Nhật ký Bắc Kinh (13/07/2020): Tương lai liên minh Trung – Triều

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 7/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thứ Bảy vừa rồi là một ngày kỷ niệm quan trọng đối với Trung Quốc và Triều Tiên.

Ngày 11 tháng 7 năm 1961, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) đã ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ Trung-Triều tại Bắc Kinh.

Hiệp ước này trên thực tế đã thiết lập một liên minh quân sự, vì Trung Quốc có nghĩa vụ giúp đỡ Triều Tiên nếu nước này bị tấn công, và ngược lại.

Tháng 10 năm 1950, Mao Trạch Đông, người cha lập quốc của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cộng sản, quyết định tham gia Chiến tranh Triều Tiên theo sự thúc giục của Kim.

Mao đã cử gần 3 triệu “chí nguyện quân” đến Bán đảo Triều Tiên để chiến đấu bên cạnh lính Triều Tiên. Khoảng 150.000 đến 200.000 người trong số họ đã chết trong giai đoạn 1950-1953.

Trong số những người thiệt mạng có con trai cả của Mao, Mao Ngạn Anh, 28 tuổi. Cái chết của Mao Ngạn Anh trong một vụ ném bom của Mỹ là biểu tượng cho “quan hệ máu thịt”, cách nói hoa mỹ người ta hay dùng để miêu tả quan hệ Trung – Triều.

Những người kế nhiệm Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) và lãnh đạo hiện tại Kim Chính Ân (Kim Jong Un), thường đến thăm mộ Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên vào những thời điểm quan trọng của quan hệ hai nước. Và nó trở thành nghi lễ của Triều Tiên để tỏ lòng biết ơn Trung Quốc.

Mao Ngạn Anh sinh tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, năm 1922; là con của Dương Khai Tuệ, vợ thứ hai của Mao Trạch Đông.

Năm ông lên 8, mẹ ông bị Quốc dân Đảng xử tử. Ông theo học ở Liên Xô gần 10 năm, bắt đầu từ nửa sau những năm 1930.

Mao Ngạn Anh tình nguyện gia nhập quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên vì tướng Bành Đức Hoài, tư lệnh tối cao và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc về sau, cần một thông dịch viên tiếng Nga. Ngay trước khi ra trận, Mao Ngạn Anh làm cán bộ cao cấp tại một nhà máy thiết bị ở Bắc Kinh.

Các hồ sơ cho thấy các nhân viên nhà máy – bao gồm cả Mao Ngạn Anh – đã sử dụng Đền Khổng Tử trên phố Quốc Tử Giám làm chỗ ở. Quốc Tử Giám cũng nằm trên phố này; đây là cơ sở giáo dục cao nhất thời Nguyên, Minh và Thanh.

Hôm 11 tháng 7 vừa rồi, tức ngày kỷ niệm hiệp ước năm 1961, tôi đến thăm phố Quốc Tử Giám. Tôi hỏi một cán bộ trước đền, “Mao Ngạn Anh có từng sống ở đây không?” Nhưng người này chỉ nói: “Tôi không biết gì về việc đó”.

Thật vậy, nhiều người trẻ Trung Quốc không hề biết các câu chuyện lịch sử ấy.

Hiệp ước năm 1961 đảm bảo “liên minh máu thịt” được gia hạn sau mỗi 20 năm – đồng nghĩa lần gia hạn tiếp theo sẽ đến vào ngày 11 tháng 7 năm 2021.

Triều Tiên, quốc gia đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, hiện ngày càng đối đầu với Mỹ. Nếu Mỹ tiến hành tấn công vũ trang vào Triều Tiên, Trung Quốc sẽ phải bảo vệ quốc gia ẩn dật này theo các điều khoản của hiệp ước.

Do vậy, đối với Trung Quốc, việc duy trì hiệp ước khiến nước này có nguy cơ bị cuốn vào tình huống quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, bất kể họ có muốn hay không.

Nhưng ngược lại, Trung Quốc có thể dùng “liên minh máu thịt” với Triều Tiên như một lời răn đe Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với chính quyền Donald Trump. Điều này có giá trị chiến lược quan trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về phần mình, Kim Chính Ân có thể muốn duy trì liên minh. Lần cuối cùng ông đến thăm mộ Mao Ngạn Anh được ghi nhận là ngày 27 tháng 7 năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Có thể ông sẽ sớm quay lại đây.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.