28/03/1979: Thảm họa hạt nhân tại đảo Three Mile

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Nuclear disaster at Three Mile Island, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào lúc 4 giờ sáng ngày này năm 1979, tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ngành điện hạt nhân Hoa Kỳ đã bắt đầu khi một van áp suất trong lò phản ứng số 2 tại nhà máy điện hạt nhân Đảo Three Mile mắc lỗi và không thể đóng lại. Nước làm mát, bị nhiễm phóng xạ, đã từ van chảy lan sang các tòa nhà liền kề, và lõi hạt nhân bắt đầu nóng lên tới mức nguy hiểm.

Nhà máy điện hạt nhân Đảo Three Mile được xây dựng vào năm 1974 trên một bãi bồi trên sông Susquehanna của Pennsylvania, chỉ cách thủ phủ Harrisburg 10 dặm về phía hạ lưu. Năm 1978, một lò phản ứng tiên tiến thứ hai bắt đầu hoạt động trên đảo Three Mile, nơi được ca ngợi là tạo ra nguồn năng lượng đáng tin cậy với mức giá phải chăng trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng.

Sau khi nước làm mát bắt đầu thoát ra khỏi van áp suất bị hỏng vào rạng sáng ngày 28/03/1979, máy bơm làm mát khẩn cấp đã tự động được kích hoạt. Chỉ riêng hoạt động của những thiết bị an toàn này là đủ ngăn chặn của một cuộc khủng hoảng lớn hơn. Nhưng đáng tiếc là chính nhân viên trong phòng điều khiển đã hiểu nhầm các chỉ số khó hiểu và mâu thuẫn, cuối cùng dẫn đến việc tắt hệ thống nước làm mát khẩn cấp. Lò phản ứng cũng đã ngừng hoạt động, nhưng nhiệt dư từ quá trình phân hạch vẫn tiếp tục được giải phóng. Đến sáng sớm, lõi đã nóng lên tới hơn 4.000 độ, chỉ còn 1.000 độ là tới mức tan chảy. Nếu lõi thực sự tan chảy, bức xạ chết người sẽ lan tỏa khắp vùng, gây tử vong cho nhiều người.

Trong khi các công nhân vận hành cố gắng hiểu chuyện gì đang xảy ra, nước nhiễm xạ đã thải ra khí phóng xạ khắp nhà máy. Mức độ phóng xạ, dù không ngay lập tức đe dọa đến tính mạng, vẫn rất nguy hiểm; nhiệt độ của lõi hạt nhân lại càng tăng cao vì nước bị ô nhiễm; các biện pháp phòng ngừa được thực hiện để bảo vệ nhóm vận hành. Ngay sau 8 giờ sáng, tin tức về vụ tai nạn đã rò rỉ ra thế giới bên ngoài. Công ty sở hữu nhà máy, Metropolitan Edison, tìm cách hạ thấp mức độ khủng hoảng và tuyên bố rằng không có bức xạ nào được phát hiện ngoài sân nhà máy, nhưng trong cùng ngày, các điều tra viên đã phát hiện mức độ phóng xạ tăng nhẹ gần đó do rò rỉ nước nhiễm xạ. Thống đốc Pennsylvania, Dick Thornburgh, thậm chí đã cân nhắc việc bắt đầu di tản người dân.

Cuối cùng, vào khoảng 8 giờ tối, các công nhân nhà máy nhận ra rằng họ cần phải đưa nước di chuyển qua lõi một lần nữa và khởi động lại máy bơm. Nhiệt độ bắt đầu giảm và áp suất trong lò phản ứng cũng giảm dần. Chỉ cần chưa đầy một giờ đồng hồ nữa là lõi sẽ tan chảy hoàn toàn. Hơn một nửa lõi đã bị phá hủy hoặc nóng chảy, nhưng may mắn là lớp vỏ bảo vệ của nó đã không bị phá vỡ và không có bức xạ nào thoát ra ngoài. Khủng hoảng dường như đã qua đi.

Tuy nhiên, hai ngày sau, vào ngày 30/03, một bong bóng khí hydro cực kỳ dễ cháy đã được phát hiện trong tòa nhà chứa lò phản ứng. Bong bóng khí được tạo ra hai ngày trước, khi các vật liệu lõi tiếp xúc phản ứng với hơi nước siêu nóng. Vào ngày 28/03, một phần bóng khí này đã phát nổ, giải phóng một lượng nhỏ phóng xạ vào khí quyển. Vào thời điểm đó, các công nhân đã không quan tâm lắm đến vụ nổ, vốn nghe như tiếng đóng cửa thông gió.

Sau khi rò rỉ phóng xạ được phát hiện vào ngày 30/03, cư dân sinh sống gần khu vực được khuyên nên ở trong nhà. Các chuyên gia đã không chắc chắn liệu bong bóng hydro có làm lõi tan chảy thêm hay gây ra một vụ nổ lớn khác hay không. Để đề phòng, Thống đốc Thornburgh khuyên “phụ nữ mang thai và trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo phải rời khỏi khu vực trong bán kính năm dặm tính từ Đảo Three Mile cho đến khi có thông báo mới.” Điều này dẫn đến sự hoảng loạn mà thống đốc từng hy vọng tránh được; chỉ trong vài ngày, hơn 100.000 người đã tháo chạy khỏi các thị trấn xung quanh.

Ngày 01/04, Tổng thống Jimmy Carter đích thân đến đảo Three Mile để kiểm tra nhà máy. Carter, một kỹ sư hạt nhân được đào tạo bài bản, đã giúp tháo dỡ một lò phản ứng hạt nhân bị hỏng của Canada khi còn phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ. Chuyến thăm của ông đã đạt được mục đích xoa dịu cư dân địa phương và cả nước. Chiều hôm đó, các chuyên gia đồng ý rằng bong bóng hydro không có nguy cơ gây nổ. Hydro đã bị thổi dần dần ra khỏi hệ thống khi lò phản ứng nguội đi.

Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, các công nhân nhà máy đã phải đối mặt với mức độ phóng xạ không tốt cho sức khỏe, nhưng không ai bên ngoài đảo Three Mile bị ảnh hưởng sức khỏe bởi vụ tai nạn. Tuy nhiên, vụ việc đã làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của công chúng đối với năng lượng hạt nhân. Lò phản ứng thứ nhất không hề hấn gì ở đảo Three Mile cũng bị ngừng hoạt động trong cuộc khủng hoảng, và đã không hoạt động trở lại cho đến năm 1985. Công cuộc dọn dẹp tiếp tục ở Lò phản ứng số 1 cho đến năm 1990, nhưng lò phản ứng đã bị hư hỏng không thể sử dụng được nữa. Trong vòng bốn thập niên kể từ vụ tai nạn tại đảo Three Mile, không một nhà máy điện hạt nhân mới nào được đưa vào hoạt động tại Mỹ.