04/01/1913: Chiến lược gia người Đức Alfred von Schlieffen qua đời

Nguồn: German military strategist Alfred von Schlieffen dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1913, Thống chế Alfred Graf von Schlieffen– người thiết kế chiến lược quân sự hiếu chiến mà quân Đức sẽ sớm sử dụng với một ít chỉnh sửa vào buổi đầu Thế chiến I – đã qua đời tại Berlin.

Là con trai của một vị tướng người Phổ, Schlieffen nhập ngũ năm 1854 và đã tham gia cả Chiến tranh Bảy tuần với Áo năm 1866 lẫn Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870-1871. Trong những thập niên tiếp theo, ông nhanh chóng thăng tiến và trở thành thành viên của Bộ Tổng tham mưu (Großer Generalstab), một đội ngũ ưu tú gồm khoảng 650 sĩ quan đóng vai trò tham mưu chiến lược cho quân đội Phổ. Ông trở thành người đứng đầu cơ quan này vào năm 1891.

Trong giai đoạn kể từ khi Chiến tranh Pháp-Phổ kết thúc đến khi Đức ký thỏa thuận liên minh với Áo-Hung vào năm 1879, những người tiền nhiệm của Schlieffen, Alfred von Waldersee và Helmuth von Moltke (hay còn gọi là Moltke già, vì cháu trai của ông, người cũng tên là Helmuth, sẽ lên làm Tham mưu trưởng trong Thế chiến I), đã bắt tay vào phát triển một chiến lược quân sự tiềm năng nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hai mặt trận chống lại Pháp và Nga trong tương lai. Khi Schlieffen lên tiếp quản, ông đã tiếp tục những nỗ lực này vì cho rằng xác suất xảy ra một cuộc chiến như vậy đang ngày càng cao, và quả thật ông đã đúng. Pháp và Nga – bộ đôi tưởng chừng khó có thể hòa hợp vì một bên là nền dân chủ tiến bộ và bên kia là chế độ quân chủ chuyên chế – đã thực sự liên kết với nhau thành một liên minh vào năm 1894, chủ yếu là để đối phó với mối đe dọa từ Đức.

Schlieffen tin rằng nước đi tốt nhất cho Đức là giao chiến với Pháp trước: tiến công qua Bỉ và Hà Lan, bao vây miền Tây nước Pháp, sau cùng là chiếm Paris, chấm dứt hoàn toàn vị thế cường quốc của Pháp. Cùng lúc đó, một đội quân Đức nhỏ hơn sẽ cầm chân Nga ở phía đông; Schlieffen tin rằng Nga sẽ không thể huy động lực lượng của mình đủ nhanh để tạo ra một thách thức ghê gớm. Chiến lược này – được soạn thảo trong một bản ghi nhớ không chính thức mà Schlieffen viết vào cuối năm 1905, gần cuối nhiệm kỳ Tham mưu trưởng của mình – sau này đươc biết đến với tên gọi “Kế hoạch Schlieffen.”

Chưa đầy hai năm sau cái chết của Schlieffen, quân đội Đức, dưới quyền vị chỉ huy kế nhiệm, Helmuth von Moltke (Moltke trẻ), đã xâm lược Bỉ trên đường tới Pháp – theo đó vi phạm tính trung lập của Bỉ và biến một xung đột nhỏ thành chiến tranh trên toàn châu Âu, và sau cùng là toàn thế giới.

Thất bại của Kế hoạch Schlieffen trong việc đạt được mục tiêu của Đức một cách nhanh chóng và dứt khoát trong nửa sau năm 1914 được tin là do những thiếu sót vốn có trong chính kế hoạch cùng với việc triển khai nó một cách sai lầm dưới thời Moltke, người đã sửa đổi đáng kể bản đề xuất của Schlieffen, quyết định không xâm lược Hà Lan và cũng không chịu giảm đáng kể quân đội của mình ở Mặt trận phía Đông để có thể giành chiến thắng nhanh chóng ở phía Tây. Trên thực tế, sự kết hợp giữa lịch trình chiến đấu liên tục, sức kháng cự mạnh hơn dự kiến từ phía Pháp, việc huy động lực lượng nhanh chóng và hiệu quả của Nga cùng những khó khăn trong việc điều phối và tiếp tế cho quân Đức, cũng như trong việc duy trì liên lạc hiệu quả trên quy mô lớn ở Mặt trận phía Tây, đã khiến cho chiến lược mà Schlieffen hình dung và Moltke hiện thực hóa cuối cùng phải thất bại, mở đường cho một cuộc xung đột kéo dài và gay gắt hơn nhiều.