Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vừa mới thua trận trở về vào năm trước, vào đầu năm Chí Nguyên thứ 23 [1286] Nguyên Thế Tổ lại ra lệnh xâm lăng nước Đại Việt, mệnh các hành tỉnh điều phái các tướng sĩ cùng quân lính:

“…. Ngày Tân Mão tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 23 [18/2/1286] mệnh bọn A Lý Hải Nha bàn những điều cần làm để đánh dẹp Giao Chỉ.

…..Ngày Giáp Thìn tháng 2 [3/3/1286], vẫn dùng A Lý Hải Nha làm Trung thư tỉnh An Nam Tả thừa tướng, Áo Lỗ Xích Bình chương chính sự; Đô nguyên soái Ô Mã Nhi, cùng Lý Mễ Thất, A Lý, Cửu Thuận, Phàn Tiếp đều là Tham tri chính sự. Sai sứ dụ Hoàng tử Dã Tiên Thiếp Mộc Nhi điều 1.000 quân, hoặc 2, 3 ngàn của Hợp Thứ Chương theo A Lý Hải Nha tòng chinh Giao Chỉ, phải ghi rõ tên tuổi tướng sĩ rồi báo lên….Ngày Đinh Tỵ [16/3/1286], mệnh Hành tỉnh Hồ Quảng tạo 300 hải thuyền đánh Giao Chỉ, hẹn vào tháng 8 tập trung tại các châu Khâm, Liêm….Ngày Mậu Ngọ [17/3/1286], mệnh Kinh Hồ, Chiêm Thành Hành tỉnh đem quân 3 Hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây 6 vạn người đánh Giao Chỉ. Kinh Hồ Hành tỉnh Bình chương Áo Lỗ Xích xin vào triều trình bày những điều cần làm để đánh Giao Chỉ, chiếu truyền đến kinh khuyết. Phong Trần Ích Tắc làm An Nam Quốc vương, Trần Tú Viên làm Phụ nghĩa công; vẫn xuống chiếu dụ quan lại và dân An Nam.”[1] Nguyên Sử, Bản Kỷ, quyển 14.

Nhưng các quan lại vùng Hồ Nam và Hồ Quảng đều trình bày tình hình khó khăn tại địa phương, nỗi thống khổ của dân chúng; xin bãi binh, hoặc hoãn đến năm sau, cuối cùng được lệnh cho hoãn:

Tháng 6 [23/6-22/7/1286], Hồ Nam Tuyên uỷ ty dâng lời:

 “Suốt năm chinh phạt Nhật Bản cùng Chiêm Thành; trăm họ mệt nhọc vì chuyển vận, thâu nạp thuế má nặng nề; quân lính gặp chướng lệ tử thương nhiều, quần sinh sầu thán, tứ dân [sĩ, nông, công, thương] bỏ nghề nghiệp; dân nghèo vứt con mong sống sót, người giàu lo bán ruộng đất để ứng sưu dịch, cái khổ như bị buộc dây treo ngược, càng ngày càng nặng. Nay lại có việc tại Giao Chỉ, sách động hàng trăm vạn dân, phí tổn đến ngàn vàng; như vậy không đúng theo con đường vỗ về cấp tuất cho dân. Trong lúc hành động, sự lợi hại không chỉ có một; vả lại Giao Chỉ từng sai Sứ dâng biểu xưng thần, nếu theo lời xin để làm sống lại sức dân, đó là thượng sách. Nếu không, thì nên khoan thứ cho trăm họ, tích trữ lương thực, chuẩn bị binh giáp, đợi đến năm sau thiên thời thuận lợi, rồi cử đại binh cũng không muộn.”

 Quan Hành tỉnh Hồ Quảng, Tuyến Ca cho lời bàn là đúng, sai sứ vào tâu:

‘Bản tỉnh đóng binh hơn 70 nơi, suốt năm chinh chiến, quân tinh nhuệ bày bố ra ngoài, số còn lại đều lão nhược; mỗi thành ấp không quá 200 người, lo sợ kẻ gian dòm ngó hư thực! Năm ngoái Bình chương A Lý Hải Nha xuất chinh, thâu lương 3 vạn thạch, dân đã kêu khổ. Nay lại thu gấp bội số, mà kho quan không còn dự trử, chỉ dựa vào dân; trăm họ sẽ khốn khó không kể xiết. Nên theo lời Tuyên uỷ ty, hoãn quân đánh phương nam.’

 Khu mật viện tâu lên, trong ngày Thiên tử hạ lệnh dừng quân, cho trở về các doanh; Ích Tắc theo quân về Ngạc [Hồ Bắc].”[2] Nguyên Sử, Liệt Truyện, quyển 209.

Tuy nhiên vẫn giữ ý định đưa quân sang xâm lăng lần thứ 3, nên Vua Nguyên gửi chiếu thư sang nước ta, nhắm gây chia rẽ giữa nguyên thủ nhà Trần và dân chúng, để dễ bề thôn tính:

Chiếu thư vào tháng 4 năm Chí Nguyên thứ 23 [1286]

Trước đây Quốc vương họ Trần nước ngươi xưng thần, theo niên lệ đến cống, nhưng không đích thân đến triều cận. Nhân chú ngươi là Di Ái đến, bèn đem việc cai trị An Nam giao cho, lúc về nước thì bị hại; sai Đạt lỗ hoa xich Ba Diên Đặc Mục Nhĩ đến cũng bị khước từ không nhận. Còn việc xuất sư đánh Chiêm Thành, đáng phải nạp lương, nhưng không cung cấp. Khiến cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Hành tỉnh Ha Nhĩ Cáp Nhã mang binh cùng quân các ngươi giao chiến, hai bên đều bị sát thương. Nay nhân người thân cận Vương nước ngươi là Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên lo họ hàng sụp diệt, gây họa cho dân vô tội, trông ngóng ngươi đến triều đình mà không thấy, bèn tự đem thân đến qui phụ. Trẫm thương lòng trung hiếu, bèn phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương, Trần Tú Viên làm Phụ nghĩa công, để thờ phụng họ Trần. Ban mệnh Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương chính sự Ngạc La Tề mang quân bình định nước ngươi. Các tội lỗi trước chỉ một mình ngươi gánh chịu, quan lại dân chúng không can dự. Chiếu thư đến nơi lại trở về đồng ruộng an cư lạc nghiệp; vậy nên ban chiếu dụ quan lại trăm họ An Nam hay biết.[3] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên Chiếu Chế.

Tháng 2 năm Trùng Hưng năm thứ 3 [Chí Nguyên thứ 24, 1287], nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan, A Bát Xích đem quân sang xâm lược; Khâm Định Thông Giám Cương Mục triều Nguyễn chép như sau:

Nhà Nguyên lấy quân ở ba tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây tất cả bảy vạn người, và năm trăm chiếc thuyền; quân ở tỉnh Vân Nam sáu nghìn người, và quân giống người Lê[4] ở bốn châu hải ngoại một vạn năm ngàn người; sai viên vạn hộ hải đạo là Trương Văn Hổ tải mười bảy vạn hộc lương (Sử cũ Toàn Thư chép là bảy mươi vạn) để tiếp tế cho quân ăn; phong cho A Bát Xích giữ chức Hành tỉnh tả thừa; Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự, đều ở dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan (Nguyên sử chép là Thác Hoan). Các tướng Nguyên chia đường đem quân sang xâm lấn.

Tin ấy từ nơi biên giới báo về triều. Các quan trong triều xin tuyển người khỏe mạnh bổ sung làm quân, để cho quân số được nhiều. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nói:

‘Quân lính cốt phải tinh nhuệ, không cần phải nhiều, cứ xem như Bồ Kiên[5] ở Trung Quốc có quân hàng trăm vạn cũng có làm gì được đâu’.

 Vì thế nên không tuyển thêm quân nữa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Riêng Nguyên Sử chép rõ ngày tháng điều động các đạo quân:

…Ngày Đinh Hợi tháng giêng năm Chí Nguyên thứ 24 [9/2/1287], dùng Tham chính Trình Bằng Phi làm Trung thư hữu thừa, A Lý làm Trung thư tả thừa; dùng Bất Nhan Lý Hải Nha làm Tham tri chính sự, điều 1.000 quân tân phụ theo A Bát Xích đánh An Nam… Ngày Tân Mão [13/2], chiếu xuất phát quân Mông Cổ, Hán, thuộc 3 Hành tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, quân Vân Nam, cùng 4 châu Lê binh ngoài biển; mệnh vận lương đường biển bọn Vạn hộ Trương Văn Hổ chuyển 17 vạn thạch lương, chia đường đánh Giao Chỉ. Đặt Hành thượng thư tỉnh đánh Giao Chỉ, Áo Lỗ Xích giữ chức Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp Tham tri chính sự coi tổng quát, cũng đều dưới quyền Trấn Nam Vương tiết chế.”[6] Nguyên Sử, Bản Kỷ, quyển 14.

Vào tháng 11, Thoát Hoan nhà Nguyên đem quân xâm phạm vào cửa ải, nhà vua hạ chiếu cho các tướng đem quân chống cự lại:

Quân Thoát Hoan kéo đến Tư Minh, để lại đấy hai nghìn người, giao cho vạn hộ là Hạ Chỉ và Trương Ngọc thống lĩnh để coi giữ các xe thuốc đạn, lương thực và quần áo của binh sĩ, rồi sai Trình Bằng Phi, Áo Lỗ Xích mỗi người đem một vạn quân đi đường bộ, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem quân đi thuyền theo đường biển, hai đường đều tiến sang biên giới nước ta. Viên quan giữ ngoài biên giới đem việc đó tâu về triều. Nhà vua hỏi Hưng Đạo Vương rằng:

‘Bây giờ giặc đến thì mưu tính thế nào?’.

Hưng Đạo Vương thưa rằng:

‘Năm nay đánh thắng giặc có phần dễ hơn trước’.

 Nhà vua liền hạ lệnh cho các tướng chia nhau đem quân chống cự.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Sự việc trong tháng 11 Nguyên Sử chép rõ hơn về cuộc hành quân đường bộ xâm nhập tỉnh Lạng Sơn, quân Nguyên dùng 2 cánh quân xâm lăng nước ta. Cánh thứ nhất xuất phát từ ải Nữ Nhi về phía đông, do A Bát Xích làm tiên phong, Thoát Hoan nắm đại quân tiếp ứng. Cánh thứ 2, xuất phạt từ Vĩnh Bình [Bằng Tường thị] tại phía tây, yểm trợ hông bên phải cho cánh thứ nhất:

Tháng 11 [6/12/1287-4/1/1288] Trấn Nam Vương đến Tư Minh, để lại 2.500 quân giao cho Vạn hộ Gia Chỉ, để coi giữ lương thực quân cụ nặng. Trình Bằng Phi, Bột La Hợp Đáp Nhi chỉ huy 1 vạn quân Hán xuất phát từ Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây], Áo Lỗ Xích chỉ huy 1 vạn quân theo Trấn Nam Vương xuất phát từ ải Nữ Nhi phía đông. A Bát Xích cầm 1 vạn quân làm tiên phong; Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp mang binh theo đường thuỷ; qua Ngọc Sơn [Mũi Ngọc, Quảng Ninh], Song Môn, cửa biển An Bang, gặp hơn 400 chiếc thuyền Giao Chỉ, xông vào đánh, giết hơn 4.000, bắt sống hơn 100, tịch thu 100 chiếc thuyền, rồi hướng vào nội địa Giao Chỉ. Trình Bằng Phi, Bột La Hợp Tháp Nhi vượt 3 quan ải Lão Thử, Hãm Sa, Tỷ Trúc; trải qua 17 lần giao tranh, đều thắng.” Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

Về đường thủy, Nguyên Sử chép tiếp vào tháng 12 việc thuyền lương của Trương Văn Hổ bị tướng Trần Khánh Dư đánh đắm ngay sau khi thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đi vào nội địa:

Thuyền lương của Trương Văn Hổ vào tháng 12 năm trước [5/1-2/2/1288] đến Đồn Sơn, gặp 30 chiếc thuyền Giao Chỉ, Hổ giao tranh, hai bên tổn thất tương đương. Đến vùng biển Lục Thuỷ,[7] gặp nhiều thuyền giặc; thế không địch nỗi, thuyền lại nặng không thể đi nhanh, bèn đánh chìm xuống biển, rồi hướng về Quỳnh Châu [Hải Nam]. Thuyền lương của Phí Củng Thần vào tháng 11 định đến Huệ châu [Quảng Đông], nhưng gió thổi không tiến được, nên dạt đến Quỳnh châu hợp với Trương Văn Hổ. Thuyền lương của Từ Khánh phiêu dạt đến Chiêm Thành, rồi lại trở về Quỳnh Châu. Quân lính chết 220 người, huỷ 11 chiếc thuyền, hơn 1 vạn bốn ngàn ba trăm thạch lương.”[8] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

Riêng Toàn Thư nước ta chép việc đánh bại thuyền lương Trương Văn Hổ như sau:

Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi[9] thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ:

‘Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn’.

Trung sứ theo lời xin đó.

Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo.

Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói:

‘Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?’.

Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.

Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc.

Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh:

‘Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt’.

Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang:

‘Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu’.

Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc câu: ‘Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh’ (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam, thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét. Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ mà thôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngoài ra sự kiện trong tháng Chạp, Cương Mục chép quân nhà Nguyên xâm phạm vào kinh thành; nhà Vua rước Thượng hoàng chạy đến đồn Hám Nam:

Quân nhà Nguyên do hai đường thủy và bộ kéo sang, quân ta không chống giữ được. Thoát Hoan sai Trình Bằng Phi đem hai vạn quân đánh vào Vạn Kiếp, lập doanh trại ở núi Phả Lại[10] và núi Chí Linh,[11] chia quân ra đóng giữ; dân ở Bàng Hà và Ba Điểm đều ra hàng. Lại sai bọn Ô Mã Nhi, A Bát Xích hội họp quân tiến thẳng qua sông Phú Lương, xâm phạm vào kinh thành. Nhà vua liền rước Thượng hoàng chạy đến đồn Hám Nam, rồi lại dùng chu sư [thủy quân] đi theo đường ra biển để tránh nạn. Quân nhà Nguyên đuổi theo không kịp.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Nguyên Sử mục Liệt Truyện cũng chép tương tự:

Tháng 12 [5/1-2/2/1288] Trấn Nam Vương đến cảng Mao La, Hưng Đạo Vương bỏ trốn, nhân đánh trại Phù Sơn, phá được. Lại ra lệnh Trình Bằng Phi, A Lý, dùng 3 vạn quân chiếm Vạn Kiếp; rồi xây doanh trại gỗ tại các núi Phả Lại, Chí Linh. Mệnh Ô Mã Nhi mang thuỷ quân, A Bát Xích điều lục quân, tiến đánh thành Giao Chỉ; Trấn Nam Vương điều quân vượt sông Phú Lương, đến dưới thành, đánh bại quân phòng thủ. Nhật Huyễn và con bỏ thành, đến tại đồn Cảm Nam; các quân đánh hạ được đồn.”[12] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

Riêng An Nam Chí lược bổ sung việc 5.000 quân Nguyên hộ tống bọn Lê Trắc vào đến ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang], giao chiến với quân ta bị thua, bèn mở đường máu rút ra khỏi quan ải. Riêng đại binh quân Nguyên từ kinh thành xuôi dòng sông Hồng tấn công quân nhà vua tại cửa Hàm Tử [tỉnh Hưng Yên]:

Bấy giờ Tỉnh đô sự hầu Sư Đạt, Mã hộ hầu, Tiêu Thiên hộ dùng quân tại các cánh quân gồm hơn 5.000 cùng với [Lê]Trắc từ Tư Minh tiếp tục tiến. Ngày Giáp Thân 28 vào cửa quan Nội Bàng, cùng với quân địch đánh suốt ngày đêm, sức yếu thua, các Đô, Hầu chết; Trắc chiếu theo đường cũ dẫn Vạn hộ, Thiên hộ, cùng con trai của Vương An Nam [Trần Ích Tắc] là Trần Dục, Thiêm sự Nguyễn Lĩnh, Phủ phán Lê Yến đưa số kỵ binh còn lại tử chiến ra khỏi quan ải. Ngày Ất Dậu 29 Vương từ khi vượt sông Lô, A Lý Tề theo bờ sông phía đông phá ải Hàm Vu [Tử], Thế tử rút quân về giữ ải Hải Bái, bị đại binh đánh phá.”[13] An Nam Chí Lược, Chinh Thảo Vận Hướng, quyển 4.

Cương Mục chép tiếp vào tháng Giêng năm Trùng Hưng thứ 4 [1288, năm Chí Nguyên thứ 25] Ô Mã Nhi nhà Nguyên xâm phạm mộ tổ họ Trần tại phủ Long Hưng,[14] hiện nay thuộc tỉnh Thái Bình.

Riêng Nguyên Sử chép Ô Mã Nhi theo hướng cửa biển Đại Bàng đón thuyền lương Trương Văn Hổ; như vậy có thể hiểu rằng Ô Mã Nhi dùng thủy quân xuôi sông Hồng, qua sông Luộc xâm phạm phần mộ tổ họ Trần; rồi theo sông Thái Bình ra biển, đến vùng biển Đại Bàng, tức cửa Văn Úc thuộc huyện Kiến Thụy Hải Phòng:

Tháng Giêng năm thứ 25 [3/2-3/3/1288] Nhật Huyễn và con lại chạy ra biển; Trấn Nam Vương điều các quân truy kích, đến cửa biển Thiên Trường [Nam Định] thì không biết đi đâu, bèn mang binh trở về thành Giao Chỉ. Lại mệnh Ô Mã Nhi theo hướng cửa biển Đại Bàng [huyện Kiến Thụy, Hải Phòng] đón thuyền lương của Trương Văn Hổ; Áo Lỗ Xích, A Bát Xích chia đường vào núi tìm lương. Nghe tin Giao Chỉ tập trung quân tại Cá Trầm, Cá Lê, Ma Sơn, Nguỵ Trại; bèn mang quân đến đánh phá, giết hơn 1 vạn tên.”[15] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

Tháng 2, Ô Mã Nhi từ cửa biển Đại Bàng ngược theo bờ biển hướng tây bắc, đến đánh phá trại An Hưng tại Quảng Yên, rồi trở về Vạn Kiếp:

Ô Mã Nhi đợi mãi không thấy thuyền tải lương của Văn Hổ đến, bèn đánh phá trại An Hưng,[16] rồi lại đem quân về Vạn Kiếp, chia ra đóng giữ các núi Chí Linh và Phả Lại, để làm kế cố thủ. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Vào tháng 2, Nguyên Sử xác nhận các quân hội tụ tại Vạn Kiếp; nhân vì thiếu lương, quân sĩ mệt mỏi không thể ở lâu nên Trấn Nam Vương cho rút quân; mệnh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp điều thủy quân rút trước:

Tháng 2 [4/3-1/4/1288], Trấn Nam Vương dẫn quân trở về Vạn Kiếp. A Bát Xích lãnh tiền phong, đoạt quan ải, ghép cầu nổi, phá cửa khẩu Tam Giang, đánh phá 32 bảo [đồn nhỏ], giết hơn 1 vạn, tịch thu 200 thuyền, hơn 11 vạn 3 ngàn thạch gạo. Ô Mã Nhi từ cửa khẩu Đại Bàng, hướng đến Đáp Sơn, gặp hàng ngàn thuyền giặc bèn đánh phá; đến cửa khẩu An Bang, không gặp thuyền Trương Văn Hổ, bèn trở lại Vạn Kiếp, tìm lương được hơn 4 vạn thạch. Các trại gỗ tại Phả Lại, Chí Linh đã làm xong; dùng làm nơi đóng quân. Các tướng nhân nói rằng:

 ‘Giao Chỉ không có thành trì có thể giữ, không có kho lương đủ ăn; thuyền lương của Trương Văn Hổ không đến, trời lại nóng; sợ lương hết, quân mệt, không thể cầm cự lâu, làm thẹn mặt triều đình; vậy nên bảo toàn quân rút về.’

Trấn Nam Vương chấp thuận, mệnh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cho thuỷ quân về trước; Trình Bằng Phi, Tháp Xuất mang quân hộ tống”.[17] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

Chấp hành lệnh của Trấn Nam Vương, bọn Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi mang thủy quân trở về; vào đầu tháng 3 đến sông Bạch Đằng

Tháng 2, trời nóng, lương thực hết; do đó Vương [Thoát Hoan] ra lệnh mang quân trở về. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi mang quân trở về; bị giặc chặn tại sông Bạch Đằng. Gặp lúc thuỷ triều rút, thuyền của Tiếp bị mắc cạn; thuyền giặc đến đông, tên bắn như mưa, từ giờ Mão [5-7 giờ sáng] đến Dậu [15-17 giờ]. Tiếp bị thương, rơi xuống nước; giặc dùng câu liêm kéo lên giết chết. Vào năm Chí Thuận thứ nhất [1330] được truy tặng Suy trung tuyên lực hiệu tiết công thần, Tư đức đại phu, Giang Chiết Hành tỉnh hữu thừa, Thượng đẳng công thần, thuỵ Trung Định”.[18] Nguyên Sử, quyển 166, Liệt Truyện: Phàn Tiếp

Cương Mục chép việc vào tháng 3. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn phá tan được thủy quân nhà Nguyên ở sông Bạch Đằng, bắt được tướng Nguyên là bọn Ô Mã Nhi:

Quân Nguyên thiếu lương ăn, chia ra từng toán để đi tìm lương, các tướng đều nói:

‘Ở đây không có thành trì để giữ, không có kho tàng để ăn. Vả lại, đương lúc cuối xuân đầu hè, khí trời nồng nực; những chỗ hiểm trở xung yếu đã chiếm được nay đều bị mất, chi bằng đem quân về’

Thoát Hoan y theo, hạ lệnh cho bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem chu sư theo đường thủy đi trước. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn biết quân Nguyên sắp rút lui, bèn trước hết cho người đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, lấy cỏ phủ lên đầu cọc, sẵn sàng chờ đợi. Khi bọn Ô Mã Nhi về đến Bạch Đằng, Quốc Tuấn nhân lúc nước thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy, bên Nguyên đem cả quân đuổi theo. Lúc ấy nước thủy triều xuống rất mau. Tướng Nguyễn Khoái thống lĩnh vệ quân Thánh Dực tung quân ra đánh quật lại, phá tan được quân Nguyên. Gặp lúc ấy đại quân của nhà vua kế tiếp tiến đến. Ô Mã Nhi phải thu thập những thuyền còn sót lại để chạy, không ngờ thuyền mắc trên cọc gỗ đều bị đổ nhào xuống nước, quân Nguyên chết không biết chừng nào mà kể, quân ta bắt được hơn bốn trăm chiếc thuyền. Tước nội minh tự là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc đem dâng nộp thượng hoàng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Gần đây có bài nghiên cứu của Lauren Hilgers đăng trên Archeology vào tháng 4/2016 do Trần Ngọc Cư dịch, với nhan đề “Bạch Đằng: một chiến trường hiển lộ dần.” Nội dung cho biết vào thập niên 1950 các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hệ thống phòng thủ trên sông trong một ruộng lúa gần sông Bạch Đằng chạy ra biển; gồm những cụm gỗ dày đặc, chôn dưới bùn, mũi chỉa lên theo các góc khác nhau.

Kimura hiện làm việc tại đại học Tokai, Tokyo, nhận xét “Các nhà nghiên cứu của Việt Nam trước đó không thể giải thích rõ ràng các cọc gỗ đã được phân bố trên trận địa như thế nào.Trong những năm 1950 người ta chưa sử dụng được cách định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ và máy định vị GPS.” Trong các năm 2010, 2011, 2013; ông Kimura cùng Học giả Staniforth trở lại Việt Nam, khai quật ao cá gần sông Bạch Đằng, họ phát hiện được tổng cộng 55 cọc gỗ, cùng với các mảnh đồ gốm và gỗ. Điều quan trọng là các cọc gỗ được giám định có độ tuổi từ 700 năm trở về trước; gần như chắc chắn có liên quan đến cuộc xâm lăng của quân Mông cổ vào năm 1288.

Vào tháng 3, ngoài trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, Cương Mục chép thêm việc đoàn quân Thoát Hoan gặp khốn khó phải theo đường bộ chạy trốn về nước:

Viên hữu thừa nhà Nguyên là Trình Bằng Phi chọn lấy những quân khỏe mạnh, theo đường bộ, bảo vệ cho Thoát Hoan trốn về nước. Khi về đến cửa ải Nội Bàng [thị xã Chũ, Bắc Giang], bị quân ta hội hợp chặn đánh, chức vạn hộ nhà Nguyên là Trương Quân phải dùng ba nghìn quân liều chết để đánh, mới thoát ra được khỏi cửa ải. Lại có gián điệp nói: Quân ta phân ra giữ cửa ải Nữ Nhi và núi Kheo Cấp, rải rác hơn trăm dặm để chặn đường, quân Nguyên lại càng sợ, vừa đánh vừa chạy. Quân ta nhân ở trên cao bắn tên thuốc độc xuống, bọn Trương Ngọc, A Bát Xích đều bị chết, tướng sĩ nhà Nguyên phải buộc vết thương để chống cự, thây chết nằm chồng chất lên nhau. Thoát Hoan phải do đường huyện Đan Dĩ chạy sang Lộc Châu, rồi đi đường tắt về Tư Minh, sai Áo Lỗ Xích thu thập tàn quân trở về nước. Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Nguyên Sử cũng phải xác nhận cảnh khốn khó nhục nhã khi rút quân:

Trấn Nam Vương đến ải Nội Bàng, quân giặc tập kích, vương bèn đánh phá. Mệnh Vạn hộ Trương Quân dùng 3 ngàn quân đoạn hậu, cố sức đánh để ra khỏi quan ải. Điệp viên thông báo Nhật Huyễn, Thế tử, Hưng Đạo Vương dàn hơn 30 vạn quân liên tiếp 100 dặm, chiếm ải Nữ Nhi, Khâu Cấp Lãnh, nhắm chặn đường về. Trấn Nam Vương từ huyện Đơn Kỷ, hướng Lộc Châu; rồi hỏi đường mà ra, đến châu Tư Minh. Mệnh Ái Lỗ dẫn quân trở về Vân Nam, Áo Lỗ Xích mang các quân trở về phương Bắc. Nhật Huyễn bèn sai sứ đến tạ, tiến cống người vàng thế tội. Tháng 11 [25/11-24/12/1288], sai Lưu Đình Trực, Lý Tư Diễn, Vạn Nô đi sứ An Nam, mang chiếu chỉ dụ Nhật Huyễn đến triều đình.”[19] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.

———————-

[1] 二十三年春正月二十三年春正月…,命阿裏海牙等議征安南事宜。

二月…以阿裏海牙仍安南行中書省左丞相,奧魯赤平章政事,都元帥烏馬兒、亦裏迷失、阿裏、昝順、樊楫並參知政事。遣使諭皇子也先鐵木兒,調合剌章軍千人或二三千,付阿裏海牙從征交趾,仍具將士姓名以聞。…,命湖廣行省造征交趾海船三百,期以八月會欽、廉州。戊午,並江南行樞密院四處入行省。命荊湖占城行省將江浙、湖廣、江西三行省兵六萬人伐交趾。荊湖行省平章奧魯赤以征交趾事宜請入覲,詔乘傳赴闕。集賢直學士程文海言:「省院諸司皆以南人參用,惟禦史臺按察司無之。江南風俗,南人所諳,宜參用之便。」帝以語玉速鐵木兒,對曰:「當擇賢者以聞。」帝曰:「汝漢人用事者,豈皆賢邪?」江南諸路學田昔皆隸官,詔復給本學,以便教養。封陳益稷為安南王,陳秀爰為輔義公,仍下詔諭安南吏民。

[2] 六月,湖南宣慰司上言:「連歲征日本及用兵占城,百姓罷於轉輸,賦役煩重,士卒觸瘴癘多死傷者,群生愁嘆,四民廢業,貧者棄子以偷生,富者鬻產而應役,倒懸之苦日甚一日。今復有事交趾,動百萬之衆,虛千金之費,非所以恤士民也。且舉動之間,利害非一,又兼交趾已嘗遣使納表稱藩,若從其請以甦民力,計之上也。無已,則宜寬百姓之賦,積糧餉,繕甲兵,俟來歲天時稍利,然後大舉,亦未為晚。」湖廣行省臣線哥是其議,遣使入奏,且言:「本省鎮戍凡七十餘所,連歲征戰,士卒精銳者罷於外,所存者皆老弱,每一城邑,多不過二百人。竊恐姦人得以窺伺虛實。往年平章阿里海牙出征,輸糧三萬石,民且告病,今復倍其數。官無儲畜,和糴於民間,百姓將不勝其困。宜如宣慰司所言,乞緩師南伐。」樞密院以聞,帝即日下詔止軍,縱士卒還各營。益稷從師還鄂。

[3] 右諭安南宗族官吏至元二十三年四月詔.
曩以爾國陳既稱臣服嵗輸貢獻而不躬親入朝因彼叔父陳遺愛來以安南事委之至則已為戕害所遣達嚕噶齊巴延特穆爾又却之弗納至於出師占城宜相餽餉而畧不供給以致鎮南王托歡行省阿爾哈雅進兵彼兵交之際互有殺傷今因爾國近親陳益稷陳秀嵈慮宗國覆滅殃及無辜屢觀爾來庭終不見從自拔來歸朕憫其忠孝特封陳益稷為安南國王陳秀嵈為輔義公以奉陳祀申命鎮南王托歡平章政事鄂囉齊興兵平定其國前此罪戾止於爾之身吏民無有所預詔書到日其各復歸田里安生樂業故茲詔示右諭安南國官吏百姓.

[4] Lời chua của Cương Mục: Quân người Lê ở bốn châu tức là các châu Nhai, Quỳnh, Đam và Vạn, nay thuộc Hải Nam tỉnh Quảng Đông nhà Thanh. Địa điểm này có động Mán chủng tộc người Lê. Nhà Nguyên đặt mười hai cánh Lê Binh, có phủ Thiên Hộ quản lĩnh những cánh quân ấy.

[5] Bồ Kiên: Thời đại Đông Tấn, Tam Tần vương là Bồ Kiên có số quân đến trăm vạn (quân chiến đấu bằng cung tên dáo mác hơn 60 vạn, quân cưỡi ngựa gần 30 vạn). Năm 383, Bồ Kiên đem quân đóng ở dọc sông Phì Thủy để đánh nhà Tấn, tướng nhà Tấn là Tạ Thạch đánh cho quân Bồ Kiên chết đến 7, 8 phần mười. Bồ Kiên trúng tên, phải bỏ chạy.

[6] 二十四年春正月…以參政程鵬飛為中書右丞,阿裏為中書左丞。丁亥,以不顏裏海牙為參知政事。發新附軍千人從阿八赤討安南。…詔發江淮、江西、湖廣三省蒙古、漢券軍及雲南兵,及海外四州黎兵,命海道運糧萬戶張文虎等運糧十七萬石,分道以討交趾。置征交趾行尚書省,奧魯赤平章政事,烏馬兒、樊楫參知政事,總之,並受鎮南王節制。

[7] Biển Lục Thủy: Nay ở phía đông nam huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, cách huyện 17 dặm.

[8] 張文虎糧船以去年十二月次屯山,遇交趾船三十艘,文虎擊之,所殺略相當。至綠水洋,賊船益多,度不能敵,又船重不可行,乃沉米於海,趨瓊州。費拱辰糧船以十一月次惠州,風不得進,漂至瓊州,與張文虎合。徐慶糧船漂至占城,亦至瓊州。凡亡士卒二百二十人、船十一艘、糧萬四千三百石有奇.

[9] Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư chịu trách nhiệm giữ vùng bờ biển, không chặn nổi thủy quân giặc, để chúng qua được cửa An Bang tiến về Vạn Kiếp. Vân Đồn nay tức là Vân Hải, tỉnh Quảng Ninh.

[10] Núi Phả Lại: Nay ở xã Phả Lại, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.

[11] Núi Chí Linh: Nay ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

[12] 十二月,鎮南王次茅羅港,交趾興道王遁,因攻浮山寨,破之。又命程鵬飛、阿里以兵二萬人守萬劫,且修普賴山及至靈山木柵。命烏馬兒將水兵,阿八赤將陸兵,徑趨交趾城。鎮南王以諸軍渡富良江,次城下,敗其守兵。日烜與其子棄城走敢喃堡,諸軍攻下之。

[13] 时省都事侯师达、万户侯名未详、焦千户等,以各翼馀兵仅五千偕崱自思明续进。二十八日甲申,入内傍闗,与彼兵竟日夜战。力屈宵,溃。侯都等死,崱诣旧路引万户、千户与安南国王男陈昱、佥事阮领、府判黎晏等,率馀骑死战出闗。免。二十九日乙酉,王自渡泸江。阿巴齐沿东岸破鰔于隘。世子退守海沛隘。

[14] Long Hưng: Trước là địa phận làng Đa Cương, mộ tổ nhà Trần táng ở đấy, vì thế mới đổi là phủ Long Hưng; đời Hồ đổi là Tân Hưng; nhà Lê đổi là Tiên Hưng; triều Nguyễn gọi như trước, thuộc tỉnh Hưng Yên, hiện nay thuộc tỉnh Thái Bình.

[15] 二十五年正月,日烜及其子復走入海。鎮南王以諸軍追之,次天長海口,不知其所之,引兵還交趾城。命烏馬兒將水兵由大滂口迓張文虎等糧船,奧魯赤、阿八赤等分道入山求糧。聞交趾集兵箇沉、箇黎、磨山、魏寨,發兵皆破之,斬萬餘級。

[16] An Hưng: Tên trại, nhà Lê đổi làm huyện; nay cũng theo tên ấy, thuộc tỉnh Quảng Yên.

[17] 二月,鎮南王引兵還萬劫。阿八赤將前鋒,奪關繫橋,破三江口,攻下堡三十二,斬數萬餘級,得船二百艘、米十一萬三千餘石。烏馬兒由大滂口趨塔山,遇賊船千餘,擊破之;至安邦口,不見張文虎船,復還萬劫,得米四萬餘石。普賴、至靈山木柵成,命諸軍居之。諸將因言:「交趾無城池可守、倉庾可食,張文虎等糧船不至,且天時已熱,恐糧盡師老,無以支久,為朝廷羞,宜全師而還。」鎮南王從之。命烏馬兒、樊楫將水兵先還,程鵬飛、塔出將兵護送之

[18] 二月,天暑,食且盡,於是王命班師。楫與烏馬兒將舟師還,為賊邀遮白藤江。潮下,楫舟膠,賊舟大集,矢下如雨,力戰,自卯至酉,楫被創,投水中,賊鉤執毒殺之。至順元年,贈推忠宣力效節功臣、資德大夫、江浙行省右丞、上黨郡公,諡忠定.

[19] 鎮南王次內傍關,賊兵大集,王擊破之。命萬戶張均以精銳三千人殿,力戰出關。諜知日烜及世子、興道王等,分兵三十餘萬,守女兒關及丘急嶺,連亙百餘里,以遏歸師。鎮南王遂由單己縣趨盝州,間道以出,次思明州。命愛魯引兵還雲南,奧魯赤以諸軍北還。日烜尋遣使來謝,進金人代己罪。十一月,以劉庭直、李思衍、萬奴等使安南,持詔諭日烜來朝。