13/07/2013: Hashtag #BlackLivesMatter lần đầu tiên xuất hiện

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The hashtag #BlackLivesMatter first appears, sparking a movement, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2013, bực tức và đau buồn sau khi nghe tin George Zimmerman, người đàn ông Florida đã giết một thiếu niên da đen vào năm 2012, được tha bổng, Alicia Garza, cư dân Oakland, California, đã đăng một thông điệp trên Facebook. Cụm từ “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da đen cũng quan trọng) trong bài đăng của cô đã sớm trở thành một khẩu hiệp tập hợp, làm dấy lên một phong trào trên khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Garza cho biết mình “đau buồn sâu sắc” sau khi Zimmerman được trắng án. Cô lại càng buồn hơn khi chứng kiến nhiều người đổ lỗi cho nạn nhân, Trayvon Martin, chứ không phải “căn bệnh” phân biệt chủng tộc. Patrice Cullors, một nhà hoạt động vì cộng đồng ở Los Angeles và là bạn của Garza, đã đọc bài đăng của bạn mình và phản hồi với phiên bản đầu tiên của #BlackLivesMatter.

Khi hashtag này ngày càng phổ biến trên Facebook và Twitter, Garza, Cullors và Opal Tometi, một nhà hoạt động xã hội khác, đã xây dựng một mạng lưới các nhà tổ chức cộng đồng và các nhà hoạt động vì công bằng chủng tộc với tên gọi Black Lives Matter. Cụm từ và hashtag sau đó nhanh chóng được các nhà hoạt động cấp cơ sở và các cuộc biểu tình trên khắp đất nước sử dụng, đặc biệt là sau những vụ giết hại Michael Brown, Eric Garner và một số người Mỹ gốc Phi khác dưới bàn tay của các sĩ quan cảnh sát hoặc dân phòng như Zimmerman.

Đơn giản nhưng rõ ràng trong yêu cầu công nhận phẩm giá của người da đen, cụm từ Black Lives Matter đã trở thành một trong những biểu tượng chính của các cuộc biểu tình nổ ra sau khi Brown bị giết ở Ferguson, Missouri vào năm 2014. Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ không tán thành BLM khi nó lần đầu tiên xuất hiện, nhưng trong giai đoạn tiếp theo, sự ủng hộ dành cho các lập luận trọng tâm của phong trào đã ngày càng tăng cao.

Khi cái chết của George Floyd vào tháng 05/2020 tại Minneapolis mở ra một phong trào biểu tình trên toàn nước Mỹ nhằm chống lại sự tàn bạo và phân biệt chủng tộc của cảnh sát, sự ủng hộ dành cho BLM đã tăng đến 28 điểm chỉ trong hai tuần – mức tăng tương đương với tổng hai năm trước đó, theo tờ New York Times.

Được cho là có tầm ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ cụm từ nào khác kể từ thời “Black Power” (Quyền lực đen), “Black Lives Matter” đã trở thành một lời kêu gọi tập hợp chung cho các phong trào công bằng chủng tộc ở Mỹ và trên toàn thế giới.