04/06/1916: Chiến dịch Brusilov

Nguồn: Brusilov Offensive begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, Trận Lutsk đã đánh dấu khởi đầu của Chiến dịch Brusilov, chiến dịch tấn công lớn nhất và thành công nhất của quân phe Hiệp ước trong Thế chiến I.

Khi thành phố-pháo đài Verdun, Pháp, bị quân Đức bao vây vào tháng 02/1916, người Pháp đã đề nghị hai thành viên phe Hiệp ước còn lại, Anh và Nga, tiến hành tấn công vào các khu vực khác để buộc Đức phải chuyển hướng nguồn lực cũng như sự chú ý của họ khỏi chiến trường Verdun. Trong khi người Anh còn đang lên kế hoạch cho cuộc tấn công mà họ dự kiến sẽ phát động gần sông Somme vào đầu tháng 7, thì người Nga đã có phản ứng nhanh hơn – một cuộc tấn công thất bại vào tháng 3 tại Hồ Narocz, trong đó lính Nga bị quân Đức tàn sát hàng loạt mà không mang lại tác động đáng kể nào đối với tình hình Verdun. Tuy nhiên, Nga còn âm mưu một cuộc tấn công nghi binh khác ở khu vực phía bắc của Mặt trận phía Đông, gần Vilna (thuộc Ba Lan ngày nay).

Trong khi cuộc tấn công Vilna đang được lên kế hoạch, Tướng Alexei Brusilov – một cựu kỵ binh và quý tộc 63 tuổi vào tháng 3/1916 đã được trao quyền chỉ huy Đội Quân Tây Nam (người Nga chia quân đội của họ thành ba nhóm chính, Bắc, Đông, và Tây Nam). Ông đã thúc ép cấp trên trong một cuộc họp vào tháng 4 để cho phép ông tấn công, dù không có chiến dịch nào được lên kế hoạch cho phần phía tây nam của mặt trận. Brusilov lý luận rằng chí ít các cuộc tấn công của ông sẽ phân tán lực lượng khỏi khu vực khác và đảm bảo thành công cho cuộc tấn công của họ ở phía bắc. Mặc dù ông đã nhận được cái gật đầu đồng ý, nhưng các tướng lĩnh khác của Nga không mấy tin tưởng vào chiến lược của Brusilov.

Đội quân của Brusilov bắt đầu tấn công vào tập đoàn quân số 4 của Áo-Hung tại thành phố Lutsk (ngày nay thuộc Ukraine), vào ngày 04/06/1916, bằng đợt bắn phá của gần 2.000 khẩu pháo dọc theo một mặt trận dài 200 dặm, trải từ đầm lầy Pripet đến vùng Bukovina về phía tây nam, ở chân núi Carpathian. Dù quân Áo tại Lutsk, dưới quyền chỉ huy của Hoàng tử Joseph Ferdinand tự mãn, có quân số áp đảo quân Nga – 200.000 so với 150.000 – sự thành công của Brusilov đã xóa sổ lợi thế này, chọc thủng tiền tuyến của Áo, đưa quân đánh tràn về phía trước, bắt giữ 26.000 tù nhân trong một ngày.

Trong vòng hai ngày, quân Nga tiêu diệt Tập đoàn quân số 4, tiến thêm 75 km dọc theo mặt trận dài 20 km, và kết thúc hoàn toàn sự nghiệp của Joseph Ferdinand. Khoảng 130.000 thương vong – cộng với việc bắt giữ hơn 200.000 tù nhân – đã buộc chỉ huy người Áo, Conrad von Hötzendorf, phải ra lệnh dừng cuộc tấn công chống lại Ý ở vùng Trentino, để chuyển hướng súng đạn và sư đoàn về phía đông. Ngày 15/06, Conrad nói với người đồng cấp Đức, Erich von Falkenhayn, rằng họ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất của cuộc chiến – một sự thật khiến Falkenhayn, người vẫn luôn lạc quan về việc quân Pháp sắp đầu hàng tại Verdun, hoàn toàn bất ngờ. Đối mặt với sự hoảng sợ của quân Áo trước lính Nga, ông buộc phải điều động thêm 4 sư đoàn Đức từ phía tây, theo đó cho phép Pháp phản công thành công tại Verdun vào ngày 23/06, chỉ một ngày trước khi trận pháo kích đầu tiên của Anh bắt đầu tại Somme.

Được mệnh danh là Vị tướng Sắt, người được quân đội của mình kính trọng và yêu quý, Brusilov dựa vào sự chuẩn bị kỹ càng cho trận chiến và việc đảm bảo thực hiện mọi mệnh lệnh của ông kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Đợt tấn công ngày 04/06 đã mở đường cho chuỗi chiến thắng trước quân đội Áo trên khắp khu vực tây nam của Mặt trận phía Đông, buộc Đức phải từ bỏ kế hoạch tấn công năm 1916 của chính họ tại Pháp, để cứu nguy cho đồng minh – ngay cả khi họ phải chiến đấu chống lại một chiến dịch mới của Anh tại Somme vào tháng 7. Tuy nhiên, đến tháng 9, các nguồn lực của Nga đã bắt đầu cạn kiệt và Chiến dịch Brusilov cũng đạt đến giới hạn của nó; chiến dịch chính thức bị ngừng vào ngày 20/09/1916, sau khi đã làm quân đội Áo-Hung thiệt hại đáng kinh ngạc – lên tới tổng số 1,5 triệu người (bao gồm 400.000 người bị bắt làm tù binh) và chiếm được khoảng 25.000 km vuông lãnh thổ.

Dù tình trạng hỗn loạn và cách mạng đã khiến nước Nga suy sụp vào năm 1917, buộc quân đội của nước này phải tan rã và Nga phải rời khỏi cuộc chiến – một thực tế đã khiến thành công của Chiến dịch Brusilov bị lãng quên – nhưng chiến dịch này vẫn chiếm được nhiều lãnh thổ của đối phương hơn bất kỳ cuộc tấn công nào khác của phe Hiệp ước trên các mặt trận. Hơn nữa, một Áo-Hung suy yếu vĩnh viễn đã chẳng còn có thể đóng một vai trò quan trọng nào nữa trong cuộc chiến. Quân đội của nước này đã bị hạ cấp, làm những công việc như bảo vệ chiến hào khỏi lực lượng Ý vốn yếu hơn, còn Đức hầu như chỉ chiến đấu một mình trong hai năm cuối cùng của Thế chiến I.