Nguồn: “Armenia and Azerbaijan fight over Nagorno-Karabakh again”, The Economist, 28/09/2020.
Người dịch: Phan Nguyên
Armenia và Azerbaijan đang đứng trên bờ vực chiến tranh vào ngày 28 tháng 9 khi các cuộc đụng độ chết người tiếp tục xảy ra tại tỉnh tranh chấp Nagorno-Karabakh một ngày trước đó. Hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh vốn bao gồm các cuộc tấn công bằng pháo binh và không quân. Sự kiện này đánh dấu việc hai nước đối đầu nhau lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng.
Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ bạo lực, đánh thức ký ức về một cuộc chiến tàn phá khu vực trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ và giờ đây có nguy cơ kéo theo hai cường quốc bên ngoài là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Bộ ngoại giao Armenia đã công bố đoạn phim quay cảnh xe tăng bị lửa thiêu rụi và cho biết họ đã bắn rơi một máy bay trực thăng của Azerbaijan. Azerbaijan tuyên bố đã chiếm được một số ngôi làng ở Nagorno-Karabakh. Cả hai nước đã tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân đội.
Các cuộc đụng độ vì Nagorno-Karabakh đã nổ ra liên tục kể từ năm 1994 khi một lệnh ngừng bắn đã tạm dừngmột cuộc chiến tranh vốn đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khoảng một triệu người phải di dời. Khu vực này, cũng như bảy huyện xung quanh, đã được kiểm soát bởi lực lượng Armenia. Khu vực có đa số ngườiArmenia sinh sống nhưng vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Ít nhất 16 người, bao gồm cả một tướng Azerbaijan, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở phía bắc khu vực ly khai hồi tháng Bảy. Hàng nghìn người Azerbaijan đã phản ứng bằng cách xuống đường ở thủ đô Baku để yêu cầu tái chiếm Nagorno-Karabakh.
Đó có thể là chính là những gì Azerbaijan đang nghĩ đến. Các nhà phân tích nói rằng quy mô của cuộc giao tranh hiện tại cho thấy một cuộc tấn công quân sự lớn hơn và sự trở lại của một cuộc xung đột nguy hiểm hơn so với mùa hè. Olesya Vartanyan, nhà phân tích khu vực Caucasus tại Crisis Group, một viện nghiên cứu chính sách quốc tế, cho biết: “Đây là một sự leo thang nghiêm trọng hơn, được chuẩn bị tốt hơn nhiều, với nhiều binh sĩ hơn và xảy ra đồng thời trên tất cả các khu vực dọc chiến tuyến. Ngoài vũ khí hạng nặng, chúng tôi còn thấy bộ binh, nhiều máy bay trực thăng và máy bay không người lái,” cô nói. Các cuộc đụng độ có nguy cơ tràn vào các khu vực dân sự gần chiến tuyến.
Chiến tranh tái bùng phát cũng có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực quan trọng nhất của Azerbaijan và đã hứa sẽ cung cấp cho chính phủ nước này bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ yêu cầu. Trên thực tế, Armenia đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc giao tranh, nhưng Azerbaijan phủ nhận. Trong khi đó, Nga có hiệp ước quốc phòng với Armenia, mặc dù nước này cũng bán vũ khí cho Azerbaijan. Thomas de Waal, một nghiên cứu viên cấp cao của Carnegie Europe, một viện nghiên cứu khác, cho biết: “Người Nga không muốn tham gia vào cuộc xung đột và thích đóng vai trò cân bằng và hòa giảihơn. Nhưng nếu lãnh thổ Armenia bị tấn công, họ không có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ Armenia.”
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã khuyến khích Azerbaijan cứng rắn. De Waal nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ Baku về mặt chính trị, và giờ đây dường như sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho nước này hơn bao giờ hết. Azerbaijan được cho là đang sử dụng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để chống lại lực lượng Armenia trong các cuộc đụng độ hiện tại. Sau vụ bùng phát hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của các binh sĩ Azerbaijan và đã triển khai các máy bay phản lực F-16 tới Baku để tập trận chung. Trong khi đó, Azerbaijan cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vướng vào hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Libya và Syria. Họ có nguy cơ vướng vào cuộc chiến thứ ba ở Caucasus.