01/12/1959: Nam Cực trở thành lục địa phi quân sự

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Antarctica made a military-free continent, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1959, 12 quốc gia, trong đó có Mỹ và Liên Xô, đã cùng ký Hiệp ước Nam Cực, theo đó chính thức cấm mọi hoạt động quân sự và thử nghiệm vũ khí trên lục địa này. Đây là hiệp định kiểm soát vũ khí đầu tiên được ký kết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Kể từ thập niên 1800, một số quốc gia, bao gồm Anh, Australia, Chile và Na Uy, đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng lãnh thổ thuộc Nam Cực – trở thành nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ngoại giao và thậm chí là đụng độ vũ trang. Năm 1948, lính Argentina đã bắn vào lính Anh trong một khu vực mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.

Các sự cố kiểu này, cùng với bằng chứng cho thấy Liên Xô ngày càng quan tâm đến Nam Cực, đã thúc đẩy Mỹ đề xuất để Liên Hiệp Quốc quản lý châu lục. Tuy nhiên, ý tưởng này sớm bị bác bỏ, đơn giản vì chẳng một quốc gia nào có lợi ích trên lục địa này đồng ý nhượng lại tuyên bố chủ quyền của họ cho một tổ chức quốc tế.

Sang những năm 1950, một số quan chức Mỹ bắt đầu thúc đẩy vai trò tích cực hơn của Mỹ ở Nam Cực, tin tưởng rằng lục địa này có tiềm năng quân sự để trở thành một khu vực thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Dwight D. Eisenhower lại lựa chọn một cách tiếp cận khác. Các nhà ngoại giao Mỹ đã cùng các đối tác Liên Xô tạo ra một hiệp ước biến Nam Cực trở thành khu vực phi quân sự, đồng thời trì hoãn việc giải quyết các yêu sách lãnh thổ.

Theo các điều khoản thỏa thuận, sẽ không nước nào được có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào trên lục địa này, cũng như không được thử nghiệm vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả vũ khí hạt nhân. Các hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn được cho phép và các nhà khoa học sẽ không bị cấm đi qua bất kỳ khu vực nào mà các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Hàng chục quốc gia đã ký vào văn bản này.

Vì hiệp ước không can thiệp trực tiếp vào vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Nam Cực nên nhóm nước ký kết cũng bao gồm tất cả các quốc gia có yêu sách lãnh thổ trên lục địa này. Do đó, Hiệp ước Nam Cực đã đánh dấu bước đi đầu tiên, dù nhỏ nhưng quan trọng, đối với việc kiểm soát vũ khí và hợp tác chính trị giữa Mỹ và Liên Xô. Hiệp ước có hiệu lực vào tháng 6/1961, chính thức thiết lập các chính sách nền tảng nhằm quản lý Nam Cực.

Hiệp ước Nam Cực (Antarctic Treaty)