10/05/1871: Hiệp ước Frankfurt am Main chấm dứt Chiến tranh Pháp-Phổ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Treaty of Frankfurt am Main ends Franco-Prussian War, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1871, Đệ nhị Đế chế Pháp dưới thời Louis Napoléon đã phải hứng chịu thất bại nhục nhã ê chề, khi Hiệp ước Frankfurt am Main được ký kết, kết thúc Chiến tranh Pháp-Phổ và đánh dấu sự xuất hiện của một nhà nước Đức mới thống nhất trên sân khấu chính trị quyền lực Châu Âu, vốn trước đó vẫn do hai đế quốc lớn là Anh và Pháp thống trị.

Căn nguyên của xung đột Pháp-Phổ là mong muốn của vị chính khách đầy tham vọng Otto von Bismarck nhằm thống nhất các thành bang Đức dưới sự kiểm soát của nước mạnh nhất trong số đó, chính là nước Phổ của ông. Sự kiện trực tiếp dẫn đến chiến tranh cũng là một nỗ lực do Bismarck dàn dựng nhằm đưa Hoàng tử Leopold, thuộc hoàng tộc Hohenzollern của Phổ, lên ngai vàng Tây Ban Nha, vốn đã bị bỏ trống sau cuộc cách mạng năm 1868.

Kinh hoàng trước ý tưởng về một liên minh Phổ-Tây Ban Nha, Chính phủ Pháp của Louis Napoléon (hay Napoléon III) đã tìm cách ngăn chặn nó, quyết tâm hạ nhục nước Phổ, buộc họ phải phục tùng, đồng thời khăng khăng yêu cầu Vua Phổ, Wilhelm I, đích thân xin lỗi Hoàng đế Pháp và hứa rằng sẽ nhà Hohenzollern sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Wilhelm từ chối, sau đó ủy quyền cho Bismarck công bố những yêu cầu của người Pháp và thư từ chối của chính ông. Bismarck đã tuân lệnh, vì ông biết rằng hành động ấy sẽ dẫn đến chiến tranh, điều mà bản thân ông rất mong muốn, nhằm giải phóng nước Phổ hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của Pháp.

Mong muốn lấy lại uy tín sau nhiều thất bại ở nước ngoài và tái khẳng định sự thống trị quân sự của mình trên lục địa châu Âu, Pháp tuyên chiến vào ngày 19/07/1870. Thật không may cho người Pháp, các bang miền nam nước Đức đã quyết định tuân theo các hiệp ước của họ với nước Phổ hùng mạnh và ngay lập tức hỗ trợ cho quân đội của Wilhelm. Do đó, quân Đức đã huy động thành công khoảng 400.000 người, gấp đôi quân số Pháp, ngay từ đầu cuộc chiến. Dưới sự chỉ huy tối cao của Wilhelm và được hướng dẫn bởi Bá tước Helmuth von Moltke – được gọi là Moltke Già, để phân biệt với cậu cháu trai, người sẽ chỉ huy lực lượng Đức trong Thế chiến I – ba đội quân Đức đã tiến đánh một vùng rộng, đâm xuyên qua đất Pháp, giành lấy ưu thế gần như ngay từ đầu cuộc giao tranh.

Trận đánh quan trọng của cuộc chiến, diễn ra xung quanh thị trấn Sedan ở miền bắc nước Pháp, đã kết thúc với chiến thắng giòn giã của người Đức, còn chính Napoléon III thì bị bắt giữ. Khi hay tin Hoàng đế bị bắt, Paris đã chìm trong nổi loạn; hội đồng lập pháp bị giải tán, và Pháp được tuyên bố là một nước cộng hòa. Trong khi đó, quân Đức ngày càng tiến đến gần: cuối tháng 9, họ đã chiếm được Strasbourg và áp sát thủ đô Pháp, nơi đã phải chịu bao vây và bắn phá không thương tiếc suốt nhiều tháng tiếp theo. Ngày 19/01/1871, chính phủ Pháp buộc phải thương lượng xin đầu hàng. Một ngày trước đó, trong một sự kiện sỉ nhục nước Pháp hơn nữa, giấc mơ thống nhất của Bismarck đã được thực hiện, khi Wilhelm I của Phổ lên ngôi Hoàng đế (Kaiser) của nhà nước Đức mới, trong một buổi lễ diễn ra tại Sảnh Gương xa hoa ở Cung điện Versailles của Paris.

Theo các điều khoản của hiệp ước cuối cùng, được ký vào ngày 10/05/1871, tại Frankfurt am Main, Đức sẽ sáp nhập các tỉnh Alsace (trừ Belfort) và Lorraine của Pháp. Người Pháp cũng phải bồi thường chiến phí năm tỷ franc. Quân Đức tiếp tục chiếm đóng Pháp cho đến tháng 09/1873, khi số tiền được thanh toán đầy đủ. Chiến tranh Pháp-Phổ và gần ba năm bị Đức chiếm đóng sau đó đã đánh dấu bước khởi đầu của sự thù địch ngày càng lớn giữa một nước Pháp đang lo lắng, với ảnh hưởng và quyền lực ngày càng suy giảm, và một nước Đức đang hưng thịnh, vượt trội về công nghệ và kỹ thuật vào thập niên đầu tiên của Thế kỷ 20, những người đã xây dựng lực lượng lục quân hùng mạnh nhất ở châu Âu lục địa. Mùa hè năm 1914, sự thù địch này sẽ bùng nổ thành một cuộc chiến toàn cầu quy mô lớn, trong đó Pháp và các nước Đồng minh Hiệp ước chống lại Đức và Liên minh Trung tâm, trong cuộc xung đột tàn khốc nhất mà thế giới từng chứng kiến cho tới lúc đó.