Nguồn: “In applying to NATO, Finland and Sweden give the lie to Putin’s claims,” The Economist, 15/05/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sự mở rộng của liên minh không phải là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến của Tổng thống Nga ở Ukraine.
Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO là một hành động thẳng thừng bác bỏ tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Hai quốc gia từng tự hào về lịch sử không liên kết quân sự lâu đời của mình đã nhận định rằng, rủi ro làm mất lòng nước láng giềng không quan trọng bằng sự trợ giúp an ninh bổ sung mà họ có được khi tham gia một liên minh chuyên chống lại sự xâm lược của Nga. Đó là kết quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine, mà theo Putin là để ngăn chặn NATO mở rộng.
Nó cũng là một lời bác bỏ đối với những người lập luận rằng NATO có lỗi vì đã dẫn tới cuộc chiến. Putin không phải là người duy nhất cho rằng việc liên minh mở rộng sang Trung và Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh là điều khiến người Nga không thể dung thứ. Nhiều học giả phương Tây đồng tình với lập luận đó. Tuy nhiên, sự lựa chọn của Phần Lan và Thụy Điển cho thấy họ có quan điểm ngược lại. Hai nước tìm cách tham gia NATO vì họ bị Nga đe dọa, chứ không phải để chống lại nước này.
Tin tức từ Phần Lan và Thụy Điển được công bố ngày 15/05, khi các ngoại trưởng của NATO đang nhóm họp để thảo luận về Ukraine và về chiến lược mới của liên minh, trong giai đoạn chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Bất chấp những than phiền từ Thổ Nhĩ Kỳ, việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển nhiều khả năng sẽ là chính thức. Khi tham gia, cả hai sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể, đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, và, trong trường hợp của Phần Lan, là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO. Tư cách thành viên của hai nước cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của liên minh với Nga tăng lên gấp đôi (xem bản đồ). Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, nơi sẽ dễ được tiếp tế hơn, và là những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO.
Chế độ của Putin đã đáp trả bằng cách cắt nguồn cung điện qua biên giới và đe dọa sử dụng hành động “quân sự-kỹ thuật”, bất kể điều đó có nghĩa là gì. Đương kim tổng thống Nga không phải là nhà lãnh đạo Nga đầu tiên phản đối việc mở rộng liên minh. Hồi thập niên 1990, Boris Yeltsin đã phàn nàn khi các thành viên cũ của Hiệp ước Warsaw nộp đơn xin gia nhập NATO. Trong những năm qua, điều này đã trở thành lý lẽ được Putin viện dẫn nhằm biện minh cho việc tập trung quân ở biên giới với Ukraine. Đó là một lập luận được thông cảm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thực chất đó là một lập luận rất mong manh.
Những người chỉ trích việc mở rộng NATO nói rằng liên minh đã phá vỡ cam kết mà James Baker, lúc đó là Ngoại trưởng Mỹ, đưa ra cho Nga vào tháng 2/1990, rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Họ nói thêm rằng việc làm đó cũng không khôn ngoan. NATO càng mở rộng, Nga càng cảm thấy bị đe dọa và buộc phải bảo vệ mình bằng cách kháng cự. Và họ chỉ ra rằng phương Tây có những phương án khác để tăng cường an ninh, ngoài NATO, chẳng hạn như Đối tác vì Hòa bình, với mục đích tăng cường quan hệ an ninh giữa liên minh và các nước không phải là thành viên.
Câu nói của Baker chỉ là một trò đánh lạc hướng. Khi ấy, ông đang nói về NATO ở Đông Đức và lời nói của ông đã không còn hiệu lực khi khối Hiệp ước Warsaw sụp đổ gần 18 tháng sau đó. NATO và Nga đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm 1997, trong đó không có bất kỳ hạn chế nào về vấn đề thành viên mới, dù việc mở rộng đã được thảo luận. Cộng hòa Séc, Hungary, và Ba Lan đã gia nhập NATO gần hai năm sau đó.
Điều quan trọng là cam kết mà Nga đưa ra vào năm 1994, khi Ukraine giao nộp kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Trong số các điều khoản thỏa thuận, Nga cam kết không sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế hoặc quân sự đối với nước láng giềng. Rõ ràng, họ đã vi phạm lời hứa này vào năm 2014, khi chiếm Crimea và một phần của vùng Donbas, và một lần nữa vi phạm nó vào ngày 24/02 năm nay.
Thực tế, NATO có quyền được mở rộng, nếu đó là những gì nước nộp đơn mong muốn. Theo Hiệp ước Helsinki, được ký vào năm 1975, với sự tham gia của cả Liên Xô, các quốc gia được tự do lựa chọn liên minh của mình. Liệu có đáng ngạc nhiên, khi các thành viên cũ của khối Hiệp ước Warsaw, vốn đã phải chịu đựng sự thống trị của Liên Xô, đi tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn? Suốt nhiều năm, công luận ở Phần Lan và Thụy Điển đã chống lại việc tham gia NATO. Mọi chuyện đã thay đổi sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 2. Việc các quốc gia có chủ quyền có quyền tự quyết định số phận của mình là một trong những điều đang bị đe dọa bởi cuộc chiến này.
Tuy nhiên, những người chỉ trích sự mở rộng đáp trả rằng NATO nên nói không với các nước Trung và Đông Âu. Sự mở rộng chắc chắn khiến Nga trở nên bất an. Dù NATO là một liên minh phòng thủ, nhưng chính phủ ở Moscow vẫn coi nó là một mối đe dọa. Khi Putin cố gắng đảm bảo an ninh cho mình, chẳng hạn bằng cách hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, NATO lại cho đó là sự hung hăng ngày càng lớn của Nga. Sự kiện đặc biệt có tính khiêu khích là hội nghị thượng đỉnh Bucharest của NATO năm 2008, nơi đã hứa hẹn tư cách thành viên cho Ukraine và Gruzia, những quốc gia mà Nga coi là quan trọng đối với an ninh của mình.
Những tình huống khó xử về an ninh như vậy rất phổ biến trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, và chắc chắn là chúng tồn tại giữa Nga và phương Tây. Nhưng việc đổ lỗi rằng phương Tây đã kích động chiến tranh là một kết luận không đáng tin. Một lý do đến từ trong chính nước Nga. Putin ngày càng lạm dụng chủ nghĩa dân tộc và Chính thống giáo để củng cố quyền lực của mình. Ông cần đến những kẻ thù nước ngoài để thuyết phục người dân của mình rằng họ và nền văn minh của họ đang bị đe dọa. Đánh chiếm lãnh thổ Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014 cũng như hiện tại chính là một phần trong trò chơi đó.
Lý do thứ hai đến từ môi trường quốc tế. Nước Nga có một lịch sử lâu dài với tư cách là một cường quốc, và giống như hầu hết các đế quốc đang suy tàn khác, nước này nhận thấy viễn cảnh trở thành một quốc gia bình thường là điều khó lòng chấp nhận được. Dù NATO có mở rộng hay không, Nga vẫn sẽ kháng cự bằng vũ lực khi khu vực ảnh hưởng ở ngoại vi của nước này dần biến mất.
Có lựa chọn thay thế nào cho tư cách thành viên NATO không? Ở đây, lựa chọn của Phần Lan và Thụy Điển nói lên nhiều điều. Cả hai đều là thành viên lâu nay của Đối tác vì Hòa bình. Và rõ ràng, cả hai đều không cảm thấy rằng cơ chế này mang lại cho họ sự bảo vệ đầy đủ. Nếu một trong số họ bị tấn công, NATO sẽ không bị ràng buộc phải can thiệp. Vũ khí hạt nhân của Mỹ và Anh cũng sẽ không hỗ trợ cho họ, khác với các thành viên của liên minh.
Ngược lại, NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng cuộc tấn công vào một thành viên có thể được coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Khả năng bảo vệ của nó là rất rõ ràng. Thay vì tạo ra một môi trường lành mạnh, việc từ chối kết nạp các nước Trung và Đông Âu vào NATO sẽ tạo ra một khoảng trống an ninh mà Nga có thể muốn lấp đầy. Nếu vậy, cuộc chiến ngày nay có thể đã không diễn ra ở Ukraine, mà là ở Latvia hoặc Ba Lan.
Phần Lan và Thụy Điển đã đúng khi đi đến kết luận từ cuộc chiến bi thảm đang diễn ra ở Ukraine rằng: họ cần có thêm an ninh. Putin nguy hiểm và khó đoán không phải vì NATO, mà bởi cách ông đã lựa chọn để điều hành nước Nga. Đơn xin gia nhập của hai nước này sẽ nhanh chóng được chấp thuận. Giống như những lần mở rộng của NATO trong quá khứ, tư cách thành viên của họ sẽ giúp đảm bảo hòa bình cho châu Âu.