Cơ hội cho Macron định hình tương lai châu Âu

Nguồn: Gideon Rachman, “This is Macron’s chance to shape Europe’s future,” Financial Times, 26/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tổng thống Pháp đang ở vị trí tốt hơn bao giờ hết để thúc đẩy tham vọng EU của mình, nhưng những vụ tranh cãi nên được dừng lại.

Emmanuel Macron hiện là chính trị gia quyền lực nhất châu Âu. Tổng thống Pháp đã tái đắc cử nhiệm kỳ mới. Trong vòng 5 năm tới, ông sẽ sử dụng vị trí của mình để cố gắng biến đổi không chỉ nước Pháp – mà toàn châu Âu.

Nếu Macron thực sự thành công, nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông sẽ chứng kiến EU nổi lên như một nhân tố địa chính trị lớn, ngang hàng với Trung Quốc và Mỹ. Mục tiêu tạo ra một siêu cường châu Âu có vẻ xa vời, thậm chí là viển vông. Nhưng thời thế đang thuận lợi, trao cho Macron cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để thúc đẩy tầm nhìn này.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Macron thường xuyên bị Angela Merkel làm lu mờ. Nhưng Merkel hiện đã nghỉ hưu, không còn là Thủ tướng Đức. Người thay thế bà, Olaf Scholz, lại thiếu sức hút và có khởi đầu không mấy chắc chắn. Macron, với uy tín được nâng cao nhờ tái đắc cử, sẽ tìm cách cung cấp các ý tưởng và sự năng động cho EU.

Tình hình dường như đang ủng hộ cho nhiều lập luận của Tổng thống Pháp về việc hội nhập châu Âu sâu rộng hơn. Đại dịch Covid-19 cuối cùng đã thuyết phục EU phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các chương trình của mình – điều mà Macron đã thúc đẩy từ lâu, trong khi Đức tỏ ý hoài nghi. Thành tựu đó sẽ mang lại nguồn tài chính mới cho các dự án chung khác của châu Âu và nâng cao vai trò toàn cầu của đồng euro.

Chiến tranh Ukraine cũng dẫn đến các cam kết tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn châu Âu, mà trên hết là ở Đức. Gia tăng chi tiêu quân sự là điều không thể thiếu nếu châu Âu muốn đạt được “quyền tự chủ chiến lược” từ Mỹ mà Macron đã lập luận từ lâu. Khả năng cao Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào năm 2024 có nghĩa là lý lẽ của Macron về một châu Âu tự cường hơn phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nhiều người châu Âu đã rùng mình trước ý nghĩ về cách nước Mỹ do Trump lãnh đạo giải quyết vấn đề nước Nga.

Tầm nhìn của Macron dành cho nước Pháp và châu Âu luôn luôn là không thể tách rời. Trong cả hai lần đắc cử tổng thống, vào đêm Chủ nhật vừa qua và vào năm 2017, ông đều lên sân khấu trên nền nhạc là bài quốc ca của EU, bản Ode to Joy của Beethoven. Trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của mình, các kế hoạch của Tổng thống Pháp đối với châu Âu đã được Berlin đón nhận với thái độ dửng dưng. Nhưng vấn đề trái phiếu chung cuối cùng đã có bước đột phá. Điều đó sẽ khuyến khích Macron tin rằng ông có thể giành chiến thắng trong vòng tranh luận tiếp theo về hội nhập châu Âu.

Tổng thống Pháp có một số đồng minh quan trọng trong EU. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chia sẻ mong muốn về một châu Âu “địa chính trị” của ông. Macron cũng có quan hệ với Mario Draghi, Thủ tướng Ý. (Cả hai đều từng làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.) Nhà lãnh đạo Pháp cũng rất thân thiết với Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Hy Lạp. Hy Lạp và Pháp gần đây đã ký một hiệp ước quốc phòng, phản ánh quan ngại chung của họ về Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những trở ngại đối với việc hiện thực hóa tầm nhìn của Macron cũng vô cùng to lớn. Tổng thống Pháp có thể rất quyến rũ và tài giỏi, nhưng ông cũng có thể kiêu ngạo và ngang ngược.

Macron rất dễ cảm thấy bị xúc phạm và cũng thường xuyên xúc phạm người khác. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã được đánh dấu bằng những tranh cãi ngoại giao nổi bật. Năm 2019, Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Ý, để phản đối những gì họ tuyên bố là “các cuộc tấn công vô căn cứ và tuyên bố kỳ quặc khó có thể chấp nhận” của các bộ trưởng Ý. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, Macron đã gọi Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, là một “người cực hữu bài Do Thái.” Việc các nhà lãnh đạo EU sử dụng những từ ngữ như thế này để công kích lẫn nhau là rất bất thường – điều này dẫn đến những nghi ngờ nghiêm trọng về khả năng thống nhất 27 thành viên EU của Macron.

Quan hệ của Tổng thống Pháp với các đồng minh bên ngoài EU cũng chẳng mấy thân thiện. Năm 2021, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc (trong thời gian rất ngắn) sau vụ bí mật ký kết hiệp ước an ninh AUKUS, khiến người Pháp mất một thỏa thuận vũ khí lớn. Tại London, Macron được nhìn nhận là nhà lãnh đạo EU thù địch nhất với Anh.

Trái ngược với quan hệ đôi khi căng thẳng với các nhà lãnh đạo của các quốc gia đồng minh, Macron đã thực hiện một ‘cuộc tấn công quyến rũ’ [nhưng thất bại] nhằm cố gắng thiết lập quan hệ với Vladimir Putin ở Nga. Trong những năm trước khi Nga xâm lược Ukraine, Pháp đã thúc đẩy một nỗ lực đơn phương và không thành công để tái kết nối với Moscow. Những nỗ lực của Macron trong việc để ngỏ quan hệ với Putin – cả trước và sau cuộc xâm lược Ukraine – đã vấp phải sự khinh bỉ và nghi ngờ của nhiều người ở Trung Âu.

Chính sự chia rẽ trong vấn đề quan trọng về Nga và Ukraine hiện đang là trở ngại lớn nhất cho tầm nhìn của Macron đối với châu Âu. Ở phần lớn các nước Bắc và Trung Âu, người ta tin rằng Pháp quá thù địch với quyền lực của Mỹ, và quá quan tâm đến sự hòa giải tối hậu với Nga, để có thể trở thành một nhà lãnh đạo chiến lược đáng tin cậy.

Ben Judah của Hội đồng Đại Tây Dương lập luận rằng, vì cuộc chiến ở Ukraine, nhiều nước EU hiện đang “quan tâm hơn bao giờ hết đến việc giữ chân Anh và Mỹ” khi thảo luận về an ninh châu Âu. Điều đó khiến họ cảnh giác hơn, khi Pháp đề cập đến “quyền tự chủ chiến lược” của EU. Tầm quan trọng gia tăng của NATO cũng được thể hiện qua sự quan tâm mới của Phần Lan và Thụy Điển (cả hai đều là thành viên EU) đối với việc tham gia khối liên minh quân sự này.

Macron đang nắm trong tay cơ hội tuyệt vời để “xây dựng châu Âu” trong 5 năm tới. Nhưng muốn thành công phải có nhiều thứ hơn, chứ không chỉ sự xuất sắc và năng lượng. Nó còn đòi hỏi những phẩm chất ít được ghi nhận ở Tổng thống Pháp – sự kiên nhẫn và đồng cảm.