Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực giữ lại thế đa số ở quốc hội sau vòng đầu của cuộc bầu cử lập pháp ngày 12 tháng 6 vừa qua. Liên minh trung dung của ông, Ensemble, đạt gần ngang số phếu với liên minh cánh tả cực đoan của Jean-Luc Mélenchon, NUPES. Vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 6.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Tổ chức phi chính phủ này cho biết họ có bằng chứng cho thấy quân Nga đã giết hàng trăm thường dân ở Kharkiv khi pháo kích bừa bãi và sử dụng đạn chùm, một loại vũ khí bị cấm bởi luật pháp quốc tế. Trong khi đó trên thực địa, Nga đã phá hủy cây cầu cuối cùng còn lại nối Severodonetsk với một thành phố khác ở miền đông Ukraine, khiến không còn có thể sơ tán dân thường, một quan chức Ukraine cho biết.
Celsius Network, một công ty cho vay tiền điện tử của Mỹ, đã chặn toàn bộ yêu cầu rút tiền, khiến giá tiền điện tử nói chung đồng loạt trượt dốc. Bitcoin, loại tiền điện tử lớn nhất thế giới, xuống mức thấp nhất 18 tháng qua. Ngoài ra Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất, cũng đình chỉ rút Bitcoin. Kể từ tháng trước giá tiền điện tử đã giảm mạnh.
Một nhân chứng quan trọng cho các phiên điều trần ở Hạ viện Mỹ về cuộc bạo động Đồi Capitol đã đổi ý ngay trước khi đến lượt mình điều trần, với lý do “có chuyện gia đình khẩn cấp.” Bill Stepien là người quản lý chiến dịch tranh cử năm 2020 của Donald Trump. Ông chỉ miễn cưỡng ra làm chứng, và được cho là không muốn mắc tội bất tuân trát hầu tòa.
Cảnh sát Brazil và các đội cứu hộ địa phương đã bác bỏ thông tin về hai thi thể được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm nhà báo người Anh Dom Phillips và Bruno Pereira, một chuyên gia về các bộ lạc bản địa Brazil. Hai người này được báo cáo mất tích tại một vùng hẻo lánh của Amazon vào hôm 5 tháng 6. Gần đây họ đã bị đe dọa vì tiến hành điều tra trong khu vực, vốn là lãnh địa của những kẻ buôn bán ma túy cũng như đánh bắt, phá rừng và khai thác khoáng sản trái phép.
Cảnh sát Ấn Độ ngày càng sa lầy trong các cuộc xung đột tôn giáo. Kể từ tuần trước người Hồi giáo Ấn Độ đã bắt đầu biểu tình phản đối những nhận xét mang tính xúc phạm nhà Tiên tri Muhammad của đại diện Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, sau khi các chính phủ nước ngoài cũng phản đối. Kết quả là cái chết vào hôm thứ Sáu của hai thiếu niên gây ra bởi cảnh sát. Cuối tuần qua, bang Uttar Pradesh do BJP lãnh đạo đã phá dỡ nhà cửa của những người Hồi giáo bị nghi tổ chức biểu tình.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney đã công kích dự thảo luật được Anh công bố vào hôm thứ Hai, trong đó cho phép London đơn phương thay đổi cơ chế Bắc Ireland, một phần của hiệp ước Brexit. Ông nói với người đồng cấp Anh, Liz Truss, rằng điều này sẽ “gây tổn hại sâu sắc đến mối quan hệ giữa các đảo [tức Anh và Ireland] cũng như giữa Anh và EU.”
Con số trong ngày: 47%, là tỷ lệ cử tri đi bầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp, thấp nhất từ trước đến nay.
TIÊU ĐIỂM
Macron thăm Đông Âu
Hôm nay Emmanuel Macron sẽ tạm gác lại những lo lắng về bầu cử của ông. Trước đó, kết quả vòng một của cuộc bầu cử quốc hội sít sao cho thấy liên minh của tổng thống Pháp, Ensemble, có thể sẽ mất thế đa số trong vòng cuối vào ngày 19 tháng 6 tới. Nhưng trước mắt, trọng tâm của ông Macron là chuyến đi hai ngày đến Romania và Moldova.
Mục tiêu của ông là thể hiện cho các nước trung và đông Âu – và trên hết là Ukraine – thấy họ có sự ủng hộ của ông. Những bình luận gần đây của tổng thống về sự không cần thiết phải “làm bẽ mặt” Nga đã làm dấy lên nghi ngờ về ý định của ông trong khu vực. Ông sẽ đến thăm 500 binh sĩ Pháp đang tham gia hoạt động của NATO ở Romania, với hy vọng nhắc nhở khu vực rằng nước ông cũng đang tích cực tham gia hoạt động phòng thủ chung. Các trợ lý của ông Macron đã cố gắng làm rõ là “Pháp muốn Ukraine thắng trong cuộc chiến.” Một chuyến thăm của tổng thống sẽ làm rõ quan điểm đó.
Mô hình gửi người tị nạn sang Rwanda của Anh bắt đầu hoạt động
Vào tháng 4, Anh đã ký một thỏa thuận gửi thẳng người xin tị nạn đến Rwanda. Hôm nay đánh dấu chuyến bay đầu tiên rời Anh theo diện này. Sau đó Rwanda sẽ quyết định có cấp phép tị nạn cho họ hay không.
Bộ Nội vụ Anh tuyên bố chương trình có tác dụng ngăn chặn các đường dây kinh doanh buôn người qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền đầy nguy hiểm. Chỉ trong năm ngoái đã có hơn 28.000 người vào Anh theo lối này; với ít nhất 44 người mất tích, khả năng cao do chết đuối.
Song ngay cả ở Rwanda, một quốc gia nghèo và độc tài, người tị nạn cũng không được an toàn. Những người chỉ trích cho rằng chính sách này vô nhân đạo và bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu hủy các chuyến bay cho đến khi chính sách được xem xét lại vào tháng 7. Nhưng nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn chuyến bay đã thất bại vào hôm thứ Hai. Một số nước khác nhiều khả năng sẽ học theo cách làm của Anh. Hệ quả là hệ thống tị nạn trở thành nơi mà các nước giàu chỉ cần bỏ tiền là sẽ phủi hết trách nhiệm.
Tăng lãi suất đe dọa khả năng trả nợ của một số nước EU
Nền kinh tế của khu vực đồng euro đang ở một tình thế khó khăn. Lạm phát tiếp tục tăng, khiến kinh tế các nước thành viên ngày một yếu đi. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Mặc dù hợp lý, nó có thể làm sống lại một vấn đề cũ: khả năng thanh toán của các quốc gia mắc nợ cao, cụ thể là Ý.
Có hai chỉ số đáng để theo dõi sát sao. Chỉ số ZEW của Đức, vốn đánh giá tâm trạng thị trường tài chính của nước này, sẽ được công bố vào thứ Ba. Nó sẽ cho thấy triển vọng các tháng tới của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chỉ số còn lại là chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Ý với trái phiếu chính phủ Đức. Khoảng cách đã tăng từ khoảng 1,3 điểm phần trăm vào đầu năm lên 2,4, cho thấy nhà đầu tư xem trái phiếu của Ý rủi ro hơn. ECB đang xem xét một chính sách mới để thu hẹp khoảng chênh lệch này. Thị trường mong họ sớm có câu trả lời.