Nguồn: Colonel Castillo Armas takes power in Guatemala, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1954, Đại tá Carlos Castillo Armas đã được bầu làm Tổng thống Guatemala, sau khi nhóm của ông lật đổ chính quyền của Tổng thống Jacobo Arbenz Guzman hồi cuối tháng 06/1954. Việc Castillo Armas lên nhậm chức là đỉnh cao trong nỗ lực của Mỹ nhằm loại bỏ Arbenz và “cứu” Guatemala khỏi những gì các quan chức Mỹ cho là một nỗ lực của chủ nghĩa cộng sản quốc tế nhằm xây dựng chỗ đứng ở Tây bán cầu.
Năm 1944, cuộc cách mạng tại Guatemala đã loại bỏ một nhà độc tài lâu năm và thành lập chính phủ dân cử đầu tiên trong lịch sử quốc gia. Năm 1950, Guatemala lại chứng kiến một lần đầu tiên khác, khi quyền lực được chuyển giao một cách hòa bình cho tổng thống mới đắc cử, Arbenz. Giới chức Mỹ đã theo dõi các diễn biến ở Guatemala với sự lo lắng và sợ hãi ngày càng tăng cao. Chính phủ Guatemala, đặc biệt là sau khi Arbenz lên nắm quyền vào năm 1950, đã nghiêm túc nỗ lực cải cách ruộng đất và tái phân phối đất cho những người không có đất ở Guatemala. Khi nỗ lực này khiến Công ty United Fruit hùng mạnh thuộc sở hữu của người Mỹ bị mất hàng loạt mẫu đất, các quan chức Mỹ bắt đầu tin rằng chủ nghĩa cộng sản đang hoạt động ở Guatemala.
Từ năm 1953 sang năm 1954, chính phủ Mỹ bắt đầu có ý định loại bỏ Arbenz và Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã được Tổng thống Dwight D. Eisenhower giao nhiệm vụ này. CIA đã thiết lập một chiến dịch ngầm (có mật danh PBSUCCESS). Bắt đầu từ tháng 06/1954, CIA đã giật dây nhiều buổi phát sóng radio tuyên truyền và cho rải truyền đơn khắp đất nước Guatemala, đồng thời bắt đầu các cuộc ném bom nhỏ bằng máy bay không mang cờ hiệu. Tổ chức này cũng đã xây dựng và cấp vũ khí cho một lực lượng nhỏ “những người chiến đấu tự do” – chủ yếu là những người tị nạn và lính đánh thuê Guatemala – đứng đầu là Castillo Armas. Lực lượng này, với quân số chưa bao giờ vượt quá vài trăm người, có rất ít tác động đến các sự kiện tiếp theo.
Đến cuối tháng 6, chính phủ Arbenz, sau khi bị Mỹ cô lập về mặt ngoại giao và kinh tế, đã đi đến kết luận rằng kháng cự chống lại “gã khổng lồ phương bắc” là vô ích, và Arbenz chính thức từ chức vào ngày 27/06. Một thời gian ngắn sau, Castillo Armas và “Quân đội” của mình hành quân vào Thành phố Guatemala và thiết lập một chính quyền độc tài quân sự. Ngày 08/07/1954, Castillo Armas chính thức được bầu làm người đứng đầu chính quyền mới.
Đối với Mỹ, việc Castillo Armas thắng cử là đỉnh cao của một chiến dịch bí mật thành công nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Ngoại trưởng John Foster Dulles tuyên bố rằng Guatemala đã được cứu khỏi “chủ nghĩa đế quốc cộng sản”. Việc lật đổ Arbenz đã viết thêm “một chương mới đầy vẻ vang cho truyền thống vốn đã tuyệt vời của Mỹ”.
Nhiều người Guatemala lại có quan điểm khác. Chế độ mới đã vây bắt hàng ngàn người bị tình nghi là cộng sản và cho hành quyết hàng trăm tù nhân. Các liên đoàn lao động, vốn phát triển mạnh mẽ từ năm 1944, đã bị phá hủy, còn các phần đất của United Fruit đương nhiên được giao lại cho công ty này. Tuy nhiên, Castillo Armas không được yên vị để tận hưởng thành công lâu dài. Ông bị ám sát năm 1957. Nền chính trị Guatemala sau đó suy thoái trong một loạt các cuộc đảo chính và phản đảo chính, đi kèm với đó là sự đàn áp tàn bạo đối với dân chúng.