Thế giới hôm nay: 21/02/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Belarus cho biết 30.000 lính Nga sẽ ở lại nước này sau các cuộc tập trận chung vừa kết thúc hôm Chủ nhật, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược Ukraine. Trước đó Nga đã hứa sẽ thu quân trở về. Trong khi đó tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về sự cần thiết của một giải pháp ngoại giao.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã cáo buộc Trung Quốc “có hành động đe dọa” sau khi một tàu chiến Trung Quốc chiếu tia laser vào máy bay quân sự của Australia. Lúc này máy bay đang bay trong vùng đặc quyền kinh tế của Australia. Hiện hai nước ngày càng leo thang căng thẳng sau khi Australia thành lập liên minh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương với Mỹ và Anh, mang tên AUKUS.

Iran cho biết sẽ trao đổi tù nhân và đàm phán trực tiếp với Mỹ nếu Mỹ chấp nhận giải phóng các tài sản Iran đang bị phong tỏa ở nước ngoài. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố hai nước “chưa bao giờ tiến gần đến vậy” tới việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân vốn đổ vỡ từ 2018. Trong khi đó thủ tướng Đức Olaf Scholz nói đàm phán có nguy cơ thất bại nếu không sớm đạt được thỏa thuận.

Truyền thông nhà nước Ethiopia cho biết nước này sẽ bắt đầu phát điện tại con đập gây tranh cãi trên sông Nile Xanh từ Chủ nhật. Sau khi khởi công vào năm 2011, dự án thủy điện lớn nhất châu Phi này trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực. Đàm phán giữa Ethiopia và các nước láng giềng Ai Cập và Sudan – hai nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Nile – đang rơi vào đình trệ. Động thái đơn phương phát điện càng đe dọa cơ hội có thỏa thuận.

Nữ hoàng Elizabeth II đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Các quan chức của Điện Buckingham cho biết bà có “các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh.” Nữ hoàng, người năm nay đã 95 tuổi, sẽ tiếp tục tiến hành “các công việc nhẹ nhàng.” Hôm 6 tháng 2 bà đã tổ chức lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm tại vị.

Jean-Luc Brunel, cộng sự cũ của nhà tài chính người Mỹ Jeffrey Epstein, bị phát hiện treo cổ trong phòng giam. Brunel, một cựu quản lý người mẫu, đã bị giam giữ từ năm 2020 để điều tra cáo buộc quấy rối tình dục và cưỡng hiếp trẻ em gái tuổi vị thành niên. Các tài liệu của tòa án Mỹ cáo buộc ông Brunel đưa các cô gái đến cho ông Epstein, đổi lại ông hứa sẽ ký hợp đồng người mẫu với họ.

Olympics mùa đông Bắc Kinh đã bế mạc vào Chủ nhật. Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cho biết gần 3.000 vận động viên tham gia thi đấu đã đặt ra những tấm gương về hòa bình. Ông Bach nhấn mạnh “sức mạnh thống nhất” của Thế Vận Hội cũng như “tinh thần đoàn kết” của họ. Ý sẽ làm chủ nhà tiếp theo vào năm 2026.

Con số trong ngày: 14%, là tỷ lệ các loài động vật toàn cầu được ghi nhận ở Trung Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Ukraine chuẩn bị cho kịch bản bị tấn công mạng

Với hơn 150.000 quân Nga áp sát biên giới, Ukraine đang đối diện nguy cơ thường trực bị xâm lược. Song họ còn phải chuẩn bị cho một mặt trận khác. Trước đó vào ngày 14 tháng 1, tin tặc đã hack vào cơ sở dữ liệu của nhà nước và để lại lời cảnh báo: “Hãy sợ hãi và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.” Sau đó là vụ tấn công hôm 15 tháng 2 làm tê liệt hai ngân hàng lớn cũng như trang web của Bộ Quốc phòng.

Nguy cơ là rất lớn. Sự cố bị ngắt liên lạc điện thoại di động và internet có thể tạo ra hỗn loạn, mở đầu cho một cuộc xâm lược. Đánh sập hệ thống liên lạc có thể sẽ khó hơn vì nó yêu cầu can thiệp vật lý từ bên trong Ukraine. Nhưng Nga có những lựa chọn khác. Họ có thể gây ra cắt điện hoặc làm gián đoạn kiểm soát không lưu, như đã từng làm trong giai đoạn 2015 đến 2017.

Ukraine đã cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình. Giờ đây đội ngũ của họ rất xuất sắc trong việc phát hiện các mối đe dọa. Ngoài ra, việc cơ sở hạ tầng của họ còn thô sơ cũng là một lợi thế. Tuy nhiên Nga có lẽ vẫn chưa chơi hết bài.

Cựu tổng thống Trump ra mắt mạng xã hội mới

Công ty truyền thông mới của Donald Trump sẽ ra mắt nền tảng mạng xã hội Truth Social vào thứ Hai. Cựu tổng thống Mỹ đã bị cấm sử dụng Facebook và Twitter kể từ sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào tháng 1/2021.

Với tiêu chí tạo không gian thân thiện cho phe bảo thủ— với khẩu hiệu “Hủy bỏ văn hóa hủy bỏ” (“Cancelling cancel culture”)— Tập đoàn Truyền thông & Công nghệ Trump còn có kế hoạch ra mắt dịch vụ phát trực tuyến và mạng tin tức. Kho tiền tài trợ 1,3 tỷ đô la sẽ rất hữu ích. Song bản thân công ty lại có khởi đầu không suôn sẻ khi bị các nhà quản lý tài chính điều tra về vụ sáp nhập với một công ty séc khống (một dạng công cụ sáp nhập) vào năm ngoái.

Ông Trump có thể quá bận để có thể để tâm đến vấn đề này. Vài tuần sau ông sẽ phải điều trần trước tổng chưởng lý New York để phục vụ cuộc điều tra của bà về cáo buộc gian lận tại doanh nghiệp gia đình của ông. Rõ ràng ông đang có một giai đoạn hậu nhiệm kỳ đầy bận rộn.

IMF đối diện môi trường vĩ mô phức tạp và rủi ro trả nợ của các thành viên 

12 tháng tới sẽ rất quan trọng đối với IMF. Hiện nay nợ đang tăng nhanh trên toàn cầu. Trong tình hình đó, việc lãi suất tăng ở các nước giàu có thể khiến một số thị trường mới nổi chao đảo. Các khoản nợ của hơn một nửa các quốc gia thu nhập thấp trên thế giới có thể sẽ không còn bền vững.

IMF bị hạn chế nặng nề trong nỗ lực giải quyết các vấn đề như vậy. Tiến trình giúp các nước vững chân hơn về tài chính đang trở nên phức tạp vì nợ Trung Quốc ngày càng chồng chất. Các nước mắc nợ không muốn phật lòng chủ nợ, trong khi các lãnh đạo Trung Quốc lại không thống nhất về mức độ khoan dung dành cho các nước. Khó khăn do đại dịch gây ra cũng khiến các cải cách IMF thường đề xuất – chẳng hạn như cắt giảm trợ cấp năng lượng hoặc cải tổ hệ thống lương hưu – trở thành điều xa vời. Các nước giàu có thể cung cấp nhiều tài trợ hơn cho các nước nghèo đồng thời cho Trung Quốc nhiều tiếng nói hơn trong IMF. Song tình hình địa chính trị hiện tại khiến lựa chọn này trở nên khó xảy ra.