11/08/1919: Đức thông qua Hiến pháp Weimar

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Weimar Constitution adopted in Germany, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, Friedrich Ebert, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democratic Party) và Chủ tịch Lâm thời Nghị viện Đức (Reichstag), đã ký thành luật một hiến pháp mới, được gọi là Hiến pháp Weimar, chính thức tạo ra nền dân chủ nghị viện đầu tiên ở Đức.

Ngay cả trước khi Đức thừa nhận thất bại của mình dưới tay các cường quốc Hiệp Ước trên chiến trường Thế chiến I, nước này đã phải đối mặt với bất mãn và hỗn loạn, khi những người dân Đức kiệt sức và đói khổ bày tỏ nỗi thất vọng và giận dữ qua những cuộc đình công quy mô lớn của công nhân và những cuộc nổi loạn trong lực lượng vũ trang.

Kể từ năm 1916, nước Đức – về cơ bản – đã nằm dưới chế độ độc tài quân sự, với sự chỉ huy của hai Tư lệnh Tối cao, Paul von Hindenburg và Erich Ludendorff. Tuy nhiên, cuối tháng 10/1918, khi gần như đã chắc chắn thất bại, Hindenburg buộc Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II và chính phủ Đức phải thành lập một chính quyền dân sự để đàm phán đình chiến với phe Hiệp Ước. Hoàng đế và Nghị viện sau đó đã chấp nhận sửa đổi hiến pháp năm 1871, tạo ra một nền dân chủ nghị viện trong đó Thủ tướng Đức, Hoàng tử Max von Baden, không chịu trách nhiệm trước Wilhelm, mà là trước Nghị viện.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm thỏa mãn các lực lượng cực tả ở Đức, những người đã tận dụng sự hỗn loạn trong những ngày cuối cùng của chiến tranh để tổ chức cuộc đình công của công nhân vào ngày 07/11, đồng thời kêu gọi thành lập một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa tương tự như chính phủ Bolshevik ở Nga. Với hy vọng làm hòa với phe xã hội chủ nghĩa cấp tiến, von Baden đã trao lại quyền cho Ebert, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vào ngày 09/11.

Trong sáu tháng sau đó, Nghị viện, được lãnh đạo bởi SPD, đã bắt tay soạn thảo một hiến pháp mới, theo đó sẽ củng cố vị thế của Đức như một nền dân chủ nghị viện. Trong khi đó, nhiều người dân Đức đổ lỗi cho chính phủ về những gì họ coi là “các điều khoản nhục nhã” trước phe thắng trận trong Hiệp ước Versailles, đặc biệt là yêu cầu của phe Hiệp ước về việc bồi hoàn chiến phí, được biện minh bởi một điều khoản trong đó đổ toàn bộ tội lỗi chiến tranh lên vai người Đức.

Bị tấn công dữ dội từ cả hai phía, phe quân phiệt và phe xã hội chủ nghĩa cấp tiến vốn đều bị ảnh hưởng bởi “nỗi nhục Versailles”, chính phủ Weimar và hiến pháp của nó – được ký thành luật ngày 11/08/1919 – dường như chẳng còn mấy cơ hội sống sót. Trong bầu không khí đối đầu và tràn ngập thất vọng này, vốn càng trở nên trầm trọng hơn nữa bởi điều kiện kinh tế nghèo nàn, phe cánh hữu bắt đầu nắm giữ quyền lực đối với Nghị viện nhiều bao giờ hết. Quá trình này, cộng hưởng thêm với suy thoái toàn cầu bắt đầu vào năm 1929, sẽ lên đến đỉnh điểm với việc gia tăng quyền lực của Adolf Hitler, người đã khai thác điểm yếu của hệ thống Weimar để đặt nền móng cho mình và Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức (Nazi) giải tán chính phủ nghị viện và nắm quyền kiểm soát tuyệt đối đối với nước Đức.

Mười bài học từ trường hợp của Cộng hòa Weimar