27/02/1942: Tàu sân bay Langley của Mỹ bị đánh chìm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. aircraft carrier Langley is sunk, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, tàu sân bay đầu tiên của Hải Quân Mỹ, Langley, đã bị đánh chìm bởi máy bay chiến đấu của Nhật Bản. Toàn bộ 32 máy bay trên Langley đều bị thiệt hại.

Tàu Langley được hạ thủy lần đầu tiên vào năm 1912, trở thành một tàu vận tải than của hải quân có tên gọi Jupiter. Sau Thế chiến I, tàu Jupiter được chuyển đổi thành tàu sân bay đầu tiên của Hải Quân và được đổi tên thành Langley, theo tên nhà tiên phong trong ngành hàng không Samuel Pierpont Langley. Đây cũng là con tàu đầu tiên của Hải Quân chạy bằng điện, có khả năng đạt tốc độ 15 hải lý/giờ. Ngày 17/10/1922, Trung úy Virgil C. Griffin đã lái chiếc máy bay đầu tiên, VE-7-SF, cất cánh từ boong của Langley. Dù trước đó đã từng có máy bay cất cánh từ tàu biển, nhưng đây vẫn là một khoảnh khắc lịch sử. Sau năm 1937, 40% đường băng nằm phía trước của Langley đã bị cắt bỏ, như một phần trong nỗ lực chuyển đổi sang tàu chuyên dụng cho thủy phi cơ, một căn cứ di động cho các phi đội máy bay ném bom tuần tra.

Ngày 08/12/1941, Langley khi đó đang là một thành viên thuộc Hạm đội Asiatic ở Philippines khi quân Nhật bắt đầu tấn công. Con tàu ngay lập tức lên đường đến Úc, và cập cảng ngay ngày đầu năm mới, 1942. Ngày 22/02, dưới quyền chỉ huy của Robert P. McConnell, Langley, chở theo 32 máy bay chiến đấu Warhawk, rời đi tham gia đoàn tàu hỗ trợ quân Đồng minh trong trận chiến chống lại quân Nhật ở Đông Ấn Hà Lan (Indonesia).

Ngày 27/02, Langley chia tay đoàn tàu và đi thẳng đến cảng Tjilatjap, Java. Khoảng 74 dặm về phía nam của Java, con tàu sân bay đã gặp hai tàu khu trục hộ tống thì bất ngờ bị chín máy bay ném bom hai động cơ của Nhật tấn công. Dù Langley đã yêu cầu một máy bay chiến đấu hộ tống từ Java đến yểm trợ, nhưng đã không có chiếc máy bay nào có thể làm nhiệm vụ. Hai chiếc máy bay ném bom đầu tiên của Nhật đều trượt mục tiêu vì chúng bay quá cao, nhưng vận may của Langley đã không còn trong lần ném bom thứ ba.

Tổng cộng con tàu bị trúng bom ba lần, khiến các máy bay trên sàn đáp của nó bốc cháy và bản thân con tàu bắt đầu lật nghiêng. Chỉ huy McConnell đã mất khả năng điều hướng con tàu. Ông nhanh chóng ra lệnh rời bỏ Langley, và các tàu khu trục hộ tống đã có thể đưa thủy thủ đoàn của ông đến nơi an toàn. Trong số 300 thành viên thủy thủ đoàn, chỉ có 16 người thiệt mạng. Sau đó, các tàu khu trục đã đánh chìm Langley trước khi quân Nhật có thể chiếm được nó.