23/12/1986: Máy bay Voyager hoàn thành chuyến bay vòng quanh Trái Đất

Nguồn: Voyager completes global flight, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1986, sau chín ngày bốn phút bay trên bầu trời, chiếc máy bay thử nghiệm Voyager đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Edwards ở California, hoàn thành chuyến bay không dừng vòng quanh Trái Đất đầu tiên, chỉ với một lần nạp nhiên liệu. Cầm lái bởi hai phi công người Mỹ Dick Rutan và Jeana Yeager, Voyager được chế tạo chủ yếu từ nhựa và giấy cứng, mang theo lượng nhiên liệu gấp ba lần trọng lượng của nó khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Edwards vào ngày 14/12. Khi quay trở lại sau hành trình 25.012 dặm vòng quanh Trái Đất, nó chỉ còn lại năm gallon xăng trong bình chứa.

Voyager do Burt Rutan của Công ty Máy bay Rutan tạo ra, hoàn toàn không được chính phủ hỗ trợ, và tài trợ từ công ty cũng ở mức tối thiểu. Dick Rutan, anh trai của Burt đồng thời là một phi công từng nhận huân chương trong Chiến tranh Việt Nam, đã tham gia dự án từ rất sớm, bên cạnh Jeanna Yeager, bạn của Dick (Jeanna không có quan hệ gì với phi công Chuck Yeager). Phần thân cực kỳ nhẹ nhưng vững chắc của Voyager được làm từ nhiều lớp băng sợi carbon và giấy tẩm nhựa epoxy. Chiều dài sải cánh máy bay là 33,8m và cánh ổn định ngang được đặt ở phần đầu chứ không phải đuôi máy bay – đây là một điểm đặc biệt trong nhiều thiết kế máy bay của Rutan. Về cơ bản Voyager là một thùng nhiên liệu bay, mọi chỗ trống có thể đều được sử dụng để chứa nhiên liệu và nhiều loại công nghệ máy bay tiên tiến đã bị bỏ qua nhằm giảm trọng lượng.

Khi Voyager cất cánh từ Căn cứ Không quân Edwards lúc 8:02 sáng theo giờ PST (Giờ chuẩn Thái Bình Dương) ngày 14/12, các cánh của nó chứa nhiều nhiên liệu đến mức đầu cánh đã cọ sát xuống mặt đất và gây hư hỏng nhẹ. Tuy nhiên, máy bay đã cất cánh thành công và hướng về phía tây. Sang ngày thứ hai, Voyager bay vào vùng nhiễu loạn nghiêm trọng do hai cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương gây ra. Dick Rutan từng lo ngại về việc máy bay bay ở góc hơn 15 độ, nhưng ông sớm nhận ra Voyager có thể bay nghiêng 90 độ – một khả năng được quan sát thấy khi gió hất máy bay qua lại.

Rutan và Yeager lần lượt điều khiển Voyager nhưng Rutan, phi công giàu kinh nghiệm hơn, đã cầm lái trong phần lớn thời gian vì máy bay gặp phải nhiều điểm nhiễu loạn rải rác dọc theo hành trình. Ngoài ra, do dạ dày yếu, cả hai chỉ ăn một phần nhỏ lượng thức ăn mang theo, và mỗi người đã sụt khoảng 4,5kg.

Ngày 23/12, khi Voyager bay về phía bắc dọc theo bờ biển Baja California và cách đích đến của mình chỉ 450 dặm, động cơ mà máy bay đang sử dụng đã ngừng hoạt động và nó đã lao từ độ cao 8.500 feet xuống 5.000 feet trước khi động cơ thay thế được khởi động.

Gần chín ngày tính kể từ sau khi cất cánh, Voyager xuất hiện trên bầu trời của Căn cứ Không quân Edwards, chiếc máy bay đã lượn vài vòng khi Yeager điều khiển tay quay để chuẩn bị hạ cánh. Sau đó, trước sự cổ vũ của 23.000 khán giả, chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn dù chỉ còn vài gallon xăng, hoàn thành chuyến bay vòng quanh Trái Đất không ngừng đầu tiên bởi một chiếc máy bay không sử dụng tiếp liệu trên không.

Voyager hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia ở Washington, D.C.