Nguồn: Keynes predicts economic chaos, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1919, tại Cung điện Versailles bên ngoài Paris, Đức ký Hiệp ước Versailles với phe Hiệp ước, chính thức kết thúc Thế chiến I. Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, một thành viên tham dự hội nghị hòa bình nhưng sau đó đã rời đi để phản đối hiệp ước, là một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất đối với thỏa thuận mang tính trừng phạt này.
Trong cuốn The Economic Consequences of the Peace (Hậu quả kinh tế của hoà ước) xuất bản vào tháng 12/1919, Keynes dự đoán rằng khoản bồi thường chiến phí khổng lồ cùng các điều khoản khắc nghiệt khác áp đặt lên Đức sẽ dẫn đến sự sụp đổ tài chính của nước này, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên kinh tế và chính trị ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Mùa thu năm 1918, giới lãnh đạo Đức nhận thấy rõ ràng rằng thất bại là điều không thể tránh khỏi trong Thế chiến I. Sau bốn năm tiêu hao khủng khiếp, Đức đã không còn quân đội và nguồn lực cần thiết để chống lại phe Hiệp ước, bên đã được tăng thêm sức mạnh khủng khiếp nhờ có tiếp tế nhân lực và vật tư của Mỹ. Để ngăn chặn kẻ thù xâm lược vào Đức, chính phủ nước này đã liên lạc với Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson vào tháng 10/1918, yêu cầu ông dàn xếp một hiệp định đình chiến.
Đầu năm đó, Wilson ra tuyên bố “Mười bốn điểm”, đề xuất các điều khoản cho một “nền hòa bình công bằng và ổn định” giữa Đức và kẻ thù của họ. Đức yêu cầu hiệp ước đình chiến phải tuân theo các điều khoản này, và phe Hiệp Ước ít nhiều đã tuân thủ, khiến Đức an tâm hơn rằng hòa ước cuối cùng cũng sẽ công bằng và không thiên lệch. Vào ngày 11/11/1918, hiệp định đình chiến đã được ký và có hiệu lực, và giao tranh trong Thế chiến I đã chấm dứt.
Bước sang tháng 01/1919, John Maynard Keynes đến Hội nghị Hòa bình Paris với tư cách là đại diện chính của Bộ Tài chính Vương quốc Anh. Nhà kinh tế học 35 tuổi tài giỏi này từng được tán dương bởi thành tích của ông trong quản lý tiền tệ Ấn Độ và quản lý tài chính của Anh trong thời chiến tranh. Tại Paris, ông là thành viên một hội đồng kinh tế và tư vấn cho Thủ tướng Anh David Lloyd George, nhưng các quyết định hòa giải quan trọng nằm ngoài tầm tay ông. Tổng thống Wilson, Thủ tướng Lloyd George, và Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau mới là những người thực sự nắm quyền. Đức không có vai trò gì trong các cuộc đàm phán quyết định số phận của mình, trong khi các nước Hiệp ước yếu hơn có rất ít trách nhiệm trong việc soạn thảo nội dung hiệp ước cuối cùng.
Mọi thứ đã sớm sáng tỏ rằng hiệp ước sẽ chỉ có sự tương đồng mờ nhạt với “Mười bốn điểm” mà Wilson đề xuất và được người Đức chấp nhận. Wilson, một người theo chủ nghĩa lý tưởng, lại khá thiếu sót trong kỹ năng đàm phán, và ông nhanh chóng chịu áp lực từ Clemenceau, người hy vọng Đức sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc như nước Pháp đã từng phải gánh chịu trong Hiệp ước Frankfurt chấm dứt Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871. Lloyd George giữ vị trí trung lập giữa hai người, nhưng ông ủng hộ kế hoạch của Pháp buộc Đức phải bồi thường thiệt hại cho thường dân của phe Hiệp ước và tài sản của họ. Và bởi văn bản chính thức buộc Đức phải chịu trách nhiệm cho sự bùng nổ của Thế chiến I (thực tế họ chỉ chịu trách nhiệm một phần), phe Hiệp ước sẽ không phải trả tiền bồi thường cho những thiệt hại mà họ gây ra cho dân thường Đức.
Hiệp ước Versailles dần chứng tỏ nó chỉ là một “hòa ước Carthage”[1] mong manh, một thỏa thuận khiến Clemenceau hài lòng, bởi ông luôn hy vọng sẽ đè bẹp đối thủ cũ của Pháp. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Đức phải từ bỏ 10% lãnh thổ, buộc phải giải giáp, và các thuộc địa hải ngoại của họ sẽ do quân Hiệp ước tiếp quản. Tuy nhiên, điều ngay lập tức gây bất lợi cho nước Đức là việc tịch thu các tài sản nước ngoài và hạm đội tàu buôn của họ. Nền kinh tế Đức, vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh, do đó càng trở nên tê liệt, và các yêu cầu đền bù chiến tranh gay gắt lại càng khiến họ không thể sớm hồi phục trở lại. Con số bồi thường chính xác đã không được thỏa thuận trong hiệp ước, nhưng ước tính cũng hơn 30 tỷ đô la, vượt xa khả năng thanh toán của Đức, và nước này sẽ bị chiếm đóng nếu không chi trả nổi các khoản thanh toán.
Keynes, vốn kinh hoàng trước các điều khoản của hiệp ước, đã đề xuất một kế hoạch khác cho các nhà lãnh đạo, theo đó chính phủ Đức được cho vay một khoản đáng kể, cho phép họ mua thực phẩm và nguyên liệu, đồng thời bắt đầu trả tiền chiến phí ngay lập tức. Lloyd George đã phê duyệt “Kế hoạch Keynes” nhưng Wilson lại từ chối vì sợ rằng nó sẽ không được Quốc Hội chấp thuận. Trong lá thư riêng gửi cho một người bạn, Keynes gọi vị tổng thống lý tưởng chủ nghĩa của Mỹ là “kẻ lừa đảo lớn nhất trên Trái Đất.” Ngày 05/06/1919, Keynes đã viết một bức thư gửi Lloyd George, thông báo cho vị thủ tướng rằng ông sẽ từ chức để phản đối “sự tàn phá châu Âu.”
Người Đức ban đầu từ chối ký Hiệp ước Versailles, và phe Hiệp ước phải ra tối hậu thư buộc phái đoàn Đức đến Paris vào ngày 28/06 – đúng năm năm sau ngày Thái tử Francis Ferdinand bị ám sát, vụ việc bắt đầu chuỗi các sự kiện dẫn đến sự bùng nổ Thế chiến I. Clemenceau đích thân lựa chọn địa điểm ký hiệp ước: Hội trường Gương trong Cung điện Versailles, nơi ký Hiệp ước Frankfurt kết thúc Chiến tranh Pháp-Phổ. Tại buổi lễ, Tướng Jan Christiaan Smuts, người sau này trở thành tổng thống Nam Phi, là nhà lãnh đạo duy nhất thuộc phe Hiệp ước công khai phản đối Hiệp ước Versailles, nói rằng họ sẽ làm tổn thương nghiêm trọng sự hồi sinh công nghiệp của châu Âu.
Với sự thúc giục từ Smuts, Keynes bắt tay vào viết cuốn The Economic Consequences of the Peace. Tác phẩm được xuất bản vào tháng 12/1919 và được đón nhận rộng rãi. Trong cuốn sách, Keynes đã đưa ra một lời tiên tri tăm tối có liên quan đặc biệt đến thế hệ người châu Âu tiếp theo: “Nếu chúng ta khăng khăng nhắm vào sự bần cùng hóa Trung Âu, tôi dám khẳng định, khao khát báo thù sẽ không mất đi. Khi đó, sẽ chẳng gì có thể trì hoãn được Sự Phản kháng đã nung nấu từ rất lâu, cũng như những cơn co giật tuyệt vọng của Cách mạng, trước lúc ấy, nỗi kinh hoàng về một cuộc chiến với Đức sẽ tan biến thành hư vô, và dù bất cứ ai là kẻ chiến thắng, nó cũng sẽ tiêu diệt nền văn minh và sự tiến bộ của thế hệ chúng ta.”
Đức sớm rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi không thể thanh toán bồi thường, và vào năm 1923, Pháp và Bỉ đã chiếm vùng Ruhr như một biện pháp cưỡng chế thanh toán. Để phản đối, công nhân và chủ xưởng đã đóng cửa mọi nhà máy trong khu vực. Lạm phát kinh hoàng đã xảy ra sau đó, và nền kinh tế mong manh của Đức bắt đầu sụp đổ. Vào thời điểm khủng khoảng tháng 11/1923, số tiền tiết kiệm cả đời cũng chẳng thể mua được một ổ bánh mì. Cũng trong tháng đó, Đảng Quốc Xã do Adolf Hitler lãnh đạo đã phát động một cuộc đảo chính nhắm vào chính phủ Đức nhưng thất bại. Đức Quốc Xã bị đàn áp, còn bản thân Hitler bị cầm tù, nhưng nhiều người Đức phẫn nộ đã cảm thông với Đức Quốc Xã và sự căm ghét của đảng này đối với Hiệp ước Versailles.
Mười năm sau, Hitler sẽ khai thác sự tức giận này của người Đức để giành quyền kiểm soát nhà nước. Bước sang thập niên 1930, Hiệp ước Versailles đã được sửa đổi đáng kể theo hướng ưu ái hơn cho Đức, nhưng các sửa đổi muộn màng này chẳng thể ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Đức và sự bùng nổ của Thế chiến II.
Vào cuối những năm 1930, John Maynard Keynes trở thành là nhà kinh tế học nổi tiếng hàng đầu thế giới nhờ ủng hộ kế hoạch điều chỉnh kinh tế của chính phủ trên quy mô lớn nhằm giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và đảm bảo thị trường lành mạnh. Ngày nay, tất cả các nước tư bản lớn đều tuân thủ các nguyên tắc chính của kinh tế học Keynes. Ông mất năm 1946.
———-
[1] Hòa ước Carthage là kiểu hoà ước tàn bạo, đạt được bằng cách hủy hoại hoàn toàn kẻ thù. Thuật ngữ này bắt nguồn từ hòa ước mà Rome áp đặt lên thành Carthage.