Thế giới hôm nay: 10/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vladimir Putin vừa có một bài phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Ông nói cuộc xâm lược Ukraine kế thừa ý thức hệ của Chiến tranh Vệ quốc. Ngay lập tức, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra một video bác bỏ so sánh của ông Putin, mà theo ông là đã “chiếm hữu” lịch sử Thế chiến II, trong đó hàng triệu người Ukraine đã thiệt mạng. Trong một diễn biến khác, đại sứ Nga tại Ba Lan bị người biểu tình phản chiến tạt chất lỏng màu đỏ khi ông đến thăm một nghĩa trang quân sự của Liên Xô.

Tổng thống mới tái đắc cử của Pháp, Emmanuel Macron, đề xuất thành lập một “cộng đồng chính trị châu Âu” bao gồm cả các nước ngoài EU. Trong một bài phát biểu quan trọng trước nghị viện châu Âu, ông Macron thừa nhận các nước như Ukraine có thể mất “nhiều thập niên” mới được gia nhập EU theo bộ tiêu chí nghiêm ngặt hiện tại; do đó, một cộng đồng chính trị như ông đề xuất sẽ tạo điều kiện cho các nền dân chủ châu Âu hợp tác.

Bộ tài chính Nga thừa nhận trong một dự báo nội bộ là kinh tế Nga đang đứng trước cuộc suy thoái tồi tệ nhất ba thập niên qua. Còn theo Bloomberg, GDP Nga có thể giảm 12% trong năm 2022 sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Dự đoán của ngân hàng trung ương Nga nhỏ hơn, từ 8-10%, trong khi IMF dự đoán suy thoái 8,5%.

Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã từ chức sau nhiều tuần biểu tình kêu gọi thay đổi chế độ giữa cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử độc lập của đất nước. Trước đó, cảnh sát đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sau khi những người ủng hộ Rajapaksa xông vào địa điểm biểu tình ở thủ đô Colombo, khiến hơn 76 người bị thương.

Ferdinand “Bongbong” Marcos, con trai của cố độc tài Marcos, sớm vượt lên dẫn trước trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines hôm thứ Hai. Kiểm phiếu không chính thức đang cho thấy ông giành được 22 triệu phiếu so với 10 triệu của đối thủ Leni Robredo, người hiện giữ chức phó tổng thống. Được biết một số vấn đề về phiếu bầu đã được ghi nhận. Hiện các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa, nhưng sẽ mất vài ngày để giới chức chính thức công bố người chiến thắng.

Chính phủ Anh kêu gọi các đảng phái chính trị ở Bắc Ireland thực hiện một cơ chế chia sẻ quyền lực mới sau khi đảng Sinn Féin theo chủ nghĩa dân tộc lần đầu tiên thắng các cuộc bầu cử địa phương. Tuy nhiên, đảng Liên minh Dân chủ (DUP) thân Anh lại nói sẽ không tham gia cho đến khi những lo ngại của họ về các thỏa thuận thương mại hậu Brexit được đáp ứng. DUP lập luận rằng thỏa thuận hiện tại làm tổn hại đến vị thế của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh.

Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, đã thề sẽ từ chức nếu bị phạt vì vi phạm các quy tắc covid hồi năm ngoái. Ông Starmer đang bị điều tra vì tham dự một sự kiện vận động tranh cử, và dùng bữa tối tại đó, vào tháng 4 năm ngoái. Trong khi đó, Điện Buckingham thông báo Thái tử Charles sẽ đọc Bài Phát biểu của Nữ hoàng trước Quốc hội vào thứ Ba thay cho Nữ hoàng Elizabeth, người đang gặp “các vấn đề về vận động.”

Con số trong ngày: 46%, là tỉ lệ tăng giá kể từ năm 2019 của một bất động sản trung bình ở New Zealand. Thực trạng này khiến người mua nhà dễ bị tổn thương trước những biến động mạnh của thanh toán thế chấp toàn cầu.

TIÊU ĐIỂM

Một loạt các vấn đề thử thách tân tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống mới của Hàn Quốc có một danh sách dài những việc phải làm. Sau khi nhậm chức vào thứ Ba, Yoon Suk-yeol phải bắt tay ngay vào giải quyết vấn đề chi phí nhà ở và thiếu việc làm cho những người trẻ tuổi. Ông cũng đặt mục tiêu cải cách một số lĩnh vực, bao gồm phúc lợi, tư pháp hình sự, cũng như phân chia quyền lực giữa văn phòng tổng thống và thủ tướng. Còn ở mặt trận ngoại giao là một loạt các thách thức khác. Hàn Quốc đang bị kẹp giữa Mỹ, nước mà họ dựa vào để đảm bảo an ninh, và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trong khi đó Triều Tiên lại ngày càng hung hăng; hôm thứ Bảy, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa lần thứ 15 trong năm nay.

Giải quyết tất cả những điều này là một thử thách khó nhằn, ngay cả với các nhà lãnh đạo lão luyện và được ủng hộ nhất. Ông Yoon không có cả hai điều đó, trong khi sẽ không thể tự do hành động vì quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Cựu tổng thống Honduras ra hầu tòa ở Mỹ

Cú trượt dài của Juan Orlando Hernández sẽ lên đến cao trào khi ông trình diện trước tòa New York vào thứ Ba. Hồi tháng 4, chưa đầy ba tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ hai làm tổng thống Honduras, ông đã bị bắt và bị dẫn độ về Hoa Kỳ. Thẩm phán sẽ nghe bằng chứng về các cáo buộc ông Hernández tham gia buôn bán ma túy và rửa tiền trong thời gian tại vị. Ông phủ nhận mọi cáo buộc. Đây là lần thứ hai ông bị dính vào một phiên tòa xét xử buôn bán ma túy, trước đó là phiên tòa 2019 vốn kết án em trai ông tù chung thân.

Chưa cần biết đến phán quyết, người dân Honduras đã ăn mừng khi thấy ông Hernández ra tòa. Các chính trị gia Trung Mỹ thường thoải mái tham nhũng mà không bị trừng phạt, đa phần bằng cách cài các mối quan hệ vào hệ thống tư pháp. Vì muốn đảo ngược tiến trình suy thoái dân chủ ở Trung Mỹ nhằm ngăn cản người di cư đi về phương bắc, Mỹ sẽ muốn tấm gương của ông Hernández khiến các chính trị gia nhúng chàm phải suy nghĩ lại.

Solvay bị cổ đông gây áp lực vì xả thải xuống biển

Các giám đốc của tập đoàn đa quốc gia Solvay của Bỉ có thể sẽ bị chất vấn nhiều tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông vào thứ Ba. Một số người chắc chắn sẽ lo ngại trước một kế hoạch được công ty công bố vào tháng 3 là sẽ tách Solvay thành hai công ty độc lập: một công ty chuyên về hóa chất và công ty còn lại về vật liệu và giải pháp đặc biệt. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hơn là bộ 100 câu hỏi, được quỹ đầu cơ chủ động Bluebell Partners liệt kê, xoay quanh nhà máy soda-ash (natri carbonate) của tập đoàn tại Rosignano, Ý.

Nhà máy này thải khoảng 25 tấn kim loại nặng xuống Địa Trung Hải mỗi năm. Solvay cam kết chúng được giữ trong đá vôi dạng bột, và do đó không thể bị hấp thụ bởi con người hay sinh vật biển. Bluebell cho rằng việc đổ chất thải xuống biển đi ngược lại cam kết môi trường bền vững của tập đoàn. Trên thực tế, hồi năm 2021 tất cả các cổ đông đều bỏ phiếu chấp thuận chính sách môi trường của Solvay. Nhưng Bluebell đã vận động họ đổi ý, và tuyên bố đã có được ủng hộ của hai quỹ hưu trí lớn của Mỹ. Phần Hỏi và Đáp của đại hội sẽ cho thấy có bao nhiêu bên khác đã tham gia cùng họ.