承制、知欽州陳永齡為皇城使、忠州刺史,欽、橫州同巡檢梁奇為皇城使、德州刺史,容、白州都巡檢潘若谷為皇城使、恩州刺史,東頭供奉官、廉州沿海巡檢李仲荀為左藏庫使,西頭供奉官廉州監押周宗奭、權欽州監押文良並為文思使,三班奉職欽州監押吴福、經略司指使李安並為西京左藏庫副使,借職欽州沿海巡檢蔣瑾、權廉白州同巡檢沈宗古並為供備庫副使,殿侍欽州指使宋道丁遂、廉州指使吴宗立並為內殿崇班,欽州簽書軍事判官、大理寺丞梁克輔為司農少卿,軍事推官李完為比部郎中,司戶參軍錢世京為駕部員外郎,司理參軍劉昌宗、前鬱林州司理參軍曹可、廉州合浦縣主簿梁楚並為比部員外郎,欽州監稅攝州歐陽戭、廉州司戶參軍蔡接、司理參軍陳諫並為虞部員外郎。皆為交賊殺害故也。