Nguồn: Stephen M. Walt, “Will Teaching Aggressors a Lesson Deter Future Wars?,” Foreign Policy, 02/06/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lời kêu gọi giành chiến thắng quyết định trước quân Nga là sai lầm, và không nhất thiết sẽ ngăn cản Putin hoặc những người khác sử dụng vũ lực.
Những nhân vật phương Tây – chẳng hạn như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg – ủng hộ việc hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho Ukraine đôi khi ám chỉ rằng một thất bại quyết định đối với người Nga sẽ giúp ngăn cản chiến tranh trong tương lai ở những nơi khác. Nếu Nga bị đánh bại hoàn toàn, hoặc chí ít là không thể đạt được bất kỳ lợi ích đáng kể nào, thì phương Tây sẽ chứng minh rằng “hiếu chiến là vô ích.” Không chỉ riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ rút ra bài học cho mình và không bao giờ thử bất cứ điều gì giống như cuộc chiến này nữa, mà các nhà lãnh đạo khác đang dự tính sử dụng vũ lực – chẳng hạn như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – cũng buộc phải suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động tương tự.
Một số nhà quan sát, chẳng hạn như Francis Fukuyama, thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng một thất bại mang tính quyết định của Nga có thể chấm dứt tình trạng khó khăn mà chủ nghĩa tự do phương Tây đang trải qua trong những năm gần đây, và khôi phục lại “tinh thần của năm 1989”.
Tuy nhiên, nếu Ukraine và phương Tây không thể khiến kẻ hiếu chiến là Nga phải hứng chịu thất bại nặng nề, và nếu Kyiv cuối cùng buộc phải thỏa hiệp với Moscow, thì những lý tưởng phi tự do sẽ được chứng thực phần nào, và nguy cơ xảy ra chiến tranh trong tương lai (bao gồm cả những ván cược mới của người Nga) sẽ tăng lên. Như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viết trên tờ New York Times: “Nếu Nga không phải trả giá đắt cho hành động của mình, điều đó sẽ gửi một thông điệp tới những kẻ xâm lược khác rằng họ cũng có thể chiếm đóng lãnh thổ và buộc nước khác phải phục tùng.” Đáng báo động hơn, nhà sử học Timothy Snyder cảnh báo rằng “số phận của các nền dân chủ đang trong thế ngàn cân treo sợi tóc.”
Các lập luận kiểu này đã trở thành đặc điểm của đường lối cứng rắn (và đặc biệt là của chủ nghĩa tân bảo thủ) trong hàng thập niên qua. Giống như lý thuyết domino, thứ vẫn còn tồn tại dù thường xuyên bị bác bỏ, những tuyên bố như vậy biến kết quả của một cuộc xung đột đơn lẻ thành cuộc tranh đấu cho số phận của toàn bộ hành tinh. Lựa chọn mà chúng ta được cho là phải đối mặt là một lựa chọn cực kỳ khó khăn. Con đường thứ nhất: một trật tự tự do mới hồi sinh, dẫn đầu bởi một liên minh thống nhất của các nền dân chủ mạnh mẽ, yêu chuộng hòa bình, và một tương lai nơi chiến tranh là hiếm hoi còn sự thịnh vượng thì có mặt ở khắp nơi. Con đường thứ hai: một thế giới của những chế độ chuyên chế mới nổi, chủ trương xóa bỏ nhân quyền, và gây thêm nhiều chiến tranh hơn nữa. Theo quan điểm này, Ukraine phải thắng, thắng lớn, bởi nếu không mọi thứ sẽ lụi tàn.
Việc đóng khung vấn đề theo cách này dẫn tới việc luôn phải nỗ lực hành động hơn nữa, và từ chối bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào, nhưng phải chăng sự lựa chọn vẫn luôn khó khăn như lời những người cứng rắn? Đánh bại một kẻ xâm lược có thực sự dạy những kẻ còn lại biết cư xử tốt hơn hay không? Thế giới hẳn đã bình yên nếu như giả định này là đúng, tuy nhiên, lịch sử thế kỷ trước lại cho chúng ta thấy điều ngược lại.
Hãy bắt đầu với Thế chiến I. Dù tất cả các cường quốc châu Âu đều đóng vai trò nhất định trong việc khơi mào chiến tranh, nhưng người Đức là động lực chính của Khủng hoảng Tháng Bảy năm 1914. Quá lo sợ trước sức mạnh ngày càng tăng của Nga, các nhà lãnh đạo Đức đã sử dụng vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand của Áo, cùng với cuộc đối đầu giữa Áo-Hung và Serbia làm cơ hội mở đường cho một cuộc chiến phòng ngừa nhằm giành bá quyền châu Âu. Kết quả là bốn năm chiến tranh kinh hoàng, Đức thất bại hoàn toàn dưới tay phe Đồng minh Hiệp ước, chế độ quân chủ Hohenzollern cũng như các đồng minh Áo-Hung và Ottoman đều đi đến hồi kết, và một hiệp ước hòa bình có tính trừng phạt nặng nề đã được áp đặt.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng rằng Đức đã thất bại vẫn không khiến Adolf Hitler chùn bước khi thực hiện nỗ lực của riêng mình nhằm giành lấy bá quyền châu Âu 20 năm sau đó. Mà thật ra, chính câu chuyện về việc Đức bị đâm sau lưng và nền hòa bình khắc nghiệt mà Hiệp ước Versailles áp đặt đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã và tạo tiền đề cho một cuộc chiến khác. Cuộc tàn sát trong Thế chiến I cũng không dạy cho Đế quốc Nhật hiểu rằng cố gắng xây dựng đế chế của riêng mình ở châu Á là một ý tưởng tồi.
Những kẻ xâm lược chính này đã bị trừng phạt nghiêm khắc trong Thế chiến II. Nhật Bản liên tục bị dội bom, và hai trong số các thành phố của nước này đã bị phá hủy bởi bom nguyên tử; Đức bị chiếm đóng và sau đó bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt; Hitler và nhà lãnh đạo Ý Benito Mussolini đều mất mạng. Thật khó để tìm ra ví dụ nào nổi bật hơn cho “hiếu chiến là vô ích”, nhưng điều tốt là Đức và Nhật đều đã học được bài học đó. Tuy nhiên, bài học này không ngăn được Kim Nhật Thành tấn công Hàn Quốc vào năm 1950 (với sự ủng hộ hoàn toàn từ Joseph Stalin), hay thuyết phục nhiều nhà lãnh đạo khác ở châu Á hoặc Trung Đông rằng tiến hành chiến tranh luôn là điều không khôn ngoan.
Tương tự, người ta có thể nghĩ rằng kinh nghiệm của Pháp và Mỹ ở Việt Nam sẽ là một lời nhắc nhở sống động và lâu dài về sự nguy hiểm của thói kiêu ngạo và giới hạn của sức mạnh quân sự, chưa kể đến sự vô ích của việc cố gắng xây dựng quốc gia nơi một xã hội bị chia rẽ sâu sắc, mà không có một đối tác địa phương đủ tài năng. Tuy nhiên, chính quyền George W. Bush đã chẳng quan tâm đến bài học này khi xâm lược Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.
Xin lưu ý, không chỉ các cường quốc mới phải gánh những bài học cay đắng sau khi phát động một cuộc chiến tranh gây hấn. Quay trở lại năm 1982, chính quyền quân sự của Argentina tuyên bố rằng quần đảo Falkland thuộc Anh (mà họ gọi là Malvinas) là của họ và quyết định chiếm lãnh thổ bằng vũ lực. Quân Anh đã đánh chìm soái hạm của Hải quân Argentina và chiếm lại quần đảo thành công, trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Argentina cuối cùng đã đẩy các vị tướng ra khỏi chiếc ghế quyền lực.
Saddam Hussein của Iraq cũng phải chịu số phận tương tự. Quyết định tấn công Iran của ông vào năm 1980 đã dẫn đến gần 8 năm chiến tranh, khiến hàng trăm nghìn người Iraq thiệt mạng và nền kinh tế Iraq suy sụp. Hai năm sau, ông quyết định giải quyết các vấn đề kinh tế mà cuộc chiến đầu tiên đã tạo ra bằng cách chiếm Kuwait láng giềng, chỉ để rồi phải chịu cảnh bị đẩy lùi trong ô nhục bởi một liên minh do Mỹ dẫn đầu, và phải chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Liên Hiệp Quốc. Kẻ hiếu chiến đã không thu được gì trong cả hai trường hợp, nhưng những thất bại của Saddam không ngăn cản các quốc gia khác – kể cả một số nền dân chủ nổi bật – tự mình phát động những cuộc chiến mới.
Nếu những thất bại đau đớn thực sự gửi đi cảnh báo rõ ràng cho những kẻ hiếu chiến khác, thì kinh nghiệm của Liên Xô và Mỹ ở Afghanistan, cũng như kinh nghiệm của Mỹ ở Iraq sau năm 2003 đáng lẽ phải dạy cho Putin và các cộng sự của ông rằng xâm lược Ukraine có khả năng kích động một phản ứng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và khuyến khích các cường quốc bên ngoài làm mọi điều họ có thể để cản trở mục tiêu của Tổng thống Nga. Chắc chắn ông biết rằng Mỹ đã ngăn Liên Xô chiếm đóng Afghanistan bằng cách viện trợ cho phiến quân thánh chiến, tương tự như những gì Syria và Iran đã làm để giúp quân nổi dậy Iraq đánh bại nỗ lực của Mỹ ở Iraq. Bài học của hai cuộc xung đột này đã quá rõ ràng, nhưng Putin dường như đã tự thuyết phục mình rằng chúng không thể áp dụng cho Ukraine.
Tất nhiên, không phải mọi cuộc chiến xâm lược đều kết thúc bằng thất bại, nhưng không thiếu những trường hợp kẻ xâm lược phải hứng chịu thất bại nặng nề, và kẻ bắt đầu cuộc chiến phải trả giá đắt cho sự điên rồ của mình. Tuy nhiên, bài học “hiếu chiến là vô ích” thường bị bỏ qua hoặc lãng quên. Tại sao lại vậy?
Một lý do là bài học của mỗi cuộc chiến không phải lúc nào cũng rõ ràng, và mỗi cá nhân có thể rút ra một kết luận khác nhau từ một thất bại. Tham chiến thực sự là ý tưởng tồi ngay từ đầu, hay thất bại đến từ việc triển khai kém, hay đơn giản là do kém may mắn? Bài học từ một cuộc chiến thất bại cũng sẽ không được cân nhắc nếu các nhà hoạch định chính sách tin rằng tình thế lần này đã khác, và kiến thức mới, công nghệ mới, một chiến lược mới khôn ngoan hơn, hoặc một bối cảnh chính trị đặc biệt thuận lợi sẽ mang lại thành công cho lần đánh chiếm này. Đừng bao giờ đánh giá thấp những gì mà giới tinh hoa có thể nói ra để thuyết phục mình, nếu họ thực sự muốn tham chiến.
Vấn đề thứ hai – một vấn đề được nhấn mạnh trong công trình của học giả quá cố Robert Jervis – là con người có xu hướng coi trọng kinh nghiệm của chính mình hơn là kinh nghiệm của người khác. Các nhà lãnh đạo ở một quốc gia có thể rất quen thuộc với lịch sử nước mình (dù họ có thể đã tiếp thu một phiên bản cải biên của nó), nhưng họ sẽ ít biết và ít quan tâm hơn đến những gì đã xảy ra với các quốc gia khác trong những hoàn cảnh tương tự.
Thật dễ dàng để bỏ qua thất bại của một quốc gia khác, bằng cách cho rằng nguyên nhân chiến đấu của họ là không chính đáng, quyết tâm của họ không cao, và quân đội của họ không đủ năng lực như của “chúng ta.” Hơn nữa, bởi vì các quyết định tham chiến thường phản ánh sự cân nhắc phức tạp giữa các mối đe dọa, cơ hội, chi phí dự kiến, và các lựa chọn thay thế, những gì đã xảy ra với một quốc gia khác trong một cuộc xung đột hoàn toàn khác có thể không đóng vai trò lớn trong tính toán của những nhà lãnh đạo này.
Hơn nữa, những nhà lãnh đạo quyết định phát động chiến tranh thường nhận thức được rằng có rủi ro đi kèm, và đôi khi họ cũng thừa nhận khả năng chiến thắng là rất nhỏ. Ngay cả thế, họ vẫn sẽ “tung xúc xắc sắt” nếu họ tin rằng giải pháp thay thế thậm chí còn tồi tệ hơn. Xin lấy một ví dụ nổi bật, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vào năm 1941 hiểu rằng người Mỹ mạnh hơn rất nhiều và việc tấn công Trân Châu Cảng là một canh bạc lớn có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên, họ tin rằng giải pháp thay thế là cúi đầu trước áp lực của Mỹ, đồng thời từ bỏ nhiệm vụ giành vị thế cường quốc và thống trị châu Á – một kết quả mà họ cho là vô cùng tồi tệ.
Tóm lại, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không nên quyết định hành động ngày hôm nay của họ dựa trên niềm tin rằng chiến thắng ở Ukraine (hoặc Yemen, hoặc Ethiopia, hoặc Libya) sẽ làm xoay chiều lịch sử theo hướng có lợi cho họ. Kết quả của các cuộc xung đột ngày nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến cách các nhà lãnh đạo tương lai nghĩ về triển vọng của chính mình, khi họ quyết định có phát động chiến tranh hay không.
Có những lý do chính đáng để ủng hộ nỗ lực chống lại Nga của Ukraine (dù người ta có thể không thể đồng ý về mức độ của sự ủng hộ đó), nhưng tương lai của nền dân chủ không hề ở thế ngàn cân treo sợi tóc. Thay vì coi cuộc chiến này là cơ hội để dạy cho Nga một bài học, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc xác định các lợi ích và vấn đề cụ thể đang bị đe dọa ngay lúc này, và cố gắng đưa ra một giải pháp hòa bình có thể đem lại cho các bên những gì họ muốn đủ để ngăn chặn một đợt giao tranh khác.
Tìm ra cách để làm điều đó tự nó đã là một nhiệm vụ khó, nhưng chúng ta còn cần không tự lừa dối bản thân, rằng số phận của nhân loại phụ thuộc vào kết quả của nó.
Stephen M. Walt là một cây bút chuyên mục của Foreign Policy, ông đồng thời là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.