Thế giới hôm nay: 29/03/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh đến “toàn vẹn lãnh thổ” trước cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Ba. Động thái này khác với tuyên bố trước đó là ông sẵn sàng thảo luận về tình trạng của Crimea, vốn bị Nga sáp nhập hồi năm 2014, cũng như vùng Donbas, nơi đang diễn ra xung đột với phe ly khai thân Nga. Ngoài ra ông Zelensky nói nước ông sẵn sàng đảm bảo tính trung lập để đổi lấy thỏa thuận hòa bình với Nga.

Theo ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, quan hệ Nga-Trung đang ở giai đoạn vững vàng nhất từ ​​trước đến nay. Cho tới nay, Trung Quốc hiếm khi lên án cuộc xâm lược, với các quan chức của họ liên tục nhấn mạnh rằng Nga đang tự vệ trước tham vọng bành trướng của Mỹ và NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” là “đáng báo động.” Cả Pháp và Anh đều không ủng hộ bình luận của ông Biden. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông sẽ không phát biểu như vậy và cảnh báo các bên không leo thang. Trong khi đó một bộ trưởng nội các Anh nói vị trí của ông Putin phải để người dân Nga quyết định. Nhà Trắng cũng ra thông cáo là ông Biden không kêu gọi thay đổi chế độ.

Vào hôm thứ Hai, Ukraine tuyên bố sẽ không vận hành bất kỳ hành lang nhân đạo nào ra khỏi các thành phố bị bao vây, bao gồm cả Mariupol, vì nguy cơ đối với dân thường trước những “hành động khiêu khích” của Nga. Ông Zelensky nói có hơn 2.000 trẻ em ở Mariupol đã bị Nga bắt cóc. Trước đó, giới chức Ukraine cho biết các đoàn xe buýt đang sơ tán người khỏi Mariupol đã bị quân Nga chặn và giữ lại. Một cố vấn của thị trưởng thành phố cho biết hàng nghìn người sơ tán đang bị giam giữ mà không có thức ăn và nước uống. Ông còn nói một số cư dân Mariupol đã bị đưa đến Donetsk và sau đó là đưa sang Nga.

Một thẩm phán liên bang khẳng định Donald Trump “khả năng cao” đã phạm tội khi tìm cách lật ngược cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuyên bố này nằm trong phán quyết của tòa yêu cầu một cộng sự của ông Trump phải nộp các tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử cho quốc hội • Hàng nghìn người xuống đường ở Islamabad, thủ đô Pakistan, để yêu cầu phế truất thủ tướng Imran Khan. Ông Khan sẽ đối mặt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong tuần này vì tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém • Chính quyền Thượng Hải cho biết họ sẽ phong tỏa thành phố trong hai đợt bắt đầu từ thứ Hai nhằm xét nghiệm toàn dân trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Nửa phía đông của thành phố sẽ phong tỏa vào thứ Hai; nửa phía tây theo sau vào thứ Sáu.

Huawei Technologies báo cáo lợi nhuận ròng 113,7 tỷ nhân dân tệ (17,8 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 76% so với năm 2020. Đây là mức tăng lợi nhuận năm cao nhất từ ​​trước đến nay của công ty, chủ yếu do bán một số mảng kinh doanh vì bị Mỹ trừng phạt. Đây cũng là báo cáo kết quả đầu tiên kể từ khi giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu trở về từ trại giam Canada vào năm ngoái • Ngân sách của Tổng thống Joe Biden sẽ đề xuất mức thuế tối thiểu 20% đối với các hộ gia đình có tài sản hơn 100 triệu đô la. Thuế “tỷ phú,” được công bố vào thứ Hai này, sẽ nhắm vào lãi tài sản chưa hiện thực hóa (unrealized capital gains), và được cho là tạo ra doanh thu thuế 360 tỷ đô la trong thập niên tới.

TIÊU ĐIỂM

Quan điểm của Nga và Ukraine trong đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một vòng đàm phán mới giữa các nhà ngoại giao Nga và Ukraine sẽ bắt đầu tại Istanbul vào thứ Ba. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói họ hy vọng có thể trung gian được một lệnh ngừng bắn.

Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói Nga và Ukraine đã đồng ý về bốn trên sáu điểm tranh luận chính, bao gồm tình trạng của tiếng Nga ở Ukraine và mối quan hệ của nước này với NATO. Nhưng sau đó ngoại trưởng Ukraine lại nói khác đi. Một vấn đề dễ đạt đồng thuận hơn là tính trung lập của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói ông sẵn sàng chấp nhận trung lập nếu đó là cái giá của hòa bình. Ông cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận phải đảm bảo an ninh cho Ukraine. Nhưng các yêu cầu của Nga, bao gồm Ukraine phải giải trừ quân bị và công nhận nền độc lập của Luhansk và Donetsk, cho thấy tổng thống Nga Vladimir Putin không phải muốn hòa bình mà chỉ muốn Ukraine đầu hàng. Ukraine sẽ không để Putin giành được điều đó.

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đau đầu với giá năng lượng tăng

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng trên khắp châu Âu lên cao. Nhưng vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở bán đảo Iberia. Tây Ban Nha có hai đường ống dẫn khí đốt nối với Pháp và một đường ống với Algeria, trong khi Bồ Đào Nha nhận khí đốt thông qua Tây Ban Nha. Điện của hầu hết người Tây Ban Nha đều đến từ khí đốt. Vì vậy, vào tuần trước, thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa đã được các lãnh đạo EU khác cho phép tạm thời đặt mức trần giá khí đốt. Giờ đây, họ phải tìm cách để tránh vi phạm quy tắc thị trường đơn nhất của khối.

Họ cũng phải thống nhất với giới tài xế xe tải về chương trình trợ cấp nhiên liệu. Một nhóm tài xế đã đình công trong hai tuần qua, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.

CNN chuẩn bị ra mắt dịch vụ phát trực tuyến

Sau Disney+, Paramount+ và Apple TV+ là CNN+. Vào thứ Ba này, gã khổng lồ tin tức truyền hình cáp sẽ ra mắt dịch vụ phát trực tuyến 5,99 đô la một tháng ở Mỹ. Sau đó họ triển khai ra quốc tế.

Các thuê bao CNN+ sẽ được xem tin tức và chương trình thực tế, bao gồm chương trình dài tập của nữ diễn viên Eva Longoria về ẩm thực Mexico. Nhưng kênh tin tức tổng hợp chủ lực của CNN lại không có ở Mỹ, vì nó được dành riêng cho khách hàng truyền hình cáp. Những người trong cuộc cho biết thuê bao CNN+ ở nước ngoài nhiều khả năng sẽ có kênh tin tức này.

Với việc nhiều hộ gia đình chấm dứt dùng truyền hình cáp, phát trực tuyến có lẽ sẽ trở thành xu hướng ở Mỹ. Hiện chỉ hơn một nửa số gia đình có dịch vụ truyền hình cáp, giảm so với gần chín trên mười hộ của một thập niên trước. Các kênh phát trực tuyến liên tục đem về các bộ phim truyền hình, hài kịch và phim tài liệu hay nhất, đồng thời cũng bắt đầu mua bản quyền thể thao. Việc CNN tham gia phát trực tuyến là một dấu hiệu khác cho thấy truyền hình cáp đã lỗi thời.

Blue Origin phóng tên lửa du lịch thứ tư

Công ty hàng không vũ trụ của Jeff Bezos sẽ khởi hành chuyến bay có hành khách thứ tư đến rìa bầu khí quyển của Trái đất vào thứ Ba, muộn hơn sáu ngày so với kế hoạch. Việc này khiến diễn viên hài Pete Davidson không thể tham gia. Anh được thay thế bởi Gary Lai, một kỹ sư cấp cao làm việc cho Blue Origin suốt 18 năm qua. Sự trung thành này khiến ông trở thành “của hiếm.”

Xoay vòng nhân lực là một vấn đề nhức nhối trong ngành hàng không vũ trụ, vì nhân viên bỏ việc sẽ mang đi hết các kiến ​​thức đã học được, trong khi đào tạo tân binh mất rất nhiều thời gian. Blue Origin cũng không phải ngoại lệ. Song các vấn đề của công ty càng thêm phức tạp khi nhân viên phàn nàn về văn hóa làm việc độc hại.

Tham vọng của Blue Origin không chỉ ở việc đưa người giàu lên vũ trụ. Họ kỳ vọng tên lửa New Glenn của họ sẽ tham gia vào nền kinh tế không gian bằng cách thường xuyên phóng tàu và vệ tinh. Nhưng các vấn đề về nhân sự – cùng với đại dịch và hợp đồng chậm trễ – gây hại cho tham vọng của họ. Dù được lên kế hoạch cho 2020, New Glenn sẽ không thể ra mắt cho đến ít nhất là năm 2023.