Nguồn: Streit um Nato-Osterweiterung: „Es ist höchste Zeit, Tacheles mit den Russen zu reden“, WELT, 20/02/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Có phải phương Tây đã hứa với Nga sẽ không mở rộng NATO về phía Đông? Nhà sử học người Mỹ Mary Elise Sarotte nói về việc hiểu lầm cố hữu này đã tác động đến chính sách của Putin cho đến nay và cách mà phương Tây nên đối phó với Nga như thế nào.
WELT: Giáo sư Sarotte, phiên bản về câu chuyện của Vladimir Putin có nội dung như sau: “Sau năm 1989, phương Tây đã hứa với chúng tôi sẽ không mở rộng NATO. Điều này có nghĩa là, phương Tây đã lừa chúng tôi.” Thực hư chuyện này như thế nào?
Mary E. Sarotte: Về mặt chính thức thì không. Nhưng có bằng chứng cho thấy đã có các cuộc thảo luận về vấn đề này. Tóm tắt ngắn gọn là như vậy.
WELT: Vậy tóm tắt dài thì như thế nào?
Sarotte: Đầu những năm 1990, câu hỏi lớn nhất được nêu lên là điều gì sẽ xảy ra sau khi bức tường Berlin sụp đổ? Trật tự chính trị của Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và không ai biết điều gì sẽ đến. Rõ ràng, người Đức muốn thống nhất, nhưng điều đó không dễ dàng. Vẫn còn đó bốn cường quốc thắng trận [trong Thế chiến 2]. Và Liên Xô vẫn còn 380.000 binh sĩ đồn trú trên lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, phương Tây phải làm thế nào để thuyết phục Liên Xô cho nước Đức được thống nhất? Đã có một số cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề này vào đầu những năm 1990. Tại một trong những cuộc trò chuyện này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker đã nói với Mikhail Gorbachov: “Ông thấy ý tưởng này thế nào: Ông cho phép nước Đức thống nhất. Còn chúng tôi thì nói với ông: NATO sẽ không di chuyển một tấc nào về phía đông.” “Không một tấc nào,” Baker nói. Gorbachov đáp: “Phải, điều đó có vẻ là một ý kiến hay, chúng ta nên nói về chuyện này”. Điều đó đã xảy ra. Là một nhà sử học, tôi có thể chứng minh điều này mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
WELT: Nhưng điều đó mới chỉ là một ý tưởng chứ không phải là một đề nghị cụ thể?
Sarotte: Điều có ý nghĩa quyết định ở đây là hoàn toàn không có giấy trắng mực đen về chuyện này. Nhưng những gì được viết ra cuối cùng là Hiệp định hai cộng bốn [hai nước Đức và bốn cường quốc Mỹ, Xô, Anh, Pháp – NBT] vào tháng 9 năm 1990, nó đánh dấu cho sự thống nhất. Và hiệp định này quy định NATO có thể mở rộng Điều 5, nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ, vượt ra ngoài ranh giới Chiến tranh Lạnh, hay nói cách khác: mở rộng nó đến lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức. Và Moscow đã hạ bút ký Hiệp định đó. Tuy nhiên, giờ đây Putin không đề cập đến điều này, vì nó không phục vụ mục đích của ông ta.
WELT: Cả hồi ức của Michail Gorbachov dường như cũng không rõ ràng?
Sarotte: Gorbachov đã làm cho chuyện này càng thêm rối tung lên. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày Bức tường Berlin sụp đổ, ông ta đã trả lời phỏng vấn đại để: “Câu hỏi về việc mở rộng NATO chưa bao giờ xuất hiện khi tôi còn đương chức.” Vấn đề là Gorbachov của năm 2014 mâu thuẫn với Gorbachov của năm 1990. Bởi vì các ghi chú của chính ông từ tháng 2 năm 1990, còn trong kho lưu trữ của Gorbachov, cho thấy ông đã nói chuyện với Baker về NATO. Và ghi chú của ông hồi tháng 5 năm 1990 nói rằng ông thừa biết điều đó không chỉ liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Đức. Gorbachov đã viết ở đây: “Tôi nói với Baker rằng chúng tôi biết các nước Trung và Đông Âu muốn rời khỏi Hiệp ước Vác-sa-va để sau này gia nhập NATO.” Đó là nguyên văn lời của Gorbachov năm 1990. Nếu ai nghiên cứu đủ lâu, thì sẽ tìm thấy nguồn. Tóm lại ý tưởng “không một tấc nào” có được đề cập, nhưng cuối cùng hiệp định đã được ký kết và điều 5 cho phép NATO mở rộng về phía Đông.
WELT: Trong số ra mới đây tờ “Der Spiegel” (Tấm Gương) cho rằng đã tìm thấy “một tài liệu mới” chứng minh rằng người Nga đã được cam kết NATO sẽ không mở rộng sang phía đông. Có nghĩa là thông tin này là không chính xác?
Sarotte: Mặc dù Der Spiegel tung tin phát hiện tài liệu hồi tháng 3 năm 1991 như một sự kiện mới mẻ, tuy nhiên điều này không có gì mới. Hồi mùa hè năm 2019, các trích dẫn từ nguồn này đã được lan truyền trên Twitter. Một năm sau, một ấn phẩm khoa học cũng đã đề cập đến tài liệu này; và kể từ mùa thu năm 2020, thì nguồn này được phát hành nguyên văn và mọi người có thể tiếp cận trực tuyến.
WELT: Và nguồn này nói lên điều gì?
Sarotte: Nguồn tin này khẳng định lại một lần nữa, trái với những gì Gorbachov đã nói hồi năm 2014, việc mở rộng về phía đông của NATO – không chỉ bao gồm Đông Đức, mà bao gồm cả Trung và Đông Âu – đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán về thống nhất nước Đức. Điều này còn cho thấy đến cuối năm 1991, một số nhà ngoại giao phương Tây, như Jurgen Chrobog của Đức và Raymond Seitz của Mỹ, tin rằng các cuộc đàm phán năm 1990 hàm ý NATO không được mở rộng sang Đông Âu – hoặc chí ít là chưa. Der Spiegel trích dẫn Chrobog như sau: “Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc đàm phán hai cộng bốn rằng chúng tôi không mở rộng NATO sang bên kia sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể đề nghị Ba Lan và các nước khác trở thành thành viên NATO.” Nhưng câu tiếp theo của Chrobog, mà Der Spiegel không trích dẫn là: “Nhưng chúng tôi có thể cân nhắc đề cập đến mối quan tâm của mình đối với các nước này trong các tuyên bố của NATO trong tương lai”.
WELT: Ở đây Chrobog không xác nhận sự từ chối dứt khoát không mở rộng NATO sang phía đông?
Sarotte: Ông ấy làm sao có thể xác nhận được. Năm 1990, cả Seitz và Chrobog đều không được ủy quyền đàm phán về tương lai của NATO trong khuôn khổ các cuộc đàm phán Hai cộng Bốn. Tổng thống George H. W. Bush đã ra lệnh rõ ràng vào năm 1990 rằng vòng hai cộng bốn “không được quyết định tương lai của NATO cũng như tương lai của an ninh châu Âu.” Và Thủ tướng Helmut Kohl đã nhiều lần nói với sếp của Chrobog, Ngoại trưởng Hans-Dietrich Genscher, trong các cuộc họp nội bộ những năm 1990. Rõ ràng ông (Kohl) “không chia sẻ cũng như không ủng hộ lập trường của Genscher và các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao Liên bang về tương lai của NATO. Ngoài ra, tôi không tán thành chấp nhận điều đó khi không có sự trao đổi lại với Chính phủ Liên bang.” Nếu Seitz và Chrobog bất chấp chỉ thị của Nhà Trắng và của Phủ thủ tướng Đức mà vẫn đàm phán với Liên Xô về tương lai của NATO trong vòng đàm phán Hai cộng bốn là không có thẩm quyền.
Cho dù hồi ức cá nhân thể hiện hồi năm 1991 như thế nào, những gì đã được thỏa thuận bằng văn bản năm 1990 – tức là lập trường chính thức của Cộng hòa Liên bang Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ – vẫn rõ ràng: Theo Hiệp định Hai cộng bốn, theo điều 5, NATO có quyền vượt qua chiến tuyến trước đây của thời Chiến tranh Lạnh. Không có việc buộc phải dừng lại bên sông Elbe. Hiệp định không đề cập đến việc mở rộng đến đâu – tuy nhiên dù sao thì Moscow cũng đã ký.
WELT: Đầu những năm 1990, có một giai đoạn hòa dịu, đặc biệt là dưới thời Bill Clinton và Boris Yeltsin, có cái gọi là “Đối tác vì Hòa bình”. Sau đó, có những chuyện trục trặc đã xẩy ra?
Sarotte: Có ba thời điểm có ý nghĩa quyết định, một là dưới thời Bush Cha, hai là dưới thời Bill Clinton. Theo quan điểm của Bush, NATO đã chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, ông không thấy có lý do gì phải có một trật tự hòa bình mới, hay thay đổi bất cứ điều gì. Điều đáng ngạc nhiên là Bush đã gọi thành công của mình là “trật tự thế giới mới”, vì làm gì có trật tự thế giới mới. Có NATO trong Chiến tranh Lạnh, và NATO vẫn tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Bush đã nói rõ rằng trật tự hòa bình mới cho châu Âu sẽ rất giống với trật tự cũ, và điều đó khiến tất cả các lựa chọn thay thế được thảo luận – chẳng hạn như một Trung Âu trung lập hoặc thậm chí xóa bỏ NATO – trở nên ít phù hợp hơn.
WELT: Sau đó là thời kỳ Bill Clinton nhậm chức.
Sarotte: Đó là thời điểm quyết định thứ hai. Bởi vì các nước Trung và Đông Âu như Ba Lan, Hungary và những nước khác lại đề xuất yêu cầu: “Chúng tôi muốn gia nhập NATO”. Lúc đó Clinton nói, tôi nói vắn tắt, nhưng những từ chính xác của ông ấy có thể được tìm thấy trong cuốn “Not One Inch” (Không một tấc) của tôi – “Khoan đã, làm gì mà nhanh thế. Nếu thế thì chúng ta sẽ đứng trước một vấn đề. Vậy thì cái gì sẽ xảy ra với Ukraine? Điều gì sẽ xảy ra với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác? ” Clinton nói: “Chúng ta vừa xóa bỏ chiến tuyến thời Chiến tranh Lạnh, tại sao bây giờ chúng ta phải vẽ một đường mới. Một con đường giữa châu Âu được bảo vệ bởi Điều 5, và một bên không nằm trong phạm vi Điều 5?” Điều đó làm tôi thực sự bất ngờ. Đầu năm 1994 Clinton lại đại khái đã nói: “Vấn đề chủ yếu ở đây là Ukraine. Sẽ không có hòa bình lâu dài nếu chúng ta bỏ rơi Ukraine.” Khi tôi đọc điều đó tôi suýt ngã ngửa.
WELT: Câu trả lời cho tình huống khó xử là ý tưởng “Đối tác vì hòa bình”?
Sarotte: Vâng, Clinton, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Les Aspin và William Perry, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, John Shalikashvili, đã phát triển một giai đoạn trung gian. Đó là “Quan hệ đối tác vì hòa bình”. Bằng cách này, các quốc gia Trung Âu có thể dần dần trở thành đối tác và sau đó từng bước một trở thành đồng minh. Các quốc gia khác, như Ukraine, Belarus hoặc Kazakhstan, cũng có thể trở thành đối tác. Giải pháp này không được ưa thích vì Ba Lan và Hungary muốn trực tiếp gia nhập NATO. Nhưng Đối tác vì Hòa bình có lợi thế lớn là tất cả mọi người tham gia đều có thể sống với nó, kể cả Nga, nước này thậm chí đã gia nhập. Người Ba Lan ghét ý tưởng này, nhưng Clinton đã thuyết phục Lech Walesa, nói rằng điều tốt nhất mà người Ba Lan làm là hiểu được sẽ tồi tệ như thế nào khi phải đứng sau ranh giới. “Trong Chiến tranh Lạnh, Ba Lan từng phải đứng sau ranh giới, và chúng tôi không muốn Ukraine lại phải đứng sau ranh giới mới. Ông thông cảm điều đó chứ, thưa ông Walesa?” Walesa không vui, nhưng ông ta đành phải chấp nhận.
WELT: Nhưng cuối cùng Clinton đã quyết định chọn phương án mở rộng. Tại sao lại như vậy?
Sarotte: Vâng, đó là điểm có ý nghĩa quyết định thứ ba, và đây không chỉ là lỗi của Clinton mà còn là lỗi của cả Yeltsin. Yeltsin tấn công các nghị sĩ bằng xe tăng vào tháng 10 năm 1993, sau khi quá trình dân chủ hóa ở Nga đã bắt đầu đầy hứa hẹn. Cuộc xâm lược Chechnya của ông ta năm 1994 thậm chí còn tồi tệ hơn bởi vì đó là bước ngoặt đối với Ba Lan, họ cho rằng nếu người Nga xâm lược Chechnya, thì chúng tôi cần Điều 5. Khi đó áp lực từ Đông Âu đã gia tăng. Thêm vào đó là cuộc bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ vào tháng 11. Đảng Cộng hòa – những người ủng hộ việc mở rộng NATO – đã giành được thắng lợi. Trước sức ép của những sự kiện này và Bản ghi nhớ Budapest khiến Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân, Clinton đã thay đổi quyết định và đưa Điều 5 cho các nước Đông Âu. Kể từ đó, chúng tôi đã đi trên con đường mà chúng tôi đang đi.
WELT: Theo bà có cách nào để khôi phục mối quan hệ với nước với Nga?
Sarotte: Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với người Nga. Vì vậy, cũng đừng cãi vã về những từ “Không một tấc” nữa, vì điều đó thực tế đã được đề cập. Không có lý do gì để tranh cãi về chuyện đó nữa. Điều quan trọng là hiệp định mà Moscow đã ký hồi tháng 9 năm 1990 mâu thuẫn với câu này. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nói về những gì chúng ta có thể làm bây giờ. Và những gì người ta có thể làm là rút ra bài học từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Một lần nữa, chúng ta cần những hiệp định như những hiệp định gìn giữ hòa bình trong Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như hiệp định Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) mới và hiệp định về lực lượng vũ trang thông thường. Điều đó sẽ giúp ích cho cả Putin và phương Tây. Putin không muốn có tên lửa ở Ukraine. Phương Tây có thể nói: chúng tôi cũng vậy. Putin muốn NATO không tấn công Nga. NATO cũng có thể đồng ý với điều đó và đề xuất một hiệp định mới. Chúng ta có những mối quan tâm chung. Tôi hy vọng một cuộc trò chuyện như vậy có thể ngăn chặn đổ máu ở Ukraine.
WELT: Điều đó có nghĩa Ukraine phải chờ đến một thời điểm thích hợp hơn?
Sarotte: Thật không may là như vậy. Những gì Putin đang làm thật tàn nhẫn. Về cơ bản, ông ta đang sử dụng Ukraine làm con tin để đảo ngược trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh. Những gì Putin đang làm vượt quá mọi quyền con người, ông ta không nên làm điều đó. Nhưng nước Nga có những lợi ích an ninh của riêng họ, đơn giản là như vậy. Tôi có thể hiểu được quan điểm của ông ta. Ông ta muốn có một trật tự an ninh có lợi cho mình hơn. Nhưng điều đó không thể biện minh cho những gì mà ông ta đang làm với Ukraine hiện nay. Putin cần làm những công việc này thông qua con đường ngoại giao chứ không phải thông qua đe doạ Ukraine.
Khi bức tường Berlin sụp đổ, Mary Elise Sarotte đang là sinh viên ở Berlin. Ngày nay, bà là một trong những chuyên gia hàng đầu về giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bà là tác giả của những cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, cuốn sách gần đây nhất của bà là Not One Inch: America, Russia, and the Making of Post-Cold War Stalemate (Không một tấc: Mỹ, Nga, và sự bế tắc thời hậu Chiến tranh Lạnh). Sarotte là Giáo sư Lịch sử Đương đại tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington DC, và là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.