Thế giới hôm nay: 18/07/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cháy rừng tiếp tục tàn phá miền nam nước Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và bắc Phi, cũng như một số vùng ở Croatia, Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệt độ đã tăng lên trên 45℃ ở một số nơi, làm trầm trọng hơn nỗi sợ biến đổi khí hậu. Hiện hàng nghìn người đã phải sơ tán ở vùng Gironde của Pháp, tỉnh Málaga của Tây Ban Nha và một số vùng của Maroc. Tình hình sẽ không thuyên giảm trong những ngày tới. Anh cũng đã lần đầu tiên ra cảnh báo “nhiệt độ cực cao.”

Người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine nói Nga đang chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh tiếp theo. Ông cho biết bên cạnh các cuộc tấn công tên lửa từ đất liền và trên biển, pháo kích vẫn được bắn trên toàn bộ chiến tuyến. Hôm thứ Bảy, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho các đơn vị tăng cường tấn công để phủ đầu chiến dịch của Ukraine nhắm vào các khu vực bị Nga chiếm đóng.

Vụ tai nạn máy bay chở hàng lớn ở Hy Lạp đã làm dấy lên lo ngại về khói độc trong khu vực. Truyền thông Hy Lạp đưa tin chiếc máy bay này thuộc một công ty có trụ sở tại Ukraine, và đang chở khoảng 11 tấn “vật liệu nguy hiểm,” bao gồm cả chất nổ. Tất cả tám người trên máy bay đều thiệt mạng. Xe chữa cháy đã không thể tiếp cận hiện trường vì các vụ nổ vẫn tiếp diễn nhiều giờ sau vụ tai nạn. Cư dân gần đó được yêu cầu ở yên trong nhà.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trở về từ Trung Đông sau hội nghị thượng đỉnh tại Jeddah với các nhà lãnh đạo của 9 nước Ả Rập, nhưng không thể đạt được tuyên bố công khai về tăng sản lượng dầu hay thỏa thuận an ninh khu vực mới nhắm vào Iran. Dù vậy, ông nói Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Đông cho Trung Quốc hay Nga: “Hoa Kỳ sẽ không đi đâu cả.”

Cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 vừa khép lại tại Indonesia mà không đạt được đồng thuận về một số vấn đề quan trọng, chẳng hạn như liệu có nên miễn trừng phạt trong tương lai cho các lô hàng thực phẩm Nga hay không. Kỳ họp bộ trưởng tài chính G20 ở Mỹ hồi tháng 4 cũng kết thúc mà không có tuyên bố chung. Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết các bên tham dự đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, giá cả cao và hành động giải quyết biến đổi khí hậu.

Ranil Wickremesinghe, quyền tổng thống Sri Lanka, được đảng cầm quyền đề cử làm tổng thống chính thức. Ông sẽ thay thế Gotabaya Rajapaksa, người tuần trước đã chạy sang Singapore sau các cuộc biểu tình lớn của người dân. Ông Wickremesinghe nhiều khả năng sẽ có nhiều đối thủ khi các đề cử được đệ trình vào thứ Ba tới.

Các lãnh đạo châu Âu đã chúc mừng Bắc Macedonia sau khi quốc hội nước này thông qua các đề xuất cho phép họ mở đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu. Bắc Macedonia là một trong sáu quốc gia Tây Balkan bị kẹt ở vai trò ứng viên EU suốt gần hai mươi năm qua. Nguyên nhân là các tranh chấp kéo dài với Bulgaria về lịch sử và ngôn ngữ.

Con số trong ngày: 216.000, là ước tính số trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi nhà thờ Công giáo Pháp từ năm 1950 đến năm 2020.

TIÊU ĐIỂM

Nghiên cứu cho thấy có thể tạo ra vắc-xin một liều

Rất hiếm có vắc-xin một liều — và thường mọi người sẽ phải tiêm mũi tăng cường. Mỗi liều bổ sung có lượng hấp thu thấp hơn và ít kháng thể hơn. Nhưng giả sử bạn có thể tiêm một lần toàn bộ các kháng thể? Một bài nghiên cứu mới đây trên tạp chí Science Advances cho thấy cách các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển công nghệ vắc-xin tự tăng cường. Công nghệ này sử dụng các vi hạt rỗng làm bằng polyme phân hủy sinh học. Các vi hạt sẽ chứa vắc-xin, từ đó giải phóng thuốc khi lớp vỏ bên ngoài bị phá vỡ.

Bằng cách điều chỉnh thành phần polyme, các nhà nghiên cứu có thể xác định chính xác quá trình này diễn ra trong bao lâu, cho dù là theo tháng hay ngày. Công nghệ này rất quan trọng, không chỉ đối với đại dịch trong tương lai mà còn đối với các chương trình tiêm chủng ở các vùng sâu vùng xa, những nơi rất khó tiêm mũi tăng cường. Nó nghe như một câu chuyện cổ tích. Nhưng trong hai năm qua, các nhà sản xuất vắc-xin đã cho thấy nếu có đủ kinh phí, họ sẽ tạo ra được những điều diệu kỳ.

Ấn Độ sắp bầu tổng thống mới

Vai trò của tổng thống Ấn Độ chủ yếu mang tính nghi lễ, nhưng cuộc bầu cử cho chức vụ này, sẽ diễn ra vào thứ Hai, tạo cơ hội cho các đảng đối lập có được chiến thắng hiếm hoi trước Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền. Được biết 17 đảng đã thống nhất đứng sau Yashwant Sinha, một cựu bộ trưởng tài chính và ngoại giao của BJP.

Nhưng ông Sinha không chắc sẽ thắng. BJP và các đồng minh có ưu thế lớn trong cử tri đoàn bầu ra tổng thống. Hơn nữa ứng viên của họ, Draupadi Murmu, là một adivasi (thành viên tộc người thổ dân), qua đó làm chia rẽ phe đối lập. Nếu được bầu, bà Murmu sẽ trở thành adivasi đầu tiên (và người phụ nữ thứ hai) trở thành tổng thống. Vì thế, một số nhà lập pháp đối lập không thật sự muốn bỏ phiếu chống lại bà. Còn đối với BJP, có lẽ mục tiêu của họ là các thắng lợi bầu cử trong tương lai: bà Murmu sẽ giúp thu hút cử tri của các bộ lạc khi Ấn Độ tổng tuyển cử toàn quốc vào năm 2024.

Luật sư ở Anh đình công năm ngày

Lịch trình của các tòa án Anh và xứ Wales sẽ bị đình trệ ít nhiều. Vào thứ Hai, các luật sư hình sự sẽ bắt đầu cuộc bãi công kéo dài năm ngày, qua đó đưa một tháng đình công vừa qua lên đỉnh điểm.

Họ phản đối chế độ trả lương thấp. Theo quy định hiện tại, nhà nước sẽ thuê luật sư bào chữa nếu thân chủ của họ không đủ khả năng chi trả. Nhưng suốt nhiều năm qua các luật sư đã không được tăng lương. Một bản báo cáo vào tháng 11 năm ngoái đã ra khuyến nghị tăng 15% lương cho các trường hợp được đệ trình từ tháng 10 năm nay. Nhưng nhiều luật sư cho rằng bấy nhiêu là không đủ, đồng thời muốn nó áp dụng cho cả các vụ kiện đang được xử lý. Phát ngôn viên của hiệp hội luật sư hình sự đã cho biết nếu chính phủ không ra đề nghị tốt hơn, từ tháng Tám cứ hai tuần sẽ có đình công, đến vô thời hạn.

Hệ quả là Anh không thể tổ chức xử án kịp thời. Đại dịch covid-19 đã dẫn đến tồn đọng lớn; giờ đây đình công sẽ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.