30/01/1948: Mohandas Gandhi bị ám sát

Nguồn: Gandhi assassinated, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, Mohandas Karamchand Gandhi, nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của phong trào độc lập Ấn Độ, đã bị một người theo Ấn giáo cực đoan ám sát ở New Delhi.

Sinh ra là con trai của một quan chức Ấn Độ vào năm 1869, Gandhi có một người mẹ là tín đồ sùng đạo của phái Vishnu, và bà đã sớm cho con mình tiếp xúc với đạo Jain, một tôn giáo hà khắc của Ấn Độ chủ trương bất bạo động. Dù không phải là một sinh viên xuất sắc nhưng vào năm 1888, Gandhi đã được trao cơ hội để theo học luật ở Anh. Năm 1891, ông trở lại Ấn Độ, nhưng không tìm được vị trí công việc ổn định nên cuối cùng đã chấp nhận làm nhân viên hợp đồng một năm ở Nam Phi vào năm 1893.

Sau khi đến định cư ở Natal, Gandhi đã phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc cùng với những luật pháp Nam Phi hạn chế quyền của người lao động Ấn Độ. Sau này, ông đã hồi tưởng về lần mình bị lôi từ khoang hạng nhất rồi bị ném thẳng ra khỏi đoàn tàu – xem đó chính là khoảnh khắc giác ngộ của bản thân. Từ đó, Gandhi quyết định đấu tranh với sự bất công và bảo vệ quyền lợi của mình trên cương vị một người Ấn Độ và một con người. Khi hết hạn hợp đồng, ông quyết định tiếp tục ở lại Nam Phi và phát động một chiến dịch chống lại đạo luật tước quyền bầu cử của người Ấn Độ. Ông thành lập Đại hội Người Ấn tại Natal (Natal Indian Congress) và đã thu hút được sự chú ý của quốc tế đối với hoàn cảnh của người Ấn ở Nam Phi. Năm 1906, chính phủ Transvaal tìm cách hạn chế hơn nữa quyền của người Ấn Độ, và Gandhi đã tổ chức chiến dịch satyagraha (bất tuân dân sự hàng loạt) đầu tiên của mình. Sau bảy năm kiên trì phản đối, cuối cùng ông cũng đã thương lượng một thỏa thuận thỏa hiệp với chính phủ Nam Phi.

Năm 1914, Gandhi trở về Ấn Độ và sống cuộc đời khiết tịnh và tập trung hơn vào khía cạnh tâm linh, tạm thời xa lánh chính trị Ấn Độ. Ông ủng hộ Anh trong Thế chiến I nhưng vào năm 1919, ông đã quyết định thực hiện một đợt satyagraha mới, nhằm phản đối việc Anh buộc người Ấn Độ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hàng trăm nghìn người đã đáp lại lời kêu gọi phản đối của ông, và đến năm 1920, Gandhi trở thành nhà lãnh đạo của phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ. Ông đã tái cấu trúc Đảng Quốc Đại (Indian National Congress) thành một lực lượng chính trị và phát động một cuộc tẩy chay lớn đối với hàng hóa, dịch vụ và thể chế của Anh ở Ấn Độ. Đến năm 1922, Gandhi đột ngột cho dừng satyagraha khi bạo lực bùng phát. Một tháng sau, ông bị chính quyền Anh bắt vì tội kêu gọi bạo loạn, sau đó bị tuyên án và tống giam.

Sau khi được trả tự do vào năm 1924, ông đã dẫn đầu một cuộc biểu tình kéo dài để phản đối bạo lực giữa Hồi giáo và Ấn giáo. Năm 1928, ông trở lại chính trường quốc gia khi yêu cầu cho Ấn Độ được hưởng quy chế tự trị (dominion status), và vào năm 1930, ông phát động một cuộc biểu tình lớn chống lại thuế muối của Anh vốn đã gây tổn hại cho người nghèo của Ấn Độ. Trong chiến dịch bất tuân dân sự nổi tiếng nhất của mình, Gandhi và những người ủng hộ ông đã tuần hành đến Biển Ả Rập, nơi họ tự làm muối bằng cách làm bay hơi nước biển. Cuộc tuần hành – khiến Gandhi và 60.000 người khác bị bắt giữ – đã giúp giành được sự tôn trọng và ủng hộ của quốc tế đối với bản thân nhà lãnh đạo và phong trào của ông.

Năm 1931, Gandhi được thả tự do để tham dự Hội nghị Bàn tròn về Ấn Độ tại London với tư cách là đại diện duy nhất của Đảng Quốc Đại. Cuộc họp là một thất vọng lớn, và sau khi trở về Ấn Độ, ông lại bị bắt giam. Khi ở trong tù, Gandhi dẫn đầu một cuộc tuyệt thực để phản đối cách chính phủ Anh đối xử với “những người không nên chạm vào” (the untouchables) – những người Ấn nghèo khổ thuộc những tầng lớp thấp nhất của chế độ đẳng cấp. Năm 1934, Gandhi rời Đảng Quốc Đại để hoạt động vì sự phát triển kinh tế của nhiều người nghèo ở Ấn Độ. Người được ông bảo trợ, Jawaharlal Nehru, đã trở thành người kế nhiệm ông tại Đảng.

Khi Thế chiến II bùng nổ, Gandhi trở lại chính trường và đề xuất rằng Ấn Độ sẽ hợp tác với nỗ lực chiến tranh của Anh nhằm đổi lấy độc lập. Người Anh từ chối và tìm cách chia rẽ Ấn Độ bằng cách ủng hộ các nhóm Ấn giáo và Hồi giáo bảo thủ. Đáp lại, Gandhi đã phát động phong trào “Rời khỏi Ấn Độ” (Quit India) vào năm 1942, kêu gọi người Anh rút quân hoàn toàn. Gandhi và các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác đã bị bắt giam cho đến năm 1944.

Năm 1945, một chính phủ mới lên nắm quyền ở Anh và các cuộc đàm phán giành độc lập của Ấn Độ bắt đầu. Gandhi tìm kiếm một Ấn Độ thống nhất, nhưng Liên đoàn Hồi giáo, tổ chức đã giành được nhiều ảnh hưởng trong chiến tranh, lại không đồng ý. Sau nhiều đợt đàm phán kéo dài, Anh đã đồng ý thành lập hai quốc gia độc lập mới là Ấn Độ và Pakistan vào ngày 15/08/1947. Gandhi rất đau khổ trước sự phân chia này và bạo lực đẫm máu nhanh chóng nổ ra giữa những người theo Ấn giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ.

Trong nỗ lực chấm dứt xung đột tôn giáo ở Ấn Độ, Gandhi bắt đầu tuyệt thực và đến thăm các khu vực bất ổn. Chính trong lần ông đến thăm viếng canh thức tại New Delhi, Nathuram Godse, một tín đồ Ấn giáo cực đoan phản đối sự khoan dung của Gandhi đối với người Hồi giáo, đã bắn chết ông. Được biết đến với cái tên Mahatma, hay “linh hồn vĩ đại”, trong suốt cuộc đời của mình, các phương pháp thuyết phục về sự bất tuân dân sự của Gandhi đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà lãnh đạo của các phong trào dân quyền trên khắp thế giới, đặc biệt là Martin Luther King, Jr. ở Mỹ.