Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng & Phan Văn Tìm
Khu vực xung quanh eo biển Đài Loan đang là điểm nóng an ninh tại châu Á do cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt và Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự. Trong bài phát biểu đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/7/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thống nhất Đài Loan là sứ mệnh lịch sử và Trung Quốc sẽ hành động kiên quyết để đánh bại bất kỳ nỗ lực nào nhằm khiến Đài Loan trở nên độc lập.
Nhân tố Đài Loan
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2021 (sau đây gọi là Sách trắng) phát hành vào ngày 13/7 đã thể hiện lập trường của quốc gia này về an ninh khu vực. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong lịch sử công bố sách trắng quốc phòng, Nhật Bản công khai đề cập về tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trong Sách trắng, Nhật Bản nêu rõ việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, như thường xuyên điều máy bay quân sự xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía tây nam của Đài Loan. Từ tháng 9/2020, khi Cơ quan phòng vệ Đài Loan bắt đầu công khai các hoạt động của không quân Trung Quốc tại ADIZ, Trung Quốc đã gia tăng xâm nhập vào khu vực với cường độ cao và số lượng máy bay điều động cũng lớn hơn. Tính riêng trong năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện 380 vụ xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan, mức cao nhất kể từ giữa năm 1990. Vào tháng 6/2021, Trung Quốc cũng đã điều động số lượng máy bay chiến đấu kỷ lục với 28 chiếc tiến vào khu vực này, đặt ra thách thức rất lớn cho Đài Loan trong bối cảnh Đài Loan đang đối mặt với làn sóng COVID-19 mới.
Từ đó, Sách trắng nhấn mạnh: “Ổn định tình hình xung quanh Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế”, và Nhật Bản cần “chú ý sát sao tình hình” với quan ngại về khả năng khủng hoảng khu vực. Điều này truyền đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng Nhật Bản luôn theo dõi sát sao an ninh khu vực Đài Loan và sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình.
Đồng thời, Sách trắng cho biết cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng, và chênh lệch quá lớn về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan làm tăng nguy cơ về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan, qua đó đe doạ hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt, phía Nhật Bản trích dẫn lời cảnh báo của Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ Philip Davidson rằng tham vọng của Trung Quốc đối với Đài Loan sẽ được thể hiện rõ trong 6 năm tới. Những nội dung này phản ánh quan ngại của Tokyo đối với môi trường an ninh khu vực, nhất là áp lực quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.
Trung Quốc nhanh chóng phản ứng, khẳng định Nhật Bản đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định vấn đề Đài Loan hoàn toàn là công việc nội bộ của nước này, và Trung Quốc “không cho phép bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào vấn đề Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào”. Một số quan chức Trung Quốc cũng cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Nhật Bản nếu quốc gia này can thiệp vào “kế hoạch thống nhất” của Bắc Kinh. Trung Quốc dường như đang trở nên “nhạy cảm” hơn trong ứng xử với các chuyển biến an ninh xung quanh eo biển Đài Loan.
Tuy vậy, với việc lần đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan, Nhật Bản đã thể hiện nhận thức mới đối với an ninh quốc gia và khu vực. Các quan chức cấp cao Nhật Bản gần đây đã thể hiện những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan, tiêu biểu là lời kêu gọi “thức tỉnh” trước sức ép của Bắc Kinh đối với Đài Loan và bảo vệ hòn đảo “như một quốc gia dân chủ” của Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama.
Động thái của Nhật Bản liên quan đến an ninh eo biển Đài Loan và quan ngại về an ninh khu vực có thể được lý giải bởi các yếu tố sau:
Đầu tiên, mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định khu vực và sự chia sẻ giữa Nhật Bản và Đài Loan liên quan đến an ninh khu vực cùng các giá trị tự do, dân chủ đã thôi thúc Nhật Bản đề cập Đài Loan trong Sách trắng. Tokyo đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng (status quo) tại các vùng lãnh thổ và vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Trong năm 2021, tính đến ngày 12/7, các tàu Trung Quốc đã hiện diện liên tiếp 150 ngày ở gần vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, chuỗi ngày liên tiếp dài nhất mà Nhật Bản gọi là “một tình huống cực kỳ nghiêm trọng”. Vào năm 2020, tàu Trung Quốc cũng xuất hiện tại vùng biển này, tổng cộng là 333 ngày.
Thứ hai, đề cập đến Đài Loan có thể xem như động thái nhằm răn đe Trung Quốc. Trước thách thức từ Trung Quốc, Nhật Bản đã có những động thái ngoại giao cứng rắn hơn nhằm tích cực gia tăng vai trò và đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực. Việc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan cho thấy Nhật Bản có khả năng thúc đẩy các cam kết đối với an ninh khu vực. Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho hay Tokyo xem việc Trung Quốc tấn công Đài Loan là mối đe dọa đối với an ninh Nhật Bản, do đó Nhật Bản cùng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Dù phát ngôn của ông Aso mang tính cá nhân, đã vấp phải những phản ứng trái chiều trong và ngoài chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide, nhưng phần nào thể hiện lập trường của Nhật Bản trong trường hợp có xung đột ở eo biển Đài Loan.
Thứ ba, lập trường ủng hộ Đài Loan của Mỹ được tiếp nối (từ thời Tổng thống Donald Trump) và ngày càng thể hiện cụ thể dưới thời Tổng thống Joe Biden đã củng cố quan điểm về Đài Loan của Nhật Bản. Những chính sách châu Á của Mỹ, đồng minh truyền thống quan trọng nhất của Nhật Bản, thường nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Tokyo. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, chính quyền Biden đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ an ninh của Đài Loan và kêu gọi các đồng minh hợp tác nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 4/2021 đã tái khẳng định việc duy trì khả năng chống lại bất kỳ hành động nào có thể đe dọa an ninh của Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường áp lực quân sự.
Trong các cuộc họp gần đây, các quan chức cấp cao Nhật Bản và Mỹ đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, như Đối thoại Nhật-Mỹ 2 + 2 giữa Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi với người đồng cấp là Antony Blinken và Lloyd Austin vào tháng 3, tuyên bố chung Mỹ – Nhật giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden vào tháng 4. Nhật Bản và Mỹ đang hội tụ về tầm nhìn chiến lược, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về an ninh eo biển và quan ngại các hành động gây sức ép lên Đài Loan của Trung Quốc. Hơn hết, các tuyên bố giữa Mỹ và Nhật Bản đã khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai cường quốc.
Cuối cùng, ảnh hưởng bởi nhóm ủng hộ Đài Loan trong đảng cầm quyền Dân chủ Tự do tại Nhật Bản cũng tác động lớn đến chính sách của Nhật Bản. Nổi bật trong đó là Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi – em trai của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Kishi là một người có lập trường ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. Vào năm 2020, trên cương vị là một thành viên Quốc hội Nhật Bản, ông Kishi đã đến Đài Loan chúc mừng chiến thắng của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và hy vọng Đài Loan có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Triển vọng hợp tác an ninh Nhật-Đài
Nhấn mạnh đến an ninh xung quanh Đài Loan trong Sách trắng Quốc phòng phản ánh mức độ nhất định trong cam kết của Tokyo dành cho Đài Bắc cũng như triển vọng về khả năng hợp tác an ninh với Đài Loan và/hoặc Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định eo biển Đài Loan cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thông qua nhấn mạnh an ninh Đài Loan có liên hệ trực tiếp tới an ninh Nhật Bản trong bối cảnh cán cân quân sự đang bất lợi cho Đài Loan, chính quyền Suga có khả năng sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Đài Loan, hoặc mở rộng và thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin ba bên Mỹ – Nhật – Đài, nhằm giúp Đài Loan có những bước chuẩn bị tốt hơn và lường trước được các động thái của Trung Quốc tại eo biển.
Nhật Bản và Đài Loan chia sẻ nhận thức chung về việc hợp tác và tiến hành các biện pháp cần thiết để đối phó với các áp lực từ phía Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng khoảng cách từ tỉnh Okinawa – nơi hiện diện căn cứ quân sự của Mỹ đến Đài Loan là quá gần, chỉ cách 450 dặm. Do đó, khủng hoảng hay xung đột quân sự tại eo biển Đài Loan sẽ đe dọa an ninh Nhật Bản. Chính vì thế, một mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Đài Bắc đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh của Tokyo.
Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục hợp tác cùng Mỹ nhằm chuẩn bị cho những tình huống bất ổn tại khu vực. Vào tháng 3, Bộ trưởng Kishi đã nhấn mạnh việc nghiên cứu cách thức Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể hợp tác với lực lượng quân sự Mỹ để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Một nguồn tin vào đầu tháng 7 cho hay, Nhật Bản và Mỹ đã bí mật tiến hành các cuộc tập trận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để chuẩn bị khả năng đối đầu quân sự với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột tại eo biển. Trong tương lai, Nhật Bản sẽ phải chú ý nhiều hơn đến các động thái của Mỹ đối với Đài Loan, nhất là những bước đi ngoại giao mới giữa Mỹ và Đài Loan, cũng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, để có thể đánh giá tốt hơn mức độ cam kết của Mỹ đối với an ninh Đài Loan và khu vực.
Như vậy, Nhật Bản có khả năng tiếp tục tăng cường khả năng hỗ trợ cho Đài Loan trước áp lực quân sự của Trung Quốc. Điều này không loại trừ Nhật Bản sẽ có những hành động cụ thể nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực như gắn kết quan hệ với Mỹ và tích cực hợp tác về an ninh với các quốc gia cùng chí hướng (like-minded countries), đặc biệt là nhóm “Bộ tứ” (Quad).