Nguồn: British Colonel Tarleton gives “quarter” in South Carolina, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1780, cách hành xử của Đại tá Anh Banastre Tarleton và toán lính Trung Quân của ông với các tù nhân của phe Ái Quốc đã dẫn đến sự ra đời của một cụm từ lên án sự tàn bạo của người Anh trong suốt phần còn lại của Chiến tranh giành độc lập của Mỹ: Tarleton’s Quarter (nghĩa đen: “Lòng Nhân từ của Tarleton”).
Sau khi Charleston đầu hàng vào ngày 12/05 – và Trung đoàn Virginia Số 3, do Đại tá Abraham Buford chỉ huy, trở thành lực lượng duy nhất của phe Ái Quốc còn sót lại ở South Carolina –Tarleton nhận nhiệm vụ tiêu diệt bất kỳ đợt kháng cự nào của cư dân thuộc địa. Tại Waxhaws, biên giới với North Carolina, một đội kỵ binh do người của Tarleton phụ trách đã đè bẹp 350 lính Ái Quốc còn lại dưới quyền của Buford. Tarleton và các thành viên Trung Quân dưới quyền của ông vẫn lạnh lùng bắn vào những người Ái Quốc ngay cả khi họ đã đầu hàng, một hành động đã dẫn đến sự ra đời của cụm từ “Lòng Nhân từ của Tarleton” – đối với phe Ái Quốc, nó mang nghĩa là cái chết tàn bạo dưới tay của một kẻ thù hèn nhát.
Tổng cộng, Quân đội Lục địa mất 113 người và 203 người khác đã bị bắt làm tù binh trong Trận Waxhaws; trong khi tổn thất của quân Anh là 19 người cùng 31 ngựa bị chết hoặc bị thương. Bất chấp thất bại thảm hại này, mất mát to lớn đã trở thành một chiến thắng tuyên truyền cho quân Lục địa: những thường dân Carolina còn lưỡng lự, nay khiếp sợ trước Tarleton và lính Trung Quân, nên quyết định tập hợp vì chính nghĩa Ái Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Thomas Sumter, lực lượng dân quân Ái Quốc đã nhanh chóng trả thù bằng nhiều đợt đột kích tàn bạo vào phe Trung Quân tại Carolina. Người dân Carolina đã tiếp tục đối đầu nhau trong một cuộc nội chiến đẫm máu, và chính họ đã tự giết người cùng bang còn nhiều hơn so với bất kỳ lực lượng nào được cử đến để hỗ trợ họ.