07/05/1915: Tàu ngầm Đức đánh chìm tàu Lusitania

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: German submarine sinks Lusitania, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sau nhiều cuộc tấn công của tàu ngầm Đức nhắm vào các tàu buôn ngoài khơi bờ biển phía nam Ireland, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh cảnh báo tàu Lusitania nên tránh xa khu vực này hoặc có hành động đánh lừa đơn giản, như dùng hải trình ngoằn ngoèo để gây nhầm lẫn cho các tàu ngầm U-boat đang ngấm ngầm xác định đường đi của con tàu. Dù vậy, Thuyền trưởng của Lusitania vẫn bỏ ngoài tai những khuyến nghị đó, và lúc 2:12 chiều ngày 07/05/1915, tại Biển Celtic, con tàu nặng 32.000 tấn đã bị trúng bom ngư lôi vào bên mạn phải. Theo sau vụ nổ ngư lôi là một vụ nổ khác còn lớn hơn, có thể là do nồi hơi của tàu. Lusitania đã chìm trong vòng 20 phút.

Đức biện minh cho hành động tấn công bằng tuyên bố rằng Lusitania là tàu địch và nó đang mang theo đạn dược (mà quả thực là vậy). Tuy nhiên, đây vẫn chủ yếu là một chiếc tàu chở khách và trong số 1.200 người bị chết đuối trong vụ nổ có rất nhiều phụ nữ và trẻ em, trong đó có 128 người Mỹ. Đại tá Edward House, cộng sự thân cận của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, đang có mặt tại London trong một chuyến thăm ngoại giao khi biết tin về vụ chìm tàu Lusitania. “Nước Mỹ đã đi đến đoạn đường quyết định,” ông viết trong một bức điện gửi Wilson, “khi chúng ta phải xác định liệu mình sẽ ủng hộ chiến tranh văn minh hay thiếu văn minh. Chúng ta không thể tiếp tục là khán giả trung lập nữa.”

Đối mặt với quy mô và sức mạnh áp đảo của Hải quân Hoàng gia Anh khi bắt đầu Thế chiến I, Đức nhận ra vũ khí hiệu quả nhất trên biển là tàu ngầm U-Boat vốn có độ chính xác chết người . Do đó, vào tháng 02/1915, Hải quân Đức đã áp dụng chính sách chiến tranh tàu ngầm không giới hạn, tuyên bố khu vực xung quanh Quần đảo Anh là khu vực chiến tranh, trong đó tất cả các tàu buôn, kể cả tàu từ các nước trung lập, sẽ bị tấn công.

Mặc dù Mỹ đã chính thức tuyên bố trung lập ở thời điểm đó, Anh vẫn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của họ, và căng thẳng ngay lập tức nảy sinh đối với chính sách mới của Đức. Đầu tháng 05/1915, một số tờ báo ở New York đã đăng tải một cảnh báo của Đại sứ quán Đức tại Washington rằng người Mỹ đi trên các tàu của Anh hoặc của phe Hiệp Ước trong các khu vực chiến tranh phải tự chịu rủi ro. Trên cùng một trang báo là quảng cáo về chuyến đi sắp tới của tàu du lịch Anh Lusitania từ New York trở về Liverpool.

Wilson sau đó đã gửi một bức điện với lời lẽ mạnh mẽ tới chính phủ Đức – thông điệp đầu tiên trong số ba thông điệp tương tự nhau – yêu cầu ngừng chiến tranh tàu ngầm chống lại các tàu buôn không vũ trang. Hành động này khiến Ngoại trưởng của ông, William Jennings Bryan, một người theo chủ nghĩa hòa bình, nộp đơn từ chức. Dù vậy, Ngoại trưởng kế nhiệm, Robert Lansing, lại có một cái nhìn hoàn toàn khác: vụ chìm tàu Lusitania đã thuyết phục ông rằng nước Mỹ không thể duy trì tính trung lập mãi mãi, và cuối cùng sẽ buộc phải tham gia cuộc chiến chống lại Đức.

Về phía Đức, nỗi sợ phải đối đầu với Wilson và chính phủ của ông đã khiến Hoàng đế Wilhelm và Thủ tướng Theobald von Bethmann Hollweg đưa ra lời xin lỗi tới Mỹ, và cho thực thi một chính sách hạn chế chiến tranh tàu ngầm. Tuy nhiên, đến đầu năm 1917, dưới áp lực của các nhà lãnh đạo quân sự, những người xem chính sách hải quân hiếu chiến là một thành phần không thể thiếu trong chiến lược của Đức trong Thế chiến I, chính phủ nước này đã đảo ngược chính sách của mình và vào ngày 01/02/1917, Đức đã tái khởi động chiến tranh tàu ngầm U-boat. Hai ngày sau, Wilson tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao Mỹ – Đức; cùng ngày hôm đó, tàu Housatonic của Mỹ bị một chiếc U-boat đánh chìm. Mỹ chính thức tham gia Thế chiến I vào ngày 06/04/1917.