Thế giới hôm nay: 12/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các quan chức do Nga hậu thuẫn ở khu vực Kherson miền nam Ukraine tuyên bố sẽ xin sáp nhập vào Nga, sau khi Nga chiếm được phần lãnh thổ này. Điện Kremlin nói các cư dân “nên quyết định,” đồng nghĩa Nga sẵn sàng sáp nhập. Trong khi đó, Ukraine nói lực lượng vũ trang của họ đã giành lại phần đất ở phía bắc Kharkiv từ tay người Nga. Ngoài ra, công ty điều hành mạng lưới khí đốt của Ukraine lần đầu tiên thông báo là họ sẽ ngăn một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng của Nga đến châu Âu.

Năm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã bị bắt tại Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia hà khắc. Cyd Ho, Denise Ho, Hui Po-keung, Margaret Ng và Hồng y Joseph Zen đều là những người trông coi Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 hiện đã tan rã, vốn từng hỗ trợ chi phí pháp lý và y tế cho người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Thủ tướng Anh ký một hiệp ước an ninh với người đồng cấp Thụy Điển, theo đó cam kết Anh sẽ hỗ trợ nếu Thụy Điển bị tấn công. Dự kiến Boris Johnson ​​cũng sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Phần Lan. Trong thời gian tới hai nước này sẽ sớm cho thấy liệu họ có đăng ký gia nhập NATO hay không, dù bị Nga phản đối mạnh mẽ.

Shireen Abu Aqleh, một nhà báo người Palestine của đài truyền hình Al Jazeera của Qatar, đã thiệt mạng khi đưa tin về một cuộc đụng độ ở thị trấn Jenin, phần Bờ Tây Palestine. Các đồng nghiệp có mặt tại hiện trường nói thủ phạm là lực lượng Israel, trong khi quân đội Israel nói bà Abu Aqleh có thể đã bị bắn bởi các tay súng Palestine. Một nhà sản xuất của Al Jazeera cũng bị thương.

Lực lượng an ninh Sri Lanka đã được lệnh bắn tại chỗ bất kỳ ai có biểu hiện gây rối, trong bối cảnh biểu tình bạo lực kéo dài suốt đêm. Trước đó thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức hôm thứ Hai trước áp lực biểu tình. Giờ đây họ chuyển sang gây áp lực lên tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Hai người là anh em trong một gia đình đầy quyền lực ở Sri Lanka. Người dân bất mãn trước tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước.

Các quan chức Thượng Hải cho biết một nửa thành phố đã đạt được trạng thái “zero-covid,” nhưng vẫn tiếp tục siết chặt các quy định covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới đã nói cách tiếp cận của Trung Quốc đối với virus là “không bền vững,” dẫn đến việc WHO và tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi đó New Zealand thông báo mở lại hoàn toàn biên giới từ ngày 31/7. Thủ tướng Jacinda Ardern lập luận rằng động thái này sẽ giải tỏa tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao và hồi sinh ngành du lịch.

Toyota cho biết lợi nhuận hoạt động năm nay có thể giảm 20% xuống còn 1 tỷ đô la. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới gặp khó khăn vì giá nguyên liệu thô tăng gấp đôi trong khi chi phí năng lượng và hậu cần cũng tăng vọt. Dù vậy, hãng dự kiến ​​sẽ bán được 10,7 triệu xe trong năm tài chính này, nhiều hơn 400.000 chiếc so với 2021 nhờ đồng yên giảm giá.

Con số trong ngày: 170, là số binh sĩ được triển khai tại Chernobyl một tuần trước khi Ukraine bị Nga xâm lược.

TIÊU ĐIỂM

Triển vọng ảm đạm của kinh tế Anh

Vào thứ Năm, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh sẽ công bố ước tính tăng trưởng GDP của họ cho quý đầu năm nay. Các nhà kinh tế cho rằng đà hồi phục sau covid đang chậm lại. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm rối loạn ngành chế tạo, trong khi việc kết thúc chương trình vắc-xin covid-19 làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành y tế.

Cũng không có nhiều tin tốt ở phía trước. Hôm thứ Tư, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia đã dự đoán GDP của Anh sẽ giảm trong quý 3 và quý 4 năm 2022 – đồng nghĩa suy thoái. Kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách là người tiêu dùng sẽ dựa vào khoản tích lũy có được trong đại dịch để bù đắp chi tiêu. Nhưng niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp thứ hai kể từ năm 1974. Lạm phát cao và chi phí đắt đỏ khiến người dân nhiều khả năng sẽ phải thắt lưng buộc bụng.

Ấn Độ cuối cùng cũng tăng lãi suất

Chính sách tiền tệ ở Ấn Độ thường tuân theo một quy trình: cứ hai tháng một lần Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) họp và, bất kể áp lực lạm phát ra sao, vẫn giữ nguyên lãi suất. Vì vậy, vào tuần trước thị trường đã náo động khi RBI triệu tập một cuộc họp bất thường và lần đầu tiên tăng lãi suất sau hai năm. Thống đốc ngân hàng cho biết nguyên nhân là “sóng địa chấn” từ chiến tranh Ukraine.

Vào tháng 3, lạm phát đã lên đến gần 7%, cao nhất trong 18 tháng qua và cao hơn nhiều so với mục tiêu dưới 6% của RBI. Dữ liệu tháng 4 được công bố vào thứ Năm thậm chí có thể cho thấy lạm phát đạt 7,5%. Thực phẩm và nhiên liệu là những yếu tố đóng góp lớn nhất. Vì chi phí xăng dầu được ấn định thông qua các công ty quốc doanh, chính phủ Ấn Độ trên thực tế đang đặt gánh nặng giá nhiên liệu tăng lên người tiêu dùng. Ngoài ra đồng rupee yếu cũng không giúp được gì. Nếu tình hình tiếp tục, việc tăng lãi suất có thể sẽ trở thành thông lệ.

Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài

Chiến tranh Ukraine đang biến thành một cuộc đấu dài hơi và đẫm máu. Nga đã kéo quân về quanh khu vực Donbas ở miền đông, nhưng không thể tiến nhanh. Avril Haines, giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ, cho biết tham vọng của Tổng thống Vladimir Putin còn lớn hơn nữa: ông muốn có một hành lang đất liền để liên kết các vùng đã chiếm với Transnistria, một vùng ly khai thân Nga ở Moldova giáp miền tây Ukraine.

Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ Ukraine giờ đây không còn là tồn tại đơn thuần mà là khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả những vùng đất bị mất vào tay Nga từ năm 2014, chẳng hạn như Crimea. Mỹ dường như sẵn sàng giúp đỡ. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu khoản tiền khổng lồ 33 tỷ đô la viện trợ cho Ukraine và các đồng minh NATO. Hạ viện thông qua cho ông 40 tỷ đô la, còn Thượng viện nhiều khả năng sẽ làm theo. Bà Haines nói Nga cho rằng phương Tây cuối cùng sẽ mất hứng thú với Ukraine. Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ là các lệnh trừng phạt sẽ làm suy yếu Nga trước – đến mức ông Putin có thể cảm thấy bị dồn vào chân tường. Chắc chắn có một bên sai.

Tình hình kinh doanh của SoftBank

Vào thứ Năm, tập đoàn đầu tư khổng lồ SoftBank Group của Nhật Bản sẽ công bố kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm 2022, qua đó làm sáng tỏ tác động của các thương vụ gần đây của Son Masayoshi, nhà sáng lập công ty. Một số nhà phân tích cho rằng SoftBank sẽ báo lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

Tại thời điểm cuối năm 2021, hai Quỹ Tầm nhìn của SoftBank — tức danh mục đầu tư chủ động vào các công ty khởi nghiệp mạo hiểm —chiếm hơn 40% trong tổng số 24,7 nghìn tỷ yên (215 tỷ đô la) cổ phần nắm giữ của công ty. Nhưng những công ty khởi nghiệp đó, chẳng hạn như hãng thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, đã gặp khó khăn trong năm nay vì các rắc rối quy định trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Cuối năm 2021, SoftBank cũng nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng 6 nghìn tỷ yên trong tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Con số đó chưa bằng một nửa so với một năm trước đó, và Alibaba vẫn chưa giải được hạn: giá cổ phiếu của họ đã giảm hơn 25% trong năm nay.