Vì sao Trung Quốc từ nhà Tần đến nhà Thanh không phải xã hội phong kiến?

Tác giả: Hứa Tiểu Niên (Trung Quốc) | Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Có thể coi đây là “oan sai” lớn nhất trong giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Trong suốt hai nghìn năm từ thời Tần Thủy Hoàng đến thời Tuyên Thống Đế nhà Thanh, xã hội Trung Quốc rõ ràng được đặt dưới bộ máy triều đình chuyên chế, nhưng đã bị “ép uổng” trở thành xã hội phong kiến và sự nhầm lẫn tai hại này cho tới nay vẫn đang lan truyền khắp thế giới. Việc sửa chữa sai lầm này đúng lúc và nhận định bản chất của hai nghìn năm này một cách chính xác không chỉ giúp làm rõ nguyên do khiến xã hội Trung Quốc phát triển trì trệ trong một thời gian dài, mà còn đóng góp một lối tư duy hoàn toàn mới cho sự chuyển đổi nghiên cứu từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại.

Vậy “phong kiến” là gì? Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Britannica, thuật ngữ “chế độ phong kiến” (Feudalism) xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 17 và được dùng để miêu tả xã hội Tây Âu thời Trung cổ. Trong nhiều tác phẩm và nghiên cứu khác nhau, nghĩa của từ này không hoàn toàn tương đồng. Nghĩa rộng nhất của nó bao hàm tất cả quan hệ kinh tế, luật pháp, chính trị và xã hội ở Tây Âu trong thời Trung cổ, trong khi nghĩa hẹp nhất được dùng để chỉ mối quan hệ khế ước giữa các lãnh chúa (Lords) và chư hầu (Vassals).

Dù hiểu theo định nghĩa nào, quan hệ khế ước giữa lãnh chúa ​​và chư hầu vẫn là đặc sắc chỉ riêng xã hội phong kiến mới có và là nét điểm xuyết thể hiện bản chất của xã hội phong kiến. Lãnh chúa ban cho chư hầu một phần lãnh thổ hoặc thái ấp, cung cấp sự bảo vệ cho chư hầu; đổi lại, chư hầu thề sẽ trung thành, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ như cống nạp, lao động và quân dịch… với lãnh chúa. Chư hầu được hưởng các quyền cai trị hoặc thống trị tương đối hoàn chỉnh trong phạm vi lãnh thổ của mình, chủ yếu bao gồm quyền tư pháp, tài chính và quân sự. Việc đất đai và quyền cai trị có đi cùng với nhau hay không, và liệu các chư hầu có quyền cai trị hay không là những điểm mấu chốt để phân biệt xã hội phong kiến ​​với các hình thái xã hội khác.

Trong các văn kiện tiếng Trung, thuật ngữ “phong kiến” thường được diễn giải theo cách đơn giản hóa thành “phong thổ kiến quốc” ​​hoặc “phong tước kiến địa”, kiến quốc hay kiến địa thể hiện rất đúng bản chất của xã hội phong kiến – quyền lực chính trị dựa trên chế độ “khoán” theo cấp bậc. Lịch sử Tây Âu về cơ bản có ba cấp gồm vua – chư hầu – hiệp sĩ, Nhật Bản có Mạc phủ – Daimyō – Samurai, trong khi đó thời Tây Chu của Trung Quốc có thiên tử – chư hầu – sĩ phu. Các chư hầu cấp dưới đều có quyền cai trị và về cơ bản đều là vua trên lãnh thổ của mình.

Năm 221 TCN, nhà Tần thống nhất Trung Quốc, theo kiến nghị của thừa tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng cho “bãi bỏ chế độ phong kiến ​​và thiết lập các quận huyện”, thông qua hệ thống quan lại từ trung ương đến địa phương, quan lại địa phương do hoàng đế trực tiếp chỉ định, qua đó thống nhất quốc gia với diện tích bao la rộng lớn. Mặc dù các quận thủ và huyện lệnh có quyền lực rất lớn trong khu vực thuộc phạm vi quyền hạn của họ, nhưng vẫn không thể so sánh với các chư hầu trong quá khứ. Sự khác biệt cơ bản này nằm ở nguồn gốc của quyền lực và bản chất của quyền lực mà nguồn gốc đó quyết định.

Giới quan lại được hoàng đế trao quyền để cai trị, trong khi các chư hầu lại thông qua việc đảm nhận những nghĩa vụ để đối lấy quyền cai trị. Mối quan hệ trước là mối quan hệ mệnh lệnh một chiều từ trên xuống dưới, trong khi mối quan hệ sau là mối quan hệ khế ước hai chiều. Trong xã hội phong kiến, vua nhận được sự trung thành và nghĩa vụ của chư hầu, đồng thời phải tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của chư hầu. Nếu vua vi phạm giao ước và làm tổn hại quyền lợi của chư hầu, chư hầu có thể chống lại bằng nhiều biện pháp khác nhau kể cả quân sự. Trong khi đó, hoàng đế trong chế độ chuyên chế đối đãi với quan lại như nô lệ, “vua bắt quan phải chết, quan không thể không chết”, quan lại không những không có quyền cai trị độc lập, mà thậm chí còn mất đi quyền sống. Tóm lại, quyền lực của quan lại là do hoàng đế trao cho, còn quyền lực của chư hầu đến từ các quyền được đảm bảo bởi giao ước.

Về phần các vương, hầu được phong dưới các triều đại, trừ thời kỳ đầu ở một số triều đại như Tây Hán, Tây Tấn, nhà Minh, họ hầu hết chỉ có tước vị và lương bổng chứ thực chất không có quyền cai trị ở địa phương, có sự khác biệt vô cùng lớn khi so với các chư hầu được hưởng thực quyền. Các sử gia gọi đây là “giả phong” chứ không phải “thực phong”, giả là giả ở chỗ chỉ phong tước chứ không cho kiến quốc. Hán Cao tổ Lưu Bang “thực phong” vương hầu cho chín người cùng họ, kết quả Ngô Vương Lưu Tỵ tạo phản, Hán Cảnh Đế bình định hỗn loạn, sau đó các vương hầu được phong lại trở về với vị trí “giả phong”. Chỉ phong tước mà không cho kiến quốc, vậy sao có thể gọi là xã hội phong kiến?

Xuyên suốt lịch sử hai nghìn năm từ nhà Tần đến nhà Thanh, hình thái chính thể chủ yếu của Trung Quốc là bộ máy triều đình chuyên chế trung ương tập quyền, với chủ thể nền kinh tế là kinh tế tiểu nông theo đơn vị hộ gia đình, về bản chất rất khác so với nền kinh tế thái ấp hay trang viên của xã hội phong kiến Tây Âu. Nông dân canh tác trong trang viên chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu đất đai. Nông dân nhận sự bảo vệ của chủ trang viên và thề trung thành, cung cấp sức lao động và các nghĩa vụ khác đối với chủ trang viên, giống như chư hầu đối với lãnh chúa. Trong khi đó, nông dân tự canh ở Trung Quốc có đất đai và tự do cá nhân, không cần phụ thuộc vào người khác và không có nghĩa vụ nào khác ngoại trừ việc nộp thuế (bao gồm cả lao dịch) cho nhà nước.

Giới học thuật đã sớm có một vài nhận thức chung trong vấn đề Trung Quốc từ nhà Tần đến nhà Thanh không phải xã hội phong kiến, dưới đây là một vài ví dụ, bạn đọc quan tâm có thể tham khảo Khảo luận về phong kiến của giáo sư Phùng Thiên Du (Nhà xuất bản Đại học Vũ Hán, 2005). Chu Cốc Thành chỉ ra, từ khi Chu Vũ Vương hủy diệt nhà Thương đến sự thống nhất của nhà Tần, nền chính trị Trung Quốc là chế độ phong kiến, sau đó trở thành chế độ quận huyện với một bộ máy tập quyền (Cơ cấu xã hội Trung Quốc, 1930). Cù Đồng Tổ trong quá trình nghiên cứu về đất đai, tông pháp, giai cấp và chế độ chính trị của xã hội phong kiến ​​(Xã hội phong kiến ​​Trung Quốc, 1936) tin rằng, Chu Vũ Vương đã thiết lập một chế độ phong kiến ​có hệ thống trên toàn quốc và việc nhà Tần thống nhất thiên hạ đã chấm dứt xã hội phong kiến Trung Quốc. Tiền Mục trong phần dẫn luận của Đại cương lịch sử quốc gia (1939) cho rằng, “Về thể chế chính trị, Trung Quốc đã là nhà nước trung ương tập quyền kể từ thời nhà Tần, các quận và huyện giám sát lẫn nhau và càng không có lãnh chúa cha truyền con nối, nên chưa đủ để cấu thành ‘phong kiến’”. Các vương hầu thời Tây Hán chỉ sống dựa vào tiền thuế của dân, còn việc cai quản thái áp vẫn do nhà nước chỉ định quan lại đảm nhận. Tiền Mục cũng chỉ ra rằng, ruộng đất sau thời Tần có thể được mua bán tự do, địa chủ và nông dân có quan hệ khế ước kinh tế, không giống như xã hội phong kiến ​​mà địa chủ là lãnh chúa và tá điền là nông nô phụ thuộc vào lãnh chúa. Lương Thấu Minh cũng sử dụng sự ràng buộc cá nhân như một đặc điểm của chế độ phong kiến ​​(Khái quát nền văn hóa Trung Quốc, 1949). Theo quan điểm của ông, chế độ phong kiến ​​chỉ tồn tại ở thời nhà Chu, còn sau thời Tần và Hán, Trung Quốc bước vào nền kinh tế địa chủ – nông dân tự canh và nền chính trị quan liêu. Hồ Thích gọi nhà Ân, nhà Thương và Tây Chu là thời đại phong kiến, còn các triều đại từ Tần và Hán trở đi là thời đại của chế độ độc tài chuyên chế (Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc, 1926).

Bên cạnh việc phủ nhận thuyết phong kiến ​​từ nhà Tần đến nhà Thanh, các học giả cũng chỉ ra nguồn gốc của sự nhầm lẫn này. Về mặt phương pháp luận, đó là do sự sao chép lý thuyết về các giai đoạn phát triển của xã hội Tây Âu một cách rập khuôn mà không màng đến tình hình cụ thể của Trung Quốc. Kết luận có được không đến từ nghiên cứu, mà dựa trên mô hình năm giai đoạn gồm xã hội nguyên thủy – xã hội nô lệ – xã hội phong kiến – chủ nghĩa tư bản – chủ nghĩa xã hội, sau đó “cắt gọt” và sửa đổi lịch sử Trung Quốc theo ý muốn để phù hợp với mô hình đã định trước. Tính đặc thù của tình hình quốc gia đã bị vùi lấp trong niềm tin vào các quy luật phổ quát và việc nghiên cứu quá trình tiến hóa xã hội phức tạp biến thành việc áp dụng các công thức đơn giản một cách máy móc.

Chuyên khảo của giáo sư Phùng Thiên Du cho thấy, người khởi xướng thuyết chế độ phong kiến ​​từ Tần đến Thanh là Trần Độc Tú. Trần Độc Tú đã đến Nhật Bản du học nhiều lần trong những năm cuối của thời Minh Trị, vừa hay gặp phải những chỉ trích đối với tàn dư phong kiến của giới tư tưởng nước này và chịu ảnh hưởng sâu sắc, dẫn tới việc so sánh nhà Thanh với Mạc phủ Tokugawa. Khi Minh Trị Duy tân lật đổ Mạc phủ và xóa bỏ chế độ phong kiến, Trần Độc Tú cho rằng muốn hiện đại hóa Trung Quốc thì cũng phải đánh đổ nhà Mãn Thanh nên đã đưa ra khẩu hiệu chống phong kiến. Triều đình nhà Thanh quả thực đã trở thành vật cản cho sự phát triển của Trung Quốc, nhưng đó không phải do chế độ phong kiến ​​mà chính chế độ tập quyền chuyên chế đã chèn ép, bóp nghẹt sức sống xã hội.

Quách Mạt Nhược là một học giả khác ủng hộ thuyết chế độ phong kiến. Ông nhấn mạnh rằng, từ góc độ kinh tế, sự phát triển của xã hội Trung Quốc cũng theo mô hình “năm giai đoạn”, triều Thương và Chu là chế độ nô lệ, sau nhà Tần và Hán chính là chế độ phong kiến ​​(Nghiên cứu xã hội Trung Quốc cổ đại, 1930). Do luôn đưa ra những giả định và lập luận táo bạo nên quan điểm của Quách Mạt Nhược không thực sự vững chắc và không nhất quán từ đầu đến cuối.

Trong bài phát biểu năm 1939, Mao Trạch Đông chính thức đưa ra nhận định về đặc điểm xã hội Trung Quốc, “Chế độ phong kiến ​​này đã kéo dài hơn 3.000 năm kể từ thời Chu và Tần…. Nếu Chu là một quốc gia phong kiến với sự xưng hùng của các chư hầu, vậy thì sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, nhà nước phong kiến ​​trung ương tập quyền chuyên chế được thiết lập…. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội phong kiến ​​là mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ.” Từ đó trở đi, cuộc tranh luận về bản chất của xã hội Trung Quốc diễn ra tương đối trầm lắng và một số học giả đã thay đổi quan điểm trước đó của họ sao cho phù hợp.

Từ nhận thức chung của giới học thuật có thể thấy, nếu chế độ phong kiến ​​dùng để chỉ “phong thổ kiến quốc”, hoặc quyền lực chính trị dựa trên chế độ “khoán” theo cấp bậc, thì xã hội phong kiến ​​nhất định phải là phân quyền chính trị, không thể cùng tồn tại với trung ương tập quyền. Về mâu thuẫn chủ yếu, bất kể tiến bộ xã hội có được thúc đẩy bởi cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp lớn ở mỗi giai đoạn tiến hóa của xã hội loài người hay không, thì lịch sử các xã hội phong kiến ​​trên thế giới cho thấy, mâu thuẫn giữa vua chúa và chư hầu, cũng như giữa các chư hầu với nhau thường đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng sự phát triển của xã hội, trong khi đó vai trò của nông dân trong các biên niên sử thường không mấy đáng kể.

Hãy lấy Vương quốc Anh làm ví dụ. Kể từ khi Cuộc chinh phạt Anh của người Norman (1066) thiết lập chế độ phong kiến một cách toàn diện, xung đột giữa hoàng gia, nhà thờ và tầng lớp quý tộc đã thống trị tiến trình lịch sử. Đại Hiến chương (1215) có một tác động đáng kể đến lịch sử nước Anh, là kết quả của cuộc tranh đấu giữa vua và tầng lớp giới quý tộc, hai bên đã đạt được thỏa hiệp và các quyền và nghĩa vụ của giới quý tộc được xác định dưới hình thức pháp luật. Sự suy tàn và tan rã của chế độ phong kiến ​​Anh là một quá trình lâu dài và dần dần, có liên quan đến việc mở rộng quyền lực của hoàng tộc và luật pháp, sự phát triển kinh tế, biến động dân số, sự nổi dậy của nông dân và các yếu tố khác, chứ sự đấu tranh của nông dân không phải lý do chủ yếu gây nên sự sụp đổ này. Ở Trung Quốc, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, hoàng tộc suy tàn, quần hùng hội tụ. Sự cạnh tranh khốc liệt về quân sự và chính trị buộc nhà Tần phải cải cách, tiên phong xóa bỏ chế độ phong kiến ​​và thiết lập một chế độ trung ương tập quyền gồm các quận huyện, sau đó lan rộng ra toàn quốc qua cuộc chiến tranh thôn tính của Tần Thủy Hoàng. Có thể thấy, sự sụp đổ của chế độ phong kiến ​​không phải do cuộc đấu tranh giữa nông dân và địa chủ gây ra. Tuy nhiên, sau khi nhà Tần thống nhất, sự thay đổi triều đại hầu hết được thực hiện qua các cuộc nổi dậy của nông dân, mâu thuẫn giữa nông dân và giới địa chủ quan liêu lại có thể cấu thành mâu thuẫn chính của xã hội chuyên chế. Điều này chỉ ra rằng, kể từ thời Tần Hán trở đi, xã hội Trung Quốc không phải xã hội phong kiến.

Cần chỉ ra rằng, bản thân Karl Marx không đồng tình với quan điểm cho rằng sự tiến hóa xã hội tuân theo các quy luật phổ quát, đồng thời cũng phản đối sự phổ cập của mô hình Tây Âu. Ông cho rằng các hình thức xã hội tiền tư bản có thể rất đa dạng, chẳng hạn như phương thức sản xuất châu Á, chế độ sở hữu của người Slav và chế độ chuyên quyền phương Đông…, đồng thời chủ nghĩa tư bản không nhất định sinh ra từ xã hội phong kiến ​​(xem Khảo luận về phong kiến, 2005 ​​của Phùng Thiên Du). Marx cũng phê phán việc mở rộng và lạm dụng khái niệm “chế độ phong kiến” một cách tùy tiện, cũng như nhấn mạnh rằng ​​chư hầu, đất được phong và sự ràng buộc cá nhân (như sự gắn bó của chư hầu với lãnh chúa) là đặc điểm của xã hội phong kiến. Ông cũng nói rõ, chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ phong kiến ​​không thể cùng tồn tại. Chế độ quân chủ chuyên chế ra đời khi chế độ phong kiến ​​suy tàn, không củng cố mà tiêu diệt xã hội phong kiến. Việc Tần Thủy Hoàng xóa bỏ chế độ phong kiến ​​và thành lập các quận, huyện là một bằng chứng rõ ràng cho thấy chế độ chuyên chế tập quyền và chế độ phong kiến ​​không thể cùng tồn tại.

Xung quanh nhận định về bản chất xã hội Trung Quốc, trong giới học thuật đã có những cuộc tranh luận về các giai đoạn lịch sử của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận kể từ sau phong trào Ngũ Tứ. Những cuộc tranh luận này mặc dù có số lượng người tham gia lớn nhưng giá trị học thuật lại không cao. Dưới cùng một tiền đề về “năm hình thái” phát triển xã hội, những cuộc tranh luận này tập trung vào xuất phát điểm của xã hội phong kiến, bắt đầu từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, hay Tần, Tây Hán… cho đến Ngụy, Tấn, Nam, Bắc triều, mỗi triều đại đều có phe phái riêng. Dù xuất phát điểm ở đâu, các phe phái đều coi Mãn Thanh là điểm kết thúc của xã hội phong kiến. Đó là bởi vì theo khuôn khổ của “thuyết năm hình thái”, xã hội phong kiến ​​chỉ có thể kết thúc vào thời nhà Thanh. Nếu điểm kết thúc rơi các triều đại khác như nhà Tống hay nhà Nguyên thì nhà Minh và nhà Thanh đều là tư bản chủ nghĩa, vậy thì không cách nào giải thích tròn vành rõ chữ được. Hàng trăm trường phái tư tưởng tranh luận sôi nổi ở điểm bắt đầu, trong khi lại vô cùng nhất quán ở điểm kết thúc. Cuộc tranh luận này có vẻ hơi kỳ lạ phải không? Có thể thấy rõ tác hại của định kiến ​​ở đây.

Về mặt học thuật, “thuyết năm hình thái” có thể được coi là một trong những nỗ lực khám phá các quy luật tiến hóa của nền văn minh Tây Âu. Nó không phải lý thuyết duy nhất, cũng không phải lý thuyết phổ quát đúng với mọi trường hợp. Max Weber – người sáng lập ra nền xã hội học – đã xây dựng một hệ thống khác để chia lịch sử Tây Âu thành ba giai đoạn: xã hội cổ đại, xã hội truyền thống và xã hội hiện đại. Trong khi đó, nhà sử học người Anh Arnold J. Toynbee tin rằng, một mô hình tiến hóa xã hội tuyến tính đơn lẻ sẽ không phù hợp với lịch sử, đồng thời ủng hộ việc hiểu lịch sử từ sự tương tác linh hoạt của nhiều dòng chảy và nhiều mô hình. Trong nghiên cứu “lịch sử vĩ mô”, Marx lấy kinh tế làm đường lối chính, Weber dựa vào quan niệm, trong khi Nghiên cứu lịch sử của Toynbee dựa trên những phác thảo về tôn giáo. Từ các góc độ khác nhau, mỗi người đều có lý lẽ riêng và e rằng với sự phức tạp của nền văn minh nhân loại, chỉ khi xem xét từ nhiều góc độ, chúng ta mới có thể nhìn rõ chân tướng.

Từ Tần đến Thanh không phải xã hội phong kiến, vậy ​​bản chất xã hội Trung Quốc trong hai nghìn năm này là gì? Tuy hiện nay có vô vàn ý kiến ​​khác nhau, nhưng vẫn có một điểm chung là chế độ chuyên chế. Nếu điều này là đúng, vậy thì cần phải thay đổi cách tư duy trong việc nghiên cứu lịch sử cận đại Trung Quốc. Lý do khiến phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không xuất hiện ở Trung Quốc không nằm ở sự ​​bóc lột và áp bức của chế độ phong kiến, mà là do chế độ chuyên chế tập quyền. Các quyền lợi, khế ước và ý thức pháp quyền mà nền kinh tế thị trường cần không thiếu trong xã hội phong kiến, nhưng chúng lại gặp phải sự chèn ép và bị làm tổn hại trong chế độ chuyên chế tập quyền. Sự đoản mệnh của chủ nghĩa tư bản khi mới chớm manh nha dưới thời Thanh không phải do xã hội phong kiến ​​quá dài, mà là do xã hội phong kiến ​​quá ngắn.

Xã hội phong kiến ​​Trung Quốc đã kết thúc sớm vào thời điểm nhà Tần thống nhất, hơn 600 năm sau, người German đã mở đầu cho xã hội phong kiến ​​ở Tây Âu. Vậy nên không quá ngạc nhiên khi Lương Thấu Minh cho rằng, nền văn minh Trung Hoa là một nền văn minh “chín sớm”.

Lê Thị Thanh Loan biên dịch từ nguồn tiếng Trung.