Thế giới hôm nay: 30/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cảnh sát Jerusalem đã bắn lựu đạn gây choáng vào những người Palestine đang ném đá và bắn pháo sáng phản đối cuộc tuần hành lớn sắp tới của những người Do Thái dân tộc chủ nghĩa cánh hữu đi qua Khu Hồi giáo của Thành phố Cổ. Trong những năm trước, người Hồi giáo đã bị nhốt bên trong một nhà thờ Hồi giáo ở khu Al-Aqsa trên Núi Đền khi người Do Thái mang cờ Israel diễu hành đánh dấu “Ngày Jerusalem,” dịp kỷ niệm Israel chiếm được nửa phía đông thành phố vào năm 1967.

Trong lần xuất hiện chính thức đầu tiên bên ngoài thủ đô Kyiv kể từ đầu cuộc xâm lược, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm thành phố Kharkiv và gặp gỡ binh sĩ tiền tuyến tại đây. Vào hôm thứ Bảy ông Zelensky đã miêu tả điều kiện ở vùng Donbas miền đông là “khó khăn không thể tả,” khi quân Nga tăng cường tấn công. Chính phủ ông tiếp tục kêu gọi các nước phương Tây gửi thêm vũ khí tầm xa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cảnh báo khối đoàn kết của EU xoay quanh các biện pháp trừng phạt Nga đang bắt đầu “sụp đổ” trước thềm cuộc họp của các lãnh đạo khối vào thứ Hai. Hôm thứ Bảy, Ủy ban châu Âu đề xuất tạm không hạn chế nhập khẩu dầu Nga qua một đường ống dẫn quan trọng nhằm xoa dịu chính phủ Hungary, bên luôn phản đối cấm vận.

Tổng thống Joe Biden đã đến Uvalde, Texas, để gặp gia đình của 19 trẻ em và hai người lớn bị bắn chết tại trường học ở đây vào tuần trước. Hiện cảnh sát của thị trấn đang bị chỉ trích kịch liệt vì phản ứng quá chậm chạp trước sự việc. Trong khi đó, phó tổng thống Kamala Harris kêu gọi ra luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn, bao gồm một lệnh cấm vũ khí tấn công. Phát biểu được bà Harris đưa ra trong đám tang của một phụ nữ thiệt mạng do vụ xả súng trước đó tại siêu thị ở Buffalo, New York.

Thùng phiếu chính thức mở cho cuộc bầu cử tổng thống Colombia. Các cử tri sẽ lựa chọn giữa Gustavo Petro, một cựu chiến binh du kích với hy vọng trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên của đất nước; Federico “Fico” Gutiérrez, người đại diện cho liên minh các đảng cánh hữu; và Rodolfo Hernández, một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy đang chạy đua độc lập.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, cho biết đàm phán với các nhà ngoại giao Phần Lan và Thụy Điển đã không thuyết phục được ông chấp nhận cho họ gia nhập NATO. Ông Erdogan cáo buộc hai nước này chứa chấp các thành viên của Đảng Công nhân Kurdistan, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố, và những người ủng hộ Fethullah Gulen, nhân vật bị Erdogan cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính 2016.

Một số dịch vụ giao thông công cộng đã hoạt động trở lại ở Bắc Kinh từ Chủ nhật, sau khi các quan chức tuyên bố kiểm soát được đợt bùng dịch mới nhất ở thủ đô của Trung Quốc. Còn tại Thượng Hải – hiện với số ca nhiễm thấp nhất kể từ giữa tháng 3 – chính quyền thông báo sẽ nới lỏng yêu cầu xét nghiệm tại các địa điểm công cộng từ thứ Tư, trong bối thành phố nỗ lực dỡ bớt phong toả sau hai tháng.

TIÊU ĐIỂM

Cuộc đấu giành quyền ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Trong Thế chiến II, Mỹ đã ngăn đà tiến của quân Nhật bằng chiến thuật nhảy cóc qua các đảo ở Thái Bình Dương. Giờ đây, đến lượt Trung Quốc tiến hành chiến dịch ngoại giao với các đảo quốc để đảm bảo một chỗ đứng vững chắc trong khu vực. Trước tình hình đó, mục tiêu của Mỹ là làm chậm bước Trung Quốc.

Hiện bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du 8 quốc gia ở Thái Bình Dương. Và kể từ hôm thứ Năm, ông Vương đã ký kết thỏa thuận kinh tế với Kiribati và Samoa. Vào thứ Hai này tại Fiji, ông dự kiến sẽ công bố một hiệp ước ngư nghiệp, an ninh cũng như các lĩnh vực khác với mười quốc gia Thái Bình Dương.

Dường như Trung Quốc đang muốn nối tiếp hiệp ước an ninh vừa ký hồi tháng 4 với quần đảo Solomon, mà Mỹ lo ngại sẽ giúp Bắc Kinh xây căn cứ hải quân tại đây. Mỹ và các đồng minh ngay lập tức vào cuộc. Ngoại trưởng mới của Australia, Penny Wong, đã vội vã đến Fiji vào tuần vừa rồi để cam kết hỗ trợ “không ràng buộc” trong các lĩnh vực bao gồm quốc phòng và biến đổi khí hậu. Fiji cũng đã được lôi kéo tham gia sáng kiến thương mại mới của Mỹ, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

EU tìm cách thông qua gói cấm vận Nga

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau tại Brussels vào thứ Hai, lần thứ tư kể từ khi chiến tranh bùng nổ ngay trước mắt họ. Đứng đầu chương trình nghị sự không gì khác chính là cuộc chiến ở Ukraine.

Tiến trình của gói trừng phạt thứ sáu nhắm vào Nga đã bị đình trệ. Mục quan trọng nhất của nó, một lệnh cấm vận dầu Nga, đã bị phản đối bởi Hungary, quốc gia sẽ chỉ đồng ý nếu EU tài trợ cho họ nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng của mình. Thứ Bảy vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tạm thời chưa hạn chế nhập khẩu dầu Nga qua một đường ống quan trọng dẫn vào Hungary.

Các lãnh đạo EU cũng sẽ xem xét cách hỗ trợ tốt nhất về mặt quân sự cho Ukraine. Ngoài ra họ cũng sẽ nói về các vấn đề an ninh lương thực khi Nga phong tỏa các cảng của Ukraine. Châu Âu đều biết giá ngũ cốc cao sẽ đẩy các nước châu Phi và Trung Đông vào bất ổn, từ đó tạo ra dòng người di cư lớn vào khối.

Bắc Ireland họp nghị viện mới

Vào thứ Hai, nghị viện Bắc Ireland sẽ nhóm họp tại Stormont, trụ sở chính của chính quyền bán tự trị này, lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử nghị viện tháng 5 vừa qua. Cuộc họp được triệu tập sau một bản kiến nghị của Sinn Féin, đảng ủng hộ Ireland thống nhất vừa về nhất trong cuộc bầu cử. Cuộc họp dự kiến sẽ bầu chủ tịch và phó chủ tịch nghị viện, đồng thời bổ nhiệm thủ hiến và phó thủ hiến. Nhưng ít ai mong đợi nhiều vào một sự đột phá.

Đảng thân Anh lớn nhất, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP), đã chặn tiến trình bổ nhiệm các ghế trong chính phủ mới. Mục tiêu của họ là biểu tình phản đối quy chế Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit do Anh ký với EU, trong đó quy định một biên giới thương mại ở Biển Ireland. Lãnh đạo của DUP, Jeffrey Donaldson, đã gọi cuộc triệu tập nghị viện là “diễn trò.” Sẽ không có gì lạ nếu hai bên không thể tiến tới một thoả thuận. Trong 22 năm tồn tại, chính phủ bán tự trị của khu vực đã không hoạt động tới một phần ba khoảng thời gian đó.

Qatar phát triển dự án giải mã trình tự gen

Hơn một nửa số đám cưới ở Qatar và Saudi Arabia là giữa những người có quan hệ họ hàng với nhau. Con số này ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng cao gần bằng. Ưu điểm của việc này là giữ chặt mạng lưới quan hệ họ hàng và giữ tài sản trong gia đình. Nhưng nó cũng gây ra một loạt các rối loạn di truyền. Và ngay cả khi người Qatar hoặc UAE kết hôn bên ngoài gia đình, số lượng bạn đời tiềm năng của họ cũng là rất nhỏ. Để khắc phục, Qatar đang phát triển một phương pháp.

Chương trình Bộ Gen Qatar đã giải mã trình tự gen của gần 1/10 dân số Qatar. Tới một ngày nào đó, cơ sở dữ liệu gen lớn hơn sẽ cho phép các bác sĩ thực hiện xét nghiệm di truyền trước hôn nhân. Ngoài ra việc sắp xếp trình tự các bộ gen Ả Rập cũng sẽ làm phong phú thêm kho dữ liệu của thế giới. Kể từ khi Dự án Bộ Gen người lần đầu tiên lập bản đồ đầy đủ DNA con người vào năm 2003, các nhà khoa học đã giải trình tự gen của khoảng 1 triệu người trên toàn thế giới. Nhưng người Trung Đông chỉ chiếm chưa đến 1% trong số đó, dù chiếm tới khoảng 5% dân số thế giới. Việc thêm các bộ gen cùng tổ tiên như người Ả Rập, theo một nhà di truyền học, có giá trị như một “thí nghiệm con người thực sự.”