Thế giới hôm nay: 18/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Dường như có người sống sót sau vụ oanh tạc vào nhà hátMariupol, mặc dù chưa rõ con số thương vong. Tại thời điểm bị oanh tạc, nhà hát này đang là nơi trú ẩn cho hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết thị trưởng Melitopol đã được quân Nga trả tự do.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được chào đón nhiệt liệt khi phát biểu trước Hạ viện Đức qua video. Nhằm kêu gọi ủng hộ sự ủng hộ hơn nữa cho Ukraine, trong bài nói đầy cảm xúc ông đã khéo léo đề cập đến lịch sử nước Đức, đặc biệt là nạn diệt chủng Holocaust và khi đông Đức bị Nga chiếm đóng. Ngoài ra ông cũng chỉ trích một số công ty Đức hiện vẫn kinh doanh ở Nga.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu tuyên bố đình chỉ sứ mệnh chung ExoMars tới Sao Hỏa, vì “hiện tại không thể tiếp tục hợp tác với Roscosmos,” tức cơ quan hàng không vũ trụ Nga. Vì vậy nỗ lực tiếp theo sẽ phải đợi ít nhất 26 tháng nữa để hai hành tinh nằm thẳng hàng. Dù thế nào thì cũng rất khó cho hai bên hợp tác trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Vladimir Putin, người đồng cấp Nga của ông, là “tội phạm chiến tranh.” Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin cáo buộc giọng điệu của ông Biden là “không thể chấp nhận được và không thể tha thứ.” Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng nói không có bằng chứng nào cho thấy Nga đang xuống thang quân sự để hướng tới thỏa thuận hòa bình. Chỉ mới hôm qua, tờ Financial Times đưa tin về một thỏa thuận 15 điểm bao gồm ngừng bắn và Nga rút quân, đổi lại Ukraine tuyên bố trung lập và chấp nhận giới hạn lực lượng vũ trang.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin nói người Nga nên cảnh giác với “đội quân thứ năm,” thúc giục họ “phun ra như phun một con muỗi vằn đã bay vào miệng” những kẻ phản bội đang bị phương Tây dụ dỗ. Ông nói mục tiêu cuối cùng của phương Tây là hủy diệt nước Nga. Nữ vận động viên ballet nổi tiếng người Nga Olga Smirnova xem ra không thấy thuyết phục lắm. Sau khi công khai chỉ trích cuộc chiến, cô đã bỏ việc ở Nhà hát Bolshoi ở Moscow và tham gia Nhà hát Ballet Quốc gia Hà Lan. Cô là ngôi sao người Nga nổi tiếng nhất cho tới nay rời bỏ đất nước vì phản đối chiến tranh.

Tờ New York Times đưa tin Nga đã mất hơn 7.000 quân trong cuộc chiến, theo lời của các quan chức tình báo Mỹ. Con số này cao hơn cả tổng binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở Iraq và Afghanistan qua hơn 20 năm chiến sự. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cho biết cuộc xâm lược của Nga “đang bị đình trệ trên tất cả các mặt trận” với rất ít tiến bộ trên “cả đất liền, trên biển và trên không.”

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất chuẩn lên 0,75% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. • Tổng sản lượng công nghiệp của Mỹ tăng 0,5% trong tháng 2 so với tháng trước đó, và số người thất nghiệp giảm 15.000 trong tuần kết thúc vào ngày 12 tháng 3 • Một trận động đất mạnh 7,4 độ Richter vừa được ghi nhận ở đông bắc Nhật Bản, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương • Nazanin Zaghari-Ratcliffe và Anoosheh Ashouri, hai công dân Anh-Iran bị Iran giam giữ nhiều năm qua với cáo buộc gián điệp, đã trở về Anh vào đầu giờ sáng thứ Năm.

Con số trong ngày: 400, là tổng số công ty phương Tây đã tuyên bố ngưng hoạt động ở Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

TIÊU ĐIỂM

Lập trường của Trung Quốc đối với Ukraine

Trung Quốc thích thể hiện mình là một người khổng lồ yêu chuộng hòa bình, luôn phản đối các cuộc xâm lược của nước ngoài. Vậy còn cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine thì sao? Mặc dù luôn nói về hòa bình, Trung Quốc cũng có lý do của mình khi muốn tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng.

Hiện hai nước ngày càng gắn bó với nhau. Vào ngày 4 tháng 2, ông Putin đã công bố một thỏa thuận dầu khí trị giá 118 tỷ đô la với Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc coi việc các công ty phương Tây rời khỏi Nga là cơ hội cho giới kinh doanh của họ. Tương tự, các lãnh đạo Trung Quốc nhìn thấy lợi ích chính trị từ chiến tranh. Nga được miêu tả là nạn nhân bị phương Tây bắt nạt, một điều mà họ cho rằng Trung Quốc phải chịu đựng từ lâu. Mọi biểu hiện ủng hộ Ukraine trên mạng đều bị kiểm duyệt.

Hơn bất cứ điều gì, Trung Quốc muốn một trật tự thế giới xoay quanh các khu vực ảnh hưởng, trong đó họ kiểm soát châu Á, Nga có quyền phủ quyết đối với các vấn đề an ninh châu Âu, và Mỹ bị đẩy lùi về địa bàn của mình. Nếu cuộc chiến của Nga ở Ukraine giúp tạo ra trật tự đó, thì hãy cứ để nó diễn ra.

Hợp tác vũ trụ Nga-phương Tây sụp đổ

Vào thứ Sáu này một tên lửa Nga sẽ đưa ba phi hành gia đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vụ phóng diễn ra vào một thời điểm rất căng thẳng. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quan hệ đối tác về không gian của nước này với phương Tây đã đi vào sụp đổ. Hôm thứ Năm, cơ quan không gian của châu Âu cho đình chỉ sứ mệnh ExoMars hợp tác giữa châu Âu với Nga, vốn được lên kế hoạch trong hơn 20 năm qua. Đức cũng chấm dứt mọi hợp tác không gian với Nga, trong khi Nga tuyên bố ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ. Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ của Nga, lên tiếng đe dọa nếu Nga bị cắt hợp tác trên ISS – điều chưa có bên nào đề xuất – thì trạm có thể rơi ra khỏi quỹ đạo.

Trên thực tế, Nga không có nhiều quân bài để đấu với các nước, đơn giản vì họ không còn phụ thuộc nhiều vào Moscow như trước. Giờ đây, Mỹ có thể sử dụng tên lửa do SpaceX chế tạo để lên ISS thay vì mua tên lửa Nga. Tuy nhiên, Nga lại tỏ ra thân thiện với Trung Quốc: hai nước có kế hoạch cùng xây một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng.

Lạm phát tăng ở Nhật Bản

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này đã bắt đầu tăng lãi suất để chế ngự lạm phát. Song đừng mong đợi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) làm theo khi ủy ban của họ họp vào thứ Sáu này. Hiện lạm phát cũng đang tăng ở Nhật Bản – điều có vẻ là tốt cho một nước đã không có lạm phát suốt nhiều thập niên qua.

Lạm phát mà Nhật Bản đối mặt hầu như phản ánh chi phí nhập khẩu tăng; vì vậy BoJ cho rằng lạm phát sẽ không tồn tại đủ lâu để khiến họ thay đổi lập trường nới lỏng. Tuy nhiên đồng yên hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng đô la, khiến giá năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô tăng lên. Những chuyển biến này có khả năng xóa sạch mọi khoản tăng lương của người lao động. Một số nhà kinh tế thậm chí dự đoán tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật chạm 2% trong năm nay. Đây là mục tiêu dài hạn được BoJ đặt ra, nhưng cách mà nó đạt tới con số đó chắc chắn không nằm trong dự tính của thống đốc Kuroda Haruhiko.

Cơ hội cho Ấn Độ khi giá lúa mì tăng

Lễ hội Holi truyền thống theo đạo Hindu của Ấn Độ là dịp để người tham gia cùng bôi bột màu lên họ hàng, bạn bè, và thậm chí là người lạ. Sự kiện này có ý nghĩa kỉ niệm chiến thắng của cái thiện trước cái ác, song cũng đánh dấu khởi đầu một mùa thu hoạch mới. Và đối với nông dân trông lúa mì của Ấn Độ, họ có rất nhiều điều để ăn mừng.

Chiến sự ở Ukraine làm giá lúa mì tăng vọt. Nhiều nông dân đang muốn tăng lợi nhuận bằng cách bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu thay vì bán cho chính phủ như thường làm. Điều này giúp chính phủ giảm tiền trợ cấp, vì vậy các quan chức ủng hộ họ. Hiện chính phủ đang đầu tư vào các biện pháp để xác định các loại lúa mì đủ chất lượng xuất khẩu, một điều rất cần thiết. Mặc dù là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ lại không xuất khẩu nhiều khi chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng toàn cầu.

Nghiên cứu xác nhận omicron gây bệnh nhẹ hơn delta

Giới nghiên cứu đã xác nhận những quan sát của các bác sĩ về biến thể omicron của Covid-19: các ca nhiễm nhẹ hơn nhiều so với Delta trước đây. Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm trên tạp chí Lancet cho thấy nguyên nhân là do omicron về bản chất là một loại virus ít nghiêm trọng hơn delta.

Nghiên cứu xem xét 1,5 triệu ca mắc covid ở Anh. Sau khi điều chỉnh cho tình trạng nhiễm trùng trong quá khứ, tình trạng tiêm chủng, v.v., các nhà nghiên cứu nhận thấy nguy cơ nhập viện đối với các ca omicron thấp hơn 59% so với Delta. Nguy cơ tử vong thấp hơn tới 69%. Những người không tiêm chủng cũng ít bị bệnh nặng do omicron hơn so với delta. Song vắc-xin có phần kém hiệu quả hơn đối với omicron, dù vẫn có tính bảo vệ cao. Cụ thể, tiêm đủ ba mũi giúp giảm hơn 70% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. Trước mắt có thể dự đoán omicron sẽ bị các biến thể khác soán ngôi, chúng ta chỉ có thể hy vọng là chúng sẽ yếu hơn.