23/09/1846: Phát hiện Hải Vương Tinh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Planet Neptune is discovered, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1846, từ Đài quan sát Berlin, nhà thiên văn học người Đức Johann Gottfried Galle đã phát hiện ra Hải Vương Tinh (Neptune).

Sự tồn tại của Hải Vương Tinh, hành tinh thứ tám tính từ Mặt Trời, được giả định bởi nhà thiên văn học người Pháp Urbain-Jean-Joseph Le Verrier, người đã tính toán vị trí gần đúng của hành tinh này bằng cách nghiên cứu những nhiễu loạn do trọng lực gây ra trong chuyển động của Thiên Vương Tinh.

Ngày 23/09/1846, Le Verrier thông báo cho Galle về những phát hiện của mình, và ngay trong đêm đó, Galle cùng trợ lý Heinrich Louis d’Arrest, tại đài quan sát của họ ở Berlin, đã xác định được vị trí của Hải Vương Tinh. Ghi nhận chuyển động tương đối của Hải Vương Tinh so với hằng tinh (background stars) trong 24 giờ đã xác nhận rằng nó là một hành tinh.

Khối khí khổng lồ màu xanh lam, có đường kính gấp 4 lần Trái Đất, được đặt theo tên vị thần biển Neptune của người La Mã. Hiện người ta đã phát hiện được 8 mặt trăng của nó, trong đó Triton là mặt trăng lớn nhất, và một hệ thống vành đai hành tinh chứa ba vành sáng và hai vành mờ. Nó hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời sau mỗi 165 năm. Năm 1989, tàu vũ trụ liên hành tinh Voyager 2 của Mỹ là tàu vũ trụ đầu tiên của con người bay đến gần Hải Vương Tinh.