Biểu tình chống Lukashenko: Tương lai nào cho Belarus?

Nguồn: Tony Barber, “Belarus sheds the carapace of dictatorship”, Financial Times, 18/08/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Belarus đã chạm đến một sự đồng cảm sâu sắc, đầy cảm xúc đối với tất cả người dân Trung và Đông Âu, những người đã trải qua các cuộc cách mạng rất ôn hòa diễn ra khắp khu vực vào năm 1989. Với lòng dũng cảm, phẩm giá và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, những đám đông khổng lồ tập hợp hôm Chủ nhật ở Minsk không khác nhiều so với những người biểu tình đã tràn ngập Alexanderplatz ở Đông Berlin và Quảng trường Wenceslas của Praha vào tháng 11 năm đó.

Rõ ràng, bước ngoặt hướng về phía tự do vốn đã biến năm 1989 trở thành một năm huy hoàng trong lịch sử hiện đại của châu Âu nay đã chùn bước ở một số quốc gia trong khu vực. Nhưng ở Belarus, hóa ra những người dân bình thường cũng ước ao chính những thứ mà những người dân khu vực đã mong muốn 31 năm về trước. Họ muốn nhìn thấy sự ra đi của một nhà độc tài, Alexander Lukashenko, người đã bêurếu những người biểu tình là “lũ chuột” và “kẻ cướp”, chứng tỏ rằng ông ta hoàn toàn lạc lõng, rời xa xã hội của mình, tương tự như nhà độc tài Nicolae Ceausescu của Romania trước khi bị lật đổ.

Thật không may, khả năng người dân Belarus tự giải phóng mình sẽ khó có thể có một kết thúc có hậu như vậy. Đây là một quốc gia nhỏ với 9,5 triệu dân, bị nhốt trong một “nhà nước liên hiệp” với Nga, nước láng giềng khổng lồ của họ, và rất dễ bị áp lực từ Moskva. Belerus giáp với Latvia, Litva và Ba Lan, tất cả đều là thành viên của NATO. Trong bất cứ trường hợp nào, Nga cũng sẽ không khoan nhượng với một Belarus không thân thiện.

Điều này không có nghĩa là sẽ có nguy cơ Nga can thiệp quân sự, một nỗi sợ mà Andrej Babis, thủ tướng Cộng hòa Séc, đã nêu lên, gợi nhớ lại cách mà Khối Warszawa đã xâm lược Tiệp Khắc để đè bẹp phongtrào Mùa xuân Praha năm 1968. Các cuộc biểu tình ở Belarus khác với cuộc cách mạng Maidan năm 2014 ở Ukraine, vốn dẫn đến những phản ứng trả thù từ Moskva. Cuộc nổi dậy của Ukraine nhắm vào Viktor Yanukovich, một vị tổng thống độc tài băng đảng tương tự Lukashenko. Nhưng nó cũng mang những hơi hướng dân tộc chủ nghĩa bài Nga nhất định.

Các cuộc biểu tình trên đường phố ở Kyiv đã được “quân sự hóa” để phản ứng lại việc chế độ Yanukovich sử dụng bạo lực, nhưng chúng được thúc đẩy phần lớn là bởi mong muốn gắn kết tương lai của Ukraine với EU và thậm chí là cả NATO. Tổng thống Nga Putin đã trả đũa bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea và khuấy động một cuộc xung đột ly khai ở miền đông Ukraine.

Những điều này không xảy ra trong trường hợp của Belarus. Các cuộc biểu tình ở đây không ủng hộ phương Tây hoặc chống Nga. Chúng nhằm thúc đẩy quyền công dân, ủng hộ sự thật và chống Lukashenko. Nếu xét các báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga về các sự kiện ở Belarus, có thể thấy Điện Kremlin không hề ảo tưởng về sự sụp đổ tính chính danh của Lukashenko.

Việc can thiệp quân sự để bảo vệ ông ta sẽ là một sự lãng phí nguồn lực và uy tín của nước Nga. Một phản ứng thông minh hơn sẽ là cho phép lặp lại các sự kiện hồi năm 2018 ở Armenia. Ở đó, một cuộc cách mạng bình dân đã đưa Nikol Pashinyan lên nắm quyền, người với tư cách thủ tướng đã khôi phục các quy trình dân chủ nhưng cẩn thận để tránh gây xung đột với Điện Kremlin.

Liệu có nguy cơ sẽ diễn ra một quá trình “lây lan dân chủ” từ Belarus sang Nga hay không? Tại thành phố Khabarovsk ở miền viễn đông nước Nga, cách Minsk bảy múi giờ, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố kể từ đầu tháng Bảy. Cuối tuần trước, một số người trong số đó đã hô vang khẩu hiệu “Belarus muôn năm!” Nhưng chính trị Nga có nhịp điệu riêng của nó. Sự bất bình của công chúng đối với chủ nghĩa Putin đang gia tăng, nhưng nếu tăng hơn nữa thì đó là do tình hình ở Nga chứ không phải vì những gì diễn ra ở Belarus.

Đối với người dân Belarus, mối nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra là Lukashenko và các lực lượng an ninh ủng hộ ông có thể cố gắng tự tiến hành một cuộc đàn áp. Ở đây, có thể rút ra một bài học so sánh nghiệt ngã từ năm 1989 – không phải ở Đông Âu, mà là ở Trung Quốc. Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn giết chết những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1989 là một lời nhắc nhở rằng một số hệ thống độc tài sẽ không hề e ngại dùng bất cứ biện pháp nào để đè bẹp đối thủ của họ. Trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Lukashenko về “chiến thắng” trong cuộc bầu cử gian lận của Belarus vào ngày 9 tháng 8 có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, năm 1989 cũng mang lại nhiều bài học đáng khích lệ hơn. Như ở Belarus ngày nay và Serbia vào năm 2000, khi nhà lãnh đạo chuyên chế Slobodan Milosevic bị lật đổ, phong trào ủng hộ dân chủ ở Đông Đức năm 1989 đã được thúc đẩy bởi các cuộc bầu cử gian lận trắng trợn. Đảng Cộng sản cầm quyền tuyên bố đã giành được gần 99% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử địa phương ở Đông Đức vào tháng 5 năm đó.

Đến tháng 10, khi các cuộc biểu tình gia tăng, các thành viên khát máu nhất của chế độ đã sẵn sàng thực hiện cái gọi là “giải pháp Trung Quốc” và bắn hạ những người biểu tình ôn hòa ở thành phố Leipzig. Kếhoạch thảm sát đã được ngăn chặn vào phút cuối, một phần không nhỏ nhờ vào lòng dũng cảm và đạo đức của một quan chức đảng ở Leipzig, người từ chối sử dụng bạo lực.

Các chính phủ phương Tây không có nhiều đòn bẩy để gây ảnh hưởng lên các sự kiện ở Belarus. Họkhông cần phải cố gắng đưa nước này vào các hệ thống liên minh phương Tây. Nhưng họ có thể và nên thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với một quá trình chuyển đổi chính trị giúp Belarus loại bỏ Lukashenko và cho phép một chính phủ được bầu cử tự do lên nắm quyền.

Đến cuối cùng, Belarus sẽ lột bỏ được lớp vỏ độc tài. Đây là giai đoạn đáng tự hào nhất trong lịch sử quốc gia này kể từ khi họ giành được độc lập vào năm 1991. Svetlana Alexievich, tác giả người Belarus từngđoạt giải Nobel văn học năm 2015, đã ghi lại khoảnh khắc xúc động này: “Tôi chỉ đơn giản là cảm thấy được tình yêu thực sự đối với người dân đất nước tôi trong vài tuần qua. Đây là một dân tộc hoàn toàn khác, và xuất hiện một sức mạnh hoàn toàn mới trong bản thân họ”.