Nguồn: Malaysia Airlines flight vanishes with more than 200 people aboard, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2014, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, chuyến bay số hiệu 370 của hãng Malaysia Airlines, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã mất liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu, sau đó bay chệch hướng và biến mất. Chiếc máy bay, và tất cả mọi người trên nó, không bao giờ được nhìn thấy nữa.
MH370 khởi hành từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur lúc 12:41 đêm, và dự kiến đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh lúc 6:30 sáng, theo giờ địa phương. Báo cáo vị trí tự động cuối cùng của máy bay đã được gửi đi vào lúc 1:07 sáng, và vào lúc 1:19 sáng, âm thanh cuối cùng được truyền từ buồng lái của chiếc máy bay xấu số tới các nhân viên kiểm soát không lưu: “Chúc ngủ ngon, Malaysia ba bảy không,” một thông báo không có gì khác thường. Khoảng một giờ sau thời điểm dự kiến hạ cánh xuống Bắc Kinh, Malaysia Airlines thông báo MH370 mất tích. Trước khi biến mất đầy bí ẩn, dường như máy bay không hề gặp sự cố. Không có tín hiệu cấp cứu nào được gửi đi, cũng không có báo cáo về thời tiết xấu hoặc trục trặc kỹ thuật.
Cuộc tìm kiếm MH370 ban đầu tập trung vào Vịnh Thái Lan, khu vực mà máy bay bay qua khi mất liên lạc với radar. Nhóm điều tra đã xem xét khả năng khủng bố dính líu đến vụ máy bay mất tích, sau khi phát hiện ra rằng hai hành khách đã sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp. Tuy nhiên, giả thuyết này, có liên quan đến ít nhất hai người đàn ông, đã sớm được xác định là khó có thể xảy ra. (Những người có mặt trên chuyến bay 370 đến từ 15 quốc gia, với hơn một nửa số hành khách đến từ Trung Quốc, và ba hành khách đến từ Mỹ).
Sau đó, vào ngày 15/03, các nhà điều tra nói rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy MH370 đã hoàn toàn ra khỏi lộ trình được chỉ định, và tự bay về phía tây, hướng đến Ấn Độ Dương, trong khoảng 5 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Ngày 24/03, Thủ tướng Malaysia thông báo chuyến bay có lẽ đã mất tích đâu đó tại Ấn Độ Dương và không có người nào sống sót. Khi cuộc tìm kiếm MH370 tiếp diễn, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, bí ẩn về cách một chiếc máy bay phản lực thương mại có thể biến mất không dấu vết đã nhận được sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu.
Tháng 06/2014, các quan chức Australia tham gia cuộc điều tra cho biết hồ sơ radar cho thấy MH370 có khả năng đã bay bằng chế độ lái tự động trong nhiều giờ, trước khi hết nhiên liệu và lao xuống phía nam Ấn Độ Dương. Các quan chức đã không đưa ra suy đoán công khai về việc ai đã chuyển máy bay sang chế độ lái tự động sau khi nó chệch hướng, hoặc tại sao người đó lại làm vậy. Nhưng họ có tiết lộ rằng phi hành đoàn và hành khách nhiều khả năng đã mất phản ứng, vì thiếu oxy hoặc mất oxy, một thời gian trước khi máy bay gặp nạn. Dù vậy, họ không đưa ra lời giải thích về nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu oxy.
Trong khi đó, các nhà chức trách khác cho rằng một trong những phi công của MH370 có thể đã cố tình lái máy bay đâm xuống Ấn Độ Dương trong một nhiệm vụ tự sát, mặc dù không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho giả thuyết này.
Trong suốt năm 2015 và 2016, các mảnh vỡ từ máy bay đã dạt vào bờ biển phía tây Ấn Độ Dương, nhưng số phận của chiếc máy bay vẫn mãi là một bí ẩn.
Ngày 17/07/2014, bốn tháng sau khi MH370 biến mất, thảm kịch lại xảy ra với Malaysia Airlines, khi một trong những máy bay của hãng bị bắn rơi ở phía đông Ukraine, gần biên giới Nga. Tất cả 298 người trên chuyến bay, cũng là một chiếc Boeing 777, đã thiệt mạng. Các quan chức châu Âu và Mỹ tin rằng MH17, cất cánh từ Amsterdam, và đang trên đường đến Kuala Lumpur, đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất, phóng đi từ lãnh thổ chiếm đóng bởi phe ly khai do Nga hậu thuẫn, những kẻ đang chiến đấu với chính phủ Ukraine. Các thủ lĩnh phe ly khai và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận mọi trách nhiệm về vụ việc.